1. Trang chủ
  2. » Giáo án - Bài giảng

Thơ thiền

10 370 3

Đang tải... (xem toàn văn)

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Định dạng
Số trang 10
Dung lượng 74 KB

Nội dung

Thơ thiền Nguyễn Khuê Thơ thiền là một bộ phận của thơ nói chung. Thơ, dù là thơ thiền, thì cũng không thể đi ra ngoài nguyên lý của nó. Ở Trung Quốc, nguyên lý tối cổ của thơ đã được vua Thuấn (2255 - 2208 trước Tây lịch) phát biểu và được chép ở thiên Thuấn Điển, Ngu Thư trong Kinh Thư: "Thi ngôn chí" (Thơ bày tỏ chí). Thi đại tự, bài tựa ở đầu Mao Thi, có khả năng được viết trong khoảng từ thời Tiên Tần đến đời Hán, cũng đưa ra quan niệm về thơ tương tự như vậy: "Thi giả, chí chi sở chi dã. Tại tâm vi chí, phát ngôn vi thi" (Thơ là nơi bày tỏ chí. Ở trong lòng là chí, phát ra lời là thơ). Thiên Nhạc Ký trong sách Lễ Ký cũng nói: "Thi ngôn kỳ chí dã" (Thơ bày tỏ chí của mình). Đó là quan niệm cổ điển có tính truyền thống của Trung Quốc về thơ. Thơ bày tỏ chí, vậy chí là chất, tức nội dung của thơ. Phát ra lời là thơ, vậy ngôn ngữ văn tự là hình hay hình thức của thơ (1). Theo Lý Miễu, soạn giả Thiền thi nhất bách thủ, thơ thiền tức là thơ Phật, là thơ thẩm thấu tình cảm, tư tưởng Phật học (Thiền thi, tức Phật thi, thị thẩm thấu Phật học tư tưởng cảm tình đích thi)(2). Có thể nói thơ thiền là kết quả của sự hội ngộ, dung hợp giữa tư tưởng thiền và thơ. Sở dĩ có sự hội ngộ, dung hợp kỳ thú này là vì thiền và thơ có điểm tương đồng. I. Sự tương đồng giữa thiền và thơ Thiền là dịch tắt âm tiếng Phạn Dhyàna, có nghĩa là trầm tư, tĩnh lự. Ở Trung Quốc, đời Hán, Ngụy, dịch kinh tiếng Phạn ra Hán văn, thường dịch Dhyàna là "tĩnh lự", "thiền định" hoặc "tư duy tu". Tu thiền đòi hỏi hành giả trong khi ngồi thiền phải dứt hết mọi tạp niệm, tâm chuyên chú vào một cảnh, thông qua chế ngự vọng niệm mà trừ bỏ tham dục, giữ tâm thanh tịnh, tĩnh lặng tư duy để tìm chân lý, thực chứng thể nghiệm tự tính. Hành thiền lâu ngày như thế, thân tâm khinh an, đạt tới đại triệt đại ngộ. Đó gọi là tiệm ngộ. Ở Trung Quốc từ xưa vẫn gọi chung các tông phái chuyên tâm tọa thiền là Thiền tông. Nhưng từ đời Đường về sau, tông Đạt Ma hưng thịnh thì Thiền tông là chỉ riêng cho tông Đạt Ma. Đây là tông phái Đại thừa tôn ngài Bồ Đề Đạt Ma làm Sơ Tổ, chủ trương "kiến tính thành Phật". Thành Phật là kết quả của tự biết bản tâm, tự thấy bản tính (tự thức bản tâm, tự kiến bản tính), bởi lẽ tự tâm chính là Phật tính. Cách phó pháp truyền thừa của Thiền tông có nguồn gốc từ câu chuyện "niêm hoa vi tiếu" giữa Đức Thế Tôn và ngài Ca Diếp ở pháp hội Linh Sơn. Từ Đức Thế Tôn xuống đến ngài Bồ Đề Đạt Ma, rồi đến Lục Tổ Huệ Năng về sau. Phương pháp truyền thừa của Thiền tông là lấy tâm truyền tâm, truyền riêng ngoài giáo (dĩ tâm truyền tâm, giáo ngoại biệt truyền). Thành Phật là do giác ngộ tự tính, tự tính mê thì Phật tức chúng sinh, tự tính tỏ ngộ thì chúng sinh tức Phật (tự tính mê, Phật tức chúng sinh; tự tính ngộ, chúng sinh tức Phật). Thiền tông chủ trương đốn ngộ, thấy ngay chân như Phật tính (đốn kiến chân như Phật tính), mê thì trải qua nhiều kiếp, mà ngộ thì chỉ trong sát na (mê lai kinh lũy kiếp, ngộ tắc sát na gian). Thành Phật do ngộ một niệm trong sát na, chứ không do công phu tọa thiền lâu dài. Ngồi thiền để mong thành Phật thì không khác gì mài gạch thành gương (công án Nam Nhạc mài gạch). Mặt khác, Thiền tông cũng chủ trương "bất lập văn tự", vì ngôn ngữ văn tự không có giá trị tuyệt đối, không diễn tả được hết những khái niệm trừu tượng về tâm linh, huống chi nó cũng là vật ngoài tự tâm (3). Không chấp trước ngôn ngữ văn tự mà phải rời bỏ nó để đạt tới chân lý, để ngộ đạo. Thiền sư Thần Tán đời Đường qua bài thơ "Không môn bất khẳng xuất" đã mượn việc con ong cứ đâm đầu vào giấy dán cửa sổ tìm cách bay ra ngoài để nói lên chủ trương ấy: Bách niên toàn cố chỉ Hà nhật xuất đầu thì? (Trăm năm dùi giấy cũ Ngày nào mới ló đầu?) (4) Thơ trước hết giống thiền ở cách thể nghiệm. Thơ là một nghệ thuật dùng ngôn từ để biểu đạt. Đối tượng nhận thức của thơ cũng là con người và cuộc sống. Thông qua nghệ thuật ngôn từ, thơ biểu hiện những rung cảm về nội tâm và ngoại cảnh, những thao thức, trăn trở về thân phận con người, khiến cho nhà thơ và người đọc do cảnh giới của thơ mà có sự đồng cảm. Thơ không chỉ phản ánh, phục chế hiện thực mà còn là chỗ ký thác tâm tư, tình cảm và lý tưởng. Nhà thơ sáng tạo một thế giới mà chính họ đã thể nghiệm, đó là cảnh giới mà nghệ thuật và nhân sinh, vũ trụ dung hợp thành một thể bất khả phân. Chính do cùng thể ngộ nhân sinh và vũ trụ mà thiền và thơ gặp nhau. Lại nữa, thiền và thơ đều chủ trương không chấp trước vào ngôn ngữ văn tự mà đi tìm sự diệu ngộ siêu nghiệm, ý ở ngoài lời, biểu tượng ở ngoài hình tượng. Thiền tông dùng phương pháp "dĩ tâm truyền tâm", "bất lập văn tự", vì Phật tính tuy rằng chỗ nào cũng có, nhưng lại không có thực tướng mà cũng không có định tính, giống như bóng trăng đáy nước, có thể thấy mà không thể nắm bắt được. Thế nên chỉ có cách phá bỏ lề lối tư duy bình thường, vượt ra ngoài cái vỏ ngôn ngữ, dựa vào sự thể ngộ siêu nghiệm của trực giác thì mới có thể đốn ngộ mà thấy được Phật tính vĩnh hằng. Vì vậy, trong các công án Thiền tông, các thiền sư thường đả khai hoặc đốn ngộ bằng những câu hỏi đáp có vẻ như đi ra ngoài vấn đề, thậm chí bằng những hành động kỳ quặc khó hiểu (như mài gạch làm gương, cầm gậy đánh, giơ ngón tay, chặt đứt ngón tay ), bằng tiếng quát, bằng sự im lặng. Phương thức biểu hiện của thơ cũng giống với thiền. Nghệ thuật thơ cũng chủ trương không chấp trước vào văn tự, không gò bó ở câu chữ. Ngôn ngữ thơ khác với ngôn ngữ trong sinh hoạt hàng ngày. Ngôn ngữ trong sinh hoạt hàng ngày đòi hỏi tính chân xác, rõ ràng; trái lại, ngôn ngữ thơ phải có tính biểu cảm, có nội dung phong phú, hàm ý sâu xa, đa nghĩa và mông lung, gợi mở nhiều chỉ hướng. Vì thế, cùng một bài thơ mà người đọc cảm thụ khác nhau tùy theo trình độ hiểu biết và kinh nghiệm sống của mỗi người. Lắm khi trong thơ dùng phép ẩn dụ, mượn cái này để nói cái kia. Người đọc thông qua trực giác mà cảm nhận ý ở ngoài lời, biểu tượng ở ngoài hình tượng. II. Các loại thơ thiền Trong khoảng đời Hán - Tấn, Phật giáo từ Ấn Độ truyền vào Trung Quốc, một số lượng lớn kinh điển Phật giáo được dịch ra Hán văn. Nhờ đó đạo Phật được truyền bá rộng rãi và tư tưởng Phật giáo dần dần thấm sâu vào lòng người Trung Quốc, thơ thiền cũng bắt đầu xuất hiện. Từ thời Hán, Ngụy, Lục triều đã có danh tăng Huệ Viễn (334- 416) và thi hào Tạ Linh Vận (385-433) sáng tác nhiều thơ thiền. Đến đời Đường, Tống, thơ thiền phát triển rất mạnh. Ở Việt Nam , thơ thiền còn truyền đến nay, sớm nhất là từ đời Lý. Các thiền sư và các nhà thơ đưa thiền vào thơ, mượn thơ làm phương tiện biểu đạt thiền lý. Có thể dựa vào chất thiền trong thơ, tức nội dung, để phân loại thơ thiền. Trong Thiền thi nhất bách thủ, Lý Miễu phân biệt sáu loại thơ thiền: Thị pháp thi, Ngộ đạo thi, Tụng cổ thi, Sơn cư thi, Vân du thi và Thiền thú thi (5). Ông không thuyết minh mỗi loại như thế nào, nhưng cứ theo tên gọi sáu loại ấy mà xét thì chúng tôi không hoàn toàn tán đồng. Theo thiển kiến của chúng tôi, có thể chia thơ thiền ra làm năm loại như sẽ trình bày dưới đây. Thơ thiền chúng tôi dẫn cho mỗi loại, chỉ có một bài của Tô Thức, những bài khác đều là của tác giả Việt Nam . 1. Thơ đề cập trực tiếp thiền lý Với loại này, tác giả đưa thẳng thiền vào thơ. Nói cách khác, tác giả dùng ngay những thiền ngữ để chuyển tải thiền lý, rõ ràng nhằm mục đích thuyết giáo người khác. Hầu hết những bài tụng (kệ) của các thiền sư như "Thị chúng", "Thị đệ tử", "Thị tịch", "Thị tật" v.v đều thuộc loại này. Một hôm, nhân lễ trai tăng trong Đại Nội, vua Lý Thái Tông thỉnh cầu các nhà sư tự thuật chỗ thấy của mình Thiền sư Huệ Sinh (?-1063)(6) ứng khẩu đọc: Phiên âm: Đối Thái Tông tham vấn thiền chỉ Tịch tịch Lăng Già nguyệt Không không độ hải chu Tri không, không giác hữu Tam muội nhiệm thông chu. Dịch thơ: Đáp lời Thái Tông hỏi về ý nghĩa đạo thiền Non Già vừng nguyệt tĩnh Biển thẳm chiếc thuyền không Hiểu thấu "không" và "có". Rừng thiền mặc ruổi rong. Ngô Tất Tố dịch Tác giả trực tiếp thuyết giảng chỗ sâu xa mầu nhiệm của đạo thiền và dùng nhiều thiền ngữ như "tịch tịch", "không không, "Lăng già" (tức núi Lăng Già, dịch âm tiếng Phạn Lanka, nghĩa là ngọn núi khó đi tới, ngọn núi xa xôi hiểm trở, tương truyền núi này là nơi Đức Phật tuyên giảng kinh Lăng Già), "tri không", "giác hữu" ("không" và "hữu" là một cặp phạm trù đối nhau, có ý nghĩa rất quan trọng và cũng rất tế vi trong tư tưởng Phật giáo. "Hữu" biểu thị sự tồn tại của các pháp, đối lại với "không" là nói các pháp do nhân duyên sinh đều hư huyễn không thật), "tam muội" (dịch âm tiếng Phạn samàdhi, nghĩa là định hay chánh định, tức định tâm ở một cảnh mà không tán loạn). Ngoài các nhà sư, các nhà thơ thế tục thông hiểu Phật học, thấm nhuần thiền lý, cũng sáng tác những bài thợ thuộc loại này, như bài sau đây của Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491- 1585): Phiên âm: Tân quán ngụ hứng Xuân vẫn oanh hoa dĩ tiệm hi Túy ngâm liêu thả tá dư huy Viễn sơn nhật khán cô vân trụ U kính dạ huề minh nguyệt quy Vị Phật na tri vô hữu tướng Đáo thiền phương ngộ bản lai ky (cơ) Thế gian vạn sự không nhi sắc Quát quát hề lao thuyết thị phi. Dịch thơ: Ngụ hứng ở nhà bên sông Xuân muộn, oanh hoa cũng vắng thưa Say ngâm tạm mượn ánh xuân thừa Núi xa, ngày ngắm chòm mây tụ Lối vắng, đêm về bóng nguyệt đưa Chưa Phật nào hay vô hữu tướng Đạt thiền mới biết bản lai cơ Ở đời mọi việc không mà sắc Phải trái còn bàn rõ chán chưa! Nguyễn Khuê dịch Bài thơ khởi đi từ thực tại trước mắt là "xuân vãn", 'dư huy", "cô vân trụ", "minh nguyệt quy" để nói tới "vô hữu tướng", "bản lai cơ", "không nhi sắc". Chỉ Đức Phật là Bậc Đại giác mới vượt lên trên bình diện tương đối của hình tướng, thoát khỏi ngã chấp và pháp chấp mà đạt tới cảnh giới tuyệt đối, không nhìn chân lý từ một trong hai quan điểm cực đoan của một lưỡng tính "có" và "không"; chỉ bậc thiền ngộ mới thấy được bản lai diện mục của tự tính. 2. Thơ vịnh công án hoặc kinh văn Trong Thiền tông, những lời hỏi đáp, những hành động khác thường hoặc sự im lặng mà các thiền sư tùy theo căn cơ khai ngộ cho người học đạo gọi là công án. Các thiền sư mượn tính phi luận lý của công án để kích khởi trực giác nằm sâu trong tâm thức của hành giả, công phá mạnh mẽ vào thành trì vô minh vây hãm họ nhằm mục địch giúp họ đốn ngộ. Phương pháp đả khai này có từ đời Đường và hiện nay có khoảng 1.700 công án. Nhiều bài thơ của Trung Quốc cũng như của Việt Nam lấy công án làm đề tài. Trong Khóa hư lục, Trần Thái Tông (1218-1277) làm nhiều bài tụng nói về công án. Dưới đây là công án "niêm hoa vi tiếu" giữa Đức Thích Tôn và ngài Ca Diếp qua thể nhập của Trần Thái Tông: Phiên âm: Thế Tôn niêm khởi nhất chi hoa Ca Diếp kim triêu đắc đáo gia Nhược vị thử vi truyền pháp yếu Bắc viên thích Việt lộ ưng xa. Dịch thơ: Thế Tôn chỉ nhắc một nhành hoa Ca Diếp sáng nay được tới nhà Nếu bảo đó là truyền pháp yếu Về Nam xe Bắc lối càng xa. HT. Thanh Kiểm dịch Tại pháp hội Linh Sơn, Đức Phật Thích Ca truyền pháp, Ngài không dùng ngôn ngữ mà chỉ đưa lên một hoa sen để bảo chúng. Trong khi chúng Tăng còn đang ngơ ngác không hiểu thì chỉ ngài Ca Diếp rạng mặt mỉm cười (phá nhan vi tiếu). Đức Thế Tôn nhận định ngài Ca Diếp đã lĩnh ngộ, liền đem Chánh pháp nhãn tạng truyền cho. Chúng Tăng sở dĩ ngơ ngác im lặng là vì chấp trước vào biểu tượng của cái hoa, không lĩnh ngộ bên ngoài hình tượng. Ngài Ca Diếp, qua động tác đưa cái hoa lên, hiểu được dụng tâm của Đức Thế Tôn, đó là truyền pháp không dùng văn tự mà dĩ tâm truyền tâm. Ngài Ca Diếp rạng mặt mỉm cười là đã nắm bắt được diệu tâm Niết bàn và pháp môn vi diệu của Đức Thế Tôn. Câu 1 và 2 của bài tụng nêu lên công án, câu 3 và 4 luận về công án. Theo nhận định của Trần Thái Tông, nếu đưa lên một cành hoa trước chúng để truyền pháp thì từ biểu tượng đến lĩnh ngộ là một khoảng cách rất xa như càng xe đang hướng về phía Bắc mà quay lại 180 độ để đi đến đất Việt ở phía Nam. Ngoài các công án, nhà thơ còn lấy các câu kinh làm đề tài. Chẳng hạn trong kinh Lăng Nghiêm có câu: "Thí như cầm sắt tỳ bà, tuy hữu diệu âm, nhược vô diệu chỉ, chung bất năng phát (Thí dụ như đàn cầm, sắt, tỳ bà, tuy có tiếng hay, nhưng nếu không có ngón tay khéo thì rốt cuộc cũng không thể phát ra được). Ý câu kinh này nói mọi sự vật đều do nhân duyên hòa hợp mà sinh ra. Tô Đông Pha (1037-1101) đã mượn ý câu kinh và dùng hình thức phản vấn để sáng tác thành một bài thơ tuyệt diệu: Phiên âm: Cầm thi Nhược ngôn cầm thượng hữu cầm thanh Phóng tại hạp trung hà bất minh? Nhược ngôn thanh tại chỉ đầu thượng Hà bất ư quân chỉ thượng thinh (thính)? Dịch thơ: Thơ vịnh cây đàn Cây đàn nếu nói có âm thanh Trong hộp vì sao lại lặng thinh? Nếu nói đầu ngón tay phát tiếng Sao không nghe tiếng ngón tay anh? Nguyễn Khuê dịch 3. Thơ ám dụ Với loại thơ này, thay vì đưa thẳng thiền vào thơ, nhà thơ thông qua mô tả sự vật để ám chỉ thiền lý. Thơ ám dụ không sử dụng thiền ngữ, không thuyết minh thiền lý mà vẫn ngầm hợp với lẽ thiền. Thơ thiền mượn cảnh ngụ lý không chỉ phù hợp với phương pháp truyền thừa lấy tâm truyền tâm của Thiền tông mà còn phù hợp với đặc trưng nghệ thuật của thơ, làm cho thơ có giá trị nghệ thuật cao, có sức làm cảm động lòng người. Vua Lê Dụ Tông hỏi Thiền sư Hương Hải (1628-1715) thế nào là ý của Phật. Sư không trả lời thẳng mà dùng phương pháp ám dụ: Phiên âm: Nhạn quá trường không Ảnh trầm hàn thủy Nhạn vô di tích chi ý Thủy vô lưu ảnh chi tâm. Dịch thơ: Trên không nhạn bay Dưới nước soi bóng Để dấu nhạn đâu biết Soi bóng nước nào hay. Nguyễn Khuê dịch Có nhạn mà không có nước thì lấy gì soi bóng, có nước mà không có nhạn bay qua thì cũng chẳng có bóng soi. Vậy bóng nhạn do nhân duyên, nhạn và nước giả hợp mà có, vì thế hư huyễn, không thực có, cũng không tự có. Hơn nữa, nhạn không có chủ ý để dấu vết lại, nước cũng không có dụng tâm lưu bóng nhạn. Như thế thì bóng nhạn là hiện tượng của một duyên sinh vô ý vô tâm. 4. Thơ nói trái lẽ thường Như trên đã nói, các vị thiền sư thường dùng những cách hỏi đáp, những hành động khác thường, khó hiểu, thậm chí kỳ quặc để khai ngộ, kiểm tra trình độ, ấn chứng cho người tu học. Do đó sản sinh một loại thơ thiền nêu lên những điều trái với lẽ thường, có vẻ phi lý, mâu thuẫn. Để hiểu loại thơ này, người ta không thể suy lý, vì nó phi lý, mà phải phá bỏ quy phạm tư duy bình thường để thể ngộ cái ý ở ngoài lời. Bài dưới đây của Thiền sư Nguyên Thiều (1648-1728) là một thí dụ: Phiên âm: Tịch tịch kính vô ảnh Minh minh châu bất dung Đường đường vật phi vật Liêu liêu không vật không. Dịch nghĩa: Lặng lẽ gương không bóng Rỡ rỡ châu chẳng hình Rõ ràng vật phi vật Vắng vẻ không chẳng không. HT. Thanh Từ dịch Đọc bài này người ta không thể không liên tưởng tới bài kệ nổi tiếng "Bồ đề bổn vô thụ" của Lục Tổ Huệ Năng. Tác giả nói những điều phi lý, trái với thực tại trước mắt như "gương không bóng", "ngọc không hình", "vật phi vật", "không chẳng không" là muốn nêu vấn đề vô hữu tướng, khuyên hành giả không chấp "hữu" cũng không chấp "vô". 5. Thơ tả thiền thú Các vị thiền sư, ngoài những bài thơ nói về thiền lý, còn mượn thơ để bày tỏ thiền thú, tức cái vui bình dị thanh đạm, sự an nhiên tự tại trong cuộc sống tu hành nơi tùng lâm, thiền viện, có khi ở chốn núi rừng thâm u, niềm vui trong việc tìm Đạo và ngộ Đạo. Tác giả loại thơ này không có chủ ý đưa thiền vào thơ, nhưng vì nếp sống, phong cách, tư duy, cảm nhận của họ hòa quyện trong cảnh giới thiền, nên chất thiền, vị thiền tự nhiên bàng bạc trong thơ. Trần Nhân Tông (1258-1308) sau khi xuất gia, vào núi Yên Tử tu hạnh Đầu đà. Cuộc sống thoát tục thanh tịnh trong núi sâu được ngài biểu đạt bằng lời thơ thật bình đạm, bình đạm như chính cuộc sống của ngài: Phiên âm: Sơn phòng mạn hứng Kỳ nhị Thị phi niệm trục triêu hoa lạc Danh lợi tâm tùy dạ vũ hàn Hoa tận vũ tình sơn tịch tịch Nhất thanh đề điểu hựu xuân tàn. Dịch thơ: Phòng núi khởi hứng Bài 2 Phải quấy niệm rơi hoa buổi sớm Lợi danh tâm lạnh với mưa đêm Mưa tạnh, hoa trơ, non vắng lặng Chim kêu một tiếng lại xuân tàn. HT. Thanh Từ dịch Cách nhìn, cách nghĩ biểu hiện qua bài thơ thật đúng là của bậc chân tu ngộ đạo. Mỗi câu thơ đều toát ra cái ý vị thiền lâng lâng, thanh thoát. Ngoài những vị xuất gia, một số không ít nhà thơ thế tục thấm nhuần tư tưởng Phật giáo, có cốt cách thanh cao, thấy nhân sinh là hư ảo, xem công danh phú quý như mây nổi, chiêm bao, xa lánh cảnh phồn hoa, du sơn ngoạn thủy, ẩn cư chốn lâm tuyền, cũng sáng tác những bài thơ nói về cuộc sống phóng nhiệm tự nhiên đậm đà thiền vị. Nhiều bài thơ của Tạ Linh Vận, Trương Thuyết (667-730), Vương Duy (?-761), Đỗ Phủ (712-770), Liễu Tông Nguyên (773- 819), Lý Thương Ẩn (813?-858?), Vương An Thạch (1021-1086), Tô Thức, Chu Hy (1130-1200) đã được Lý Miễu tuyển chọn đưa vào Thiền thi nhất bách thủ. Ở Việt Nam , cho đến nay vẫn chưa có một tuyển tập thơ thiền tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, nói đến các nhà thơ thế tục, trước hết phải kể đến Nguyễn Trãi (1380-1442), Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nguyễn Trãi khi về nghỉ ở Côn Sơn, an nhiên sống nơi rừng suối như một triết nhân và đã ghi lại quãng đời ẩn cư đơn sơ, khoáng dật mà cao khiết bằng nhiều bài thơ chữ Hán và chữ Nôm. Xin dẫn một bài: Phiên âm: Ngẫu thành Thế thượng hoàng lương nhất mộng dư Giác lai vạn sự tổng thành hư Như kim chỉ ái sơn trung trú Kết ốc hoa biên độc phụ thư. Dịch thơ: Ngẫu nhiên thành thơ Giấc mộng hoàng lương ấy cuộc đời Tỉnh ra muôn việc chỉ không thôi Như nay chỉ thích vào trong núi Nhà lá bên hoa đọc sách chơi. Nguyễn Khuê dịch Thiền và thơ hòa nhập vào nhau làm phát sinh một loại thơ đẹp cả về nội dung lẫn hình thức. Nguyên Hiếu Vấn đời Nam Tống có câu thơ rằng: Thi vi thiền khách thiêm hoa cẩm Thiền thị thi gia thiết ngọc đao. (Thơ thêm hoa gấm cho thiền khách Thiền là dao cắt ngọc của nhà thơ). Câu thơ đã nêu bật tác dụng hỗ tương giữa thiền và thơ. thơ thiền, một bộ phận đặc thù của văn học phương đông, là sự kết hợp hài hòa giữa thơ và thiền, vừa có giá trị về mặt tôn giáo, vừa có giá trị nghệ thuật. thơ thiền là phương thức biểu đạt chỗ lĩnh ngộ về nhân sinh và tự tâm của mình, bày tỏ những nghĩ suy, cảm nhận về con người và cuộc đời, có tác dụng khai ngộ, thanh tịnh hóa tâm linh, đem lại cho người đọc sự cảm thụ thanh cao và hướng thượng. . Nam , thơ thiền còn truyền đến nay, sớm nhất là từ đời Lý. Các thiền sư và các nhà thơ đưa thiền vào thơ, mượn thơ làm phương tiện biểu đạt thiền lý. Có thể dựa vào chất thiền trong thơ, tức. Thơ thiền Nguyễn Khuê Thơ thiền là một bộ phận của thơ nói chung. Thơ, dù là thơ thiền, thì cũng không thể đi ra ngoài nguyên lý của nó. Ở Trung Quốc, nguyên lý tối cổ của thơ đã được. Khuê dịch 3. Thơ ám dụ Với loại thơ này, thay vì đưa thẳng thiền vào thơ, nhà thơ thông qua mô tả sự vật để ám chỉ thiền lý. Thơ ám dụ không sử dụng thiền ngữ, không thuyết minh thiền lý mà vẫn

Ngày đăng: 10/07/2014, 14:00

Xem thêm

TỪ KHÓA LIÊN QUAN

w