Đầu thế kỷ XIX, cơ cấu ruộng đất Việt Nam vẫn bao gồm hai bộ phận: ruộng đất thuộc sở hữu nhà nước và ruộng đất thuộc sở hữu tư nhân. Sau hàng ngàn năm phát triển, chế độ tư hữu đã mở rộng đồng thời với sự thu hẹp của chế độ sở hữu nhà nước.
Ruộng đất thuộc sở hữu nhà nước vào nửa đầu thế kỷ XIX, theo sách Sĩ hoạn tu tri lục của Nguyễn Công Tiệp soạn khoảng những năm 1820 – 1843, trên toàn quốc các loại ruộng đất công còn 580.363 mẫu, chiếm 17,08% diện tích, bao gồm một bộ phận do nhà nước trực tiếp quản lý, còn lại chủ yếu là ruộng đất công của các làng xã.
Bộ phận ruộng đất thuộc quản lý trực tiếp của nhà nước ở đầu thế kỷ XIX gồm tịch điền, quan điền quan trại và đồn điền. Tịch điền là loại ruộng đất có tính chất lễ nghi thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với kinh tế nông nghiệp, số lượng không nhiều (cả nước ước khoảng vài trăm mẫu). Quan điền quan trại là loại ruộng đất vốn có từ các thời kỳ trước (các loại ruộng ngụ lộc, thưởng lộc, chế lộc, quan điền, quan điền trang, quan đồn điền, quan trại). Đồn điền là loại ruộng đất kết hợp kinh tế với quốc phòng. Bộ phận chủ yếu của sở hữu Nhà nước là ruộng đất công làng xã. Trong 17,08% ruộng đất công các loại còn tồn tại đến đầu thế kỷ XIX, phần lớn là loại ruộng đất này. Tuy nhiên sự phân bố rất không đồng đều giữa các địa phương. Vào năm 1852, theo Thượng Thư bộ Hộ Hà Duy Phiên: “Thừa Thiên, Quảng Trị thì ruộng công nhiều hơn ruộng tư, Quảng Bình thì công tư bằng nhau, còn các hạt khác thì ruộng tư nhiều mà ruộng công ít, tỉnh Bình Định càng ít hơn”. Kết quả nghiên cứu tư liệu địa bạ những năm gần đây cũng cho thấy điều đó. Sự phân bố không đều thể hiện trong phạm vi từng miền, từng tỉnh, có khi từng huyện, từng tổng. Tỷ lệ ruông đất công khu vực Bắc Bộ còn khoảng 25%, Trung Bộ còn khảng 25%, Nam Bộ khoảng 3%. Một số địa phương cụ thể, như Thừa Thiên còn 72%, Quảng Trị còn 98,5%, phủ Xuân Trường (Nam Định) còn 74,5%, phủ Khoái Châu (Hưng Yên) còn 59 %,…
Về Ruộng đất thuộc sở hữu tư nhân: Tỷ lệ ruộng đất tư đầu thế kỷ XIX, theo Nguyễn Công Tiệp là 82,92%, khẳng định vị trí bao trùm và chi phối của loại hình sở hữu này trong toàn bộ chế độ ruộng đất. Tuy nhiên, đặc điểm phân bố không đều làm cho vai trò của nó ở các địa phương có sự khác biệt nhất định. Trong khi ở hầu hết các nơi ruộng đất tư là nguồn sống chính của cư dân, cả địa chủ với thu nhập từ phát canh thu tô, cả nông dân tự canh và lĩnh canh ruộng đất của địa chủ, thì vẫn có những nơi ruộng đất công mới là nguồn sống chính.
Trong sở hữu tư nhân, sự phân hoá đã diễn ra nhưng nhìn chung chưa cao và cũng rất chênh lệch giữa các địa phương. Có nơi sở hữu địa chủ đã chiếm ưu thế, có nơi sở hữu bao trùm là của nông dân tự canh, có nơi sở hữu đặc trưng là của các lớp trung gian. Tuy nhiên, sở hữu đặc trưng của địa chủ vẫn là vừa và nhỏ
Bức tranh ruộng đất Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX đã đi vào chặng cuối của vận động tiến hoá. Tư hữu hoá đã bao trùm, đã có sự phân hoá trong sở hữu tư nhân, một số nơi đã đạt đến mức độ khá cao. Trước thực trạng đó, chính sách của nhà Nguyễn đối với ruộng đất lại thể hiện rõ tính bảo thủ, làm cho quá trình tự nhiên của chế độ ruộng đất bị chững lại.
Thái độ tương đối nhất quán của nhà Nguyễn ở nửa đầu thế kỷ XIX là duy trì, bảo vệ và tham vọng mở rộng sở hữu nhà nước về ruộng đất. Thái độ này quy định chính sách của nhà nước đối với vấn đề ruộng đất nói chung và với từng loại sở hữu nói riêng.
Dưới thời Nguyễn, việc ban cấp ruộng đất chỉ còn lại duy nhất hình thức tự điền (ruộng thờ) được thực hiện rải rác dưới thời Gia Long và đầu Minh Mệnh, số lượng rất hạn chế, một phần do quỹ ruộng đất của nhà nước đã thu hẹp, mặt khác là để đề phòng tư hữu hoá từ việc ban cấp ruộng đất vốn đã từng diễn ra. Đối với bộ phận ruộng đất công làng xã còn lại, nhà nước cấm ngặt việc mua bán, cầm cố.
Để kiểm soát chặt chẽ bộ phận ruộng đất công làng xã làm cơ sở góp phần giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội và ổn định tình hình đất nước, năm 1804, Gia Long chính thức ban hành phép quân điền. Đây là lần thứ ba trong lịch sử Việt Nam, nhà nước ban hành
chính sách quân điền. Về nội dung, không có khác biệt lớn lắm với các thời kỳ trước. Thay đổi lớn nhất là rút ngắn thời hạn chia ruộng từ 6 năm xuống còn 3 năm nhằm tăng cường kiểm soát nhà nước, hạn chế tư hữu hóa.
Thể hiện tập trung nhất thái độ của nhà nước đối với vấn đề ruộng đất là những biện pháp mở rộng sở hữu công. Trong khai hoang, có tới gần một nửa các quyết định của nhà nước quy định ruộng đất khai khẩn được trở thành sở hữu công cộng. Đặc biệt quyết liệt là chủ trương công hữu hoá một bộ phận ruộng đất thuộc sở hữu tư nhân.
Tỷ lệ bao trùm của sở hữu tư nhân về ruộng đất là thực tế mà nhà Nguyễn đã nhận thức được ngay sau khi xác lập nền thống trị. Trong chính sách của mình, nhà Nguyễn cũng có thái độ tôn trọng quyền tư hữu ở một mức độ nhất định. Tuy nhiên, với chủ trương tăng cường sở hữu công cộng làm bệ đỡ kinh tế - xã hội cho thiết chế quân chủ tập quyền, nhà Nguyễn từ khá sớm đã có tham vọng can thiệp vào ruộng đất tư.
Bức tranh ruộng đất Việt Nam ở nửa đầu thế kỷ XIX với tỷ lệ bao trùm của sở hữu tư nhân, sự phân hoá nhất định trong chế độ tư hữu là kết quả tất yếu của sự vận động lịch sử. Trong quá trình đó, do những đặc điểm riêng, có sự khác biệt nhất định giữa các địa phương. Trước thực trạng ruộng đất đó, chính sách ruộng đất của nhà Nguyễn thể hiện rõ tư tưởng bảo thủ, một mặt duy trì, bảo vệ bộ phận ruộng đất công còn lại, mặt khác tìm cách mở rộng, đặc biệt là chủ trương can thiệp vào chế độ tư hữu để tăng quỹ ruộng đất công qua thí điểm ở Bình Định. Thái độ đó, chính sách đó làm cho quá trình tư hữu hoá ở nửa đầu thế kỷ XIX bị chặn lại, phân hoá và tập trung ruộng đất trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, sự thu hẹp của ruộng đất công cho thấy vai trò của loại hình sở hữu này đã giảm sút ở nửa đầu thế kỷ XIX, sự sở hữu tư hữu về ruộng đất ngày càng phát triển và mâu thuẫn với loại hình sở hữu công không còn phù hợp, dẫn đến sự tan vỡ của loại hình sở hữu này, từ đó dẫn đến sự tan vỡ của phương thức sản xuất Châu Á.
TỔNG LUẬN
Như vậy có thể thấy điểm chung của nước ta từ thời kì đầu dưng nước đên strước thế kỉ XV, sỡ hữu ruộng đất trên danh nghĩa chỉ thuộc quyền sở hữu tối cao và duy nhất của nhà nước (mà đứng đầu là vua) và nhà vua công nhận quyền chiếm dụng hoàn toàn của công xã. Đến lượt mình, công xã phân phối bình quân ruộng đất bình quân cho các thành viên trong công xã. Ruộng đất tư ban đầu còn hạn chế do các nhà nước phong kiến Việt Nam bảo vệ chế độ công điền, cấm mua bán và coi ruộng đất chỉ có một chủ sỡ hữu duy nhất là Vua, Nhưng càng về sau chính sách này ít nhiều thay đổi, nổi bật như năm 1254, nhà Trần cho phép bán công điền làm tư điền, hay sau khi vương triều Lê Sơ thành lập có chủ trương hợp pháp hóa ruộng tư bên cạnh chính sách quân điền. Nhờ đó khuynh hướng tư hữu hóa ruộng đất ngày càng phổ biến, ruộng tư lấn át ruộng công.
Tóm lại, có thể thấy suốt từ thời Văn Lang cho đến đầu thế kỉ XV, ở Việt Nam đã tồn tại phương thức sản xuất châu Á, với những biểu hiện cụ thể của nó. Trong đó có nhiều điểm trùng với những đặc trưng của phương thức sản xuất châu Á theo quan điểm của Mác - Ăngghen, như : chế độ công xã nông thôn kéo dài; chế độ sở hữu tập thể về ruộng đất mà đứng đầu là nhà vua và sự chiếm dụng của các công xã; sự bóc lột theo kiểu cống nạp; sự không tách rời giữa nông nghiệp và thủ công nghiệp; thành thị chậm ra đời và khó phát triển; sản xuất hàng hoá chậm phát triển;… Tuy nhiên ở Việt Nam cũng có những đặc điểm riêng. Đó là nhà nước chưa thực sự chuyên chế một cách tuyệt đối với quyền lực tối cao nằm trong tay một cá nhân; có sự phân chia các đẳng cấp nhưng không có sự khắc nghiệt của chế độ đẳng cấp. phương thức sản xuất châu Á vẫn còn tồn tại dai dẳng ở Việt Nam đến thế kỷ XIX, nhưng theo tôi đó chỉ là những tàn dư không điển hình của phương thức sản xuất châu Á mà thôi. Thực tế, qua các thời kỳ khác nhau, đều có sự tồn tại của nhiều phương thức sản xuất đan xen nhau.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đào Duy Anh, 2013, Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX, Nxb Khoa
học xã hội, Tp. Hồ Chí Minh.
2. Đinh Xuân Lâm-Nguyễn Văn Khánh-Nguyễn Đình Lễ (2008), Đại cương lịch sử
Việt Nam, tập 1, Nxb Giáo Dục.
3. Huỳnh Công Bá (2011), Lịch sử Việt Nam cổ trung đại, Nxb Thanh Hóa.
4. Lâm Quang Huyên (2002), Vấn đề ruộng đất ở Việt Nam, Nxb Khoa Học Xã Hội.
5. Nguyễn Minh Trí (2009), Cuộc đấu tranh chống đồng hóa về văn hóa và tư tưởng
của dân tộc Việt Nam thời kỳ Bắc thuộc (179 TCN - 905), luận văn Thạc sĩ, ĐH KHXHNV.
6. Phan Huy Lê (chủ biên), 2012, Lịch sử Việt Nam tập 1, Nxb Giáo dục Việt Nam,
Hà Nội.
7. Văn Tạo (1996), Phương thức sản xuất châu Á – Lý luận Mác-Lênin và thực tiễn
Việt Nam, Nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội.