Bán đảoẢrập thời thượng cổ ( chương 2 )
Miền bắc bán đảoẢ Rập, dọc theo bờ Địa Trung Hải, từ sông Nil
tới Syrie rồi vòng qua lưu vực hai con sông Tigre và Euphrate là
nơi phát tích của hai nền văn minh cổ nhất thế giới: nền văn minh
cổ Ai Cập và nền văn minh Mésopotamie; cũng lại là nơi phát tích
của hai Tôn giáo có ảnh hưởng lớn tới nhân loại: Do Thái giáo và
Ki Tô giáo; còn giữa bánđảo là âm phát tích của một nền văn
minh thời Trung cổ, văn minh Ả Rập, và của một Tôn giáo thứ ba:
Hồi giáo.
Văn minh cổ Ai Cập
Phát sớm nhất là nền văn minh cổ Ai Cập.
Chúng ta chưa rõ gốc tích dân tộc Ai Cập, chỉ biết từ hồi tiền sử họ
ở sa mạc phía Tây (tức miền Bắc Phi: Libye, Somalie ), di cư tới
bờ sông Nil, thấy đất cát phì nhiêu, bèn cắm trại cất chòi. Nhưng
rồi có lẽ cách đây 7.000 năm, đã có một số dân tộc châu Á:
Sémitique hay Suméro Indou tới xâm chiếm lần lần thượng lưu
sông Nil. Những dân tộc này văn minh hơn, có chữ viết, biết nấu
đồng, tổ chức gia đình, xã hội, đồng hóa thổ dân còn dã man chỉ
biết dùng đồ đá, và khoảng 4.000 năm TCN, sự đồng hóa đã hoàn
thành, mà dân tộc Ai Cập xuất hiện trên lịch sử thế giới.
Mới đầu dân tộc đó chia làm nhiều tiểu bang rồi một vị anh hùng
thống nhất các tiểu bang, lên ngôi vua (khoảng 3.200 TCN), tức
vua Ménès, lập đô ở Memphis, trên hạ lưu sông Nil. Các vua sau lo
mở mang, bình trị đất đai, xây dựng các kim tự tháp, được coi là
một trong những kỳ quan của thế giới. Kim tự tháp cao nhất cất
trong đời vua Kheops, khoảng 2.800 TCN.
Độ một ngàn năm sau, một dân tộc du mục ở phương Đông từ sa
mạc vào xâm chiếm đất đai họ trong một thế kỷ, tức dân tộc
Hyksos. Họ gắng sức đuổi quân thù đi, phục hưng lên, mạnh hơn
trước: các vua Thoutmès III, Ramsès II (1.300 TCN) đều là những
vị anh hùng (kinh đô hồi đó ở Thèbes) mở mang bờ cõi tới
Palestine, Syrie, lại thắng được dân tộc Hittite, lúc đó có một đế
quốc rộng ở Tiểu Á.
Ai Cập thời đó hùng cường và văn minh nhất thế giới. Các đền đài
đồ sộ được dựng lên, như đền Louqsor và Karnack.
Họ theo đa thần giáo cũng như các dân tộc khác, thờ đủ các thứ
thần: thần Thiện, thần Ác, thần Bò, thần Cá Sấu, thần Sông Nil,
thần Mặt Trời. Họ tin rằng linh hồn bất diệt, nhưng cần có xác để
làm chỗ dựa, nên họ ướp xác rồi mới đặt vào quan tài, chôn cất.
Các kim tự tháp chính là những lăng tẩm vĩ đại chứa xác các vua
chúa mà họ gọi là Pharaon.
Trên 4.000 năm trước, họ đã biết dùng thuyền buồm, bánh xe, nấu
thủy tinh, chạm đồ đồng, dệt vải mịn, biết đào kinh dẫn nước; kinh
có danh nhất là kinh nối Hồng Hải với một nhánh sông Nil, làm
cho Hồng Hải thông với Địa Trung Hải (thế kỷ thứ 7 TCN.). Sau
kinh đó bị cát lấp vì trong thời họ suy vi, không có ai săn sóc.
Ferdinand de Lesseps đào kênh Suez (hoàn thành năm 1869, tới
nay đúng một thế kỷ) là muốn làm lại công việc của người Ai Cập
hai ngàn năm trước.
Khoa học của họ đã đạt một sức khá cao: họ làm được một thứ lịch
gần đúng, chế ra một thứ giấy rất bền bằng vỏ cây papyrus, tính
được con số p = 3,16, tạo được một thứ chữ viết dùng 24 chữ cái
để ghi âm. Còn công trình kiến trúc của họ thì quán tuyệt cổ kim,
chúng tôi khỏi phải nhắc tới.
Thịnh cực thì bắt đầu suy. Dân chúng sinh ra lười biếng, không
muốn đi lính, lính trong nước đều là người ngoại quốc đánh thuê.
Vua chúa sống một đời cực kỳ ủy mị, xa xỉ.
Mới đầu bị Ba Tư xâm chiếm; người Ba Tư lập nhiều đồn trên
khắp lưu vực sông Nil, từ Địa Trung Hải tới Assouan. Ai Cập chịu
nhiều nỗi điêu đứng, mấy lần nổi lên, mất hai thế kỷ mới đuổi
được họ đi, nhờ những lính đánh thuê gốc Liby và Hy Lạp.
Vì vậy mà khi Alexandre đại đế (thế kỷ thứ 4 TCN.) chiếm được
Ba Tư, rồi Syrie, Palestine, tới bờ sông Nil thì dân chúng Ai Cập
hoan hô ông như một vị ân nhân giải thoát cho họ, coi ông như một
vị Pharaon chính thống. Hy Lạp đô hộ Ai Cập ba thế kỷ. Họ đi thì
La Mã tới.
Nữ hoàng Cleopatre, xinh đẹp tuyệt trần, muốn dùng làn sóng
khuynh thành để cứu quốc, thắng được vị anh hùng La Mã là
César, nhưng rồi không lay chuyển được Auguste và phải tự tử để
khỏi bị nhục.
Từ đó, trong non 2.000 năm, Ai Cập không lúc nào được tự chủ.
Hết La Mã, tới Byzance. Ki Tô giáo lần lần lan vào lưu vực sông
Nil. Rồi lại bị Ba Tư xâm chiếm một lần nữa (đầu thế kỷ thứ 7
SCN.). Ba Tư này chỉ chiếm được mươi năm, nhưng tàn phá, vơ
vét dữ dội; Byzance mới đuổi họ đi được thì quân đội ẢRập do
tướng Amrou Ibn El As chỉ huy (dưới trào vua ẢRập Omar) quét
sạch ảnh hưởng cả Byzance mà làm chủ Ai Cập.
Ai Cập mất nước mà mất luôn cả văn tự, điều đó đáng buồn mà
không đáng lạ. Chữ cổ Ai Cập rất dễ học (vì ghi âm chứ không
biểu ý như chữ Trung Hoa, chỉ dùng có 24 chữ cái) nhưng không
được truyền bá trong dân gian, chỉ một số rất ít người được học, và
sau khi người La Mã lại xâm chiếm, ở đầu kỷ nguyên, thì vị giáo
sỹ Ai Cập cuối cùng biết chữ đã chết mà khắp nước không ai đọc
được sách cùng bia trong đền, đài, lăng tẩm nữa. Thế là cả mấy
ngàn năm lịch sử Ai Cập còn rành rành trên giấy trên tường mà
cũng như bị phủ dưới một tấm màn kín.
Mãi mười bảy thế kỷ sau, một sỹ quan trẻ tuổi theo Napoleon đánh
quân Anh ở Ai Cập, trong lúc rảnh, tò mò tìm cổ tích trên bờ sông
Nil, một hôm thấy một phiến đá có khắc ba thứ chữ, có chữ Hy
Lạp và Ai Cập. Ít năm sau, một giáo sư Pháp tên Champallion
nghiên cứu phiến đá ấy, do chữ Hy Lạp mà đoán nghĩa và cách đọc
chữ Ai Cập, lập lại được 24 chữ cái, và rốt cuộc làm cho những
đền đài, lăng tẩm trên bờ sông Nil “đã nín thinh hàng ngàn năm,
bỗng nhiên kể lại lịch sử vẻ vang cùng văn minh rực rỡ của dân tộc
Ai Cập”.[2]
Văn minh Mésopotamie
Mang một thiên lý kính, leo lên ngọn kim tự tháp cao nhất ở Ai
Cập mà nhìn về chân trời ở phía đông, ta thấy ở xa, xa tít, sau biển
cát vàng mênh mông, hiện lên một vệt xanh bóng: đó là một thung
lũng nằm giữa hai con sông Tigre và Euphrate, cho nên người Hy
Lạp gọi là miền Mésopotamie (miền giữa hai sông). Hai con sông
ấy chảy song song nhau rồi cùng đổ ra vịnh Ba Tư.
Nhờ hai con sông đó mà đất đai phì nhiêu, cho nên Thánh kinh đã
đặt vườn Thiên Đàng (Eden). Ở đó, cũng theo Thánh kinh, thủy tổ
của loài người, ông Adam, do Thượng Đế nặn bằng đất sét. Cũng
theo Thánh kinh, hồng thủy dâng lên chắc cũng ở đây, trước hết là
vì Mésopotamie rất thường bị nạn lụt. Vì thường bị nạn lụt nên kỹ
thuật đào kinh, thông ngòi, dẫn nước, tháo nước ở đây phát triển
rất sớm. Và vì đất là đất sét, cho nên nhà cửa, lâu đài toàn bằng
gạch chứ không phải bằng đá như Ai Cập, còn chữ thì không viết
trên giấy như Ai Cập mà trên những phiến đất sét bằng một cây
que, viết xong rồi phơi nắng cho khô mà cứng lại.
Mésopotamie chia làm hai khu vực: khu đông nam gọi là Chaldée,
khu tây bắc gọi là Assyrie.
Ai Cập gần như cô lập: bốn mặt là biển và sa mạc, chỉ có mỗi một
đường ở phía đông bắc thông qua châu Á, nên hồi đầu ít bị các dân
tộc khác xâm chiếm và văn minh của họ khá lâu bền, truyền được
hàng ngàn năm.
Mésopotamie trái lại là nơi giao nhau của nhiều con đường từ đông
qua tây, từ nam lên bắc, dân miền núi phương bắc thấy nó phì
nhiêu mà ham, dân sa mạc phương nam thấy nó xanh tốt cũng
thích, Ba Tư ở đông dòm qua, Ai Cập ở tây cũng dòm tới; trước
sau có đến mười dân tộc tranh giành nhau cái vườn Eden đó, nên
các sử gia đã gọi nó là lò đúc nhiều giống người, nhiều văn minh
và văn minh nào, giống người nào cũng chỉ thịnh trong một thời
gian ngắn.
Mới đầu (vào khoảng 2.500 TCN.), là giống Sémite thịnh lên ở
phương nam, miền Chaldée, lập đô ở Our. Our nay ở cách bờ biển
200 cây số, thời đó cất trên bờ nước như thành Venise. Nó là quê
hương của Abraham, một ông tổ của Do Thái. Người ta đã đào lên
được vô số di tích cổ, từ khí giới tới các đồ trang sức. Ngày nay
Mésopotamie không còn là thiên đường của loài người, nhưng
đúng là thiên đường của các nhà khảo cổ.
Our thịnh trong một thời gian ngắn rồi tới Babylone, kinh đô của
Mésopotamie từ 2.300 tới 1.250 TCN.
Vào khoảng 2.100, một vị minh quân, Hammourabi, tổ chức quốc
gia, đặt ra lệ luật, khai sông ngòi, phát triển kinh tế và thương mại,
đã dùng chi phiếu như các ngân hàng ngày nay. Babylone thành
trung tâm thương mại của thế giới hồi đó: tất cả các sản phẩm, hóa
vật từ đông qua tây, từ tây qua đông đều tới Babylone, chở trong
ghe biển hoặc trên lưng lạc đà.
Mấy lần miền Chaldée bị Ai Cập xâm nhập, nhưng Babylone vẫn
đứng vững và vào khoảng 1250, Chaldée mới bị Assyrie (ở
phương bắc) diệt. Dân tộc Assyrie hiếu chiến, đã biết dùng chiến
xa bọc đồng, đặt các trạm thông tin, chiếm đất rồi định đô ở
Ninive. Thời thịnh nhất của họ là triều Assourbanipal, làm chủ cả
Ai Cập và xứ của dân tộc Hittite.
Nhưng thịnh không được lâu, họ lại bị vua Babylone là
Nabuchodonosor trả thù: thành Ninive bị tàn phá. Nabuchodonosor
chiếm Syrie, Palestine (lúc đó thuộc về Do Thái), san phẳng thành
Jérusalem (thế kỷ thứ 7 TCN.), chọc đui mắt vua cuối cùng của Do
Thái là Sédécias, đầy dân Do Thái về Mésopotamie.
Thời đó, Babylone là kinh đô của cả miền Tây Á, có một bức
thành bao bọc, dài 45 cây số, gồm một trăm cửa bằng đồng đen;
phía trong, cung điện nguy nga, có những vườn treo trồng đủ các
giống cây lạ.
Luôn luôn như vậy, thịnh cực rồi thì suy, vua cuối cùng của
Babylone là Belschatsar bị Cyrus, vua Ba Tư, bắt làm tù binh và
Mésopotamie sáp nhập vào đế quốc Ba Tư.
Văn minh Mésopotamie cũng rực rỡ như văn minh Ai Cập. Môn
thiên văn rất tiến bộ. Mới đầu người ta ngắm sao để đoán vận
mạng (khoa chiêm tinh), sau nghiên cứu tinh tú, làm ra lịch, tính
trước được nguyệt thực và nhật thực.
Họ đặt ra đơn vị để đo thời gian, không gian và sức nặng. Biết nấu
sắt, đắp đập ngăn nước sông, xây cầu dẫn nước qua thung lũng.
Thư viện của họ có rất nhiều sách về văn học (ngữ pháp, tự điển),
về khoa học (toán học, y học).
Nhưng chữ viết của họ dùng tới 600 dấu vừa ghi âm vừa diễn ý,
không tiện bằng chữ Ai Cập.
Dân tộc Ba Tư, chiếm được Mésopotamie rồi, tiến qua phương tây,
tới Ai Cập, Bắc Phi, Hy Lạp, Tây Ban Nha. Lúc đó Babylone vẫn
còn giữ địa vị quan trọng của nó ở ngã tư các đường từ đông qua
tây.
Ba Tư suy. Vua Hy Lạp Alexandre đại đế lập một đội binh cực tinh
nhuệ, đủ khí giới tốt, rất có kỷ luật và có thể tiến lui một cách chớp
nhoáng, đi chinh phục thế giới, tới đâu thắng đấy, như vào chỗ
không người, một hơi chiếm chọn miền Tiểu Á, miền
Mésopotamie, xứ Ai Cập (tại đây ông dựng thành phố Alexandre),
rồi quay trở lại, tiến sâu vào Ba Tư, vua Ba Tư chạy trốn, bị bộ hạ
giết (thế kỷ thứ 4 TCN.).
Đế quốc Hy Lạp tuy mênh mông mà không bền. Sau Hy Lạp tới La
Mã. Đế quốc La Mã thịnh nhất vào thời Hoàng đế Auguste (người
đã thắng Cléopâtre), gồm Ý, Pháp, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Tiếu Á,
Mésopotamie và cả miền theo bờ Địa Trung Hải, từ Syrie tới Ai
Cập. Babylone suy tàn mà Constantinople thành kinh đô La Mã ở
phương Đông.
Từ thế kỷ thứ III SCN., La Mã bắt đầu suy; Mésopotamie lại chịu
ảnh hưởng của Byzane, nhưng mỗi ngày một tàn lụi cho tới khi
thuộc về ẢRập (thế kỷ thứ VII).
Dân tộc Hébreu
Trong thời thịnh của văn minh Mésopotamie, tại Chaldée có một
dân tộc du mục gọi là Hébreu. Dân tộc này không tạo được một
nền văn minh, nhưng sáng lập được một tôn giáo, thờ một vị thần
duy nhất, thần Jahvé, khác hẳn với các tôn giáo đa thần thời
thượng cổ. Họ có một địa vị đặc biệt trong lịch sử nhân loại, nhất
là đóng một vai trò quan trọng ở bán đảoẢRập từ sau Thế chiến
thứ nhì tới nay. Chúng tôi đã chép lại lịch sử của họ trong cuốn Bài
học Israel (nhà xuất bản Phạm Quang Khai), nên ở đây chỉ nhắc lại
vài điểm chính.
Khoảng 2.000 TCN., vị tù trưởng đầu tiên của họ là Abraham, gốc
ở tỉnh Our, dắt gia đình di cư qua phương Tây. Sau khi lang thang
nhiều năm, họ tới Ai Cập xin ở nhờ, được tiếp đãi tử tế. Một vài
người Hébreu còn được địa vị cao trong triều đình các Pharaon.
Khi Ai Cập bị dân tộc Hyksos xâm lăng, người Hébreu bắt buộc
phải cộng tác với kẻ thắng. Ai Cập khi đuổi được kẻ thù, oán họ đã
phản bội, bắt họ phải làm nộ lệ. Từ đó họ cực khổ trăm chiều, chỉ
tìm cách trốn.
Một vị thiếu niên anh tuấn, đau lòng cho nòi giống, nhất quyết cứu
đồng bào, dắt họ vào chân núi Sinai sống đời lang thang, cực khổ
nhưng tự do của tổ tiên. Vị trẻ tuổi đó tên Moise. Ông dạy cho
đồng bào tôn thờ Jahvé, sau cùng đưa họ tới một miền đất cát phì
nhiêu, miền Canaan (tức Palestine ngày nay), đất mà họ tin rằng
Jahvé đã hứa cho họ.
Ông lại dạy đồng bào theo mười mệnh lệnh của Jahvé, không
ngoài mục đích khuyên thiện răn ác. Nhờ ông, dân tộc Hébreu bắt
đầu văn minh, được thống nhất, và Do Thái giáo thành lập.
Sau ông, có vài vị anh quân như David (lên ngôi năm 1013 TCN)
và Salomon, con của David. Dưới thời Salomon, quốc gia Israel
thịnh nhất (từ đó dân tộc Hébreu có tên là Israel). Ông cho cất một
ngôi đền thờ Jahvé, tức là đền Jérusalem (đền Bình trị).
Nhưng năm 930 TCN., Salomon băng, nước chia làm hai tiểu
quốc: Israel ở phương Bắc và Judée ở phương Nam. Từ đó họ suy
lần, phương bắc bị ASSYRIE chiếm năm 722 TCN; phương nam
bị Babylone chiếm năm 586 TCN. Thành Jérusalem bị
Nabuchodonosor phá, vua Sédécias bị chọc đui mắt, một số dân bị
đày lại Babylone.
Tới khi vua Ba Tư là Cyrus chiếm Babylone, họ mới được về xứ
xây cất lại đền Jérusalem, ráng gây dựng lại quốc gia, sống tạm
yên ổn khoảng hai trăm năm (538 - 333).
Đế quốc Ba Tư sập đổ sau những trận tấn công như vũ bão của vua
Hy Lạp Alexandre đại đế, và Israel lại đổi chủ, cũng như
Mésopotamie.
Hết Hy Lạp, rồi tới La Mã. La Mã cho họ tự trị. Chính vào thời
vua Hérode Antipas Chúa Jesu ra đời ở gần Bethléem.
Lớn lên ông đi khắp xứ Galilée và Judée để giảng đạo, bị một môn
phái của đạo Do Thái oán ghét, tìm cách hãm hại (lúc đó người La
Mã đã dùng một tên mới là Do Thái - do chữ Judée - để gọi dân tộc
Hébreu). Bị đức Ki Tô vạch thói kiêu căng và giả dối, môn phái đó
trả thù, xúi dân chúng nổi dậy, vu cho ông là phiến loạn, buộc nhà
cầm quyền La Mã phải xử tội ông, và ông bị đóng đinh lên thập tự
giá trên núi Golgotha cùng với hai tên cướp. Tín đồ Ki Tô giáo oán
ghét dân tộc Do Thái chính vì vụ đó.
Sự cai trị của La Mã mỗi ngày một tàn khốc; dân tộc Do Thái
chống lại nhiều lần, và đền Jérusalem bị phá một lần nữa. Người
La Mã cấm họ xây lại đền ở nền cũ, lại đổi tên Jérusalem ra tên
Aelia Capitolina, đổi tên Israel ra Palestine, tên cũ.
Khi đế quốc La Mã sụp, Palestine thuộc quyền cai trị của Byzance,
rồi tới thế kỷ thứ VII, cũng như Ai Cập, Mésopotamie thành một
tỉnh trong đế quốc Ả Rập. Nhưng lúc này quốc gia Do Thái đã tiêu
hủy hẳn, mà dân tộc Do Thái đã phiêu bạt khắp châu Âu, châu Á,
chỉ đạo Do Thái là vẫn còn.
Đạo đó do Moise thành lập, thờ một vị thần duy nhất, tức Thượng
Đế mà họ gọi là Jahvé. Vị thần đó vạn trí vạn năng, chí công chí
nhân, tạo ra trời đất và là cha sinh ra muôn vật; mà dân tộc Do
Thái là con cưng của Jahvé, được Jahvé hứa cho riêng đất Israel
(tức Palestine).
Theo thánh kinh của họ, ông tổ loài người bị một lỗi, nên loài
người phải chịu khổ, nhưng một ngày kia, một vị cứu thế sẽ sinh
trong dân tộc Do Thái và sẽ hòa giải Jahvé với nhân loại.
Người trong đạo tin có linh hồn và linh hồn bất diệt khi thể xác
tiêu tan. Tín đồ phải theo đúng điều thập giời, như chỉ thờ một
Chúa thôi, tức Jahvé, phải kính trọng cha mẹ, không được giết
người, cướp của, nói dối, phải giữ linh hồn và thể xác trong sạch,
vân vân. Chính đạo Ki Tô gốc ở đạo Do Thái mà ra, và sau này
Hồi giáo cũng chịu nhiều ảnh hưởng của đạo Do Thái.
Nhờ giữ được tôn giáo mà dân tộc Do Thái mặc dầu phiêu bạt
khắp nơi non hai ngàn năm nay, tiếng nói đã thành một từ ngữ,
huyết thống gần như mất hẳn vì pha đi pha lại trong bao nhiêu thế
hệ, mà vẫn giữ được liên lạc với nhau, tình thân với nhau, vẫn hoài
bão một mộng chung là một ngày kia được về Jérusalem, thánh địa
của họ, để gây dựng lại tổ quốc; và trong khi chưa gây dựng được
tổ quốc thì người nào cũng mong mỏi được về thăm thành địa, quì
xuống cầu nguyện trước Bức Tường Than Khóc (Mur des
Lamentations) di tích duy nhất của đền Jérusalem. Dù gặp nhau ở
chân trời gốc bể nào, khi chia tay, họ cũng chúc nhau: “Sang năm
về Jérusalem”.
Chính tình cảnh phiêu bạt của họ, tinh thần tư hương của họ trong
non hai chục thế kỷ là nguồn gốc nhiều biến cố lớn lao ở bán đảo
Ả Rập trong hai chục năm nay, gây ra ba chiến tranh giữa Do Thái
và ẢRập - chiến tranh 1948-49, 1956, 1967 - mà chưa có cách nào
giải quyết được.
( tổng hợp )
. Bán đảo Ả rập thời thượng cổ ( chương 2 )
Miền bắc bán đảo Ả Rập, dọc theo bờ Địa Trung Hải, từ sông Nil
tới Syrie rồi. Ả Rập do
tướng Amrou Ibn El As chỉ huy (dưới trào vua Ả Rập Omar) quét
sạch ảnh hưởng cả Byzance mà làm chủ Ai Cập.
Ai Cập mất nước mà mất luôn cả