2.1. Sự cần thiết của tái bảo hiểm kỹ thuật.
Như đã trình bày ở trên, chúng ta đã thấy được tầm quan trọng của bảo hiểm kỹ thuật, của tái bảo hiểm nói chung. Ở phần này chúng ta đi nghiên cứu sự cần thiết của tái bảo hiểm kỹ thuật, mối liên hệ chặt chẽ giữa tái bảo hiểm kỹ thuật với bảo hiểm kỹ thuật và các công ty bảo hiểm kỹ thuật.
Thật vậy, với số tiền bảo hiểm rất lớn cho mỗi công trình, nó không chỉ là sự sống còn của mỗi công ty, mỗi doanh nghiệp chủ sở hữu mà nó còn có thể quyết định đến cả sự sống còn của cả các công ty bảo hiểm. Năng lực tài chính của các công ty bảo hiểm không thể chi trả được hết các rủi ro liên tiếp với số tiền bồi thường cực lớn so với tiềm lực tài chính của công ty. Bởi vậy, nhu cầu tái bảo hiểm trong bảo hiểm kỹ thuật là một nhu cầu tất yếu của các công ty bảo hiểm. Hơn thế nữa, ngành bảo hiểm là một trong những khối ngành tài chính
quan trọng đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước, nó có thể mang tính ổn định của nền kinh tế một quốc gia, bởi vậy nhà nước chỉ cho phép các công ty bảo hiểm chịu trách nhiệm trong một phần nhất định tuỳ ý theo khả năng cạnh tranh. Trong kinh doanh bảo hiểm bị hạn chế rất nhiều và tái bảo hiểm là biện pháp tốt nhất mà các công ty thường lựa chọn.
Công nghệ, khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển thì nhu cầu bảo hiểm kỹ thuật cũng phải phát triển theo kịp để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn đó. Điều đó thể hiện sự phát triển không ngừng của xã hội và ngành bảo hiểm.
2.2. Nội dung của tái bảo hiểm kỹ thuật.
Về cơ bản tái bảo hiểm kỹ thuật cũng có thể nói là giống với các nghiệp vụ tái bảo hiểm khác, nó cũng được chia theo các hình thức tái bảo hiểm số thành và tái bảo hiểm mức dôi. Nhưng chúng ta cần chú ý là trong tái bảo hiểm kỹ thuật thì yếu tố kỹ thuật là yếu tố cần phải nắm vững để có thể đánh giá, triển khai nghiệp vụ sát với thực tế. Chúng ta có thể tóm tắt sự khác biệt của tái bảo hiểm kỹ thuật với các loại tái bảo hiểm khác sau:
* Thiếu sự phân tán rủi ro vì số lượng các loại rủi ro liên quan tương đối ít. * Số phí của nghiệp vụ thường chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng phí bảo hiểm của các công ty.
* Có nhiều rủi ro thay đổi công nghệ như: vật liệu mới, phương pháp xây dựng mới, những mẫu thiết kế mới, kích thước mới, chịu nhiệt cao hơn, ...
* Thường phải chịu rủi ro trên mức trung bình do các hiểm hoạ tự nhiên, bản chất kéo dài của bảo hiểm CAR và EAR.
Bởi vậy, trong việc xem xét các điều kiện điều khoản của hợp đồng tái bảo hiểm thì các điểm khác biệt đó thường rất có ích. Chúng ta đi phân tích một số điều khoản sau:
Điều kiện cho việc nhượng tái bảo hiểm.
Đối với nghiệp vụ khác như: bảo hiểm hoả hoạn hay trách nhiệm, nhiều thị trường đã có các hiệp hội và tổ chức soạn thảo các mẫu đơn và biểu phí để công ty bảo hiểm nước mình tuân theo thực hiện. Chỉ ở vài nước điều này
không được áp dụng cho bảo hiểm kỹ thuật. Hơn thế nữa, ở rất nhiều các công ty bảo hiểm, nghiệp vụ bảo hiểm kỹ thuật chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng doanh thu phí. Kết quả là, vì những lý do về chi phí nên việc khai thác bảo hiểm kỹ thuật thường được đặt ở phòng các rủi ro đặc biệt. Điều này sẽ rất khó khăn trong việc tích luỹ kinh nghiệm của các nhân viên khai thác bảo hiểm kỹ thuật. Trong hợp đồng tái bảo hiểm, điều kiện này được viết như sau: "nhà nhận tái bảo hiểm sẽ cung cấp cho công ty bảo hiểm gốc những điều kiện hợp đồng và những nguyên tắc tính phí bảo hiểm cho dịch vụ nhượng tái theo hợp đồng nhượng tái bảo hiểm này", công ty bảo hiểm gốc buộc phải tuân theo nguyên tắc và tỷ lệ phí của họ.
Năng lực nhận bảo hiểm.
So với tái bảo hiểm cháy, tái bảo hiểm kỹ thuật thường mất cân đối. Một hợp đồng tái bảo hiểm cháy thường có tỷ lệ giữa tổng phí bảo hiểm và năng lực nhận bảo hiểm là 1-1 hoặc 1-2, nhưng trong tái bảo hiểm kỹ thuật thì tỷ lệ là 1- 10, có thể lên tới 1-20 hoặc cao hơn. Nguyên nhân là việc nhượng tái bảo hiểm những rủi ro CAR và EAR thường không ổn định bởi tính không tái tục số tiền bảo hiểm và có thể dao động từ thấp lên cao.
Tuy nhiên những rủi ro trong bảo hiểm có thể tái tục hàng năm thì tính dao động của nó thường ít hơn và có sự cân đối hơn giữa số tiền bảo hiểm và năng lực nhận bảo hiểm. Chúng ta còn phải dựa vào đặc điểm từng loại hợp đồng để có thể nhận tái bảo hiểm, khai thác, tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm một cách hợp lý.
Khả năng nhận bảo hiểm có thể tăng thêm bằng cách bao gồm các hợp đồng tái bảo hiểm mức dôi thứ hai vượt quá khả năng nhận khi số lượng rủi ro nhượng là đủ lớn và quan hệ giữa khả năng tăng thêm và tần số rủi ro là cân đối. Việc sử dụng hình thức tái bảo hiểm tạm thời cho số tiền bảo hiểm vượt quá giới hạn mức dôi thứ nhất là hợp lý hơn, bởi vì những chương trình bảo hiểm kỹ thuật thường rủi ro lớn hơn và chỉ cần một điểm tổn thất lớn có thể tiêu huỷ kết quả hoạt động trong nhiều năm.
Tư vấn giải quyết bồi thường.
Vì đặc thù của bảo hiểm kỹ thuật nên trong công tác khiếu nại bồi thường các công ty tái bảo hiểm có các điều khoản hướng dẫn thật chi tiết.
Các công ty bảo hiểm gốc phải cung cấp cho công ty tái bảo hiểm những thông số chi tiết có liên quan đến hợp đồng, đồng thời khi có tổn thất xảy ra thì cần phải thông báo cho công ty tái bảo hiểm gấp để kịp thời phối hợp với công ty bảo hiểm gốc giải quyết hậu quả.
Rút vốn trong trường hợp huỷ hợp đồng.
Trong hầu hết các hợp đồng bảo hiểm tài sản đều dựa trên cơ sở "Clear- cut". Hệ thống này không thật phù hợp với bảo hiểm kỹ thuật, đặc biệt với các đơn CAR, EAR, đơn bảo hiểm gốc thường có thể kéo dài trong nhiều năm. Doanh thu phí bảo hiểm tăng lên tương ứng với việc hoàn thành từng bước công việc được bảo hiểm cùng với thị phần không tỷ lệ phân bố cho các giai đoạn cuối của công trình xây lắp, là tích tụ những rủi ro chủ yếu (do giá trị công trình ngày càng lớn hơn). Phần phí bảo hiểm có thể tính chưa đúng nhưng sẽ mất rất nhiều thời gian tính toán khi phải tính cho từng đơn vị rủi ro. Vì vậy, chừng nào mà các đơn CAR, EAR còn có hiệu lực thì các rủi ro bảo hiểm còn được tiếp tục cho đến khi hoàn thành dự án. Đối với những đơn bảo hiểm tái tục hàng năm như bảo hiểm đổ vỡ máy móc, hợp đồng tái bảo hiểm sẽ được tiếp tục có hiệu lực theo đơn gốc đã được tái tục.