C Thực trạng hoạt động của các NHTMP:
2.4.2. Hạn chế và nguyên nhân
2.4.2.1. Hạn chế:
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, các NHTMCP hiện nay vẫn còn bộc lộ những tồn tại và bất cập. Cụ thể :
Vốn tự có của nhiều ngân hàng thấp, hạn chế việc mở rộng hoạt động : Hầu hết các NHTMCP có vốn điều lệ dưới 100 tỷ đồng (tương đương khoảng 10 triệu USD), chỉ có 3 ngân hàng có vốn điều lệ trên 300 tỷ đồng (tương đương 20 triệu USD). Quy mô của NHTMCP vủa Việt nam hiện nay còn quá nhỏ bé. NHTMCP có vốn điều lệ cao nhất là Sài gòn thương tín – 550 tỷ đồng, ương ứng khoảng 32 triệu USD. Còn phần lớn có mức vốn trên 100 tỷ đồng, tương ứng trên 6 triệu USD, còn thua xa so với các ngân hàng trong khu vực. Nhiều NHTMCP rất khó khăn trong việc tăng vốn điều lệ. Vốn điều lệ của tất cả các NHTMCP đô thị chỉ
bằng vốn điều lệ của 1 NHTM Nhà nước. Vốn tự có không đủ lớn thì khó có thể cạnh tranh được với các ngân hàng lớn về lãi suất, đầu tư vốn và dịch vụ ngân hàng, không thể trang bị và phát triển công nghệ tiên tiến (thí dụ : nếu trang bị 1 máy ATM là 34.000 USD).
Vốn điều lệ thấp thì cũng không thể làm ăn lớn được. Các NHTMCP chủ yếu tập trung trên các địa bàn Hà nội và TP. HCM, là 2 nơi mà các NHTM Nhà nước, ngân hàng nước ngoài đã có mạng lưới và ảnh hưởng chi phối mọi hoạt động dịch vụ ngân hàng.
Tuy vậy, cũng có NHTMCP vốn điều lệ trên 200 tỷ mà mở tới 34 chi nhánh cấp I, cấp II dàn trải trên cả nước. Việc mở rộng quy mô này là không phù hợp với khả năng tài chính và điều kiện quản lý điều hành.
Năng lực quản trị điều hành của nhiều ngân hàng còn bất cập :
Những năm gần đây, nhiều NHTMCP, nhất là các ngân hàng lớn, đã chú trọng tới việc nâng cao năng lực quản trị điều hành bằng nhiều phương thức : tìm các chuyên gia giỏi trong lĩnh vực ngân hàng về tăng cường cho Ban điều hành, cử nhiều cán bộ các cấp đi đào tạo tại các trung tâm có chất lượng cao ở trong và ngoài nước. Song, nhìn chung, năng lực quản lý điều hành của nhiều ngân hàng vẫn còn bất cập. Sự chồng chéo và phân định chưa rõ ràng giữa chức năng quản trị và điều hành, sự can thiệp quá sâu của quản trị vào điều hành dẫn đến hoạt động kém hiệu quả, không phát huy được sức mạnh và trí tuệ tập thể. Cá biệt, còn một số ngân hàng tình hình nội bộ không ổn định để kéo dài, các quy trình tác nghiệp chưa được quy định đầy đủ và kịp thời, trinh độ cán bộ còn yếu, nhất là các chi nhánh ở xa trụ sở chính.
Một số NHTMCP có vốn góp của Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) chiếm tỷ trọng cao thưòng còn mang tư duy quản lý điều hành theo kiểu bao cấp của các vị đại diện chủ DNNN là thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT). Những vị thành viên
lãnh đạo này thưòng ít có điều kiện có mặt tại nhiệm sở để chỉ đạo điều hành ngân hàng, nên HĐQT của ngân hàng còn mang tính hình thức, chủ yếu là uỷ thác cho Tổng giám đốc (Giám đốc). Do đó, việc quản lý ngân hàng chưa được sâu sát, giải quyết vụ việc còn thụ động, chưa có mục tiêu chiến lược lâu dài.
Mức thu nhập còn rất khác nhau : Việc phân chia lợi nhuận cho các cổ đông chưa được ổn định, chênh lệch nhiều và chưa nhất quán trong hệ thống. Về cơ chế tài chính, cơ chế tiền lương của các NHTMCP còn rất khác nhau, mỗi ngân hàng áp dụng một cách, tuỳ thuộc vào sự hiểu biết của HĐQT, nên ít nhiều đã tạo nên sự di chuyển CBNV, dẫn đến tình trạng không ổn định trong hoạt động kinh doanh ngân hàng.
Thực trạng tài chính của một số ngân hàng chưa lành mạnh : Việc xử lý nợ tồn đọng của các NHTMCP còn gặp nhiều khó khăn. Nếu con nợ là DNNN thì hiện nay chưa có phương cách giải quyết do tài sản thế chấp, cầm cố các khoản vay thông thường là trụ sở cơ quan, dây chuyền thiết bị máy móc chuyên dùng.... Những tài sản này rất khó phát mại, hồ sơ giấy tờ liên quan đến tài sản thường không đảm bảo (không có giấy tờ gốc, tài sản giao theo chế độ tự quản hoặc tài sản được bổ sung khi nhận nợ bắt buộc...) khi phát mại tài sản của DNNN thưòng liên quan đến vấn đề xã hội (việc làm người lao động, cơ quan chủ quản buông lỏng trách nhiệm....) và phải được sự chấp thuận của Cục Quản lý Công sản Bộ Tài chính.
Dịch vụ của nhiều ngân hàng còn rất nghèo nàn : Mặc dù các ngân hàng đều nỗ lực mở rộng danh mục dịch vụ cung cấp cho khách hàng như dịch vụ chiết khấu, cho thuê, bảo lãnh, dịch vụ chứng khoán, thanh toán thẻ..., song chủ yếu các hoạt động của ngân hàng là hoạt độnng tín dụng và thanh toán. Đa dạng hóa các dịch vụ ngân hàng đang là nhu cầu thiết thực tại các ngân hàng. Qúa trình này sẽ làm tăng
những nguồn thu mới cho ngân hàng bên cạnh những nguồn thu từ các dịch vụ truyền thống.
Khả năng huy động vốn trên thị trường của nhiều ngân hàng còn ở mức thấp : Nhiều ngân hàng cân đối dư nợ tín dụng bằng nguồn vốn của thị trường liên ngân hàng – vốn ngắn hạn. Tỷ trọng vốn huy động trên thị trường của một số ngân hàng chiếm tỷ lệ thấp trên tổng nguồn vốn, trong khi đó, tốc độ phát triển tín dụng lại vượt xa tốc độ tăng trưởng vốn huy động. Các NHTMCP mới chỉ huy động vốn chủ sở hữu thông qua việc phát hành cổ phiếu với phương thức phát hành riêng lẻ, chưa huy động vốn thông qua TTGDCK dưới bất kỳ hình thức nào.
2.4.2.2. Nguyên nhân: a) Nguyên nhân chủ quan :
• Ý thức chấp hành pháp luật, quy chế ở nhiều NHTMCP chưa nghiêm, thậm chí có NHTMCP còn tìm mọi cách lợi dụng sơ hở để kiếm lời không chính đáng. Việc kiểm tra, kiểm soát trong nội bộ từng ngân hàng còn bộc lộ yếu kém, không thường xuyên, không kịp thời và thiếu kiên quyết. Ban kiểm soát ở một số NHTMCP mang tính chất hình thức, không có hiệu quả.
• Trình độ quản lý, điều hành nghiệp vụ chưa theo kịp sự phát triển nhiều mặt hoạt động ngân hàng. Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc điều hành ở một số NHTMCP mất đoàn kết, hoặc mang tính chất gia đình, họ hàng...Cán bộ điều hành và quản lý thiếu kiến thức và kinh nghiệm về tài chính ngân hàng, hoặc tuổi đã cao, kém sự năng động, linh hoạt, mạnh dạn trong kinh doanh. Ngược lại có một số NHTMCP, ban lãnh đạo lại quá mạo hiểm trong kinh doanh.
• Mô hình tổ chức của một số ngân hàng còn manh mún, không đảm bảo điều kiện để phát triển ngân hàng thành ngân hàng thương mại đa năng, hiện đại. Khả năng phát triển dịch vụ của các ngân hàng còn hạn chế bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân nguồn vốn nhỏ bé và khả năng tiếp cận thị trường yếu.
• Mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động ở một số ngân hàng thiếu tính ổn định và không có nền tảng vững chắc. Môi trường làm việc và chế độ không rõ ràng ở một số NHTMCP đã không tạo điều kiện cho cán bộ nhân viên phát huy năng lực và thiếu định hướng phấn đấu. Vai trò của các tổ chức Đảng và các đoàn thể tại các NHTMCP chưa được quan tâm đúng mức trong khi thành phần kinh tế ngoài quốc doanh trong lĩnh vực ngân hàng có một đội ngũ đông đảo các Đảng viên, Đoàn viên có trình độ và trí tuệ đang làm việc.
b) Nguyên nhân khách quan :
• Những yếu kém của nền kinh tế, sự bất hợp lý trong quản lý chậm được khắc phục. Cơ sở vật chất-kỹ thuật, cơ sở hạ tầng của nền kinh tế xã hội đang còn ở trong tình trạng nghèo nàn và lạc hậu, sản xuất và trao đổi hàng hóa phát triển không đồng đều. Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Trình độ công nghệ và khả năng tài chính của nhiều doanh nghiệp đang ở mức thấp.
• Tình trạng tham nhũng, lãng phí trong nền kinh tế, bộ máy quản lý cồng kềnh cũng là một trong những yếu tố dẫn đến gia tăng một cách bất hợp lý chi phí đầu vào của nền kinh tế. Bối cảnh nền kinh tế còn trong giai đoạn chuyển đổi tác động một phần đến hoạt động của hệ thống ngân hàng. Kết quả đổi mới cho thấy những thành phố và tỉnh đã đạt được mức độ phát triển tốt thì nhu cầu vốn dịch vụ ngân hàng cũng phát triển theo, và do đó thúc đẩy các hoạt động ngân hàng phát triển mạnh mẽ.
• Hệ thống pháp luật chưa dồng bộ, còn nhiều kẽ hở cũng là một nguyên nhân khác. Những hạn chế của hệ thống văn bản pháp lý hiện hành đã bộc lộ như ràng buộc NHTMCP phải có cổ đông là DNNN hoặc công ty cổ phần có vốn góp của DNNN trên 30% vốn điều lệ tham gia đã hạn chế việc NHTMCP huy động vốn chủ sở hữu, ràng buộc về đối tượng mua cổ phần....Hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể trong việc xử lý các NHTM phá sản, vì vậy trường hợp các ngân hàng lâm vào tình
trạng phá sản thì NHNN cũng chưa có đủ cơ sở pháp lý để xử lý. Qúa trình thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm của NHNN chưa thường xuyên, chặt chẽ, thiếu sâu sát, còn nương nhẹ...đã làm giảm hiệu lực quản lý nhà nước đối với các NHTMCP.