Sự ra đời của thị trường chứng khoán Việt Nam được đánh dấu bởi sự kiện đưa trung tâm giao dịch chứng khoán tại thành phố Hồ Chí Minh vào hoạt động ngày 20/07/2000 . Thị trường chứng khoán Việt Nam còn trong giai đoạn đầu , giai đoạn xây dựng . Hàng hoá trên thị trường chứng khoán chưa phong phú về chủng loại và chưa nhiều về số lượng. Đó là do nước ta vừa mới bước sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, mới công nhận nền kinh tế nhiều thành phần. Các công ty cổ phần còn nhiều hạn chế, số lượng công ty cổ phần chưa nhiều, chất lượng chưa cao do quy mô công ty nhỏ, thời gian hoạt động chưa lâu, ngành nghề kinh doanh chưa thuộc lĩnh vực then chốt. Nhưng sự phát triển thị trường thúc đẩy thành lập nhiều công ty cổ phần hơn và công cuộc cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước ngày càng được đẩy mạnh. Số lượng công ty tham gia niêm yết chứng khoán của công ty mình trên thị trung tâm giao dịch chứng khoán Hồ Chí Minh còn rất ít , đến tháng 6/2004 có 22 công ty niêm yết và một số loại trái phiếu chính phủ . Về phía nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán chủ yếu là các nhà đầu tư nhỏ lẻ , thiếu nhà đầu tư lớn và chuyên nghiệp . Mặt khác kiến thức của nhà đầu tư về chứng khoán còn rất yếu kém, nhiều nhà đầu tư tham gia thị trường theo phong trào và đa số nhà đầu tư theo quan điểm ngắn hạn chờ giá lên để hưởng chênh lệch giá, chỉ có số ít nhà đầu tư tham gia với quan điểm dài hạn. Do vậy mà thị trường chứng khoán Việt Nam mang tính đầu cơ rất cao và rất dễ biến động ồ ạt theo xu hướng bất lợi, gây tác động xấu đến thị trường. Về mặt quản lý thị trường, nước ta mới áp dụng thị trường chứng khoán nên sự hiểu biết cũng như kinh nghiệm của cơ quan quản lý còn thấp kém, chưa có một bộ luật riêng về thị trường chứng khoán còn các pháp lệnh nghị định thông tư còn chưa nhất quán, hợp lý
khiến cho vấn đề quản lý thị trường gặp nhiều khó khăn . Nhưng nước ta đang từng bước khắc phục những khó khăn để phát triển hoàn thiện thị trường chứng khoán .