Miếtmảimộtcõiđi về…
Hoàng Tuấn
Quá nửa đời người miết mải, ông vẫn một mình một bóng đi về trên
con đường quen thuộc từ căn hộ ở Thành Công (trước là Hoàng Hoa
Thám) lên café Trang ở Hàng Hành, nơi có những người bạn vây
quanh, có những khoảnh khắc tĩnh lặng của mầu sắc pha trộn cho bức
tranh chiều và trên hết là gặm nhấm dĩ vãng của những cuộc tình,
những bắt đầu và những kết thúc, như ông chia sẻ. Một ly café, một
điếu thuốc luôn lập lòe dưới chiếc mũ vải mềm phong trần không bao
giờ tháo xuống, ông “ngồi một mình, khuấy loãng thời gian”….
“Thân tự lập thân, đào hoa chiếu mệnh”
Quê gốc Quảng Yên – Quảng Ninh nhưng lại đẻ ra ở Phnom Penh –
Campuchia (do gia đình theo bố làm tham tán thời Pháp) về Sài Gòn
sinh sống một thời gian ngắn rồi quay ra Hải Phòng cho đến năm 18
tuổi thì lên Hà Nội học hành lập nghiệp. Sự xê dịch đó ảnh hưởng khá
nhiều tới cuộc sống của họa sỹ Trịnh Thái sau này với nhiều chuyến đi
dài bất tử do nghề nghiệp mang lại hay chỉ để gợi cảm hứng sáng tạo.
Nó gột lên một hình ảnh Trịnh Thái phong trần, từng trải ở cả hình hài,
phong cách sống cũng như trong những mảng mầu trên toan vẽ. Nhưng,
ẩn sâu dưới cái dáng vẻ đó lại là tình yêu Hà Nội, sự rung động trước
cái đẹp đến mong manh đủ chạm để vỡ. Ông từng kể về một chuyến
công tác sang Pháp, ngồi bên dòng Seine mà nhớ hồ Gươm Hà Nội đến
da diết, ông đã khóc.
Ở tuổi 71, vẫn nét lãng tử phong trần đó, với đôi kính, chiếc mũ mềm
và điếu thuốc luôn đỏ lửa trên môi, Trịnh Thái còn gợi cho người đối
diện liên tưởng tới hình ảnh của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Không chỉ
bề ngoài, sự nhầm lẫn còn ám ảnh bởi sự thâm trầm, những chiêm
nghiệm và câu chuyện về hình ảnh “một nàng kiều” mơ hồ trong sáng
tạo nghệ thuật của ông. Giống đến lạ. Ông cười: “Không chỉ ở Việt
Nam, tôi sang tận Pháp làm triển lãm cũng có người nhầm với Trịnh
Công Sơn. Tôi toàn đùa bảo: Tôi là em của Trịnh Công Sơn, tên là
Trịnh Công Cốc”. Đến ngay cả đạo diễn Lê Dân, người đang ấp ủ một
kịch bản làm về Trịnh Công Sơn cũng ngỡ ngàng và dù kịch bản còn
dang dở, ông đã đưa ngay cho họa sỹ Trịnh Thái đọc với lời mời nếu
dự án thực thi thì vai Trịnh Công Sơn chắc chắn phải do Trịnh Thái
đảm nhận. Trịnh Công Cốc, như một cái tên tự nhận ám ảnh cho một
khía cạnh khác của họa sỹ Trịnh Thái “thân tự lập thân, đào hoa chiếu
mệnh”.
Café Trang chỉ cách café Nhân một tầm tay với, nơi treo hai bức tranh
về Hà Nội của ông là Phố mưa và Hoa sưa. Xa hơn một chút, qua vòng
hồ Gươm là café Lâm ở Nguyễn Hữu Huân, nơi có khoảng 50 bức
tranh của ông được sưu tầm. Đó đều là những địa chỉ một thời quen
thuộc nhưng mấy chục năm qua, dù nhà ở Hoàng Hoa Thám đã chuyển
tới tập thể Thành Công, họa sỹ Trịnh Thái vẫn chọn quán quen nho nhỏ
này cho hành trình thức dậy vào buổi sáng. Chưa chắc ở đây đã nhiều
bạn hữu hơn nhưng chắc chắn một điều, ở đây có quá nhiều kỷ niệm,
với những người phụ nữ đã đi qua cuộc đời. Quá nửa đời người với
những nhịp đập tình yêu từ gấp gáp vội vàng cho đến những rung động
bình thản, ấm áp đều có điểm khởi đầu hay kết thúc ở đây - ấy là ông tự
nhận thế. Cách đây 5 năm, người con gái hàng ngày vẫn ngồi cùng ông
ở quán nhỏ này cũng đã ra đi đột ngột. Tròn 5 năm – nỗi ám ảnh về sự
cô độc hoang hoải mà ông luôn nhắc lại trong cuộc trò chuyện đến bây
giờ ông mới lấy lại cân bằng. Ở tuổi 71, ông lại yêu. Ông bảo rằng
mình cảm giác đây là cuộc tình cuối. Bao nhiêu cuộc tình đã qua đều
đổ vỡ dù tất cả cùng xuất phát từ tình yêu chân thành, sự nghiêm túc để
dẫn đến hôn nhân nhưng có lẽ cuộc đời ông là vậy, không ai biết trước
được điều gì, mối tình hiện tại cũng vậy, sợ nói trước bước không qua,
nên cứ để số mệnh tự xoay vần
Số mệnh quả là đã xoay vần khi những tình yêu của ông chỉ nở hoa mà
không hề đậu quả. Trẻ trung và sôi nổi của tuổi trẻ rồi cũng qua với
những mối tình từ Bắc tới Nam, từ chuyện tự ái vặt rồi chia tay hay
không đủ bản lĩnh vượt qua áp lực do gia đình ngăn cấm. Đến cả mối
tình ông và cô ấy cho là duyên số trời định thì ông trời cũng lấy đi mất.
Ông bảo: “Đó là bộ phim đầu tay của tôi, đạo diễn yêu cầu tìm một
diễn viên vào vai chính. Tôi thích một cô gái ở phố Đinh Liệt và dẫn
đến ra mắt đạo diễn nhưng không hợp. Và vô tình tôi gặp cô ấy, đẹp
chân chất và vừa tốt nghiệp trường múa ra. Tuy vậy, tôi đã bị bỏ bùa ở
một hình bóng khác dù thời điểm đó, cô ấy rất thích tôi. Rồi chúng tôi
đi mỗi người mỗi ngả, va vấp qua nhiều cuộc tình, quá nửa đời người
mới gặp lại nhau và cảm nhận trọn vẹn tình yêu cho nhau. Cô ấy định
cư ở Mỹ, nửa năm lại về Việt Nam sống với tôi, cùng tôi ngồi ở quán
nhỏ này. Tôi đã bán nhà ở Hoàng Hoa Thám đi để thuê một ngôi nhà
lớn hơn cho cô ấy ở cho thoải mái và tính chuyện lâu dài. Thế nhưng,
cuối cùng thì cô ấy lại bỏ tôi ở lại một mình…”. Một mình, lại thân tự
lập thân, cách đây 2 năm ông chuyển về ở căn hộ tập thể ở Thành Công
như ông kể là “đó là nhà người em ruột ở Hải Phòng mua cho hai đứa
con gái học đại học ở Hà Nội nhưng chúng nó lập nghiệp nơi khác. Em
tôi bảo, thôi anh về đó sống trông nhà cho em cho đến khi cuối đời.
Nhà rộng, 4 phòng đủ cả phòng khách, phòng ngủ, phòng vẽ và phòng
bếp nơi tôi tự tay nấu nướng vào buổi chiều”.
Bỏ người tình, về với vợ
Gắn bó với điện ảnh hơn 30 năm với vai trò thiết kế mỹ thuật của hơn
40 bộ phim, trong đó nhiều tác phẩm đã đi vào lịch sử điện ảnh Việt
Nam như Rừng O Thắm, Vỹ tuyến 17 ngày và đêm, Ngày lễ thánh, Trở
về Sam Sao, Biệt động Sài Gòn, Săn bắt cướp…. Họa sỹ Trịnh Thái là
một trong 3 người đầu tiên đặt nền móng cho thiết kế mỹ thuật điện ảnh
của Hãng phim truyện Việt Nam cũng như điện ảnh Việt thời kỳ đầu.
Những thiết kế của ông đậm vốn sống thành thị và gần như ngược lại
với nét lãng tử bên ngoài, trong công việc, nét tỉ mỉ, cầu toàn của ông
đều có thể nhận thấy trong từng đạo cụ, bối cảnh phim. Người trong
nghề nhắc đến ông là nhắc tới hai bộ phim Vỹ tuyến 17 ngày và đêm
cũng như 4 tập phim Biệt động Sài Gòn với những bối cảnh phim tái
hiện tới từng chi tiết sống động. Tuy vậy, năm 1995, ông quyết định
nghỉ hưu, rời xa phim trường với câu nói mà ông luôn khẳng định cho
tới tận bây giờ: “Điện ảnh chỉ là người tình, hội họa với là vợ. Đã đến
lúc tôi dành hết tâm huyết cho người vợ của mình”.
Lật lại quan điểm với những ký ức tuổi thơ, họa sỹ Trịnh Thái còn nhớ
như in lời phê của thầy giáo trong sổ học bạ khi học cấp 1: “Ngồi trong
lớp không chịu nghe giảng, hay xé giấy vẽ bậy”. Cũng may, cha ông,
một kỹ sư trắc địa mê hội họa đã nhận thấy năng khiếu và đam mê của
cậu con trai nên định hướng theo nghề vẽ. Năm 18 tuổi, ông khăn gói
rời Hải Phòng lên Hà Nội thi vào trường Mỹ thuật công nghiệp, theo
đuổi hấp lực từ những bảng mầu. Người cha đã hoàn toàn đúng đắn,
cậu con trai Trịnh Thái đỗ ngay khóa đầu tiên của trường.
Cái duyên của điện ảnh bắt đầu đến từ đây dù khi còn bé ông cũng như
bao đứa trẻ khác mê mẩn với những tác phẩm được gọi là cinema dù
không hề hiểu về công việc của những người tạo ra thứ hấp lực đó.
Năm thứ 2 theo học, Bộ văn hóa mở lớp họa sỹ điện ảnh đầu tiên do
chuyên gia Liên Xô sang dạy. Cả nước chọn ra được 12 người và cậu
sinh viên Trịnh Thái có tên trong lớp. Rơi rớt còn 8 người theo học cho
đến khi tốt nghiệp năm 1964, ông cùng hai họa sỹ Phạm Quang Vĩnh,
Nguyễn Ngọc Tuân (đã mất) chính thức về Hãng phim truyện Việt
Nam với vai trò thiết kế mỹ thuật phim truyện.
Nếu người họa sỹ chỉ cần làm chủ mảng mầu, phác được ý tưởng và
cảm xúc thì nghề thiết kế mỹ thuật đòi hỏi người họa sỹ phải dày về
vốn sống, làm chủ được bối cảnh, tỉ mỉ và tư duy về tạo hình phải cao.
Họa sỹ Trịnh Thái cười khi nhớ lại những câu chuyện làm phim thời
bao cấp, ông bảo, cái gì cũng khó khăn, ngoài những yếu tố căn bản
cần phải có của người thiết kế mỹ thuật thì sự sáng tạo, ứng biến cũng
là yếu tố rất lớn mang đến sự thành công. Kỷ niệm thì nhiều lắm, càng
khó khăn thì càng nhiều kỷ niệm. Ông vẫn nhớ chuyện về làm phim Vỹ
tuyến 17 ngày và đêm của đạo diễn Hải Ninh, làm năm 1971. Thời
điểm đó, đất nước vẫn còn chia cắt mà bối cảnh trong phim phải tái
hiện cuộc sống ở bên kia bờ Bến Hải. Trước đó, bộ phim đầu tiên
Chung một dòng sông cũng có tái hiện những hình ảnh đó nhưng rất sơ
sài. Ngoài những tài liệu mật được tham khảo thì ông cũng nhiều lần
được người của mình đưa ra hầm ở Cửa Việt – Gio Linh vào buổi tối,
nhờ ánh đèn điện hắt sang từ thị xã Quảng Trị để “tận mục sở thị”. Chỉ
có vậy, nhưng với sự sáng tạo và tỉ mỉ của mình, ông đã đem lại sự
chân thực lớn cho việc tái hiện lại cuộc sống của đồng bào mình bên
kia bờ Bến Hải – điều được kiểm chứng sau khi hòa bình. Sau này,
những bộ phim thời hòa bình dễ dàng hơn, cũng có điều kiện hơn để
ông có thể làm tốt công việc của mình cũng như bồi đắp thêm vốn
sống. Như bộ phim Ngày lễ thánh của đạo diễn Bạch Diệp, với vai trò
thiết kế mỹ thuật cho phim, lần đầu tiên ông – một nam giới được bước
vào khám phá thế giới nhà tu kín. Hay như Biệt động Sài Gòn, ngoài
những tư liệu hiện vật, hình ảnh, ông còn được “nằm vùng” ở Sài Gòn
đến 4 năm để tái hiện lại thành phố này thời điểm Mỹ - Ngụy chiếm
đóng không chỉ ở bối cảnh mà cả văn hóa đường phố của người dân.
Vốn sống, sự quen tay đã dày, những bộ phim cứ cuốn ông đi hết vùng
đất này đến vùng đất khác. Người ta biết đến ông nhiều hơn, gọi ông là
Nhà thiết kế mỹ thuật điện ảnh Trịnh Thái và với những đóng góp to
lớn cho điện ảnh, ông cũng được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ
sỹ ưu tú.
Tuy vậy, con người họa sỹ trong ông vẫn lầm lũi song hành ở những
quãng thời gian khác. Rời phim trường, ông lại âm thầm miệtmài bên
giá vẽ. Ông vẽ nhiều, đủ thể loại đề tài từ chân dung, phong cảnh, tĩnh
vật đến trừu tượng trên hai chất liệu ông cho là thế mạnh của mình là
sơn dầu và lụa. Năm 1988, tại Sài Gòn, nơi ông đang cùng đạo diễn
Trần Phương làm bộ phim Săn bắt cướp, họa sỹ Trịnh Thái có triển lãm
đầu tiên của mình. Triển lãm được đánh giá cao trong con mắt của
đồng nghiệp bạn bè càng tiếp thêm cho ông động lực sáng tạo. Những
triển lãm cá nhân, nhóm lần lượt được ra mắt tại Hà Nội, Pháp, Canada,
Phần Lan…với những đón nhận và lời mời thôi thúc niềm đam mê thật
sự khiến ông đi đến quyết định cuối cùng: rời bỏ điện ảnh, tập trung
cho hội họa. Năm 1995, ông viết đơn xin về mất sức, hàng ngày làm
bạn với giá vẽ. Cứ 2-3 năm, ông lại có một triển lãm, mỗi lần khoảng
50 bức. Đến thời điểm này, ông đã có tới 14 triển lãm cá nhân và sang
năm là triển lãm lần thứ 15 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tranh của ông
lãng mạn, tông xanh ghi chủ đạo đượm màu bàng bạc nhưng lại toát
nên nét trẻ trung, một hồn cách riêng không pha trộn. Tranh của ông có
giá nhưng tính cách thoáng trong giao tiếp nhiều lần khiến bạn bè phàn
nàn rằng ông “phá giá thị trường”. Ông đùa bảo, cũng tùy người, tùy
quan hệ, cái người thì bán, có người thì tặng, cuộc sống mà….
Cuộc sống mà… Đó cũng là câu ông hay nói trong buổi trò chuyện.
Ông bảo rằng, cho đến bây giờ ông vẫn sống và tôn thờ thuyết tương
đối. Không ai tuyệt đối được, ông cũng vậy, về nghề, về sống cũng
tương đối mà thôi. Ông hài lòng với bản thân và thực tại. Trên chiếc
supper cup đời 82, cuộc sống của người đàn ông độc thân 71 tuổi này là
sáng sáng chạy lên quán café quen thuộc. Buổi trưa lang thang bia bọt
với bạn bè và buổi chiều, tối dành thời gian bên giá vẽ. Tự nhận mình
nấu ăn rất giỏi, từng viết nhiều bài báo về ẩm thực Hà Thành nên mỗi
buổi chiều tự tay nấu nướng, với ông – đó vừa là nhu cầu, vừa là một
thú vui. Trung bình một ngày hút gần hai bao thuốc, như một thói quen
khó bỏ; luôn tự nhận mình chỉ là gã “thực tập bia rượu” trong các cuộc
nhậu bởi đơn giản “họ còn có vợ con lo lắng, mình say về, ai lo” và
chân lý sống là hòa nhã, tử tế với mọi người xung quanh. Ông thừa
nhận, cuộc sống giờ loanh quanh chỉ có vậy, nhìn ngoài thì cám cảnh
nhưng thật sự ông luôn có những niềm vui trong những va đập mà vòng
quay đó mang lại. Ngay cả tình yêu mới cũng vậy. Chả thế, một nhóm
làm phim truyền hình muốn làm phim về ông “để dối già” như họ thân
tình nói thẳng thì ông trả lời: “Thôi, các cậu tìm cụ khác đi, tớ còn trai
tân, còn yêu đời lắm”….
. Miết mải một cõi đi về…
Hoàng Tuấn
Quá nửa đời người miết mải, ông vẫn một mình một bóng đi về trên
con đường quen thuộc. thúc, như ông chia sẻ. Một ly café, một
đi u thuốc luôn lập lòe dưới chiếc mũ vải mềm phong trần không bao
giờ tháo xuống, ông “ngồi một mình, khuấy loãng