1. Trang chủ
  2. » Giáo Dục - Đào Tạo

LOẠN 12 SỨ QUÂN docx

8 368 0

Đang tải... (xem toàn văn)

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Định dạng
Số trang 8
Dung lượng 83 KB

Nội dung

LOẠN 12 SỨ QUÂN I : Dương Tam Kha Cướp Ngôi Nhà Ngô Người xưa có câu: Đắc cơ nhi động tắc năng thành tuyệt đại chi công Như kỳ bất ngộ, một thân nhi dĩ. Chữ thời, ôi chữ thời thật là tuyệt diệu. Nếu gặp thời mà hành động thì có thể thành được công lớn vô cùng, nếu không gặp thời thì than ôi, dẫu là bậc thánh trí cũng phải chịu chìm đắm mà tiêu tan thôi. Không ai có thể tạo ra được thời thế, chỉ có thể là do trời ban cho mà thôi. Tuy nhiên khi thời đến, không phải là người tài trí thì không thể nào nắm bắt được. Xét việc xưa, trong khi cả nước đang sục sôi căm hận giặc phương Bắc đô hộ, Trưng nữ vương chỉ cần hô một tiếng thì sáu mươi lăm thành Lĩnh Nam không phải đánh cũng lấy được cả, đó gọi là gặp thời và Trưng nữ vương cũng là người tài trí. Lại gặp khi Sỹ Nhiếp mới mất, dân đang hoang mang lo sợ, Bà Triệu vội đứng lên mưu việc đại sự, không hiểu rõ lòng dân, chưa biết ý tướng tá, nên chỉ với tám ngàn quân thôi thì người phương Bắc đã diệt được bà Triệu, còn các tướng lĩnh thì nhất loạt đầu hàng, nhân dân cũng không kháng cự. Vì sao vậy? Vì là biết thời nhưng chưa biết hành động sao cho đúng. Lại đến việc phải đi cống vải vất vả, Mai Thúc Loan tài trí siêu quần vung gươm khởi nghĩa, chỉ một trận là chiếm được Hoan Châu. Tuy nhiên chỉ dựa vào sức của những nông phu cống vải, lòng dân lúc ấy chưa theo, lại gặp hơn mười vạn quân tinh nhuệ của phương bắc nên chưa đầy một năm mà Mai Thúc loan hoàn toàn bị diệt. Ấy gọi là thời nhỏ không thể làm lên được việc lớn. Mãi cho đến khi Tĩnh hải quân tiết độ sứ Dương Đình Nghệ gạt ảnh hưởng của người phương Bắc, đặt nền tự chủ cho nước Việt thì lúc ấy mới gọi là đại thành sự nghiệp. Lại không xưng vương là hiểu rõ thời cuộc, nhân dân được ấm no là tài đức hơn người. Tuy nhiên, lại học theo kiểu người phương Bắc mà nhận đến ba ngàn con nuôi, để cho họ cậy thế làm càn, chính thống lại chưa ban ra khắp nơi, lãnh thổ chưa thống nhất hết, lại không hiểu rõ lòng thuộc cấp, nên tai họa gây ra từ đấy. Do đó mới sảy ra việc Kiều Công Tiễn giết chết Dương Đình Nghệ, chiếm cứ Giao Châu tự xưng là Tiết độ sứ, lại kéo giặc Nam Hán vào xâm lược đất nước. Ngô Quyền lúc ấy là thứ sử Ái Châu bèn đem quân ra Giao Châu giết chết Tiễn, đánh tan quân xâm lược Nam Hán tại sông Bạch Đằng, rồi xưng vương. Kể từ đây nước Việt hoàn toàn độc lập sau một ngàn năm bị người phương Bắc xâm chiếm. Khi Ngô Vương Quyền bệnh nặng, liền gọi Dương Tam Kha và thái tử Ngô Xương Ngập lại bên giường mà dặn Tam Kha rằng : - Việc còn mất ở đời không ai biết trước được. Trẫm bệnh hơn một tháng nay, tưởng rằng có thể qua khỏi được. Nhưng đêm qua trẫm nằm mơ, thấy có người mặc áo trắng đến bảo với trẫm rằng “nơi này không thể ở được nữa” rồi nắm tay kéo trẫm bay lên cao. Trẫm nhìn xuống thì kinh thành đang bốc cháy, có rất nhiều người ở kinh thành trên tay cầm vũ khí, nhưng duy nhất chỉ có một người dập đám cháy. Rồi người mặc áo trắng kia kéo trẫm bay thẳng lên trời. Trẫm tự biết mình không sống được nữa. Nhưng trẫm lo rằng đất nước sẽ gặp phải họa binh đao. Khanh là đại thần mà trẫm tin tưởng, hãy hết sức vì quốc gia mà tận trung phò tá con trẫm. Dương Tam Kha khóc mà vâng mệnh. Vương nói xong thì lấy tay chỉ vào thái tử Xương Ngập rồi nhắm mắt lại. Lúc ấy trời đất chợt tối xầm, gió lốc nổi lên khắp nơi. Ngô Vương Quyền băng hà. Dương Tam Kha vốn là con trai của Dương Đình Nghệ. Khi Ngô Vương Quyền lên ngôi, vì Kha có công với Ngô Vương trong việc tiêu diệt Kiều Công Tiễn và đánh bại quân Nam Hán, lại là em trai của vương hậu, nên được phong chức Đô chỉ huy sứ nắm giữ binh quyền triều đình. Đến đây, Dương Tam Kha trì hoãn việc lập vua mới, bèn cho gọi bộ tướng thân tín nhất của mình là Vũ Quốc Đạt đến tướng phủ cùng bàn việc. Vũ Quốc Đạt là người Ái Châu, thuở nhỏ ham học, lớn lên đi theo Dương Đình Nghệ và được Dương Đình Nghệ nhận làm con nuôi. Đạt là người cẩn thận, lại rất thân thiết với Tam Kha nên Tam Kha hết sức tin tưởng. Khi Tam Kha được phong làm Đô chỉ huy sứ, thì Đạt cũng được bổ nhiệm làm Tham quân nghị sự làm việc dưới quyền Tam Kha. Dương Tam Kha muốn dò ý của Vũ Quốc Đạt, nên hỏi thử : - Tiên Vương đã băng hà, có di mệnh cho ta phò giúp thái tử. vậy ta nên chọn ngày nào để lập thái tử lên ngôi? Vũ Quốc Đạt vốn đã biết ý của Kha nên đáp : - Việc này tôi cũng đã nghĩ đến nhưng chưa dám nói ra. Tam Kha bảo: - ông cứ nói. Vũ Quốc Đạt lạy hai cái mà thưa rằng: - Ngài bây giờ là đại thần trong triều, ngài muốn trung thành với nhà Ngô ư? Tôi khuyên ngài hãy suy nghĩ lại. Ngô vương vừa mất, trong nước chưa có người đứng chủ, sao ngài không nhân cơ hội này mà lên làm chủ thiên hạ? người xưa có câu “trời cho không lấy, chuốc lấy phần quấy, thời tới chẳng làm, tai ương sẽ thấy”. Vả lại, nước Việt này vốn dĩ là của họ Dương, nếu không phải Ngô Vương may mắn trong việc phản bội của Kiều Công Tiễn, thì mỗi tấc đất, mỗi người dân đều chẳng phải là của ngài ư? Nếu trước đây Ngô Vương trung thành với họ Dương thì không phải nói. Đằng này Ngô Vương cậy mình có công, tự lập làm vương, chẳng để ý gì đến vị trí kế nghiệp của ngài. Vậy thì ngài có ngại gì mà chẳng mưu việc đại sự? Vả lại hiện nay, các đại thần trong triều đều một lòng tuân theo ngài. Nếu ngài nghe theo lời tôi thì nên hành động ngay, kẻo lỡ mất thời cơ. Dương Tam Kha gật đầu rồi nói: - Ta cũng đã có ý này, nhưng chưa biết phải dùng kế gì cho toàn vẹn. Vũ Quốc Đạt bèn hiến kế: - Việc này chẳng có gì là khó. Hiện tại ngài đang nắm trong tay binh quyền, trong các quan thì phần nhiều là thân tín của ngài. Bây giờ ngài hãy vào cung, ép vương hậu làm giả chiếu chỉ mà truyền ngôi vương cho ngài, như vậy ngài có thể danh chính ngôn thuận mà lên ngôi. Tam Kha liền làm theo kế hoạch, ngày hôm sau, các quan mặc triều phục vào chầu, đều quỳ ở dưới. Vương hậu truyền đọc thánh chỉ : - Đây là di chiếu của Tiên vương, các quan hãy nghe cho rõ. Chiếu viết “Từ thời Tam Hoàng Ngũ Đế đã có quy định, hễ ai là hiền tài thì có thể làm vua thiên hạ. Vì vậy chẳng phải vô cớ mà Nghiêu truyền ngôi lại cho Thuấn, rồi Thuấn lại truyền ngôi lại cho Vũ, mà là vì Thuấn Vũ vốn là người hiền tài. Gần đây trẫm thấy trong người khó chịu, dường như không thọ được lâu nữa. Từ xưa đến nay ai cũng muốn truyền cơ nghiệp lại cho con, nhưng con trẫm lại không phải là tài giỏi. Hiện tại giặc cướp trong nước chưa dẹp yên hết mà phương Bắc lại luôn thừa cơ ta sơ hở mà vào cướp nước. Vì vậy việc xã tắc là trọng hơn cả. Trẫm nhận thấy có Đô chỉ huy sứ Dương Tam Kha là người vẹn toàn, đức có đủ để mọi người tin theo, tài có đủ để coi sóc việc nước. Khi nào trẫm rời bỏ xã tắc mà về với tổ tiên thì hãy đọc chiếu chỉ này truyền cho Đô chỉ huy sứ Dương Tam Kha thay trẫm cai trị đất nước. như vậy là trên thuận với lòng trời, dưới hợp với lòng dân, xã tắc được bảo vệ và cũng làm mãn nguyện lòng trẫm. Nếu kẻ nào có ý không phục, nghĩa là trái với ý trẫm, tội ấy không thể tha. Nay ban chiếu này bố cáo khắp thiên hạ để cho nhân dân và các quan đều biết rõ”. Chiếu chỉ vừa ban ra thì vương hậu truyền Dương Tam Kha bước lên điện, lấy áo ngự khoác cho Dương Tam Kha rồi truyền cho quan giữ ấn mang vương ấn giao lại cho tân vương. Các quan đều hô to: “Đại Vương vạn tuế”. Dương Tam Kha lên ngôi vương, xưng là Dương Bình Vương tự mình nắm giữ binh quyền. Vì Dương Tam Kha không có con trai, nên nhận hai người con trai của Ngô Vương Quyền là Ngô Xương Ngập và Ngô Xương Văn làm con nuôi. phong cho Vũ Quốc Đạt làm phụ quốc thái úy, Lã Xử Bình làm An Quốc Công, Kiều Tri Hựu làm Định Quốc Công. Tất cả các quan ai cũng biết Dương Tam Kha cướp ngôi và chiếu chỉ kia là giả, nhưng sợ uy thế của Kha nên chẳng ai dám nói ra. II: Ngô Xương Ngập Trốn Về Nam Sách Đây nói về hai người con của Ngô Vương Quyền là thái tử Ngô Xương Ngập và Vương tử Ngô Xương Văn, vì thân cô thế cô nên để mặc Dương Tam Kha cướp ngôi mà không làm gì được, bèn chạy vào hậu cung gặp vương hậu. Hai người cùng khóc mà rằng : - Mẹ xem, Dương Tam Kha là đại thần được phụ vương tin cậy, lại là cậu mà cướp cơ nghiệp của cháu, thử hỏi có đạo lý nào như thế không? Vương hậu cũng khóc mà nói: - Hiện cậu của các con thế lực to lắm, mẹ cũng chẳng thể nào làm gì được, đành phải vâng mệnh thôi. Cha con có một lão thần hết sức trung thành và cũng là một người bạn thân là Đông Giáp tướng quân Phạm Chiêm tức là Phạm Lệnh Công, hiện đang giữ đất Nam Sách. Các con nên ngay đêm nay chạy về Nam Sách mà nương nhờ Phạm bá bá, ở đây lâu sợ rằng sẽ bị hại. Hai vương tử vâng mệnh rồi lui về phủ chuẩn bị bỏ trốn. Nhưng Xương Văn đã kịp suy tính rằng: “nếu cả hai anh em cùng bỏ trốn thì có thể thoát hiểm, nhưng sẽ rất khó để khôi phục cơ nghiệp. Bây giờ để một mình Xương Ngập đi thì Tam Kha sẽ tập trung chú ý vào một mình Xương Ngập thôi, còn mình sẽ ở lại kinh thành mà thừa cơ hành động, thành công sẽ dễ dàng hơn”. Nghĩ vậy rồi Xương Văn liền nói với Xương Ngập: - Anh đi một mình thôi, em muốn ở lại chăm sóc mẫu hậu nữa. Anh đừng lo cho em, em có thể tự bảo vệ được mình. Khi anh gặp Phạm bá bá rồi, hãy kể hết tội trạng của Dương Tam Kha cho bá bá biết, để bá bá nghĩ cách đối phó. Hai anh em cùng khóc rồi chia tay nhau. Xương Ngập cưỡi lên một con ngựa trắng rồi một mình chạy về cửa đông kinh thành. Quan giữ cửa thành biết đó là Xương Ngập liền mở cửa thành cho qua. Ra khỏi kinh thành, Xương Ngập nhắm thẳng hướng đông mà chạy, đường xá nửa đêm thật vắng lặng, trăng non chiếu nghiêng xuống mặt đường, nhưng lại chiếu thẳng vào lòng một người thất thế. Xương Ngập cảm thấy trong lòng thổn thức, từ một thái tử trở thành một kẻ đào tẩu, không biết rồi sẽ ra sao đây. Xương Ngập nghĩ vậy rồi bất gác rơi lệ. Vó ngựa vẫn phi đều Rạng sáng hôm sau tại phủ Trà Hương quận Nam Sách, Phạm Lệnh Công đang ở trong thư phòng thì gia nhân vào báo : “có người đến tự xưng là thái tử Ngô Xương Ngập bảo đưa kim bài này cho chúa công xin yết kiến”. Phạm Lệnh công cầm kim bài xem, đúng là kim bài của thái tử, thì vô cùng sửng sốt liền vội vàng ra đại đường nghênh đón thái tử. Vừa gặp Xương Ngập, Phạm Lệnh Công cúi đầu thi lễ rồi nói : - Thái tử từ kinh thành đến đây, lão thần không kịp nghênh đón, xin thái tử tha tội. Xương Ngập nắm tay Phạm Lệnh Công và nói : - Ta đến đây là có việc hệ trọng, e rằng nói chuyện ở đây không tiện. Phạm Lệnh Công biết là có việc chẳng lành, liền dắt Xương Ngập vào thư phòng bàn việc. Phạm Lệnh Công vừa đóng cửa phòng lại thì Xương Ngập quỳ xuống vừa khóc vừa thưa rằng : - Phụ vương vừa mất, thi thể còn chưa kịp lạnh thì tên phản thần Dương Tam Kha đã làm việc đại nghịch bất đạo, tự lập làm vua. Cháu biết rằng hắn sẽ không để yên cho cháu nên nửa đêm bỏ trốn khỏi kinh thành. Mẫu hậu của cháu nói bá bá có giao tình thân mật với phụ vương, lại là trung thần nghĩa sĩ, nên khuyên cháu chạy đến đây nương nhờ bá bá. Xin bá bá hãy thương đến cháu. Phạm Lệnh Công đỡ Xương Ngập dậy rồi nói : - Xin thái tử hãy tạm ở lại Trà Hương này rồi sau hãy tính tiếp, Lão thần xin hết sức bảo vệ thái tử, quyết không để phụ lòng Tiên Vương. Ngay lúc ấy ở kinh thành Cổ Loa, Dương Tam Kha nhận được tin báo: “đêm hôm qua Ngô Xương Ngập đã ra khỏi kinh thành và chạy về hướng đông rồi”. Dương Tam Kha tức giận nói : - Thằng nhãi này dám bỏ trốn à? Nó định làm gì đây? Vũ Quốc Đạt nói : - Xin đại vương bình tĩnh, Xương Ngập chạy về phía đông chắc chắn là chạy về Nam Sách rồi. Phạm Chiêm ở Nam Sách có tiếng là người hiền sĩ, lại là công thần trung thành với nhà Ngô. Xương Ngập chạy về đấy là đúng. Tuy nhiên Xương Ngập vốn là kẻ nhút nhát, lại vô mưu, chắc chắc là có người xúi giục hắn. Xương Văn là người thông minh, lại đang ở trong cung, đây là một mối nguy hiểm lớn phải trừ ngay. Trước hết đại vương hãy gọi Xương Văn vào vương phủ, dùng cớ phạm thượng mà giết đi. Sau đó hãy cho người đến Nam Sách bắt Xương Ngập, chiếu theo tội bỏ trốn mà giết luôn. Đại vương nên nhân dịp này mà diệt luôn mầm họa, nếu để anh em họ Ngô sống thì giống như để lại bệnh trong tim phổi vậy. Dương Tam Kha nói: - Ta vừa mới lên ngôi, nếu giết anh em họ Ngô thì e rằng người trong thiên hạ sẽ không phục. Xương Văn và Xương Ngập là cháu ruột của ta, ta không hề muốn giết chết cháu ruột của mình. Vả lại chúng nó hiện thân cô thế cô, liệu có thể làm gì được ta nào? Vũ Quốc Đạt nói : - Đại vương xin hãy nghĩ lại. Nuôi giặc trong nhà là không nên. - Ta đã suy nghĩ kỹ rồi. dù sao ta cũng không có con trai, mai kia ta trăm tuổi thì sẽ trả lại cơ nghiệp cho họ Ngô. Tuy nhiên việc Xương Ngập bỏ trốn là không thể tha thứ được, ta sẽ cho người đi bắt về. Bây giờ để ta gọi Xương Văn đến xem nó đối đáp thế nào. Ngươi không cần nói thêm gì nữa, hãy đi lo việc của mình đi. Vũ Quốc Đạt lui ra, vừa đi vừa than thở: - Nuôi giặc chẳng khác nào tự mình hại mình. Vừa lúc ấy bộ tướng của Dương Tam Kha là Đỗ Cảnh Thạc đi đến, Thạc liền hỏi : - Chào Thái úy có chuyện gì mà ngài than thở thế? - Chào tướng quân, ta vừa khuyên Đại vương nên giết Ngô Xương Văn, nhưng Đại vương không nghe. Bây giờ đi bắt Xương Ngập về, nếu bắt được mà giết đi thì càng làm Xương Văn thù hận, nếu không giết đi thì chẳng khác nào nuôi dưỡng thế lực cho họ Ngô. Đỗ Cảnh Thạc không nói gì và xin cáo từ. Vũ Quốc Đạt cũng thở dài và đi về. Đỗ Cảnh Thạc là một người trí dũng có thừa, thời Dương Đình Nghệ làm tiết độ sứ, Thạc được giao trấn giữ đất Đỗ Động, sau theo Ngô Vương Quyền đánh quân Nam Hán, lập được công to, thăng đến chức chỉ huy sứ. Nay cũng được Dương Tam Kha trọng dụng vẫn cho giữ chức chỉ huy sứ cai quản quân cấm vệ thường trực. Hôm nay, sau cuộc nói chuyện với Vũ Quốc Đạt trong lòng Đỗ Cảnh Thạc đã có nhiều suy tính. Khi ấy Dương Tam Kha đã cho gọi Xương Văn vào trong vương phủ. Vừa gặp Xương Văn, Dương Tam Kha đã tức giận hỏi: - ta đối đãi với các con không tệ, tại sao anh Xương Ngập của con lại bỏ ta mà đi? Chẳng lẽ các con sợ ta làm hại các con hay sao? Hay là các con có hai lòng? Xương Văn liền quỳ xuống mà đáp: - Thưa phụ vương, con chẳng bao giờ nghĩ rằng ngài sẽ làm hại chúng con, cũng chẳng bao giờ dám có hai lòng. Nguyên là hôm qua, thân mẫu vì quá thương yêu và lo lắng cho chúng con, sợ rằng ở trong kinh thành sẽ có chuyện gì bất lợi, nên đã bảo anh em chúng con chạy về Nam Sách mà ở với Phạm Chiêm. Khi nào phụ vương cho gọi thì lại quay về. Nhưng con nghĩ rằng, ở trong kinh thành là ở cùng với phụ vương, nếu có gì bất lợi thì phụ vương sẽ che chở cho con, vả lại, tự động bỏ đi là trái ý phụ vương, nên con không dám theo anh Xương Ngập, mà ở lại đây nghe phụ phương sai bảo. Dương Tam Kha nghe Xương Văn nói rất thật, thì trong lòng cảm thấy vui vẻ. Lại nghĩ rằng Vũ Quốc Đạt quá lo xa mà trở nên đa nghi. Liền đỡ Xương Văn dậy mà an ủi rằng: - Xương Ngập tự ý bỏ đi khiến ta rất tức giận, tuy nhiên con là một đứa trẻ ngoan, lại thật thà, tương lai cơ nghiệp này sẽ là của con. Xương Văn lạy tạ rồi lui ra. Từ đó Dương Tam Kha hoàn toàn tin tưởng vào Xương Văn, coi như con ruột của mình. Ít lâu sau có sứ giả của Hoan Châu vào cung báo việc thứ sử Hoan Châu là Đinh Công Trứ đã mất, và em trai là Đinh Thúc Dự xin nhận mệnh trấn giữ Hoan Châu. Dương Tam Kha ngạc nhiên nói : Sao lại là Đinh Thúc Dự? Chẳng phải là Đinh Công Trứ có một người con trai tên là Đinh Bộ Lĩnh sao? III: Đinh Bộ Lĩnh Khởi Nghiệp Tại Hoa Lư Trước nói việc Đinh Thúc Dự sai người vào cung xin mệnh Dương Tam Kha cho cai quản Hoan Châu. Tam Kha hỏi về Đinh Bộ Lĩnh, sứ giả Hoan Châu đáp: - Đinh Bộ Lĩnh là con trai Đinh thứ sử, nhưng tuổi còn nhỏ lại ham chơi, chẳng biết gì về việc châu quận, nên chú ruột là Đinh Thúc Dự tạm quyền cai quản Hoan Châu, đợi khi nào Bộ Lĩnh trưởng thành sẽ giao lại quyền bính. Dương Tam Kha nghe vậy bất giác nghĩ đến việc cướp ngôi của mình, trong lòng cảm thấy hổ thẹn, rồi nói: - Ta chấp thuận phong cho Đinh Thúc Dự làm thứ sử Hoan Châu. Sứ giả nhận chiếu chỉ rồi lạy tạ ra về. Nói về Hoan Châu, Đinh Công Trứ là thứ sử Hoan Châu từ thời Ngô Vương Quyền. Khi Đinh Công Trứ mất thì em ruột là Đinh Thúc Dự lên nắm quyền. Sau khi nhận được chính mệnh của Dương Tam Kha phong làm thứ sử, Thúc Dự liền gạt bỏ mọi quyền lợi của cháu ruột mình là Đinh Bộ Lĩnh. Giao cho Bộ Lĩnh một nhiệm vụ hằng ngày là phải chăn trâu ngoài đồng, không được can dự vào việc trong phủ. Đinh Bộ Lĩnh là con trai của Đinh Công Trứ, tuy tuổi còn nhỏ nhưng rất thông minh, biết rằng thế lực của Thúc Dự rất mạnh, nên không hề tỏ ý chống đối, hằng ngày ngoan ngoãn ra ngoài đồng chăn trâu. Bộ Lĩnh kết bạn thân với đám trẻ chăn trâu như ba anh em Nguyễn Bặc, Nguyễn Bồ, Nguyễn Phục rồi Đinh Điền, Lưu Cơ, Trịnh Tú Trong lúc chăn trâu, Bộ Lĩnh thường rủ bọn trẻ cùng mình chơi đánh trận giả, lấy bông lau làm cờ hiệu, rồi chia làm hai nhóm đánh nhau. Thường thì nhóm của Bộ Lĩnh lúc nào cũng thắng nên được đám trẻ hết sức nể phục, tôn làm thủ lĩnh và gọi là vua. Bộ Lĩnh được bọn trẻ gọi là vua thì hết sức vui mừng và sinh lòng kiêu ngạo. Một hôm Bộ Lĩnh cùng bọn trẻ lại chơi đánh trận giả, nghĩ rằng mình chắc chắn sẽ thắng nên Bộ Lĩnh tỏ ra khinh thường đối phương. Nào ngờ trận đánh hôm ấy Bộ Lĩnh bị thua tan tác, chủ tướng của nhóm bên kia là Đinh Điền đã đánh bại được nhóm của Bộ Lĩnh. Đinh Điền hô to: “anh em đâu, hãy bắt sống tướng giặc”. Bọn trẻ hò reo rồi cùng nhau đuổi theo Bộ Lĩnh. Bộ Lĩnh hoảng sợ cắm đầu chạy thục mạng, được một lúc thì đã đến bờ sông. Bộ Lĩnh thầm nghĩ: “đường cùng rồi, nếu để bọn chúng bắt được mình thì chắc chắn sẽ bị bọn chúng làm nhục, anh hùng thà chết chứ không chịu nhục. Vả lại, mình là vua kia mà, chắc chắn sẽ không thể chết dễ dàng như vậy được”. Nghĩ vậy rồi Bộ Lĩnh hét to lên : - Nếu ta là vua thì rồng vàng đâu, mau mau đến cứu ta. Bỗng nhiên một tiếng sét ầm vang, mây đen nổi lên cuồn cuộn che kín cả bầu trời, một con rồng vàng từ giữa sông nổi lên uốn mình trước Đinh Bộ Lĩnh. Bộ Lĩnh không hề hoảng sợ leo lên mình con rồng vàng và qua bên kia sông trước những con mắt kinh hãi của bọn trẻ. Từ đó câu chuyện Đinh Bộ Lĩnh được rồng vàng hiện lên chở qua sông được lưu truyền khắp vùng. Đinh Thúc Dự ngày càng lo sợ Bộ Lĩnh sẽ lớn lên và đoạt lại cơ nghiệp, nên luôn tìm cách hãm hại cháu mình nhưng vì Bộ Lĩnh được mẹ bảo vệ, nên người chú vẫn chưa thể làm được gì. Thời gian trôi qua, Đinh Bộ Lĩnh cũng đã trưởng thành, một hôm Bộ Lĩnh tập hợp tất cả những người bạn chăn trâu lại và nói: - Hoan Châu này lẽ ra là của ta, nhưng bị chú của ta cướp mất, nay ta muốn về quê ngoại của ta là Hoa Lư để lập nghiệp, sau này khi thế lực lớn mạnh rồi sẽ quay về chiếm lại Hoan Châu, các bạn có muốn theo ta không? Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Nguyễn Bồ, Nguyễn Phục, Lưu Cơ, Trịnh Tú cùng xin theo. Đinh Bộ Lĩnh liền về nhà bàn với mẹ rằng: - Chú đã chiếm Hoan Châu của cha con để lại, nếu con ở đây lâu, sợ rằng sẽ có ngày bị chú hại chết. Chi bằng mẹ con ta cùng về lại Hoa Lư tìm cách khôi phục lại cơ nghiệp, con muốn nối chí anh hùng của cha con. Người mẹ cũng hiểu rõ rằng chắc chắn Thúc Dự sẽ không để yên cho Bộ Lĩnh, nên cũng đồng ý quay về Hoa Lư. Hôm sau Bà gom góp hết vàng bạc và tư trang của mình rồi bí mật trốn ra khỏi phủ. Đinh Bộ Lĩnh và nhóm bạn đã đợi sẵn ở bên ngoài, mỗi người đều ngồi trên một con ngựa, đeo một thanh kiếm, một cây cung và ống đựng tên. Vừa thấy mẹ cưỡi ngựa đi đến, Bộ Lĩnh nói: - chúng ta phải nhanh chóng đi ngay, nếu Đinh Thúc Dự đuổi kịp thì chúng ta nhất định phải liều chết. Bằng mọi giá phải đến được Hoa Lư. Mọi người cùng hô vang: - Nhất định phải liều chết, bằng mọi giá phải đến được Hoa Lư. Sau đó nhóm người của Bộ Lĩnh nhắm thẳng hướng bắc mà phi ngựa thật nhanh. Đinh Thúc Dự biết tin Bộ Lĩnh đã cùng mẹ bỏ trốn, liền dẫn theo hơn ba mươi người nhắm hướng bắc gấp rút đuổi theo. Đinh Thúc Dự ra lệnh cho gia nhân: “nếu không bắt sống được thì giết chết”. Đuổi mãi đến năm mươi dặm đường đất, cuối cùng Đinh Thúc Dự cũng đã thấy nhóm của Bộ Lĩnh ở phía xa. Một tên gia nhân trẻ tuổi muốn lập công nên hăm hở chạy lên phía trước, hắn giương cung lắp tên nhắm về hướng Bộ Lĩnh. Bỗng nghe vụt một tiếng, hắn ngã nhào xuống ngựa với mũi tên cắm sâu vào giữa ngực. Đoàn người ngựa của Đinh Thúc Dự hoảng hốt chùn lại, và bị nhóm của Bộ Lĩnh bỏ xa. Thì ra trong lúc tên gia nhân kia định bắn tên, thì Đinh Điền quay đầu lại và nhìn thấy, với tài bắn tên bách phát bách trúng của Đinh Điền thì tên gia nhân kia trong nháy mắt đã mất mạng. Biết không thể đuổi kịp nữa, Đinh Thúc Dự ra lệnh quay về. Nhóm người của Bộ Lĩnh ngày đi đêm nghỉ, đến bữa thì ghé vào quán ăn dọc đường, ăn xong lại đi tiếp, cuối cùng cũng đã đến Hoa Lư. Thành Hoa Lư được xây trên một thung lũng trù phú thuộc Trường Châu. Đất Hoa Lư có ba mặt là núi non hiểm trở, đất đai màu mỡ, dân cư đông đúc, thật là một nơi tốt để lập nghiệp. Đinh Bộ Lĩnh cùng mẹ và nhóm bạn về lại nhà mình, cùng gặp lại những người thân trong họ hàng. Bộ Lĩnh kết giao với anh hùng hào kiệt khắp nơi, được mọi người rất quý mến, lại bỏ tiền ra để chiêu mộ quân đội, rèn đúc khí giới, lại tiêu diệt hết bọn cướp bóc hoành lâu nay ở Hoa Lư, nên được nhân dân tin cậy, nhiều người xin theo về dưới trướng, trong đó có một người bà con là Đinh Thiết chiêu mộ được hơn hai trăm người đến xin quy phục, cũng đều được Bộ Lĩnh nhận cả, uy thế ngày càng lớn. Tại đây Bộ Lĩnh cưới vợ và ít lâu sau sinh được một người con trai, đặt tên là Đinh Liễn. Đinh Bộ Lĩnh sai người đào hào đắp lũy xây dựng thành Hoa Lư trở nên rất vững chắc, sau lại cho người sang Bố Hải Khẩu xin kết giao với sứ quân Trần Lãm tức Trần Minh Công, hai người thường cho sứ giả qua lại và trở nên thân thiết. Bộ Lĩnh biết Trần Minh Công có một người con gái chưa gả chồng tên là Trần Nương liền sang xin cưới về làm vợ. Trần Minh Công cũng mến tài Bộ Lĩnh nên đồng ý gả Trần Nương cho Bộ Lĩnh. Từ đấy hai nhà Trần Đinh thân với nhau như ruột thịt. Cùng thời gian ấy nổi lên đám giặc cướp do Chu Thái cầm đầu, làm loạnquận Thái Bình. Chu Thái vốn là một tên thổ phỉ có sức khỏe hơn người, tập hợp đồng đảng đến hơn năm ngàn người, đi cướp bóc khắp nơi khiến dân chúng Thái Bình vô cùng lo sợ, quan quân địa phương bất lực không làm gì được. Tin ấy truyền đến kinh thành khiến Dương Tam Kha vô cùng tức giận. Vì quận Thái Bình cùng với Kinh đô Cổ Loa đều thuộc Giao Châu, Thái Bình lại ở khá gần với kinh thành, nếu bọn Chu Thái điên cuồng đánh thẳng vào kinh thành thì cũng là một mối lo. Dương Tam Kha giận nói: - Chu Thái chỉ là một tên cướp vũ phu, thế mà quan quân ở Thái Bình không làm gì được hay sao? Ta phải đích thân đem quân đến dẹp mới được. Nói rồi liền gọi hai chỉ huy sứ là Dương Cát Lợi và Đỗ Cảnh Thạc đến, và chuẩn bị xuất quân. Đúng lúc ấy vương tử Xương Văn đến xin yết kiến và nói: - Con nghe nói phụ vương chuẩn bị đem quân đánh dẹp bọn Chu Thái ở Thái Bình, thực ra bọn chúng chỉ là một đám cướp bóc ô hợp, không đáng để phụ phương phải nhọc đến ngọc thể. Con xin được cùng với Dương tướng quân và Đỗ tướng quân đem quân đi dẹp bọn chúng. . LOẠN 12 SỨ QUÂN I : Dương Tam Kha Cướp Ngôi Nhà Ngô Người xưa có câu: Đắc cơ nhi. Tiết độ sứ, lại kéo giặc Nam Hán vào xâm lược đất nước. Ngô Quyền lúc ấy là thứ sử Ái Châu bèn đem quân ra Giao Châu giết chết Tiễn, đánh tan quân xâm

Ngày đăng: 22/03/2014, 22:20

TỪ KHÓA LIÊN QUAN

w