Để ảnhluônnét
Biết cách khai thác một số chức năng tiên tiến của máy, người chụp sẽ cải thiện được
độ nét của bức ảnh.
Một trong những điều băn khoăn của không ít người chụp là sao những bức hình mình chụp lại
không nét bằng những bức vẫn thấy trên Internet, dù đã thực hiện đủ các kỹ thuật cần thiết như
cầm chắc máy, nâng tốc độ cửa trập, lấy nét đúng… Tuy nhiên, đó mới chỉ là những kỹ thuật
khởi đầu để có một bức ảnh đẹp. Thực ra, ngay cả các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp cũng có
không ít những bức bị rung, bị mờ, chỉ là họ không công bố rộng rãi mà thôi.
Ngoài những kỹ thuật cơ bản ở trên, tạp chí nhiếp ảnh Digital Photography School đã tổng hợp
thêm một số kỹ thuật khác giúp người chụp có thể khai thác để có được những bức ảnh thật sự
nét của riêng mình.
Nút lấy nét phía sau thân máy.
Chế độ AF gần màn hình. Ảnh: Digital Photography School.
Rất nhiều người chụp ảnh thực hiện các thao tác lấy nét bằng nhá nút chụp rồi ấn thẳng để chụp
ảnh. Vấn đề ở chỗ nếu lấy nét và chụp theo cách thức này, mỗi khi bạn nhá nút chụp là một lần
máy ảnh sẽ lấy nét lại. Nếu đối tượng ở quá xa hoặc khung cảnh có nhiều người, cách thức trên
rất dễ dẫn tới hiện tượng khoảng nét liên tục bị thay đổi do máy lấy nhầm vào những đối tượng
di chuyển xung quanh điểm nét đã chọn.
Giải pháp cho vấn đề này là trên hầu hết các máy DSLR, luôn có nút "AF-On" phía sau máy có
thể chuyển thành nút lấy nét độc lập mà không cần phải bấm nhá nút chụp ảnh nữa. Khi kích
hoạt tính năng này trong menu, mỗi lần bạn bấm nút AF-On, khoảng nét đã lấy sẽ được giữ
nguyên (tương tự như chức năng khóa nét) và như vậy có thể bấm bao nhiêu ảnh tùy thích cho
đến khi có được bức ưng ý mà không sợ khoảng nét bị thay đổi. Lúc này, nút chụp ảnh sẽ chỉ
đơn thuần là nút chụp chứ không còn đóng vai trò là nút lấy nét nữa, giải phóng cho ngón tay
bấm máy của bạn.
Nên nhớ luôn có sự khác nhau giữa việc để máy ảnh chọn điểm nét và tự mình chọn điểm nét.
Do các máy DSLR càng ngày càng được cải tiến với các giải thuật tiên tiến nên rất nhiều người
chọn cách để cho máy chọn điểm nét (bằng cách bật tất cả các điểm nét) thay vì tự chọn bằng
tay. Không thể phủ nhận rằng về cơ bản, trong hầu hết các trường hợp máy lựa chọn khá chuẩn
xác do đối tượng cần chụp luôn chiếm phần lớn khung hình. Nhưng vấn đề chỉ thực sự nảy sinh
nếu như bạn sử dụng độ mở lớn dẫn tới khoảng nét hẹp.
Ví dụ, nếu đối tượng đứng ở khoảng cách 3 mét và sử dụng tiêu cự tele 200mm, độ mở f/2.8, độ
sâu trường ảnh chỉ khoảng 4cm. Điều này nghĩa là đối tượng của bạn chỉ nét từ khoảng 2,98m
đến 3,02m, còn ngoài khoảng đó sẽ bị mờ. Với khoảng nét hẹp như vậy mà để cho máy ảnh tự
quyết định điểm nét sẽ rất dễ dẫn đến trường hợp máy lấy đầu mũi làm điểm nét khiến cho phần
mắt (phần biểu cảm chính của đối tượng) lại bị mờ.
Giải pháp cho vấn đề này là kích hoạt chế độ chọn điểm nét, dùng bánh xe hay joystick tùy thân
máy để chọn chỉ một điểm nét (single-point) trong các điểm mà máy hỗ trợ. Nếu muốn lấy nét
vào mắt đối tượng, hãy di chuyển điểm nét đã chọn vào vị trí mắt, bấm nút lấy và khóa nét AF-
On. Khi điểm nét đã được khóa trên khung hình, chỉ cần lo việc tìm ra những khoảnh khắc thích
hợp để bấm máy.
Chế độ bám nét liên tục.
Ngoài chế độ lấy nét một lần, đừng quên máy ảnh còn có chức năng bám nét liên tục Servo
focus.
Khoảnh khắc hạnh phúc của hai bố con. Ảnh: Digital Photography School.
Chế độ AI Servo bắt đầu trở nên thông dụng và trở thành một trong những chức năng tiêu chuẩn
trên máy ảnh từ những năm 80 do nhu cầu của các nhiếp ảnh gia thể thao muốn lấy nét chính xác
hơn trên những đối tượng luôn chuyển động. Ở chế độ này, máy ảnh sẽ bám nét liên tục theo
từng chuyển động. Ở một số máy, người chụp còn có thể điều chỉnh độ nhạy của chức năng bám
nét này.
Ví như bức ảnh trên đây, chụp khoảnh khắc hạnh phúc của một người bố chơi với con trai mình.
Do đối tượng đang chụp chuyển động nên tác giả đã sử dụng chế độ nét điểm vào cậu bé, bấm
giữ nút AF-On vào khoảng vị trí này rồi kích hoạt chế độ bám nét AI-Servo mỗi lần cậu bé quay
đến. Kết quả là một bức ảnh ấn tượng dù tác giả chụp với một khoảng nét khá hẹp.
Ban nhạc Jars of Clay. Ảnh: Digital Photography School.
Còn bức ảnh trên đây được chụp trong một phòng họp tại nhà hát Austin, Texas của ban nhạc
Jars of Clay. Tác giả bức ảnh đã ngồi một chỗ cố định, chọn nét điểm rồi khóa nét vào gương
mặt của ca sĩ hát chính. Lúc này, nhiếp ảnh gia chỉ việc chờ với ngón tay đặt trên nút chụp, đến
thời điểm ca sĩ quay ra nhìn máy ảnh, anh ta bấm máy. Kết quả là một bức ảnh khá sống động
thay vì những bức hội nghị vốn thường nhàm chán vì quá nhiều người.