Nghiên cứu được tiến hành trên 4 huyện địa bàn của Pleiku là K’Bang, Kông Chro, Krông Pa và Mang Yang với cỡ mẫu lần lượt là 80 (20,1%), 119 (29,8%), 120 (30%) và 80 (20,1%). Tổng số đối tượng tham gia trong nghiên cứu là 399 đối tượng, trong đó, nam giới chiếm tỷ lệ thấp với 4,5%, 95,5% còn lại là nữ giới. Nghiên cứu cho kết quả phân tích cụ thể:
IV.1. Kiến thức và thực hành trong sử dụng nước và vệ sinh môi trường:
• Nước giếng đào và nước sông suối không lắng phèn là 2 nguồn nước được đối tượng sử dụng nhiều nhất (lần lượt chiếm 51,5% và 28,2%). Nước giếng đào được sử dụng làm nguồn nước ăn uống chính (50,3%).
• Về kiến thức liên quan đến nước sạch: Các đối tượng nghiên cứu chỉ có biết đến 2 tiêu chí là “trong, không màu” và “không mùi vị” (70,7% và 48,3%). Kiến thức liên quan đến không có sinh vật hay không hóa chất được ghi nhận với tỷ lệ rất thấp (ít hơn 5%).Chỉ có 31,7% tổng số đối tượng biết về sự cần thiết phải uống nước đun sôi. 71% số đối tượng này có nhận thức đúng về việc lý giải tại sao phải uống nước đun sôi.
• Kết quả quan sát cho điểm trung bình nguy cơ các nguồn nước được sử dụng trên địa bàn nghiên cứu nằm trong giới hạn điểm trung bình chung, tuy nhiên xem xét từng tiêu chí cụ thể, các nguồn nước ở đây gặp nguy cơ cao liên quan đến các tiêu chí vệ sinh xung quanh (không cách xa nguồn thải, rác, phân, chuồng gia súc) và hệ thống thoát nước.
• Người dân địa bàn nghiên cứu không sử dụng các loại nhà tiêu vệ sinh (98,5% số đối tượng đi vệ sinh thẳng ra sông/suối hoặc đi ra vườn). Về kiến thức, chỉ có 57,8% số đối tượng có kiến thức liên quan đến nhà tiêu vệ sinh, đa số những người này chỉ nêu được 2 đặc điểm của nhà tiêu hợp vệ sinh là “sàn khô, sạch sẽ” và “không có mùi hôi thối, không có ruồi nhặng”. Còn đến 42,2% số đối tượng hoàn toàn không có kiến thức gì liên quan đến nhà tiêu vệ sinh.
• Kết quả quan sát cho thấy với điểm trung bình là 0,6, loại nhà tiêu hố xí tự hoại có nguy cơ ô nhiễm. Tình trạng vệ sinh xung quanh có điểm trung bình nguy cơ bằng 0,83 cho thấy tình trạng ô nhiễm môi trường xung quanh đã đến mức báo động cần phải có các biện pháp can thiệp hiệu quả.
IV.2. Kiến thức và thực hành trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em:
• 51,2% các bà mẹ trong nghiên cứu có kiến thức chưa đúng liên quan đến thời điểm nên bắt đầu cho trẻ ăn sam/ăn dặm. Chỉ có 18% số bà mẹ có kiến thức đúng khi lựa chọn cho con bắt đầu ăn dặm/ăn sam sau 6 tháng tuổi.
• Kiến thức về phòng chống suy dinh dưỡng, bú mẹ 6 tháng đầu là biện pháp phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ được biết đến nhiều nhất (33,6%), tiếp
đến là ăn bổ sung hợp lý với 26,1%. 22,3% số bà mẹ trả lời tiêm chủng đầy đủ là 1 biện pháp phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ.
• Chỉ có 27,3% số bà mẹ trong nghiên cứu cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu (không cho uống thêm nước lọc), trong khi đó, nếu tính cả việc uống thêm nước lọc, tỷ lệ này cao hơn, đạt 40,6%.
• Đa phần các bà mẹ trong nghiên cứu không có chế độ dinh dưỡng đặc biệt trong thời kỳ mang thai. Ăn uống nhiều hơn cũng chỉ chiếm 19,3%, ăn thêm chất bột, chất đạm và ăn đủ chất béo đều dưới mức 10%.
IV.3. Kiến thức và thực hành của bà mẹ về chăm sóc bà mẹ thời kỳ mang thai, sinh đẻ và sau sinh:
• Kiến thức của các bà mẹ về các dấu hiệu nguy hiểm trong thời kỳ mang thai: chảy máu và đau bụng là 2 dấu hiệu được các bà mẹ biết đến nhiều nhất nhưng cũng chỉ chiếm ít hơn 50%. Các dấu hiệu nguy hiểm khác như phù tay, chân, toàn thân là những dấu hiệu rất quan trọng cần nhận biết trong thời kỳ thai sản lại không được các bà mẹ nhận biết tốt.
• Tỷ lệ phụ nữ trên địa bàn nghiên cứu có thực hiện khám thai trong thời kỳ thai sản tương đối cao (82%). Địa điểm được các bà mẹ thực hiện việc khám thai chủ yếu là ở Trạm y tế xã (62,1%), bệnh viện tuyến huyện cũng là địa điểm được các bà mẹ tuyển chọn (38,4%).
• 53,9% số bà mẹ tiêm phòng đủ 2 mũi uốn ván trong khi mang thai, có 18,3% số bà mẹ chỉ tiêm phòng 1 mũi uốn ván, 27,8% số bà mẹ không thực hiện tiêm phòng uốn ván.
• 48,1% số bà mẹ trong nghiên cứu uống đủ viên sắt, 29,1% số bà mẹ không thực hiện việc uống bổ sung viên sắt trong thời kỳ mang thai.
• 73,2% số bà mẹ đi siêu âm khi mang thai, 82% số bà mẹ đi siêu âm trả lời là để biết giới tính của trẻ, 56,7% số bà mẹ đi siêu âm là nhằm mục đích để biết tình trạng của thai nhi, 27,9% đi siêu âm nhằm theo dõi sức khỏe của bà mẹ.
• 96,1% các bà mẹ làm việc như bình thường khi mang thai, 58,7% số bà mẹ ở nhà 1 tháng, 48,5% số bà mẹ không thực hiện làm đồng/nương sau 2,5 tháng. Chỉ làm nội trợ ở nhà sau 2 tháng chiếm tỷ lệ thấp (19,5%).
• Nơi sinh để chủ yếu của các bà mẹ này là ở bệnh viện tuyến Huyện (46,4%) hoặc là tại nhà (47,1%), tỷ lệ sinh tại trạm y tế thấp (3,8%), chỉ có 2,8% số bà mẹ thực hiện sinh đẻ tại Bệnh viện Huyện.
• 97,3% tương đương với 374 bà mẹ trong nghiên cứu là người chính thường xuyên chăm sóc bé. 87,2% các bà mẹ được phỏng vấn trả lời người mẹ là người có quyền quyết định trong chăm sóc trẻ. Sức nặng quyết định của người bố chỉ chiếm có 7,8%, 5% còn lại là lựa chọn “cả gia đình” có quyền quyết định trong chăm sóc trẻ.
• Tỷ lệ người bố tham gia vào việc chăm sóc trẻ lại tương đối cao (81,1%). Sự tham gia chăm sóc này thể hiện ở việc người bố tham gia bế con, chăm con và đỡ đần người vợ.
IV.4. Các kết luận liên quan đến truyền thông:
• 88% số đối tượng nghiên cứu nhận được các thông tin nước sạch từ nhiều nguồn khác nhau.Cán bộ y tế xã, cộng tác viên thôn ấp và cán bộ hội phụ nữ là những nguồn thông tin chủ yếu của các đối tượng nghiên cứu.
• 78,2% số đối tượng nhận thông tin liên quan đến nhà tiêu và vệ sinh, các nguồn thông tin chủ yếu đến được với các đối tượng này là các cán bộ y tế xã, cộng tác viên thôn ấp và cán bộ hội phụ nữ.
• 85,2% đối tượng nhận được các thông tin liên quan đến vấn đề rửa tay bằng xà phòng. Nguồn thông tin mà người dân nhận được nhiều nhất là từ cán bộ trạm y tế xã và cộng tác viên thôn ấp. Tỷ lệ người dân nhận được thông tin từ các tờ rơi, pano, áp phích còn ít hơn so sánh với thông tin liên quan đến nước sạch và nhà tiêu vệ sinh.
• Khác biệt với các thông tin về nước sạch, vệ sinh rửa tay và nhà tiêu vệ sinh, các nguồn thông tin khác như loa của xã, tờ rơi, pano, áp phích, tivi, báo, người chồng hay bố hay mẹ, bạn bè hàng xóm cung cấp các thông tin liên quan đến chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em nhiều hơn. Tỷ lệ các bà mẹ trả lời về các nguồn thông tin này tuy không phải là các nguồn thông tin chính trong cung cấp các thông tin liên quan đến chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em nhưng cũng cao hơn nhiều so với cung cấp các thông tin liên quan đến nước sạch, vệ sinh rửa tay và nhà tiêu vệ sinh.
• Các cán bộ y tế xã trong trong cung ứng dịch vụ tư vấn liên quan đến nước sạch, vệ sinh môi trường, nhà tiêu được các đối tượng đánh giá đạt mức trung bình (50,4%), chỉ có 20,6% đối tượng nghiên cứu đánh giá khả năng cung ứng dịch vụ này ở các cán bộ y tế xã là tốt.
• Các cán bộ y tế thôn bản cũng được đánh giá tương đồng khi tỷ lệ đối tượng đánh giá khả năng cung ứng dịch vụ của các cán bộ này chiếm đa phần (47,1%). 22,8% đối tượng nghiên cứu đánh giá khả năng cung ứng dịch vụ này ở các cán bộ y tế thôn bản là tốt, cao hơn so với các cán bộ y tế xã.
• Các cán bộ hội phụ nữ và các cán bộ khác của thôn ấp không tham gia nhiều trong hoạt động cung ứng loại hình dịch vụ này, tỷ lệ đối tượng phỏng vấn không có ý kiến/không đến cao vượt trội có ý nghĩa thống kê (lần lượt là 52,6% và 67,7%).
• Đối với loại hình cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em (bảng 25), các cán bộ khác của thôn/ấp có mô hình tương tự khi có đến
77,4% số đối tượng phản ánh họ không có ý kiến/không có cán bộ khác đến. Cán bộ hội phụ nữ cũng không được các đối tượng đánh giá cao khi có đến 57,4% số đối tượng không có ý kiến/cán bộ không đến, 12% đối tượng đánh giá không hài lòng đối với dịch vụ cung ứng tư vấn của các cán bộ hội phụ nữ.
• Cán bộ y tế xã trong cung ứng loại hình dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ được người dân đánh giá cao hơn so với các cán bộ y tế thôn bản (21,8% so sánh với 18%).
Dựa trên các kết quả nghiên cứu thu được, nhóm nghiên cứu khuyến nghị 1 số định hướng cho các can thiệp truyền thông ở các giai đoạn tiếp theo như sau:
Một là, các bằng chứng cho thấy truyền thông nên bổ sung thêm các nhóm đối tượng đích có vai trò ảnh hưởng hoặc quyết định đối với phụ nữ. Xuất phát từ chính mong muốn của đối tượng nghiên cứu, thì nên truyền thông cho cả ông bố. Ngoài ra, cả hai dân tộc Gia Rai và Bana thuộc 4 xã điều tra đều theo chế độ mẫu hệ, nên tiếng nói của người mẹ có ảnh hưởng lớn đến hành vi của hai vợ chồng. Vì thế, cũng cần bổ sung thêm đối tượng truyền thông là bà mẹ lớn tuổi trong gia đình. Đối với Gia Lai, trong điều kiện thực trạng có quá nhiều vấn đề đan xen cần cải thiện, thì việc bổ sung thêm đối tượng đích trong truyền thông sẽ giúp thay đổi hiệu quả các tập quán lạc hậu trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em. Kết quả định lượng cũng cho thấy khi được hỏi về quyền quyết định của các thành viên trong gia đình trong việc chăm sóc trẻ. Điều này cho thấy nếu muốn thực hiện các can thiệp liên quan đến chăm sóc sức khỏe của bà mẹ và trẻ em tại địa bàn nghiên cứu, người mẹ sẽ là đối tượng chính các can thiệp cần hướng tới.
Hai là, thay vì truyền thông nhóm lớn như vẫn đang thực hiện tại các địa bàn và tỏ ra không hiệu quả, nên chuyển sang hình thức truyền thông nhóm nhỏ. Để làm được điều này, cần tăng cường nâng cao kiến thức và kỹ năng cho Y tá thôn bản để đảm bảo hiệu quả tức thời của tư vấn tại chỗ theo nhóm nhỏ. Bên cạnh đó các kết quả định lượng cũng cho thấy nhóm cán bộ y tế và y tế thôn bản là những đối tượng cung ứng dịch vụ tư vấn được người dân đánh giá cao và có mong muốn được tiếp nhận thông tin từ những đối tượng này.
Ba là, cần thayđổi nội dung, cách thức và phương tiện truyền thông cho phù hợp với người DTTS ở từng địa phương. Các nội dung truyền thông cần nhấn mạnh hơn nữa mối quan hệ giữa NS VSMT và dinh dưỡng bà mẹ trẻ em. Kết quả định lượng gợi ý tivi, loa phát thanh xã và tờ rơi/quyển lật là 3 phương tiện truyền thông được các đối tượng mong muốn nhất.
Về mặt nội dung truyền thông, các kết quả định lượng cho thấy khi xây dựng các nội dung truyền thông cần lứu ý đến những nội dung như sau:
• Liên quan đến nước sạch và vệ sinh môi trường: Cần nâng cao nhận thức của người dân về nước sạch và nhà tiêu vệ sinh, lồng ghép các thông tin ảnh hưởng đến sức khỏe của việc sử dụng nước và vệ sinh không đảm bảo nhằm hướng người dân chú trọng hơn đến vấn đề này, dần dần thay đổi những thói quen văn hóa địa phương (uống nước “lạnh” và đi vệ sinh ra vườn, sông/suối).
• Liên quan đến chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em: Cần chú trọng vào các nội dung liên quan đến các dấu hiệu nguy hiểm trong thời kỳ mang thai. Việc tiêm phòng uốn ván và kiến thức liên quan đến uống viên sắt cũng cần lưu ý. Một nội dung truyền thông quan trọng khác cần chú trọng là các nội dung liên quan đến chế độ nghỉ ngơi, làm việc của các bà mẹ trong thời kỳ mang thai và sau khi sinh. Các số liệu định lượng cũng như định tính đã chỉ ra rõ ràng tỷ lệ sinh tại nhà ở khu vực nghiên cứu còn rất cao, điều này cần được lưu ý trong khi triển khai các chương trình can thiệp truyền thông tiếp sau.