Cuộc sống du học: Muôn màu Dù bước chân đi du học bởi động lực nào thì cuộc sống du học vẫn để lại những kỷ niệm khó quên đối với những ai đã từng trải nghiệm qua. Từ những góc nhìn, những kinh nghiệm khác nhau, mỗi người sẽ tự rút ra cho mình những nhận xét riêng về quãng đời ấy. Trên diễn đàn Webtretho thời gian gần đây đã xuất hiện một chuyên mục mang tên “Sự thật về du học” tập trung những trao đổi của các bố, các mẹ WTT – những người đã từng đi du học và trưởng thành từ môi trường đó – xoay quanh vấn đề du học. Nhiều ý kiến được đưa ra tranh luận, bàn bạc, phân tích từ chính những gì mà những người trong cuộc đã từng trải qua và cảm nhận. Một thế giới thu nhỏ về cuộc sống du học đã hiện lên qua những lời bộc bạch chân tình. Một thế giới muôn màu. Du học là phải đối mặt với cuộc sống vất vả và nhiều hiểm nguy Trong suy nghĩ của nhiều người trong nước được đi du học là một niềm hạnh phúc lớn lao và những người đi du học là những người may mắn. Nhưng những ai đã sống qua quãng đời ấy mới thấm thía hết những nỗi cực nhọc, khó khăn mà cuộc sống nơi phương xa xứ lạ mang đến. Một chị có nickname là Đại Mỹ Nhân tâm sự: “Có một điều tớ biết chắc chắn: Du học là vất vả vô cùng. Đó là tự túc cuộc sống với đầy ắp những khó khăn. Đó là bữa cơm thiếu chất do cần phải tiết kiệm tiền, đó là những ngày vật lộn giặt quần áo bằng tay. Đó là những ngày cô đơn một mình với nỗi buồn ngập tràn, nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ quay quắt và tủi thân như mình bị quẳng ra khỏi thế giới của chính mình. Đó là sự xa lạ, ngơ ngác với một thế giới khác hẳn với các nguyên tắc khác, văn hóa khác, cơ sở hạ tầng khác và cách đánh giá cũng khác. Đó là những giờ học căng thẳng vô cùng vì áp lực bước chân đi du học là phải mang bằng về, ko có đường lui (sĩ diện gia đình mà)”. Còn chị OanhBK thì lại luôn cảm thấy căng thẳng khi đi học ở nước ngoài: “Mình thấy cuộc sống ở nước ngoài buồn và xì chét lắm, mình bị mất ngủ triền miên, có lúc phải pha côca vào rượu để uống mỗi tối cho lơ mơ để ngủ, thế mà hết rượu lại tỉnh, xoay giường các kiểu vẫn không ngủ được. Về đến Việt Nam là ngủ vùi luôn, hình như mình chỉ hợp đất Việt Nam”. Nhưng du học không chỉ có những vất vả, cô đơn vì cuộc sống tự lập. Trong đó còn ẩn chứa nhiều cám dỗ và hiểm nguy. Nếu không đủ bản lĩnh và sự quyết tâm, các bạn trẻ sẽ dễ dàng sa ngã. Chị Bebilon chia sẻ: “Tớ thấy trừ trường hợp được học bổng ra, nếu tự túc thì gia đình phải xác định là chu cấp toàn bộ tiền cho quá trình học, đồng tiền con kiếm thêm chỉ để dạy về giá trị đồng tiền và thêm tiền tiêu vặt, xem phim… Chứ tớ thấy nhiều trường hợp vì thiếu tiền mà đi làm nhiều đến mức độ không có thời gian học tốt, hoặc các bạn gái thì cặp với anh giàu…”. Thực tế thì cuộc sống du học không phải là màu hồng. Nó phức tạp và khó khăn hơn những gì mà các bạn trẻ nhìn nhận khi ra nước ngoài học tập. Nhiều bậc phụ huynh cũng không nhìn thấu hết vấn đề để tư vấn và chia sẻ cùng con. Ở một nơi xa xôi, các em sẽ phải một mình chống chọi và giải quyết mọi vấn đề của bản thân. Vừa đến trường học hỏi kiến thức, các em vừa phải học hỏi bao nhiêu vấn đề của trường đời. Trẻ sẽ rất dễ sa ngã, nản lòng và cảm thấy cô đơn khi phải đứng giữa biết bao điều xa lạ nhưng lại chưa đủ vốn sống và bản lĩnh để phân biệt tốt xấu. Vì vậy, một sự định hướng đúng đắn từ cha mẹ sẽ là rất cần thiết để giúp con em mình tránh khỏi những bước đi sai lầm. Du học là cơ hội để trưởng thành hơn Đứng từ một góc độ khác để nhìn nhận, những thử thách mà các du học sinh phải vượt qua sẽ giúp họ trưởng thành hơn nhiều. Cuộc sống du học không phải toàn màu hồng, nhưng không phải là không có những thú vị và những kỷ niệm khó quên. Ảnh: Inmagine Nhìn lại quãng đời xa xứ đã qua của mình, chị Chi May đã không khỏi bồi hồi, xúc động: “Lúc đầu khi mới du học cũng có những cú sốc văn hóa và những lúc cảm thấy mình lạc lõng giữa một thế giới xa lạ. Là những đêm thao thức nhớ nhà quay quắt, thèm một bữa cơm gia đình. Là những ngày đông giá rét co ro đạp xe đi chợ mua đồ băng tuyết táp vào mặt. Nhưng rồi cũng dần quen. Và về Việt Nam rồi thì có lúc (ít thôi) lại thèm được cái thanh bình bên ấy. Cho dù vất vả một chút nhưng cái được lớn nhất là mình trưởng thành hơn. Tất cả những kiến thức em học được đều rất hữu ích cho công việc bây giờ”. Từ những điều hay, điều mới ở nước ngoài, các du học sinh cũng tự rút tỉa cho mình những kinh nghiệm học hỏi bổ ích. Như chị Yellowtea nhìn nhận: “Mình thì thích du học vì mình thấy cách học của họ hay, mình ko fải học thuộc, mình có thể thể hiện mình theo cách mình thích, vd như từ việc làm seminar và viết tiểu luận, hiểu như nào làm như thế và tự bảo vệ được quan điểm của mình v.v… Thầy cũng để cho mình độc lập với ý tưởng của mình, có thể lái trò nhẹ nhàng nếu thấy thấy không ổn, nhưng vẫn để mình tự quyết định, không phải cứ theo thầy hoàn toàn. Như vậy mình cảm thấy mình tự lập hơn, có học hỏi được ít nhiều cho riêng mình và cho công việc của mình, đồng thời có cơ hội đi du lịch giá rẻ”. Cuộc sống xa nhà phần nhiều là vất vả, khó khăn song đây lại chính là môi trường rèn luyện tốt đối với nhiều bạn trẻ. Vì khi phải sống tự lập, các em sẽ có cơ hội hiểu rõ hơn những điểm mạnh, yếu của bản thân, biết cách tự lo cho mình, có cơ hội học hỏi được nhiều điều thú vị từ đời sống xung quanh. Và qua những lần vấp ngã, rất có thể bản lĩnh và nghị lực của bản thân các em cũng sẽ được trau dồi. Đó là những ưu điểm mà cuộc sống du học mang lại. Nhưng bạn cần hiểu rằng đó chỉ là một phần trong sự muôn màu trong thế giới ấy. Trước khi đến được với những điều tốt lành, bản thân những cô bé, cậu bé du học sinh sẽ phải bước qua rất nhiều những chông gai và cám dỗ. Vậy bạn cần chuẩn bị những gì trước khi cho con đi du học? Nên chuẩn bị kỹ về tâm lý trước khi du học Đây cũng là một kinh nghiệm được rút ra từ thực tế bản thân của những người đã từng đi du học. Chị Mebi88 có con đang du học ở nước ngoài chia sẻ: “Các con còn nhỏ mà cho đi du học thì cha mẹ cũng phải đánh giá thật khách quan về những vấn đề của trẻ như: sức khỏe, trình độ, tính cách và cả sở thích nữa. Nếu con không thích và khả năng bấp bênh thì cũng không nên cho đi, nhất là đi các nước ở quá xa hay đi tù mù như đi giao lưu chính phủ (đi Mỹ) thì tôi thấy rất mạo hiểm và đáng lo. Nhưng nếu con có đầy đủ tố chất và điều kiện thì cũng nên cho con đi, nhất là đến những nơi mà gia đình cũng có thể quan tâm , để mắt đến được”. Anh Ciub@ cũng tâm sự: “Ngày nay một đứa trẻ mà có được quyết tâm và bản lĩnh thì hiếm có. Nhưng quyết tâm và điểm số học tập tốt và ngoại ngữ tốt cũng chưa đủ. Mà phải có những kỹ năng sống độc lập, suy nghĩ độc lập, nhiều lúc không có thời gian suy nghĩ nhiều mà chỉ có quyền chọn lựa trong chốc lát và hành động. Ở cái tuổi mà tính bốc đồng còn nhiều , mà chín chắn thì ít liệu những hành động sẽ thế nào ? Còn những kỹ năng khác như sinh hoạt tập thể. Hay có những lúc phải đối mặt với những người không đàng hoàng, có khi chỉ từ một hành động sai là có thể thay đổi cuộc đời”. Quả thật khi đi du học, trẻ sẽ không còn dựa dẫm được nhiều vào cha mẹ như lúc còn ở nhà. Các em cần có đủ sự tự tin, ý chí và nghị lực để quyết định những vấn đề của bản thân. Song hiện nay, phần nhiều trẻ được bố mẹ cho đi du học đều ở lứa tuổi vị thành niên hoặc mười tám đôi mươi. Kinh nghiệm sống của các em có chưa nhiều, chưa sâu và vẫn còn phụ thuộc nhiều vào sự định hướng của người lớn. Vì vậy, nếu bạn cảm thấy chưa yên tâm về con mình thì chớ vội đưa trẻ đến một môi trường hoàn toàn xa lạ và đòi hỏi sự độc lập quá nhiều. Điều quan trọng là bạn phải hiểu rõ con mình và phải tìm hiểu kỹ những vấn đề xoay quanh việc du học. Một sự chuẩn bị tốt sẽ giúp tránh được những hậu quả không hay. . Cuộc sống du học: Muôn màu Dù bước chân đi du học bởi động lực nào thì cuộc sống du học vẫn để lại những kỷ niệm khó quên đối với. trong cuộc đã từng trải qua và cảm nhận. Một thế giới thu nhỏ về cuộc sống du học đã hiện lên qua những lời bộc bạch chân tình. Một thế giới muôn màu. Du học là phải đối mặt với cuộc sống vất. đi du học là một niềm hạnh phúc lớn lao và những người đi du học là những người may mắn. Nhưng những ai đã sống qua quãng đời ấy mới thấm thía hết những nỗi cực nhọc, khó khăn mà cuộc sống