Doanh nhân có cần học MBA? Doanh nhân học MBA giống với quân nhân tập trận giả. Nhưng đến khi lâm trận thật, họ dũng cảm tiến lên hay bỏ chạy còn tuỳ ở tính cách mỗi người. Tôi bắt đầu sự nghiệp kinh doanh ngay khi rời trường đại học ở độ tuổi 24. Cuối cùng, tôi đã xây dựng nên và bán đi một công ty chuyên kinh doanh sắt vụn với quy mô toàn cầu trị giá 250 triệu USD. Tôi đã viết về trải nghiệm này trong cuốn sách Starting from Scrap (Làm giàu từ đồ phế thải - Tạm dịch). Sau khi xuất bản cuốn sách trên, tôi có tới thăm một số trường kinh doanh ở Mỹ và gặp gỡ các học viên lấy bằng MBA để chia sẻ với họ về những kinh nghiệm của tôi khi mở công ty tại các thị trường mới nổi. Nhiều học viên tham dự buổi nói chuyện của tôi là những doanh nhân đầy tham vọng. Và nhiều người trong số họ cũng đặt ra cho tôi một vài câu hỏi tương tự nhau: "Anh không có bằng MBA, và nhiều doanh nhân thành đạt khác cũng thế. Như vậy, nếu tôi muốn thành lập công ty riêng, thì liệu tôi có nên theo học kinh doanh? Bỏ tiền ra để theo học chương trình này có xứng đáng không - hay bằng cấp của tôi chỉ để làm đẹp cho lý lịch của mình?" Tôi có lần trao đổi về chủ đề này với Tiến sĩ John Yang, người đứng đầu Chương trình MBA Quốc tế Bắc Kinh của Trường Đại học Bắc Kinh. Ông chia sẻ: "Theo ý kiến của tôi, kinh doanh là chuyện của trái tim, còn giáo dục là chuyện của trí não. Thật khó mà dạy dỗ một trái tim được". Tôi có chung quan điểm với ông. Xét về mặt định nghĩa, doanh nhân là người chấp nhận rủi ro. Đó là một thái độ và khát vọng bản năng, được ăn sâu bén rễ vào một cá nhân. Giáo dục có thể tác động tới thái độ của một người đối với rủi ro: chẳng hạn, khi hiểu rõ hơn về nguyên tắc đầu tư mở rộng hay các khoản lợi nhuận dài hạn của cổ phiếu so với trái phiếu, một nhà đầu tư có thể sẽ sẵn lòng thực hiện những hoạt động đầu tư chứng khoán "rủi ro" hơn. Nhưng, suy cho cùng, bạn có thể dạy một người biết thực sự đam mê những rủi ro? Tôi không nghĩ rằng có thể. Khi nghĩ về giá trị của một tấm bằng MBA đối với các doanh nhân tham vọng, tôi thường liên tưởng tới quân đội. Các quốc gia dành hàng tỷ đô la để huấn luyện kỹ năng chiến đấu cho binh lính - họ được đào tạo cách bắn súng và hoạt động trong những tình huống khẩn cấp giả định. Nhưng huấn luyện chỉ đi xa được đến thế. Một đại tá thủy quân có lần chia sẻ với tôi rằng, phải đến khi lâm trận thực sự thì ông mới biết được phản ứng của binh lính ra sao - tức là người lính sẽ làm gì khi đó: trốn trong hố cá nhân, hay bỏ chạy, hay đứng lên và chiến đấu bằng những kỹ năng mình đã được đào tạo. Cách phản ứng của một người vào những thời điểm căng thẳng phụ thuộc phần lớn vào bản năng và đặc điểm tính cách cá nhân của người đó - còn giáo dục chỉ đưa bạn đi xa tới chừng đó mà thôi. Điều đó cũng đúng trong kinh doanh. Hiểu biết về chiến lược, tài chính và marketing là tốt. Nhưng điều quan trọng không kém là bạn phải có lòng tự tin, có nhu cầu tự lực cánh sinh, có năng lượng và nhiệt huyết, sự tò mò, và khả năng truyền đạt các ý tưởng. Nếu không có những tài sản tự nhiên đó, bạn sẽ phải rất vất vả trên thương trường. Tôi là người may mắn, bởi đó đều là những đặc điểm cá nhân mà tôi có. Tuy không sở hữu tấm bằng MBA, song tôi đã hấp thụ được nhiều kỹ năng kinh doanh cần thiết trong suốt hơn 15 năm điều hành một công ty. (Ông tôi thường nói đùa rằng tôi sở hữu một tấm bằng MBA từ Trường Đời Đau Thương, và màu sắc truyền thống của tấm bằng này là những vết bầm tím - học phí ở Trường Kinh doanh Harvard, nếu đem so với học phí ở Trường Đời này, vẫn còn quá rẻ!). Nhiều bài học tôi rút ra được từ những trải nghiệm gian nan và đầy đau đớn đó cũng được đề cập tới trong các khóa học MBA - và nếu tôi được học về chúng sớm hơn, có lẽ công ty tôi còn thành công hơn nữa. Nếu hiểu rõ hơn về cách sử dụng và tầm quan trọng của những biện pháp quản lý tài chính và tài sản, có lẽ tôi đã có thể ngăn ngừa được những thất thoát trị giá hàng triệu đô la do các sai phạm trong hoạt động kinh doanh. Có lẽ nếu nghiên cứu về trường hợp của những công ty phát triển quá nhanh để rồi mất đi quyền kiểm soát cả về tình hình tài chính và chất lượng sản phẩm, tôi đã có thể cân nhắc việc mở rộng công ty với một tốc độ ôn hòa hơn. Chúng tôi thực đã bỏ phí hàng năm trời để tái cơ cấu công ty sau thời gian mở rộng quá mức; và có lẽ trong suốt thời gian đó chúng tôi đã bỏ lỡ vô số cơ hội quý giá. Lẽ ra tôi đã có thể tiết kiệm hoặc kiếm được thêm rất nhiều tiền nếu tôi tham gia một vài khóa học về luật kinh doanh hay đầu tư mạo hiểm. (Cuối cùng chúng tôi cũng trở nên mạnh mẽ hơn nhờ vào các nhà đầu tư, còn họ thì được hưởng lợi từ những sự "ngây thơ" của chúng tôi trong giai đoạn mới thành lập công ty). Ngoài ra, có lẽ tôi cũng sẽ làm được nhiều việc hữu ích hơn nếu tôi hiểu hơn về nguồn nhân lực và tầm quan trọng của các chế độ bồi thường và khen thưởng cho nhân viên. Đó chỉ một vài công cụ đắc lực mà bạn có thể thu nhận được từ một trường kinh doanh - và chúng đều là những thứ mà tôi ước rằng giá mà mình có được chúng từ trước. Vì thế, tôi cho rằng các chương trình MBA đều đem lại cho những doanh nhân tương lai những công cụ quý giá, giúp họ giảm thiểu rủi ro và gia tăng cơ hội thành công. Nhưng ngay cả với những công cụ đắc lực như vậy trong tay, vẫn chỉ riêng bạn mới biết được liệu mình có đủ nhiệt huyết để chớp lấy những cơ hội kinh doanh mới mẻ và hấp dẫn mà ai cũng có thể nhận ra hay không. Đó mới là lúc bạn "lâm trận" thực sự. . Doanh nhân có cần học MBA? Doanh nhân học MBA giống với quân nhân tập trận giả. Nhưng đến khi lâm trận thật, họ dũng cảm tiến. riêng, thì liệu tôi có nên theo học kinh doanh? Bỏ tiền ra để theo học chương trình này có xứng đáng không - hay bằng cấp của tôi chỉ để làm đẹp cho lý lịch của mình?" Tôi có lần trao đổi. chuyện của tôi là những doanh nhân đầy tham vọng. Và nhiều người trong số họ cũng đặt ra cho tôi một vài câu hỏi tương tự nhau: "Anh không có bằng MBA, và nhiều doanh nhân thành đạt khác