Trí Nhớ Bác sĩ Nguyễn văn Đích Ai trong chúng ta cũng có lúc gặp khó khăn về trí nhớ, từ cậu học sinh đến người lớn tuổi: những điều cần nhớ thì lại quên trong khi những điều muốn quên đi lại cứ lởn vởn trong đầu. Em bé mới sinh ra nhìn thấy và nhớ gương mặt và cử chỉ của bố mẹ. Bộ óc sơ sinh lúc đầu trống rỗng nhưng giác quan mỗi ngày một tiếp nhận thêm những điều mới từ bên ngoài, ghi nhân lại, liên kết chúng với nhau để biết rằng bố mẹ là những người cho mình ăn khi đói, thay tã khi ướt, thấy rằng đó là những người bảo vệ mình, từ đó cảm thấy gắn bó và lo sợ khi bị xa cách. Bộ óc sơ sinh cũng giống như một cái máy điện toán mới mua về, lúc đầu trống rỗng, chỉ sau khi đã cài đặt các phần mềm, ghi chép các tài liệu, mới có thể dùng để làm việc được. Những điều tiếp nhận từ các giác quan được giữ lại trong ký ức, tạo thành cái vốn hiểu biết, là nền tảng của mọi họat động trí tuệ. “Đi một dặm đàng học một sàng khôn”, những điều mắt thấy tai nghe, những kinh nghiệm trải qua giúp cho người ta khôn ngoan hơn. Trí nhớ bắt đầu bằng tiếp nhận cảm giác, lưu trữ cảm giác và truy tìm lại tức là nhớ và nhớ lại. Nhớ cũng giống như lưu trữ hồ sơ trong văn phòng, nếu không giữ hồ sơ hoặc không tìm lại được tức là mất và đối với não bộ, tức là quên. Cũng giống như sự làm việc trong văn phòng, có những hồ sơ cần lưu trữ dài hạn và có những chi tiết chỉ cần ghi chép lại để sau khi dùng xong thì bỏ đi nên có trí nhớ ngắn hạn và trí nhớ dài hạn. Trí nhớ ngắn hạn còn gọi là trí nhớ làm việc. Trí nhớ làm việc cần trong đời sống hàng ngày như nhớ một số điện thoại trong một thời gian vừa đủ để quay số đó, sau khi quay xong sẽ quên đi. Trí nhớ làm việc giảm ở người lớn tuổi do đó họ hay quên những việc mới xảy ra như không biết đã để chìa khóa ở đâu, hoặc muốn diễn tả một ý tưởng nhưng nói nửa chừng thì quên mất khúc đầu, nên không biết phải nói gì nữa! Giảm trí nhớ làm việc là hiện tượng thông thường ở người lớn tuổi tuy vậy nếu tập trung chú ý, họ vẫn có thể nhớ và nhớ chính xác. Người lớn tuổi cũng bị cái gọi là “lỗ hổng của trí nhớ” nghĩa là bỗng nhiên quên một chi tiết như quên tên một người bạn nhưng một lúc sau lại nhớ ra được. Để khắc phục trở ngại của sự giảm trí nhớ ngắn hạn, cần để các đồ dùng ở chỗ nhất định, ghi chép những việc cần làm, liên hệ các sự việc giống nhau với nhau để nhớ. Ca dao có câu: “Thấy lược thì nhớ đến gương, thấy khăn nhớ áo, đi đường nhớ nhau”. Trí nhớ dài hạn lưu trữ rất nhiều điều cần thiết trong thời gian vô hạn, như nguồn gốc của gia đình và bản thân, những giai đoạn đã trải qua trong đời, những điều đã học được như ngôn ngữ và nghề chuyên môn Những điều đã ghi vào trong óc từ lúc còn nhỏ sẽ tồn tại lâu dài, khó bị thay thế. Người xưa nói: “Dạy con từ thưở còn thơ ” * là vì vậy. Trong một lớp huấn luyện sau đại học của trường y khoa Harvard, tham dự là những ông già đầu bạc, họ là những bác sĩ đã hành nghề nhiều năm đã nghiên cứu và giảng dạy, một người nhắc lại một tư tưởng tâm đắc: “Những điều tôi học được, tôi đã học từ mẫu giáo”. Cái học quan trọng nhất là cái học làm người, sự huấn luyện kỹ thuật dù cao cấp và dẫn đến những thành tựu vật chất cũng chỉ đến sau. Bà mẹ của Mạnh Tử vì thấy nhà ở gần nghĩa địa nên con bắt chước chơi trò chơi đưa đám ma và chôn người chết nên dọn nhà đến gần trường học để cho con ham thích học hành. Giáo dục đầu đời đặt nền móng cho sự phát triển lâu dài nhưng nhiều khi còn chưa được chú ý đúng mức. Trí nhớ dài hạn bị phai mờ với thời gian nhưng nếu được lập đi lập lại thì vẫn được duy trì, ta nói: “Văn ôn vũ luyện”. Những việc gây cảm xúc mạnh thường dễ được nhớ lâu: “Cái buổi ban đầu lưu luyến ấy, ngàn năm chưa dễ đã ai quên!” Một số kỹ năng sau khi đã học và thực hành liên tục trở thành thói quen giống như phản xạ, khiến cho trí óc có thể tự do suy nghĩ trong khi vẫn làm việc như vừa lái xe vừa nói chuyện. Người lớn tuổi tuy khó tiếp thu cái mới hay học những động tác phức tạp nhưng lại tinh tường trong việc dùng chữ nghĩa, họ hiểu ý nghĩa của sự việc hơn. Khi nhìn người đối thoại cười, họ dễ biết được rằng cái cười đó là thật tình hay giả tạo. Não bộ phân tích cái cười so với trí nhớ của rất nhiều cái cười khác đã nhận được trong quá khứ. Có người nói: “Trí nhớ là khả năng để quên”, mới nghe có vẻ vô lý nhưng quên trong một phạm vi nào đó cũng cần thiết để dành chỗ tiếp nhận những ký ức mới. Đôi khi ta cũng cần phải quên như quên những lỗi lầm của người khác hay quên những nỗi buồn của bản thân để tiếp tục vui sống. Kỷ niệm kéo ta về quá khứ trong khi cuộc sống hướng về tương lai. Vậy quên là một hiện tượng thông thường; quên chỉ là bệnh khi cản trở sự sinh họat hàng ngày. Dấu hiệu của bệnh sa sút trí tuệ là quên khiến cho người bệnh cứ hỏi đi hỏi lại một câu hỏi, đi lạc trên con đường vẫn thường đi, không theo được lời chỉ dẫn, không làm được những động tác mà trước đây họ vẫn làm, lẫn lộn về thời gian về người và địa điểm, quên dần từ những kỷ niệm gần đến những kỷ niệm xa hơn đến mức không nhận ra con cháu và không biết mình là ai! Tỉ lệ của bệnh sa sút trí tuệ tăng với tuổi. Đầu óc của họ giống như cái máy điện toán bị xóa dần các dữ liệu đến mức trở thành trống rỗng. Tuy vậy không phải tất cả các người già đều lú lẫn, có những người già siêu việt dù lớn tuổi nhưng vẫn tinh tường như Alan Greenspan 80 tuổi vẫn điều hành nền kinh tế Hoa kỳ, Winston Churchill làm thủ tướng nước Anh từ 77 đến 81 tuổi và Konrad Adenauer làm thủ tướng nước Đức từ 73 đến 87 tuổi. Vậy làm sao để giữ gìn trí nhớ? Cần sống lành mạnh, không hút thuốc lá, không uống nhiều rượu, năng vận động để giữ gìn sức khỏe vật chất và tinh thần. Một tư tưởng từ ngàn xưa nhưng đến bây giờ vẫn đúng: “Một tinh thần minh mẫn trong một cơ thể khỏe mạnh”. Tế bào thần kinh cần được tiếp tế đủ máu và dưỡng khí để làm việc. Các bệnh tim mạch, cao huyết áp tiểu đường ảnh hưởng bất lợi đến tuần hoàn não. Vận động không những tăng cường sức lực của bắp thịt mà còn làm chậm sự tiến triển của bệnh sa sút trí tuệ. Nghiên cứu gần đây cho thấy vận động làm cho một bộ phận trong não có nhiệm vụ về trí nhớ trở nên lớn hơn. Cần ngủ đầy đủ vì trong khi ta ngủ não vẫn làm việc, quay lại cuốn phim của những họat động ban ngày, truyền các tín hiệu cho nhau, củng cố trí nhớ. Những hoạt động như đánh cờ, giải đáp ô chữ, làm việc tinh thần, tiếp xúc với người khác làm phát triển và duy trì sự kết nối của các tế bào thần kinh giúp bảo vệ trí nhớ. . dùng xong thì bỏ đi nên có trí nhớ ngắn hạn và trí nhớ dài hạn. Trí nhớ ngắn hạn còn gọi là trí nhớ làm việc. Trí nhớ làm việc cần trong đời sống hàng ngày như nhớ một số điện thoại trong. Giảm trí nhớ làm việc là hiện tượng thông thường ở người lớn tuổi tuy vậy nếu tập trung chú ý, họ vẫn có thể nhớ và nhớ chính xác. Người lớn tuổi cũng bị cái gọi là “lỗ hổng của trí nhớ nghĩa. Trí Nhớ Bác sĩ Nguyễn văn Đích Ai trong chúng ta cũng có lúc gặp khó khăn về trí nhớ, từ cậu học sinh đến người lớn tuổi: những điều cần nhớ thì lại quên trong khi