Vì Thích Hạc Mà Bị Mất Nước Hạc là một giống chim hình dáng thanh nhã, lại múa khéo, hót hay. Vua Ý Công nước Vệ đời Xuân Thu rất ham thích giống chim ấy. Trong cung nuôi hàng nghìn con. Tất cả đều được phong hàm phẩm cấp lương bổng. Những con đẹp mhất được ăn lộc Đại Phu. Những kẻ chăn nuôi được ăn lương rất hậu. Triều đình phải đánh thuế nặng nào dân để đủ tiền cấp dưỡng cho hạc. Và mỗi khi Vệ Công đi chơi thì có đoàn hạc gọi là hạc tướng quân đậu bao quanh xe loan. Ngót chín năm trời ở ngôi, Vệ Ý Công chỉ biết có hạc là quí. Mãi đến khi nước Bắc Dịch kéo quân sang xâm lấn bờ cõi, Vệ Ý Công mới thất kinh, hạ lệnh gọi quân đi đánh giặc. Dân nước Vệ bỏ trốn hết. Ý Công sai quan Tư Đồ đi khắp nơi chỉ độ trăm người, đem về tra hỏi. Dân đáp: - Chúa Công chỉ dùng một giống vật cũng đủ dẹp được quân Bắc Dịch, hà tất phải gọi lính làm gì? Ý Công hỏi giống vật gì, thì dân tâu rằng giống hạc. Ý Công nổi giận quát mắng: - Hạc làm sao đánh được giặc? Các ngươi sao dám dùng lời khi quân? Dân vẫn không chút sợ sệt, đáp lại rằng: - Chim hạc không dám đánh được giặc thì là đồ vô dụng. Thế mà Chúa Công đã ban tước lộc cho giống vô dụng, còn kẻ hữu dụng thì lại bỏ rơi. Như thế bảo sao trong lúc hữu sự dân chúng lại không bỏ trốn? Ý Công tỉnh ngộ, dịu giọng nói : - Nay ta biết lỗi. Ta sẽ theo ý dân đuổi hết chim hạc. Hai vị trung thần là Thạch Kỳ Tử và Ninh Trang Tử tâu xin nhà vua thực hành ngay ý định. Ý Công sai người đánh đuổi hạc đi hết. Nhưng hạc đã quen nơi ăn chốn ở, cứ quanh quẩn không chịu đi khỏi cung. Thạch Kỳ và Ninh Trang phải thân hành ra giữa chợ giảng dụ dân chúng, nói rõ lòng hối hận của Ý Công. Dân chúng mới chịu nhập ngũ. Tuy vậy lòng oán hận vẫn chưa nguôi, nên lúc đi đường ba quân hát những câu thật uất ức. Hát rằng: Hỡi hạc! Hỡi hạc! Lồng son cửa các, Lộc nước ơn vua. Ruộng lúa nương dưa Dân lo cày cấy. Hạc vui bay nhảy, Xuống ngựa lên xe, Dân cực trăm bề Vua nào hay biết ! Đến khi có việc Lại bắt tòng chinh! Đi phen này số phận mỏng manh! Đến khi ra trận, binh Vệ vẫn chưa được tập luyện, phần không có tinh thần chiến đấu, nên bị đại bại. Vệ Ý Công bị chết trong đám loạn quân và nước Vệ bị quân Bắc Dịch tàn phá! Vệ Ý Công vì hạc mà mất nước, ai nấy đều chê cười. Nhưng một danh Nho đời Tống là Lữ Đông Lai lại luận rằng: - Chưa dễ khinh Vệ Ý Công được! Vì người đời mỗi khi thấy đầu đỏ lông trắng, hai chân có sáu cạnh thì gọi là hạc, mà không thấy rằng nhưng kẻ sĩ ham phù hoa, thích phong cách cao đạo, kỳ thật trong trí óc không có gì, thì ngoài mặt hẳn là người mà trong lòng có khác gì giống chim hạc. Như lúc nước Tề thạnh vượng, nhà cao cửa rộng liên tiếp, thì vù vù như ong vỡ, cuồn cuộn như suối chảy, những hạng người đội mũ cao đeo gươm dài, khoát áo rộng thắt đai to, biện bác việc trời, tô điểm hình rồng, chí hướng dường vua Võ vua Thuấn. Nhưng đến khi xảy ra nạn Tề Mân Vương bị rút gân treo nóc nhà, nạn Tề Vương Kiến bị đày ra Cung Thành, bốn bề tòng bá, thì không có một ai ra tay đối phó! Như thế, bọn kia cũng chỉ là một bầy hạc của Vệ Ý Công mà thôi. Như lúc nhà Hán còn thạnh trị, những bậc văn hào chữ đẹp như dấu chân chim, như dấu trùng bò, tự khoe xuất chúng, ngày nào cũng tụ họp đông đầy, người nào cũng được ban tước phong quan, uy nghi, hiển hách, Ai cũng tưởng họ giúp nhà vua mưu cao kế sâu. Nào ngờ khi có giặc Huỳnh Cân, thiên hạ chấn động, lại không có một người dâng được một kế hoạch, không thấy một người hăm hở xông ra trước mũi gươm! Như thế, bọn kia cũng chỉ là một bầy hạc của Vệ Ý Công mà thôi. Như niên hiệu Vĩnh Gia đời Tấn, trong chốn Triều đình đầy rẫy những hạng người miệng lưỡi như suối chảy, ngày ngày uống rượu ngâm thơ, vui ngắm cảnh vật, tâm trí như đã thoát ra ngoài trần tục, phong độ dường ánh ngọc bích ngọc trai. Nhưng đến khi gặp phải nạn Ngũ Hồ thì lại để cho dân chúng lâm vào cảnh thịt băm trên thớt! Như thế, bọn kia cũng chỉ là một bầy hạc của Vệ Ý Công mà thôi. Như trong niên hiệu Phổ Thông (đời Lương), những hạng người buổi sớm cầu Kinh Phật, buổi tối giảng Đạo Lão, dân chúng ngồi chung quanh nghe bác bỏ nhau, vấn nạn nhau, gây thành phong tục một nước. Rồi ngày kia, bị Hầu Cảnh dấy binh hãm tại Đài Thành, các sĩ phu trong triều đeo thói kiêu căng quen thân biếng nhác, không biết cầm gươm cưỡi ngựa, đành phải bó tay chịu chết. Như thế, bọn kia cũng chỉ là một bầy hạc của Vệ Ý Công mà thôi. Xem qua vài nước và xét đến những nhân vật ngày thường được tin dùng, thì nhận thấy lời lẽ của họ, dung nghi của họ trong khi luận bàn hay thu tiếp, kể cũng đáng khen đáng mến lắm. Nhưng đến khi có quốc nạn, họ lại sửng sốt kinh hoàng, thì thử hỏi bọn ấy có hơn bầy hạc của Vệ Ý Công là bao nhiêu? Vậy tại sao dám khinh dễ Ý Công của nước Vệ? Bị đem ra dùng không phải là kẻ được nuôi dưỡng hàng ngày, kẻ được nuôi dưỡng hàng ngày lại không đem ra dùng! Cho người thân được nương vào chốn an ninh, buộc kẻ sơ ra nơi nguy hiểm. Cho người trên được hưởng lợi, ép kẻ dưới phải chịu hại! Làm như thế có khi nào lại tránh được mối hoạ của Vệ Ý Công. Lại nghĩ rằng: Hạc là giống chim được ghi nơi Kinh Dịch, được truyền trong Kinh Thi, được tao nhân mặc khách quí mến, thế là không phải giống chim thường. Vậy mà khi Ý Công chở trên xe dành riêng cho các quan đại phu, thì dân trong nước trở ghét hạc như diều hâu, kên, ó. Đó đâu phải là lòng thương ghét trên dưới khác nhau, mà chỉ vì tội ở không đúng địa vị. Kìa hạc là giống chim xưa nay được quí trọng mà khi ở sai địa vị còn bị ghét dường ấy, huống hồ lũ chim khác mà đặt sai địa vị thì bị thù ghét đến ngần nào? Đó là lời trích dịch ở sách Đông Lai Bác Nghị. Lời lẽ vừa vững chắc sâu sắc và tuy là văn nghị luận song vẫn có tiếng đàn ở ngoài dây tơ, Thật là ý vị. Và đó là chuyện bên Tàu. Bên ta cũng có một chuyện không kém phần " ngộ nghĩnh " . Rằng: Thời Trịnh Nguyễn phân tranh, ở Hà Đông có một vị quốc cửu ỷ thế lộng hành. Quốc cửu có nuôi một con hạc, cổ đeo bài ngà khắc chữ: " Ai đánh chết phải thường mạng". Nhân dân địa phương bị hạc quấy nhiễu, đành bóp bụng thở than. Cầm cân công lý ở Hà Đông lúc bấy giờ là quan án họ Cao. Quan rất bất bình, nhưng vì phận thấp thế yếu, đành phải nhịn nhục chờ thời cơ. Một hôm hạc đến phá một trại kia, bị bầy chó săn cắn chết. Chủ trại sợ quá đến lạy quốc cửu, xin đem hết tài sản để bồi thường. Nhưng quốc cửu nhất định không chịu, ra lệnh cho quan án bắt giam người chủ trại để hành hình. Quan án bắt người chủ trại và bầy chó săn giam chung một chỗ. Nhân dân rất phẫn uất, và ai nấy cũng đều đợi ngày đưa ma. Nhưng suốt mấy hôm không thấy quan án xét xử, Quốc cửu cho người đến giục. Quan xin thêm vài hôm để thảo bản án cho được chết lý. Trong lúc ấy quan lén cho gia quyến về Thăng Long, và thuê một chiếc thuyền con chực sẳn nơi bến vắng. Đoạn cho dẫn người chủ trại cùng bầy chó đến công đường và cho thỉnh Quốc cửu sang. Sau khi hỏi cung theo thường lệ, quan tuyên quán: Hạc chi bội bài Khuyển bất thức tự. Cầm thú tương thuơng, Ư nhân hà dự ? Nghĩa là : Hạc tuy đeo bài, Chó không biết chữ. Cầm thú hại nhau Việc chi người dự Rồi tha bổng người chủ trại và bầy chó săn. Quốc cửu tức quá, về điểm binh sang vây bắt quan án, thì quan án đã trốn xuống thuyền đi thẳng về Kinh Đô, đem mọi việc tâu lên vua. Vua giáng chỉ hạ ngục Quốc Cửu và cho quan án trở về nhiệm sở cũ. Ai nấy đều mừng. Câu chuyện hạc Tàu và hạc Ta, " tướng " tuy có phần khác, song " tánh" và "dụng" vẫn như nhau. Và cả hai đều có " ý tại ngôn ngoại " , phải ngẫm nghĩ mới hưởng trọn cái hay. . Vì Thích Hạc Mà Bị Mất Nước Hạc là một giống chim hình dáng thanh nhã, lại múa khéo, hót hay. Vua Ý Công nước Vệ đời Xuân Thu rất ham thích giống chim ấy. Trong. phần không có tinh thần chiến đấu, nên bị đại bại. Vệ Ý Công bị chết trong đám loạn quân và nước Vệ bị quân Bắc Dịch tàn phá! Vệ Ý Công vì hạc mà mất nước, ai nấy đều chê cười. Nhưng một danh. dân trong nước trở ghét hạc như diều hâu, kên, ó. Đó đâu phải là lòng thương ghét trên dưới khác nhau, mà chỉ vì tội ở không đúng địa vị. Kìa hạc là giống chim xưa nay được quí trọng mà khi ở