Nét đẹp Tokyo Tokyo đất chật người đông, nên xây trên cao, dưới mặt đất, tận dụng các eo núi, các khoảng không, và hầm ngầm chi chít. Tokyo đang dần trở thành Los Angeles - một thành phố có phong cách đa dạng, vừa cổ kính, vừa hiện đại, vừa lãng mạn vừa nghiêm túc, vừa trật tự vừa xô bồ. Tokyo về đêm, nhìn từ trên cao trông như những tảng núi lởm chởm với ánh đèn lung linh mờ ảo. Những cao ốc với kiểu dáng riêng mọc lên, chạy dài ngút mắt, trùng điệp và ngộp thở. Tokyo đất chật người đông, nên xây trên cao, dưới mặt đất, tận dụng các eo núi, các khoảng không, và hầm ngầm chi chít. Từ Hà Nội, chúng tôi dừng chân tại Quảng Châu gần bốn tiếng sau đó mới đáp chuyến bay C7765 đi Tokyo. Mãi đến 20g mới tới được sân bay Narita. Một chuyến đi thật dài để đặt chân đến đất nước mặt trời mọc. Chúng tôi được thông báo ngày mai sẽ tập trung để bắt đầu chuyến viễn thám tới tòa nhà Roppongi nổi tiếng của thủ đô Tokyo, cấm cung hoàng gia Nhật Bản, đi bộ đến phố cổ Asakusa và buổi tối sẽ thăm vịnh Tokyo bằng tàu. Lại sẽ có một ngày dài nữa! Còn bây giờ là được tự do! Tôi gọi điện cho Long - một kiến trúc sư trẻ đang học cao học tại Tokyo. Anh đến cùng cô bạn học người Nhật nhỏ con, đeo mắt kính dày cộm, ăn mặc đơn giản không màu mè. Trên chiếc xe Toyota của gia đình, cô gái chở chúng tôi đi một vòng Tokyo. Tokyo buổi tối khá lạnh mặc dù đã chớm sang hè, cái lạnh như toát ra từ núi Phú Sĩ hùng vĩ xa xa, cái lạnh của hoa anh đào và cái lạnh của bêtông, gạch đá, cái lạnh của gió biển. Núi Phú Sĩ Chúng tôi đến đại lộ Chuo Doni nổi tiếng, ở đó có đủ mọi màu da và vóc dáng, lứa tuổi. Tôi thích ngồi hàng giờ ở nơi đây để nhìn cái thế giới thu nhỏ này và nhận ra nhân loại gần gũi nhau biết bao. Tôi bỗng nhớ đại lộ Nguyễn Huệ, Đồng Khởi của TP.HCM, nhớ hồ Hoàn Kiếm với đường chạy bộ bao quanh, nhớ đôi bờ sông Hương của Huế, nhớ quảng trường Madison và đại lộ số 5 của New York, nhớ đại lộ Nam Kinh của Thuợng Hải, Champs Élysees của Paris, Orchard Road của Singapore… những con đường kỷ niệm của tôi mà hồn đô thị phảng phất như khói sương với những tiếng chào hỏi "Hi, Bonjour", những nụ cười thân thiện… Những cửa hàng bóng lộn, những siêu thị của đấng quân vương lướt qua trong mắt tôi. Tôi và Long lọt vào một cửa hàng toàn bằng kính với những hàng cột, những vòm mái, những lăng kính bằng thủy tinh trong suốt. Cái đẹp của nó thật mong manh, nhẹ nhàng, còn màu sắc cứ lung linh thay đổi. Đứng giữa cửa hàng này tôi không còn biết họ bán gì. Sau lớp kính đó, chỉ thấy những viên kim cương trần trụi, buông thả, hững hờ như những cô gái Nhật phô diễn nét đẹp trần trụi mà quí phái sau hàng thế kỷ giấu mình trong lớp vỏ geisha. Ngẩn ngơ như kẻ mộng du mà mải ngắm nhìn cái thứ vật liệu tuyệt vời đó, cái thứ vật liệu vô tri vô giác nhưng hình như biết nói, biết suy nghĩ. Tokyo có nhiều công viên hơn tôi tưởng. Đất là vàng, là bạc nhưng công viên lại là kim cương bởi đó mới chính là không gian sống, là bản sắc văn hóa của người Nhật. Đủ loại thông, đủ loại cỏ với bonsai và hoa cảnh. Công viên Yoyosi, công viên Ueno mênh mông. Thanh niên, nam nữ, người già, trẻ nhỏ tụ tập ở đây trong những ngày nghỉ lễ, hội hè. Những con đường nhỏ rải đá rợp bóng cây hoa anh đào, những cây hàng trăm tuổi rủ bóng che nắng, tuyết, mưa cho nhiều thế hệ. Quận Maronouchi Tokyo không có những cửa hàng Internet như Việt Nam (vì ai cũng có Internet cá nhân từ nhà đến công sở) nhưng lại có nhiều cửa hàng Pachico chơi với máy. Vào những nơi này tiếng máy kêu nghe vang cả óc, nhưng mọi người cứ thoải mái chơi miệt mài không ngưng nghỉ. Máy bắn bi này hình như có ma lực đối với người Nhật, nó có vẻ giống cái máy chống stress. Đêm đầu tiên ở Tokyo, tôi cứ thao thức mãi. Nhật Bản được hình thành từ 7.000 hòn đảo xếp thành hình cánh cung với bốn hòn đảo lớn. Hongshu là hòn đảo nằm giữa và lớn nhất, chiếm 80% dân số. Theo truyền thuyết, nó từng là một phần của đại lục châu Á, rồi tách ra vào thời kỳ băng hà với hàng ngàn ngọn núi nhô cao. Thái Bình Dương bao quanh và biển Nhật Bản ngăn cách dải đất này với Trung Quốc. Một đất nước với 70% đồi núi, 67 ngọn núi lửa còn hoạt động. Núi Phú Sĩ là ngọn núi cao nhất và được xem là biểu tượng tinh thần của đất nước Nhật. Sống chung với động đất và núi lửa, các thành phố của Nhật tập trung ở ven biển, có kiến trúc đặc thù để chịu đựng những cơn thịnh nộ của núi lửa và khí hậu dữ dội của vùng Syberi tràn xuống cùng những cơn bão biển nóng ẩm từ Thái Bình Dương thổi vào. Khí hậu thay đổi cực lạnh (tuyết rơi nhiều nhất trên thế giới) và cực nóng (42oC). Tokyo cũng là một thành phố ven biển, là thủ đô của Nhật Bản, một đất nước nổi tiếng thế giới với những hàng hóa xuất khẩu hàng đầu thế giới mang nhãn hiệu "Made in Japan" như xe cộ, sắt thép, công nghệ cao, điện tử gia dụng, tàu biển, máy móc, hóa chất, thông tin… 30 năm sau Chiến tranh thế chiến thứ hai, từ một đất nước điêu tàn, kiệt quệ, các thành phố hầu như bị phá nát, cầu cống sụp đổ… Nhật Bản đã bắt tay xây dựng lại và tạo nên những phép lạ mới: thu nhập đầu người ngang bằng nước Mỹ và 10 năm sau đã vượt Mỹ để dẫn đầu thế giới về kinh tế. Đền thờ Zojozi Các nhà đầu tư Nhật Bản đã đi khắp thế giới đặt nhà máy, mua cổ phần, tạo dựng các công xưởng. Họ nhanh nhạy nắm bắt sáng kiến phát minh và nghiên cứu sâu hơn, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng rồi đem bán khắp thế giới. Họ biết đứng trên vai người khổng lồ để phát triển! Máy tính là phát minh của người Anh nhưng người Nhật đã làm lại rồi bán khắp thế giới, tàu điện khí 200km/giờ của người Pháp nhưng người Nhật lại làm ra tàu 300km/giờ và được nhiều nước trên thế giới đặt hàng. Cũng như mọi dân tộc khác, nguồn gốc đất nước mặt trời mọc này cũng bắt đầu với bao truyền thuyết. Còn về mặt lịch sử, có giả thuyết cho rằng chủng tộc Mongoloid di cư đến từ Trung Hoa, Mãn Châu, Triều Tiên kết hợp với người Ainu thổ dân hình thành nên Nhật Bản. Những cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa các thị tộc liên tục diễn ra. Từ năm 794-1185 Heian- Kio, sau đó gọi tên Kyoto trở thành kinh đô chính thức. Đến năm 1192 triều đại Shogun với luật danh dự của Samurai nổi tiếng ra đời. Nhật Bản trở thành xã hội phong kiến, rồi đến năm 1333, Ashikaga nắm quyền nhưng đến 1574 triều đại này sụp đổ do các cuộc chiến liên miên nảy sinh từ sự cát cứ của các sứ quân. Đến thế kỷ 16, ba nhân vật vĩ đại Nobunaga Oda, Hideyoshi Toyotomi và Ieyasu Tokugawa đã thống nhất đất nước đặt nền tảng cho một nước Nhật phát triển. Nhưng Tokugawa vì nhiều lý do đã bế quan tỏa cảng gần hai thế kỷ. Sông Sumida, cầu Chuo-ohashi Năm 1867 hoàng đế Komei băng hà, người con 15 tuổi được đưa lên ngôi với tên hiệu hoàng đế Meiji (Minh Trị), và lúc đó gia tộc Tokugawa sụp đổ, quyền lực được vị hoàng đế trẻ tuổi này thống trị. Hoàng đế Meiji đã lập ra hiến pháp vào năm 1889 và hội đồng thể chế, cơ quan cai trị nước Nhật và tạo nên một nước Nhật dân chủ, tiền đề cho sự phát triển đất nước. Là vị vua trẻ ham học hỏi, ông đã kêu gọi nước Nhật cùng tìm tòi, nghiên cứu, bỏ qua quá trình phát triển thông thường mà tập trung vào các môn khoa học, kỹ thuật, gửi học sinh ra nước ngoài học tập, mời chuyên gia khắp nơi về giảng dạy. Các tập quán, xã hội của phương Tây được người Nhật tiếp thu, không phân biệt chính kiến, nhờ thế chỉ trong vòng 50 năm từ một nước phong kiến đóng cửa, Nhật trở thành một quốc gia hiện đại với nền kỹ thuật tiên tiến, giao thương với quốc tế và nhất là tạo ra được một lực lượng quân đội hùng hậu không thua kém các nước phương Tây. Từ đây bắt đầu một lịch sử cận đại mà người Nhật đã làm cho cả thế giới rung động với chủ nghĩa bành trướng, phát xít. Năm 1894 Nhật hạ nhục Trung Quốc với việc đòi khoản chiến phí khổng lồ. Năm 1905 chỉ trong hai ngày Nhật đã xóa sổ hạm đội Bantique của Nga, năm 1895 chiếm Đài Loan, 1910 thôn tính Triều Tiên, rồi đến năm 1941 tiến chiếm Việt Nam, rồi tràn xuống Hong Kong, Myanmar, Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Phillippines, tấn công Mỹ tại Trân Châu cảng (Hawaii), bá chủ một vùng rộng lớn. Nhật đầu hàng đồng minh vì hai quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima và Nagasaki. Tháng 8- 1945, Tokyo bị hơn 1.500 máy bay ném bom tấn công phá hủy nhiều công trình kiến trúc quan trọng. Nhật Bản chính thức đầu hàng. 30 năm hậu chiến là thời kỳ Nhật Bản tập trung phát triển kinh tế, dùng kinh tế đi chinh phục cả thế giới. Ở Nhật, hệ thống đô thị được qui định khá chặt chẽ, một thành phố độc lập phải có dân số lớn hơn 50.000 người và được điều hành bởi chính phủ, gọi là thành phố trực thuộc trung ương. Chính quyền địa phương được giao trọng trách quan trọng và có quyền lực tương đương như chính phủ với ba cấp chính quyền, một cấp điều hành chung và hai cấp cơ sở. Mỗi thành phố được chia thành nhiều đơn vị (Wards), mỗi Ward đều có bộ máy hành chính. Thị trưởng thành phố do dân bầu lên. Thủ đô Tokyo có 23 đơn vị cùng với trung tâm, được hiểu như một thành phố trung tâm và 23 thành phố độc lập (thành phố vệ tinh). Mỗi thành phố vệ tinh có diện tích tương đương, chức năng quản lý giống nhau. Luật qui hoạch và Luật hành chính cơ sở qui định thành phố cực lớn (Metropolis) phải có dân số trên 2 triệu, thành phố lớn (Big city) từ 500.000 đến 2 triệu dân, thành phố trung bình từ 100.000-500.000 dân, thành phố nhỏ từ 30.000-100.000 dân, thành phố cực nhỏ (Mini city) dưới 30.000 dân. Nhật Bản có một luật qui hoạch rất rõ ràng, được tiến hành nghiên cứu từ trên xuống, đó là qui hoạch toàn quốc, qui hoạch vùng, qui hoạch cơ sở hạ tầng vùng như tàu tốc hành, tàu xuyên quốc gia, đường cao tốc, bến cảng, sân bay rồi mới đến qui hoạch thành phố, qui hoạch cơ sở. Nó được qui hoạch cứng và mềm với nội dung là "Qui hoạch các chính sách, thiết lập qui hoạch sử dụng đất, qui hoạch hạ tầng và cuối cùng là lập dự án phát triển cụ thể". Nó cũng không cứng nhắc như ở Việt Nam là qui hoạch tỉ lệ 1/5.000, 1/200 và qui hoạch chi tiết 1/500 mà không nêu cụ thể thời gian và biện pháp thực hiện, qui hoạch của mỗi địa phương lại chõi với qui hoạch vùng và các qui hoạch độc lập khác! Sự mâu thuẫn này kéo theo nhiều thành phố lớn ở Việt Nam cứ loay hoay điều chỉnh mãi, quá phức tạp và không mang lại hiệu quả. Nhật Bản là một nước tiên tiến về đầu tư, bất cứ qui hoạch nào hoàn chỉnh đều được quảng cáo rộng rãi, có các chính sách và đề xuất giải pháp quản lý thực hiện qui hoạch, không có chuyện đền bù giải tỏa, tất cả đều có thỏa thuận và đồng tình với người có đất. Ngoài ra họ còn lập ra các ban hỗ trợ, xúc tiến để đàm phán, giải quyết các vấn đề xã hội liên quan… cho đến khi tất cả người dân vùng qui hoạch đồng thuận họ mới phê chuẩn qui hoạch bằng văn bản dưới luật. Đó là kim chỉ nam bắt buộc mọi người tuân thủ, từ người dân cho đến chính phủ. Chúng tôi được kỹ sư Toshino thuộc Hiệp hội Phát triển đô thị giới thiệu đôi nét về qui hoạch thủ đô Tokyo khi cả đoàn kiến trúc sư Việt Nam đến tham quan tòa thị chính trung tâm. Tokyo sẽ được qui hoạch lại bằng việc khai thác những thế mạnh tích tụ, chính quyền sẽ xây dựng các trung tâm phụ và những khu mới tại lõi trung tâm, mỗi khu vực sẽ mang một đặc trưng đô thị riêng và đóng vai trò khác nhau hỗ trợ cho lõi trung tâm, cũng giống như thành phố Hồ Chí Minh có quận 1, quận 2, quận 4 là lõi trung tâm và các vùng khác là trung tâm phụ. Các khu vực này được xác định là những khu vực kinh doanh mang tầm quốc tế đồng thời cũng là những khu vực văn hóa đô thị được thúc đẩy để phát triển. Trung tâm Tokyo được xem là trái tim kinh tế, chính trị của Nhật Bản, thể hiện sức sống và sức hút của đất nước này với thế giới. Thời gian qua, nó đã trở nên quá chật chội do đất đai khan hiếm, mục tiêu chính của nó lại là kinh tế khiến các chức năng khác không phát huy tác dụng. Vì thế, "Định hướng phát triển trung tâm" do chính quyền thành phố đưa ra vào tháng 4-1997 là nhằm trẻ hóa, giữ cho khu trung tâm luôn có sức sống và mang nhiều chức năng khác nhau. Các thành phố nằm liền kề lõi trung tâm được xem là các thành phố để làm mới lại bộ mặt của trung tâm Tokyo như thành phố Otemachi, Yurakucho. "Hiệp hội phát triển đô thị" bao gồm chính phủ trung ương, chính quyền thành phố và các chủ đất được khởi động thành lập. Tương lai của các thành phố liền kề được xem là đầu tàu cho sự phát triển thủ đô với những nét đặc trưng phù hợp với thủ đô. Định hướng này được phác thảo dưới tiêu đề "Phát triển thành phố thông qua sự hợp tác hòa hợp giữa xã hội và người dân". Những thành phố vệ tinh khác như Shibuya có chức năng như là một "Thành phố sang trọng truyền tải thông điệp cuộc sống" với cảnh quan đẹp dành cho những người lao động sáng tạo phần mềm. Thành phố vệ tinh Ueno-Asakusa là một thành phố của du lịch và văn hóa bao gồm các công trình nghệ thuật và hàn lâm, công trình lịch sử, các festival và lễ hội và được mô tả là "Thành phố giàu văn hóa, nuôi dưỡng nghệ thuật và truyền thống". Thành phố vệ tinh Ikebukuro được mang tên "Thành phố với muôn mặt cuộc sống và sự tương tác lẫn nhau" với đầy đủ tiện nghi cuộc sống và phương tiện giải trí. Thành phố Osaki sẽ phát triển thành một trung tâm phát triển công nghệ của thế kỷ 21, một thành phố đa chức năng, nơi mà "sự sống sẽ tràn đầy những vị ngọt"! Còn thành phố vệ tinh Shinyuku là một thành phố tương tác và giao lưu, một thành phố đầy năng lượng góp phần vào sự phát triển của trung tâm Tokyo… Và còn nhiều nữa. Vùng đô thị Tokyo rộng lớn được phân vùng qui hoạch: nơi cần phát triển và nơi là khu vực xanh cần bảo vệ không phát triển đều được xác định rõ ràng theo từng vành đai với ý tưởng tạo ra "vòng cung thủ đô". Hệ thống giao thông đường sắt, cao tốc đóng vai trò quan trọng trong việc điều chuyển lưu thông giữa đô thị trung tâm và các vệ tinh với bán kính từ 50-100km. Toshino cũng cho biết vùng Tokyo đang chịu áp lực lớn của việc gia tăng dân số (đến 32% dân số Nhật Bản tập trung ở đây). Chính vì thế, qui hoạch đô thị cần phải tính trước và quản lý thật rõ ràng mà nhờ đó mới có thể tổ chức cho từng đó con người ăn ở, làm việc, giải trí mà không gây ô nhiễm, ách tắc. Công việc này do một bộ máy quản lý khoa học và tỉ mỉ, không thỏa hiệp… đảm nhận. Buổi chiều thứ sáu, Tokyo bỗng vỡ òa như đàn kiến từ mọi ngóc ngách chui lên tràn ngập mặt đất, đường sá bỗng sinh động với bước chân người thoăn thoắt. Họ đã hoàn thành công việc một ngày và ngày mai sẽ là ngày nghỉ cuối tuần. Từ các chuyến tàu điện ngầm, xe bus, từ các cao ốc, nhà máy, dòng người tràn lên phố và bắt đầu thụ hưởng cuộc sống. Những khuôn mặt không còn đăm chiêu, xa vắng, lạnh lùng, những bước chân không còn "lập trình" cố định một chiều như những robot vô cảm. Họ cười đùa, chào hỏi, mua sắm, họ ôm nhau, bá vai bá cổ. Những thanh niên tóc bôi keo, nhuộm xanh, nhuộm đỏ, những cô gái Nhật màu da nhuộm nâu bóng với chiếc rốn xinh xinh đính cái khoen lủng lẳng. Chúng tôi chọn một quán cà phê ở quảng trường nhỏ nơi có cửa xuống hầm dẫn đến hàng chục toa tàu chạy khắp thành phố. Đây như là những nút giao thông ngầm của thành phố, từ đây có thể quan sát được một phần sinh hoạt của người Nhật, cũng nhộn nhịp, ồn ào, cũng ăn vặt, cũng hút thuốc, cũng mua bán lung tung, và có những ban nhạc tự phát, trống kèn inh ỏi, và quảng cáo đủ thứ với những búp bê Nhật mặc áo hai dây, nhảy Lambada và mời chào khán giả mua nước hoa, keo xịt tóc. Những cô gái Nhật nhỏ con, mắt một mí và trắng như bông bưởi ở đâu mà nhiều thế, hình như họ chỉ chờ tới thứ sáu để tụ tập về đây, vui chơi giải trí và hẹn hò. Hẹn hò ở nút giao thông ngầm đúng là một nét văn hóa của nền văn minh xe điện ngầm. Tokyo đang dần trở thành Los Angeles, một thành phố có phong cách đa dạng, vừa cổ kính vừa hiện đại, vừa lãng mạn vừa nghiêm túc, vừa trật tự vừa xô bồ. Tokyo có nhiều đền đài, chùa chiền với kiến trúc cổ bằng gỗ cao từ 1-5 tầng, có khả năng chống động đất hoặc những quần thể bằng đá với cách bố trí trông như những pháo đài, nằm xen kẽ giữa quần thể đô thị hiện đại, với những chung cư cao tầng vừa phải do không gian ở của người Nhật khá khiêm tốn. Tokyo đang mang trong nó 32% dân số với diện tích trải rộng khiến nơi ở và đi làm cách xa nhau cả hai giờ đồng hồ đi tàu điện. Tôi được Toshino mời đến xem một khu nhà ở mới mà chính anh thiết kế và xây dựng với những biệt thự mini ở ngoại ô thành phố, giống khu nhà ở liên kế ở Việt Nam. Anh cho biết, vật liệu xây dựng truyền thống ở Nhật là gỗ, nhưng hiện nay giá thành quá đắt, nên nhiều nhà ở mới của Nhật chuyển qua sử dụng vật liệu tổng hợp, lắp ghép. Từ cầu thang, mái, trần cho đến lốc vệ sinh, bếp đều được gia công tại nhà máy, nên thời gian xây dựng ở Nhật rất nhanh. Mọi thứ đều giống như trong ngôi nhà của người Việt, chỉ duy nhất khác là họ bày biện rất ít đồ đạc, bên trong không giường, không bàn ghế, người Nhật ngồi trên những tấm chiếu rơm gọi là Tatami, chỗ ngủ là tấm nệm mỏng được xếp gọn gàng. Ở mỗi góc tường có Tokonoma như một lò sưởi điện, đơn giản nhưng tinh tế… tất cả tạo nên một phong cách sống rất … Nhật. Người Nhật bây giờ xem ra ít chịu áp lực của thứ đạo đức "nam nữ thọ thọ bất thân" Khổng giáo nữa. Những ngôi nhà màu đỏ được xây dựng khắp Tokyo và các thành phố vệ tinh với những biểu tượng lạ lùng, ở đó họ được tự do, được giải phóng! Một nửa phương Tây và một nửa Á Đông. Nam nữ tự do gặp gỡ mà không sợ bị ai dòm ngó. Một thẻ từ với mã số, ổ khóa xài thẻ, thức ăn, đồ uống cũng xài thẻ, máy tính tự động tính tiền trong thẻ với giá cả rõ ràng được niêm yết: 1 giờ 5000 yen, 2 giờ 7000 yen, 3 giờ … Nhu cầu này đang rất lớn, họ không còn hẹn hò ở công viên hay các đền thờ thần đạo truyền thống với ánh mắt ngập ngừng, e thẹn nữa. Thời đại @ mà! Chuyện trai gái được giải quyết bên trong những khách sạn màu đỏ, và được bí mật tuyệt đối. Người Nhật hiện đại đang tận hưởng những thành quả mà mấy chục năm qua họ cố đè nén, tích lũy đưa đất nước vượt lên mọi thử thách. Kỷ luật, tập tục phong kiến và đạo Khổng đã được thế hệ thời Minh Trị tuân giữ nghiêm ngặt cho mọi tầng lớp, còn giờ đây thế hệ trẻ như đang muốn thoát ra cái vòng cương tỏa đó. Mỗi tối, tôi và Long lân la ở những khu phố nhộn nhịp, những lễ hội về đêm Hình như mỗi người Nhật đều có hai khuôn mặt, một rất nghiêm nghị, lễ phép nhã nhặn vào ban ngày, một phóng khoáng, vô kỷ luật, buông thả, phóng túng, chơi "xả giàn" vào ban đêm. Sự tự do thể hiện bản ngã của mình trong vài giờ xem ra rất quí đối với họ. Toshino cũng vậy, anh đã đưa chúng tôi đến nhiều quán bar, karaoke, discotheque, sex shop, và ở lĩnh vực này, người Nhật cũng đã phát minh ra đủ thứ "công cụ" phục vụ cho việc phòng the, kể cả phim ảnh, sách báo khiêu dâm bán tràn lan từ sân bay đến các ngóc ngách. Họ cho rằng đè nén xu hướng hưởng lạc là phi tự nhiên theo một triết lý sống mà Toshino đúc kết: "Mọi cái đều phải đúng chỗ, đúng lúc, thỏa mãn thể xác để không đồi bại tâm hồn". Phụ nữ Nhật Bản cũng càng ngày càng muốn thoát ly khỏi giềng mối cũ của đạo Khổng nhiều hơn. Toshino cho biết phụ nữ Nhật Bản đang có xu hướng muốn sống độc lập, độc thân và làm chủ công việc của mình, thoát khỏi cái bóng của người đàn ông xưa, họ thích đi du lịch, thích mở công ty riêng, nói tóm lại họ thích được tự do… Trước đây, như lời anh nói, phụ nữ chỉ ở trong nhà, làm nội trợ, nuôi dạy con cái, và chờ chồng!… "mà ông chồng thì, như các bạn biết đấy, ngoài giờ làm việc họ còn bận la cà ở những nơi thư giãn, và việc thư giãn của đàn ông Nhật Bản hiện nay ngày càng phức tạp, không chỉ có Geisha như thời xưa nữa, đủ mọi thứ…". Tôi cùng Long đã ngồi hàng giờ giữa phố xá Tokyo tấp nập. Hàng đoàn thanh niên, nam nữ mặc áo thun, quần jean Mỹ vui đùa mua sắm chen đầy các cửa hàng mọc kín các khu phố. Họ bước đi tự tin và hãnh tiến, không chút e dè ngượng ngập. Nhìn họ, tôi như đọc thấy những thông điệp mạnh khỏe của thế hệ tương lai. Tâm sự của Long cứ khiến tôi ray rứt: cũng như họ mà sao thanh niên mình lại tụt hậu xa so với họ như vậy? Tụt hậu về khoảng cách GDP, tụt hậu về khoa học, kỹ thuật, tụt hậu về tri thức, về ứng xử. Có một điều gì đó của sự cam chịu, sự khuất phục. Long đã kể cho tôi nghe những tháng ngày học tập ở đây. Anh đã im lặng và im lặng. Bão tố đã nổi lên từ trong trái tim anh bởi cứ phải gánh chịu những ứng xử của người Nhật và phần còn lại của châu Á! Nỗi nhục và sự cô đơn đã tạo ra nơi Long một con người khác. Anh nung nấu ý chí và quyết tâm trong học tập, kiếm sống và quay về. Long nói: "Lê Quý Đôn đã viết về dân tộc mình là một nước nổi tiếng về văn hiến, văn vật, hiến chương rất đẹp không thua kém gì Trung Quốc". Anh nói đất nước mình nào có kém so với Nhật Bản bởi đã từng có một lịch sử hoành tráng hơn, từng hun đúc nên bao nhân tài và phát minh kiệt xuất. Nhưng rõ ràng ở thời điểm này mặc cảm "nước nghèo" làm chúng ta mất nhuệ khí. Anh đã chứng kiến nhiều phụ nữ Việt Nam buộc phải làm những điều tủi nhục nơi xứ người, bị đối xử tàn nhẫn, khinh rẻ, những công nhân Việt Nam phải lao động cực nhọc ở công trường với đồng lương rẻ mạt, không ít những người bị lừa đảo và trốn chạy… Long đã nói ra bao suy nghĩ như chưa từng được nói, dù ở xa quê nhưng anh vẫn theo dõi tình hình bên nhà qua sách báo, mạng Internet và truyền hình. Anh nói ở Nhật, mỗi khi giới thiệu TP.HCM, Hà Nội trên màn ảnh nhỏ thì y như rằng lúc nào thành phố cũng là một rừng Honda, Yamaha,… chen đầy đường sá, khói bụi mịt mù với những "ninja" che mặt, những bê bối, tham nhũng, mafia, thất thoát vốn vay ODA, những công trình xây dựng cẩu thả, những kiến trúc, những đô thị mất bản sắc, nạn ô nhiễm, tai nạn giao thông khủng khiếp với số tử vong mỗi năm lên đến hàng ngàn người gấp ba lần số bị thương tật. Chỉ trong có 10 năm, nó đã cướp mất hàng trăm ngàn người còn lớn hơn cả chiến trận!… Đó là nỗi nhục mà những người Việt Nam xa quê lao động, học tập phải ngậm miệng im lặng vì không thể nào giải thích nổi. Tại sao Nhật Bản lại phát triển vượt bậc như vậy? Đó là câu hỏi mà vào thời đó ở Việt Nam cụ Phan Chu Trinh cũng đã đặt ra và tự hỏi làm thế nào để đưa dân tộc mình cũng phát triển vượt bậc như thế? Chỉ có con đường là canh tân dân tộc và chấn hưng giáo dục. Đã quá lâu chỉ biết đến Trung Quốc như một mô hình phát triển nên khi đối diện với phương Tây có tiềm lực hùng mạnh về quân sự, kinh tế, Việt Nam như hụt hẫng, thấp bé và mặc cảm nhược tiểu khiến lòng tự trọng của dân tộc bị tổn thương sâu sắc. Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp, những chí sĩ Việt Nam đã không ngại hiểm nguy, giả dạng thương nhân tìm hiểu nền văn minh cơ khí của hạm đội Nga đang neo đậu ở Việt Nam để tận mắt chứng kiến một thực tế phũ phàng: những tàu tam bản bằng gỗ thấp bé của ta sao có thể sánh với với chiến hạm bằng sắt cùng với súng đại bác và đầu máy cơ khí phức tạp của Nga? Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu đã tìm đến nước Nhật để tận mắt chứng kiến sự cách tân của Minh Trị Thiên Hoàng bởi chính nước Nhật thời đó đã tiêu diệt hạm đội Nga trong nháy mắt như các cụ đã từng chứng kiến cái đống sắt vĩ đại nổi lềnh bềnh trên vùng biển của nước nhà. Cũng như sau nhiều thập niên đóng cửa, chúng ta lại đối mặt toàn cầu hóa với tay không, ngỡ ngàng và thất vọng vì sự chậm chân, sự tụt hậu quá xa so với thế giới trên nhiều mặt để rồi lại hăm hở mở cửa, đổi mới để chấn hưng dân tộc và canh tân đất nước. Đau cái nhục nghèo nàn ấy, Long cũng như cả một thế hệ như anh sẽ có đủ nghị lực và sức mạnh cần thiết để bắt tay xây dựng, đuổi kịp khoảng cách tụt hậu của Việt Nam. Đất nước đang cần những người trẻ như thế. Tôi nói với Long mà như tự nói với bản thân mình. Đất nước giờ hội nhập để cho hàng ngàn, hàng triệu bạn trẻ như anh lao động, học tập, tìm tòi, nghiên cứu và cống hiến để đất nước sánh vai cùng các cường quốc khác trên thế giới. Hãy đừng hỏi đất nước cần gì ta mà hãy hỏi ta cần gì cho đất nước? Lịch sử đất nước mình đã từng đánh mất những cơ may để mở cửa và phát triển khi quay lưng với những phong trào canh tân đất nước và chấn hưng dân tộc như qua phong trào Đông Du, phong trào Duy Tân của hai cụ Phan Bội Châu và cụ Phan Chu Trinh đã khởi xướng cách nay hàng thế kỷ. Tôi nhớ đến khuôn mặt đẹp, phúc hậu của bà Tôn Nữ Thị Ninh, người phụ nữ trí thức, nguyên đại sứ Việt Nam tại Bỉ, khi cố gắng bảo vệ hình ảnh của Việt Nam với thế giới thông qua những việc làm đầy ý nghĩa như tổ chức "Tuần lễ văn hóa Việt Nam tại Bỉ và châu Âu", chủ động gặp gỡ để giải thích cho nước Mỹ và thế giới về đất nước, văn hóa, lịch sử cũng như cuộc sống đời thường của những con người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, thông minh và khát vọng. Năm 1975, đất nước độc lập, bà tham dự Đại hội phụ nữ thế giới tại Berlin và ở đây bà đã kể: "Trong một siêu thị lớn và sáng trưng ánh điện, tôi đã đứng đó, sửng sốt trước một rừng xúc xích và nghĩ về đất nước Việt Nam đang rất nghèo khó của tôi, bỗng dưng tôi rơi nước mắt, chính lúc ấy, tôi nghĩ rằng Việt Nam phải tìm con đường thoát khỏi cảnh nghèo khó…". Và từ đó đến nay, người phụ nữ Việt Nam bình thường này đã ấp ủ một tâm niệm là đem tri thức, khoa học đến cho thế hệ trẻ, và con đường đó chính là giáo dục. Ngày cuối cùng ở Tokyo, với những điều đã nghe, đã nhìn thậm chí sờ mó được, tôi như rơi trong một tâm trạng buồn vui lẫn lộn, yêu ghét mà không sao lý giải nổi. Long rủ tôi và Toshino đi thăm quan một hệ thống tàu điện ngầm, và để từ giã Tokyo muôn mặt. Mưa nặng hạt. Dân Tokyo dường như chui xuống hết các tầng hầm của tàu điện ngầm trú mưa, ở đó không chỉ có tàu điện ngầm mà cơ man nào là siêu thị, cửa hàng và hàng loạt hệ thống kỹ thuật, đường ống của thành phố. Một thế giới ngầm đầy sinh động và náo nhiệt. Mưa như thác đổ bên trên nhưng ở đây chỉ nghe tiếng nhạc, tiếng cười đùa, tiếng chân người nườm nượp. Tôi cứ băn khoăn, nếu có bão lớn hoặc sóng thần tràn vào thành phố thì …? Những tầng ngầm này đúng là những mồ chôn tập thể nếu chẳng may chuyện đó xảy ra! Toshino gật đầu vẻ đồng tình nhưng anh cho biết thành phố cũng quan tâm vấn đề này vì từ năm 1999-2004 thành phố đã bị nhiều trận mưa và bão lớn làm hệ thống tàu điện ngầm bị tê liệt, hàng loạt người chết đuối, cầu thang cuốn và hầm giao thông ngập nước. Hiện nay, thành phố đã cho xây dựng rất nhiều hố chứa nước khổng lồ ngầm sâu trong lòng đất được nối với nhau bởi 60km địa đạo rộng 10m đủ cho xe chạy cộng với những máy bơm nước cực mạnh chảy ra sông Edogawa và từ đó đổ ra biển. Những hồ nước này mang tên G-cans ám chỉ khả năng chinh phục thiên nhiên của người Nhật. Thật quá sức tưởng tượng! Với sức mạnh kỹ thuật và kinh tế dồi dào, người Nhật đã giải quyết bài toán này một cách quá đơn giản? Một đô thị dưới đô thị, một thành phố dưới thành phố với hệ thống đường ngầm dài gấp 33 lần tuyến phố chính trên mặt đất! Chẳng biết điều này có đúng không về mặt qui hoạch, nhưng xem ra người Nhật quá tự cao, tự đại khi đối mặt với thiên nhiên, đối mặt với những điều lẽ ra phải đối thoại, hòa hợp. Nào là những trận động đất kinh thiên động địa. Nào là những ngọn núi lửa phun trào. Nào là những cơn sóng thần dữ dội… Những yếu huyệt ẩn chứa những tai họa của một Mega City (thành phố khổng lồ) đã được Liên Hiệp Quốc cảnh báo từ lâu khi nhìn về viễn cảnh của những đô thị phình rộng, nơi mà 2/3 nhân loại đang từ bỏ nông thôn, từ bỏ thiên nhiên, từ bỏ những tiện nghi đơn giản để sống chen chúc, loi nhoi trong những cái hộp nhỏ xíu trên cao, dưới đất mà người ta gọi là văn minh đô thị, là tiện nghi ! Tôi hình dung những thành phố này như những "cái bẫy" khổng lồ, như mồ chôn tập thể cho những cơn cuồng nộ của trời đất. Mong sao Việt Nam đừng đi vào vết xe đổ đó bởi con người Việt Nam thông minh lại yêu thiên nhiên nên sớm hiểu được rằng không nên tự tạo cho mình sự phức tạp rồi giải quyết nó bằng sự phức tạp, mất mát khác. Tôi chợt nhớ đến một nhà hiền triết Nhật Bản Hideharu Onuma: "Đôi khi chúng ta bắn thẳng mục tiêu nhưng lại bắn trượt bản thân. Khi khác, ta bắn trúng bản thân nhưng lại trượt mục tiêu. Mục đích của chúng ta là làm sao bắn trúng cả mục tiêu và bản thân và hi vọng rằng tiếng mũi tên xuyên qua tấm bia sẽ đánh thức mình khỏi "giấc mơ cuộc sống" và cho chúng ta thật sự nhìn thấu được trạng thái cao nhất của cuộc sống". Hình như người Nhật vẫn mãi băn khoăn điều này…! Ngo Hung Blog's . Nét đẹp Tokyo Tokyo đất chật người đông, nên xây trên cao, dưới mặt đất, tận dụng các eo núi, các khoảng không, và hầm ngầm chi chít. Tokyo đang dần trở thành. học tại Tokyo. Anh đến cùng cô bạn học người Nhật nhỏ con, đeo mắt kính dày cộm, ăn mặc đơn giản không màu mè. Trên chiếc xe Toyota của gia đình, cô gái chở chúng tôi đi một vòng Tokyo. Tokyo. Hiệp hội Phát triển đô thị giới thiệu đôi nét về qui hoạch thủ đô Tokyo khi cả đoàn kiến trúc sư Việt Nam đến tham quan tòa thị chính trung tâm. Tokyo sẽ được qui hoạch lại bằng việc khai