Khi cha mẹ "vẽ đường cho hươu chạy" Chị Phan Bích Thủy và con gái khi ở bang Baltimore, Mỹ năm 2004 Nghe con reo khi xem quảng cáo bao cao su: "A, con biết rồi! OK là cho nam còn TRUST là cho nữ!”, chị Thủy cười phá lên. Hôm sau, nghe chị kể, cô bạn người Mỹ tròn mắt: "Có gì đáng cười đâu! Sao chuyên gia như mày lại để con gái 12 tuổi ngu ngơ thế!". Thạc sĩ Phan Bích Thủy, Chuyên gia về Đào tạo và Dịch vụ Sức khỏe Sinh sản của Tổ chức Concept Foundation cho biết, câu chuyện trên xảy ra cách đây đã hơn 10 năm nhưng chị vẫn nhớ như in. Khi ấy, thấy cái nhìn lạ lùng cùng những lời bình luận gay gắt của người bạn đồng nghiệp Mỹ, chị mới giật mình nhận ra bản thân chưa bao giờ nói với con những chuyện tế nhị và cũng không nghĩ con đã lớn, cần biết những điều ấy. Sau lần đó, chị rất muốn chia sẻ với con nhưng lại thấy khó vô cùng và không biết bắt đầu như thế nào. Cơ hội đến khi một lần cô con gái tới cơ quan mẹ, đọc và mượn về một cuốn sách viết về HIV, trong đó có nói đến tình dục an toàn. Ở nhà, thấy con say mê đọc, chị Thủy hỏi: "Con thấy cuốn sách có hay không?". "Hay lắm mẹ ạ, nhưng có chỗ con chưa hiểu. Dương vật là cái gì hả mẹ?". Chị Thủy ngớ người nhưng đã nhanh chóng có câu trả lời cho con: Chị gọi cô bé tới gần chỗ em trai mới sinh, chỉ vào vùng kín: "là cái này đây con". Và đây là bài học đầu tiên chị dạy con về sự khác biệt nam-nữ. Cũng từ đó, con gái chị chiều nào cũng đến cơ quan mẹ đọc các cuốn sách về giới, tình dục… rồi hai mẹ con trò chuyện vui vẻ, cởi mở và chị đã giải đáp mọi thắc mắc của con gái về lĩnh vực mới mẻ và lý thú này. Sau một thời gian, chị biết, con gái đem những kiến thức đó nói với bạn bè trong lớp và cô bé đã trở thành "chuyên gia" về lĩnh vực này ở trường. Tuy nhiên, khoảng thời gian khó khăn nhất với chị là khi cả gia đình chuyển đến sống ở Mỹ, lúc con gái đang tuổi dậy thì. Chị lo lắng bởi nơi mình sống là một môi trường cực "thoáng" và bọn trẻ rất dễ sa ngã. Dù vậy, hai vợ chồng chị, hơn bao giờ hết, đã là những người bạn thực sự của con, lắng nghe con tâm sự, dạy con kỹ năng sống một cách thân thiện không áp đặt. Có lần, khi cô bé có bạn trai, chồng chị đã tự lái xe đưa đón con đi xem phim cùng bạn. Khi thấy anh chàng kia không như mong muốn, anh chị cũng không cấm đoán con mà chỉ đưa ra những nhận xét khách quan nhất lúc con hỏi ý kiến và để cô bé tự quyết. "Khi để cho con được phát triển cá tính và sự độc lập, bố mẹ sẽ phải đối mặt với những tình huống không chỉ đau đầu mà còn đau tim. Mình không thể tưởng tượng có lúc con lại dám ‘cãi nhau’ tay đôi với mẹ hay khi không vừa ý nó lại chui vào phòng, đóng sập cửa lại để mẹ ở ngoài. Mình cũng từng nhiều lần thấy cực kỳ khó xử và phải đến gặp nhà tư vấn để xin lời khuyên. Tuy nhiên, cái được là con trưởng thành lên và thực sự biết làm chủ cuộc sống", chị Thủy chia sẻ. Và cũng chính nhờ vậy mà sau này, khi cả nhà về nước, chị vẫn yên tâm để cô con gái ở lại một mình trên đất Mỹ tiếp tục học đại học. Sau này, mỗi lần về thăm nhà, con gái vẫn thủ thỉ với mẹ về rất nhiều chuyện tế nhị như bắt gặp vô số bao cao su dùng rồi tại các bãi đỗ xe và trong phòng gọi điện thoại hay có thể nghe thấy những âm thanh “lạ” phát ra một cách rất “khiêu khích” ngay từ phòng bên cạnh trong kí túc xá. Tuy nhiên, cô gái trẻ vẫn giữ được bản thân và luôn được các bạn bè ngưỡng mộ về kết quả học tập và lối sống lành mạnh. Theo các chuyên gia y tế, ở nước ta chưa có một khảo sát nào về tỉ lệ các bậc cha mẹ trò chuyện về giới tính, tình dục với con nhưng thực tế cho thấy con số này rất nhỏ. Đa số các bậc phụ huynh đều ngại đề cập tới vấn đề này với trẻ, thậm chí khi con hỏi họ còn cố tình lờ đi hoặc quát mắng. Chính vì thế, nhiều gia đình vốn được cho là nề nếp và quản con rất sát sao đã sốc khi phát hiện con gái vốn ngoan ngoãn bỗng có thai hay phá thai nhiều lần, con trai thì lưu giữ nhiều băng đĩa sex… Trường hợp của gia đình anh Thành (Đống Đa, Hà Nội) không phải quá hy hữu. Vợ chồng anh đều là cán bộ nhà nước, rất quan tâm đến con. Cô con gái lớn 17 tuổi của họ khá xinh xắn, học giỏi. Vì luôn tâm niệm cần giữ cho con sự trong sáng nên cả hai tuyệt đối không bao giờ đề cập với con "chuyện người lớn". Từ nhỏ, anh chị luôn cố gắng tránh để con xem những cảnh tình cảm trên phim hay giao tiếp với bạn khác giới. Khi cô con gái bước vào tuổi dậy thì, vợ anh chỉ hướng dẫn cho con cách vệ sinh kinh nguyệt, ngoài ra không nói thêm điều gì. Hễ con có những thắc mắc về vấn đề tế nhị hay kể chuyện có bạn trai viết thư tỏ tình là anh chị đe ngay: tập trung mà học đi, đừng bày đặt yêu đương vớ vẩn. Lịch học của con anh chị nắm rất sát, mấy giờ tan, mấy giờ về đến nhà… Và cô con gái cũng tỏ ra rất nghe lời bố mẹ, đi học đều đặn, chẳng bao giờ nhắc đến những chuyện "vớ vẩn" trước mặt anh chị nữa. Thế mà, đùng một cái, vợ chồng anh Thành ngã ngửa khi nhận được thông báo: Con đang cấp cứu trong bệnh viện phụ sản sau khi bị ngất và mất máu quá nhiều vì phá thai chui. Hỏi bạn bè con, anh chị mới biết, cô bé đang yêu một cậu bạn lớp trên và những buổi học thêm, em đều trốn đi chơi. Cách giáo dục con của vợ chồng anh Thành khá phổ biến trong các gia đình người Việt. Các bậc phụ huynh ngại "vẽ đường cho hươu chạy" để rồi khi con không biết đường, chạy quàng vào bụi rậm, họ mới giật mình. Theo chuyên gia tâm lý Ngọc Phượng, Viện nghiên cứu môi trường và các vấn đề xã hội, thuộc Liên hiệp các hội khoa học Việt Nam, bố mẹ cần làm bạn với con và chia sẻ với trẻ những kiến thức về giới tính từ sớm. Theo bà, hiện nay, đa số các bậc phụ huynh "quên" điều này bởi chính họ vừa thiếu kiến thức vừa thiếu kỹ năng và thậm chí nghĩ rằng việc đó là không cần thiết. Ngược lại, không ít người muốn "cởi mở" với con thì lại không biết làm thế nào. Nhà tâm lý cho rằng, có rất nhiều cơ hội để các bậc phụ huynh bắt đầu thực hiện điều này và muốn làm được, trước tiên bố mẹ phải tự trang bị kiến thức đúng đắn về sức khỏe sinh sản, tình dục cho mình đã. Những thước phim tâm lý xã hội phù hợp với độ tuổi các em, các câu chuyện đời thường liên quan đến việc này… đều là những gợi ý hay để các bạn trao đổi với con. Theo bà, việc chia sẻ với trẻ không chỉ giúp các em hiểu biết về cơ thể, cuộc sống, biết cách ứng xử phù hợp với từng tình huống mà còn tạo một sợi dây liên kết tình cảm giữa cha mẹ và con cái. Khi cảm thấy luôn được bố mẹ chia sẻ, trẻ sẽ dễ dàng tâm sự những vấn đề của mình, từ đó bố mẹ sẽ biết để tìm cách định hướng tích cực hơn. . Khi cha mẹ "vẽ đường cho hươu chạy" Chị Phan Bích Thủy và con gái khi ở bang Baltimore, Mỹ năm 2004 Nghe con reo khi xem quảng cáo bao cao su: "A, con biết rồi! OK là cho. biến trong các gia đình người Việt. Các bậc phụ huynh ngại "vẽ đường cho hươu chạy" để rồi khi con không biết đường, chạy quàng vào bụi rậm, họ mới giật mình. Theo chuyên gia tâm. tạo một sợi dây liên kết tình cảm giữa cha mẹ và con cái. Khi cảm thấy luôn được bố mẹ chia sẻ, trẻ sẽ dễ dàng tâm sự những vấn đề của mình, từ đó bố mẹ sẽ biết để tìm cách định hướng tích