Kết quả kinh doanh của một doanh nghiệp thường được phản ánh qua 2 chỉ tiêu chủ yếu là: doanh thu và lợi nhuận. Doanh thu thể hiện tổng hợp kết quả kinh doanh của công ty trong một thời kỳ nhất định, lợi nhuận cho biết kết quả cuối cùng của các hoạt động đó.
Các phân tích về tốc độ tăng, tốc độ phát triển của các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận chỉ đem lại một cái nhìn khái quát về tình hình kinh doanh của DNBH đối với nghiệp vụ, để có một cái nhìn sâu sắc, bản chất hơn thì phải sử dụng các chỉ tiêu phản ánh hiệu quả kinh doanh, chính là sự so sánh giữa chi phí bỏ ra để thu được những kết quả nhất định với chính kết quả đó.
Kết quả và hiệu quả kinh doanh của Công ty AAA trong 3 năm hoạt động được thể hiện ở bảng 2.9:
Bảng 2.9: Kết quả và hiệu quả kinh doanh của nghiệp vụ bảo hiểm mô tô/xe máy tại Cty AAA (2005 – 2007)
Năm Chỉ tiêu
2005 2006 2007
Doanh thu thuần (đồng) 413.348.000 3.820.432.512 9.561.596.786
Chi phí (đồng) 336.055.284 2.448.995.200 4.624.468.698
Lợi nhuận (đồng) 77.292.716 1.371.437.312 4.937.128.088
Tốc độ tăng LN (lần) - 16,74 2,59
Hiệu quả theo doanh thu (đồng/đồng) 1.23 1.56 1.7
Hiệu quả theo lợi nhuận (đồng/đồng) 0.23 0.56 1.06
(Nguồn: Báo cáo tài chính qua các năm tại Cty AAA)
Qua bảng 2.9 cho thấy lợi nhuận của nghiệp vụ tăng qua các năm, năm 2006 tăng gấp 16,74 lần so năm 2005, tương ứng với 1.294.144.596 đồng; do thành lập 2/2005 nên công ty thực chất tiến hành hoạt động kinh doanh vào mấy tháng cuối năm 2005, vì vậy mà lợi nhuận trong năm 2005 chỉ dừng lại ở con số hàng triệu; sang năm 2006 nghiệp vụ được triển khai trong một thời gian dài hơn, kết quả thu được cũng cao hơn rất nhiều. Sang năm 2007, lợi nhuận mà nghiệp vụ này đem lại vẫn tiếp tục tăng 2,59 lần tương ứng với 2.565.690.776 đồng so với năm 2006.
Tỷ suất doanh lợi cũng tăng theo các năm: từ 18,69% năm 2005 lên 51.63% năm 2007, như vậy mỗi đồng doanh thu khai thác được thì lợi nhuận chiếm ngày càng cao, đây là một xu hướng rất tốt trong hoạt động kinh doanh chứng tỏ hiệu quả hoạt động kinh doanh nghiệp vụ tốt.
Với những phân tích trên, chúng ta phần nào thấy được kết quả kinh doanh của công ty trong thời gian qua và có những đánh giá ban đầu về những kết quả đó. Tuy nhiên, đó mới chỉ là những phân tích sơ bộ, để có một cái nhìn sâu hơn về hoạt động kinh doanh của AAA trong nghiệp vụ bảo hiểm mô tô/ xe máy chúng ta sẽ xem xét hiệu quả kinh doanh của nghiệp vụ theo doanh thu hoặc lợi nhuận.
Từ bảng 2.8 cho thấy: hiệu quả theo doanh thu của nghiệp vụ bình quân qua 3 năm là 1.49, như vậy là cứ bình quân 1 đồng chi phí bỏ ra thu được 1,49 đồng doanh thu. Hiệu quả theo doanh thu tăng lên qua các năm: từ 1.23 đồng/đồng năm 2005 lên 1.56 đồng/đồng năm 2006 và đến năm 2007 là 1.7 đồng/đồng. Mặc dù hiệu quả kinh doanh theo doanh thu tăng ở mức thấp nhưng xu hướng tăng của hiệu quả kinh doanh cho ta thấy hướng đi đúng của công ty trong triển khai nghiệp vụ này, nó đang dần đem lại lãi cho công ty. Có thể thấy
cụ thể hơn qua hiệu quả kinh doanh theo lợi nhuận: trong 2 năm đầu nghiệp vụ chưa đem lại lợi nhuận, năm 2005: 1 đồng chi phí bỏ ra chỉ đem lại 0.23 đồng lợi nhuận, đến năm 2006 thì với 1 đồng chi phí bỏ ra đem lại 0.56 đồng lợi nhuận như vậy trong 2 năm đầu hiệu quả theo lợi nhuận có tăng nhưng chưa đem lại lãi cho công ty, nhưng đến năm 2007 thì hiệu quả đạt 1.06 đồng, 1 đồng chi phí bỏ ra đã đem lại 1.06 đồng lợi nhuận cho công ty, công ty đã bắt đầu thu được lãi từ nghiệp vụ này. Nguyên nhân của sự không hiệu quả 2 năm đầu là do phải chịu sức ép cạnh tranh rất lớn khi công ty thành lập và tham gia vào lĩnh vực bảo hiểm này, vì đây là một lĩnh vực đã và đang phát triển sôi động, công ty phải tìm ra một chiến lược phù hợp để phát triển và kèm theo đó là những chi phí ban đầu cho việc tìm kiếm, chiếm lĩnh, mở rộng thị trường. Đến năm 2007, kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm mô tô/ xe máy đã đem lại lợi nhuận cho công ty do sau gần 2 năm tham gia vào thị trường bằng rất nhiều chương trình tuyên truyền, quảng bá thương hiệu uy tín của công ty đã được khẳng định và có chỗ đứng trên thị trường. Đồng thời trong năm 2007 có sự thay đổi bổ sung của một số quy định liên quan đến mô tô/xe máy như: Quyết định số 23/2007/QĐ-BTC ngày 09/04/2007 về sửa đổi chế độ bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới thay thế Quyết định 23/2003/QĐ-BTC ngày 25/02/2003; Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế TNGT và ùn tắc giao thông được Thủ tướng chính phủ ký ngày 29/06/2007, quy định bắt buộc người ngồi trên mô tô/ xe máy phải đội mũ bảo hiểm trên tất cả các tuyến đường… đã có những ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường bảo hiểm mô tô/xe máy, từ đó tạo những thuận lợi nhất định cho toàn thị trường nói chung, công ty AAA nói riêng trong kinh doanh nghiệp vụ này.
Như vậy bằng những kết quả đã đạt được đã cho ta thấy nghiệp vụ này được AAA triển khai khá tốt và đang đi đúng hướng. Chứng tỏ sự năng động, nhạy bén, sáng tạo của công ty.
Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai nghiệp vụ bảo hiểm này, thì số lượng mô tô/xe máy tham gia bảo hiểm ở công ty còn quá nhỏ so với số lượng xe máy đang lưu hành. Điều đó được thể hiện chi tiết trong bảng 2.10.
Bảng 2.10: Cơ cấu số lượng mô tô/xe máy tham gia bảo hiểm tại Cty AAA (2005 – 2007)
Năm Chỉ tiêu
Đơn vị 2005 2006 2007
Số lượng xe tham gia BH tại Cty
chiếc 6.835 62.630 154.219
Số lượng xe lưu hành trong cả nước triệu chiếc 15 17.5 20
Tỷ lệ xe tham gia BH tại Cty so lượng xe
lưu hành ‰ 0.45 3.57 7.71
(Nguồn:Theo Số liệu Cục Đăng kiểm Việt Nam & thống kê của CtyAAA)
Qua bảng 2.10 cho thấy, tỷ lệ mô tô/xe máy tham gia tại công ty so lượng xe đang lưu hành các năm là rất nhỏ chỉ tính bằng phần nghìn: năm 2005 là 0.45‰, năm 2006 là 3.57‰, năm 2007 là 7.71‰; phản ánh sự nhỏ bé về quy mô khai thác của công ty trong nghiệp vụ này. Từ đó đặt ra yêu cầu mở rộng thị trường của doanh nghiệp, nhằm tăng số lượng xe tham gia bảo hiểm tại công ty.
Đây là một nghiệp vụ có nhiều sự cạnh tranh lớn. Khi mà theo thống kế của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tính đến đầu năm 2008 thị trường bảo hiểm có 22 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ thì có đến 14 doanh nghiệp tham gia khai thác nghiệp vụ này; trong đó 70% thị phần hiện nay do 3 doanh nghiệp lớn: Bảo Việt, Pijico, Bảo Minh chiếm giữ. Điều này là một thách thức thật sự với AAA, mặc dù thị trường bảo hiểm mô tô/xe máy nhiều tiềm năng nhưng lại có sự cạnh tranh thật sự lớn. Công ty không những cần phải có những chiến lược khai thác ở thị trường mới, những khách hàng tham gia bảo hiểm lần đầu mà còn cần thu hút khách hàng đã tham gia bảo hiểm ở công ty khác tái tục những năm tiếp theo tại công ty.