Cách trang phục của người Bình Định xưa Thuở xưa, người Bình Định thường có quan niệm "ăn lấy chắc, mặc lấy bền", nên trong cách ăn mặc thường ngày cũng khá đơn giản, chỉ dùng vải ta, vải thao đũi may áo cho phù hợp với cuộc sống sinh hoạt và lao động trên đồng ruộng. Người Bình Định xưa thường mặc áo bà ba, cổ giữa, cổ kiềng, có hai túi ở vạt trước phía dưới và một túi nhỏ ở ngực trái. Trước đó còn có áo vạt hò, nút gài bên phải nhưng chỉ dài bằng áo bà ba. Lúc ra đồng cày cấy, đàn ông chỉ mặc áo bà ba và quần đùi cho tiện, chứ không mặc quần dài. Áo người đàn ông thường rách ở vai và lưng vì phải khuân vác nhiều. Người ta vá phần ấy bằng một miếng vải to, có khi không trùng màu, gọi là vá quàng. May vá là công việc của phụ nữ, nhiều người có thể nhận ra mũi kim đường chỉ của riêng mình. Vì thế mới có câu: Áo rách vai chồng ai không biết Áo vá quàng đó thiệt chồng tôi Người đàn bà đi làm cũng mặc áo dài; áo cụt chỉ mặc trong nhà. Quần thì dùng quần lưng vặn, với hai ngoai giắt trước bụng, trông lỏng lẻo nhưng chắc chắn vô cùng. Đàn bà con gái đều mặc yếm, phụ nữ lớn tuổi thường bịt khăn xéo, vừa để che đầu tránh nắng, tránh rét vừa có cái để túm đựng, làm tay nải khi cần. Đàn ông thì bịt khăn ngang, khi nói chuyện với kẻ trên trước thì thường tháo khăn nắm ở tay hay vắt ở vai. Các cụ già thường chít khăn đầu riều bằng lụa đỏ xanh. Đàn bà con gái đều mặc yếm. Họ mặc yếm thay cho áo lót như ngày nay nhưng không mấy người mặc yếm vải. Nếu không mặc được yếm lụa, yếm hàng, mà phải dùng vải thì cũng lựa thứ vải thật mịn thật tốt mà may. Yếm thường được may hai lớp, bên trong có túi để đựng tiền. Cổ yếm thì may rất công phu, vì thường để ló ra nơi cổ áo không gài nút. Mặc yếm, tiếng là để che ngực cho ấm nhưng sự thật là để giữ cho ngực thêm đẹp. Đàn ông thì mặc quần buộc dây lưng ống rộng. Dây lưng thường bằng đũi, bằng thao hoặc sang hơn thì bằng lụa, kiều cầu dài 3-4 thước quấn quanh bụng. Người bình thường dùng lưng rút hoặc lưng vận, lưng rút buộc chắc chắn hơn; còn lưng vận là lưng không may gập xuống, không có dây buộc mà là một phần dây vải lớn bản, khi mặc thắt thành nút trước rốn để giữ. Loại lưng này dễ sút nếu bị giật mạnh. Có câu chuyện vui kể về anh nhà nghèo cưới được cô hàng bán mắm dạo nhờ chiếc dây lưng loại này. Sau nhiều lần chọc ghẹo, hát hò không được, chàng nông dân nghèo được bạn bè bày cách dắt "lận" tiền trong lưng quần để đi mua nước mắm. Hôm ấy, cô hàng bán mắm dạo gánh đôi bầu đến đầu chái nhà thì anh nông dân chạy ra mua rất nhiều thứ: nào mắm ruốc, mắm cơm rồi cả chai nước mắm nhỉ, cầm cả hai tay mà không hết. Anh lụi cụi gom hết trong hai tay toan đi, nhưng sực nhớ chưa tính tiền nên quay lại nhờ cô hàng nước mắm lấy tiền đã dắt ở lưng quần. Cô gái tưởng thật mới sờ tay vào, vừa rút tiền ra thì dây lưng tuột mất, bày tất cả ra ngoài. Nhờ vậy mà hai người nên vợ nên chồng. Quần đàn ông thường màu trắng, còn áo thì lại nhuộm màu nâu, đen… Đàn bà dùng áo dài đen, quần đen. Quần trắng chỉ mặc trong đám tang hoặc lúc có hội hè đình đám. Đàn ông những lúc đi hội hè, đình đám thì mặc áo dài. Áo dài thường may vải tám, vải ú màu đen, nút trắng hoặc đen, cổ có bâu đứng, gài nút bên phải. Áo dài mặc với quần trắng, đi guốc gỗ, đầu đội khăn đóng, tay che dù. "Nếu đi guốc thì dùng guốc quai dọc, đẽo bằng gốc tre khô, bằng gỗ lồng mứt hoặc bằng vông. Guốc quai ngang mãi thời Pháp thuộc mới có song cũng ít thông dụng ở thôn quê. Ở thôn quê, để đi củi đi đuốc khỏi đạp gai, người nông dân thường dùng dép bằng da trâu phơi khô. Người sang thường dùng dép da lụa, nhất là đàn bà. Dép da thường kết quai dọc, mũi cong. Về sau có thêm thứ dép bướm bằng cườm xanh cườm đỏ. Các nhà đại phú và các nhà làm quan mới sắm nổi giày và mới được phép mang giày. Giày thường là giày dừa, may bằng nỉ hay nhung, trơn hay thêu kim tuyến hoặc kết cườm. Thời Pháp thuộc có thêm thứ giày da, tục gọi là giày hạ hoặc giày cá lóc. Thứ giày này "dễ mang" hơn giày dừa, song không phải ai cũng mang được. Phải là người có địa vị kha khá trong làng, trong tổng mới được mang. Ấy là nói những người trưởng giả, còn dân cày thì không có tiền sắm, lúc cần phải đi mượn áo dài, khăn đóng, còn guốc dép thì không quen đi nên vẫn cứ đi chân không cho chắc. Với lại đường làng thuở xưa toàn đất mấp mô, trơn trượt, người ta thường kẹp nách đôi dép chạy lúp xúp cho nhanh. Khi đến nơi mới rửa chân, xỏ dép vào cho đẹp, cho cung kính, trang trọng. Người Bình Định có dáng đi nhanh (chạy lúp xúp) chứ ít khi đi khoan thai chậm rãi, vì hồi ấy toàn đi bộ, nhà cách xa nhà nên phải như vậy. Ngay cả khi mang vác nặng như gánh hàng xén, gánh lúa… cũng đi chân không, chạy lúp xúp, trẻ con theo không kịp. Các chức sắc và địa chủ khá giả thường mặc áo dài ba tít, áo lương, áo lãnh… người có học thức mặc áo cặp, bên trong là áo dài trắng, bên ngoài áo dài lương, lãnh, may bằng vải thưa, đi giày hạ. - Gặp người quần lãnh áo lương Ngày dài tưởng nhớ, đêm trường chiêm bao. - Chàng ràng vì áo cụt nu, Vì dây lưng đỏ, vì dù cánh dơi. Theo nhà thơ Quách Tấn, người Bình Định đều "rất quí trọng đầu tóc. Họ coi đầu tóc là nơi thờ cha mẹ, nên một khi đã để tóc rồi, bất kỳ trai hay gái, trẻ hay già, không ai dám tự tiện cạo hay hớt bớt. Năm Mậu Thân (1908), trong khi phát động phong trào "khất sưu", các nhà lãnh đạo hô hào bên nam hãy cắt bỏ "cục ngu trên đầu", nghĩa là hớt tóc ngắn, bỏ tục bới tóc. Chỉ có một số hưởng ứng. Để khỏi bị bức bách, nhiều người phải trốn tránh trên lá mái hoặc trong núi trong rừng. Sau khi dập tắt được phong trào, bọn Pháp lùng bắt người, hễ thấy người nào tóc ngắn là bắt, bất kể ai… Thịt rơi máu chảy! Khủng khiếp gieo khắp nơi nơi! Nhưng từ ấy về sau, đồng bào Bình Định bắt đầu hớt tóc ngắn, trước ít sau đông dần. Khi còn để tóc, đàn ông cũng như đàn bà đều ưa xức dầu dừa cho láng tóc. Những người sang, có tiền thường dùng dầu dừa có mùi thơm, hoặc dầu ngoại hóa như Song Muội, Cô Ba…. Vì thế ca dao Bình Định mới có câu: Mài dừa đạp cám cho nhanh Lấy dầu mà chải tóc anh tóc nàng. Mài dừa dưới ánh trăng vàng Lấy dầu mà chải tóc nàng tóc anh. Dù đã có khăn đóng, khăn xéo, khăn đầu rìu để che nắng, nhưng người Bình Định, dù đàn ông hay đàn bà, đi đâu cũng không quên đội nón, bất kể trời nắng hay mưa, râm hay mát. Nón Gò Găng có hai loại: loại nón ngựa chụp bạc, chụp đồi mồi dành cho kẻ cao sang quyền quí; loại nón lá thường dành cho hạng bậc trung trở xuống. Cách ăn mặc của người Bình Định xưa khá giản dị. Có lẽ do điều kiện kinh tế và sự hội nhập hàng hóa chưa nhiều. Càng về sau, người Bình Định có cách phục sức thay đổi nhiều hơn. Các loại áo cụt, vạt hò, áo dài, quần lãnh, rồi guốc mộc, khăn đóng… càng ngày càng mất dần, chỉ xuất hiện lúc kỵ, lễ cúng. Đàn ông đi đâu xa thì mặc áo sơ mi, quần âu; quanh quẩn trong làng thì mặc pyjama thay cho bộ bà ba xưa. Giày dép thì đủ loại với nhiều chất liệu, mẫu mã tiện lợi, phù hợp cho mọi đối tượng. Còn phụ nữ thì mặc áo dài, tay rarlan, áo dài xẻ nách, áo cổ bâu, cổ đứng… với nhiều màu khá nền nã. Quần thì có quần dây thun đen hoặc trắng mặc với áo dài trong dịp lễ, tết. Còn ngày thường thì ai cũng vận sơ mi, quần âu hai ống, mang giày như các vùng khác trong tỉnh, trong nước. Càng về sau, cách ăn mặc càng thống nhất chung, khó phân biệt kẻ thị người quê như xưa nữa. . Cách trang phục của người Bình Định xưa Thuở xưa, người Bình Định thường có quan niệm "ăn lấy chắc, mặc lấy bền", nên trong cách ăn mặc thường ngày cũng. bậc trung trở xuống. Cách ăn mặc của người Bình Định xưa khá giản dị. Có lẽ do điều kiện kinh tế và sự hội nhập hàng hóa chưa nhiều. Càng về sau, người Bình Định có cách phục sức thay đổi nhiều. làng thuở xưa toàn đất mấp mô, trơn trượt, người ta thường kẹp nách đôi dép chạy lúp xúp cho nhanh. Khi đến nơi mới rửa chân, xỏ dép vào cho đẹp, cho cung kính, trang trọng. Người Bình Định