Hiện trạng xử lý nước thải cho khu Bắc trung tâm thành phố Quy Nhơn

Một phần của tài liệu Luận văn Thiết kế hệ thống xử lý nước thải đô thị - Khu Bắc trung tâm thành phố Quy Nhơn (Trang 27)

2.2.3.1. Thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt [4]

Mô hình được áp dụng phổ biến của người dân là cho nước thải thấm vào đất thay vì đấu nối với hệ thống thoát nước do khu vực này có kết cấu nền đất xốp, pha cát có độ thấm lớn. Thực tế cho thấy, do không muốn nộp khoản phí đấu nối, một số hộ dân không ngần ngại áp dụng giải pháp thấm cho nước thải của gia đình mình.

Giải pháp thấm có thể áp dụng với những khu vực nông thôn, các khu đô thị nhà vườn nơi có mật độ xây dựng thấp. Đối với đô thị có mật độ xây dựng, mật độ dân cư cao, lượng nước thải sinh ra lớn, giải pháp thấm gây ra nguy cơ lớn về sự ô nhiễm môi trường, đặc biệt là nguồn nước ngầm và môi trường đất.

Phần lớn nước thải sinh hoạt từ các hộ gia đình có đấu nối với hệ thống thoát nước của Thành phố cũng không được phân tách, thu gom xử lý mà được xả trực tiếp vào nguồn tiếp nhận (biển, sông, ao, hồ) xung quanh khu đô thị. Hiện tại, Quy Nhơn vẫn chưa có một nhà máy xử lý nước thải tập trung nào để giải quyết vấn đề này.

Tuy nhiên, nhờ có việc xây dựng các bể tự hoại (bể phốt), nước thải sinh hoạt từ các hộ gia đình được làm sạch ở mức độ nhất định. Bể tự hoại có thể làm giảm đáng kể hàm lượng BOD, chất lơ lửng trong nước thải, và một số thành phần ô nhiễm khác. Mặc dù vậy, trong thực tế do hầu hết các bể tự hoại không được bảo dưỡng đúng yêu cầu, đa số các hộ dân chỉ hút cặn bể tự hoại khi có hiện tượng đầy bể nên hiệu quả xử lý của bể tự hoại giảm đi, năng lực xử lý không cao. Về nguyên tắc, nước thải cũng được làm sạch nhờ vào khả năng tự làm sạch của nguồn tiếp nhận dù rằng hiệu quả của quá trình tự làm sạch là thấp, và nguy cơ ô nhiễm của những nguồn tiếp nhận là rất cao khi bị quá tải. Thực tế những nguồn tiếp nhận của khu vực đã và đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Hiện nay, thành phố đã tiến hành xây mới, cải tạo một số tuyến cống nhằm tăng cường năng lực thu gom nước thải, đưa nước thải ra khỏi khu vực trung tâm thành phố. Cụ thể:

- Xây dựng trạm bơm TB1 công suất 325m3/h ở cuối đường Phan Chu Trinh nhằm đưa nước thải của khu vực Hải Cảng về trạm bơm số 2 công suất 1416 m3/h đặt ở khu vực hồ Đống Đa. Xây dựng hệ thống cống bao, giếng tách quanh hồ Đồng Đa để ngăn việc xả nước thải vào hồ Đống Đa, gom nước thải về trạm bơm số 2 bơm xả tạm ra đầm Thị Nại.

- Xây dựng tuyến cống bao, trạm bơm TB6 công suất 350 m3/h, ống áp lực khu vực hồ Bàu Sen nhằm tránh việc xả nước thải vào hồ Bàu Sen gây ô nhiễm môi trường.

- Xây dựng mạng lưới cấp 3 cho 2 phường Trần Phú và Lê Lợi nhằm tăng cường đấu nối, tăng lượng nước thải cho hệ thống, tránh việc để nước thải tự thấm xuống đất.

Theo Luật bảo vệ môi trường, nước thải ở tất cả các công trình công cộng (bệnh viện, trường học, khu vui chơi giải trí v.v) đều phải được xử lý riêng trước khi được thu gom vào hệ thống thoát nước. Tuy nhiên trên thực tế, phần lớn các công trình công cộng chưa có các công trình xử lý nước thải hoặc nếu có thì hoạt động không hiệu quả. Nguyên nhân của tình trạng này là chi phí cho việc xây dựng và chi phí quản lý vận hành các công trình xử lý nước thải rất lớn, và các khoản này cũng cần được hỗ trợ từ Ngân sách Nhà nước, đồng thời hiệu lực thực thi các yêu cầu xử lý nước thải tại các công trình công cộng còn bị hạn chế. Hiện nay, đấu nối không đăng ký ở các công trình công cộng phổ biến hơn so với các hộ gia đình bởi vì lượng nước thải từ những công trình này khá lớn nên áp dụng giải pháp thấm không có hiệu quả[4].

Theo thống kê trên địa bàn khu vực có 7 bệnh viện lớn, trong đó có 5 bệnh viện đã có hệ thống xử lý nước thải (công suất 8 - 300m3/ngày). Nước thải sau xử lý đạt tiêu chuẩn loại B cho phép đấu nối vào hệ thống thoát nước chung của thành phố.

2.2.3.3. Nước thải công nghiệp

Trong số các cụm tiểu thủ công nghiệp trong khu vực trung tâm thành phố chỉ có nhà máy sữa VINAMILE và công ty cổ phần thủy sản Bình Định là đã có hệ thống xử lý nước thải và hoạt động tương đối hiệu quả. Các cơ sở còn lại như: cụm tiểu thủ công nghiệp Quang Trung, hoạt động sản suất chủ yếu là chế biến gỗ và các hàng thủ công mỹ nghệ; Công ty gỗ Bông Hồng; Công ty thủy sản đông lạnh Quy Nhơn; Công ty TNHH thực phẩm xuất khẩu Lam Sơn, hoạt động chủ yếu là chế biến nông lâm thủy sản; Công ty Dược – trang thiết bị y tế Bình Định và một số cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ khác của các hộ gia đình. Tuy nhiên, phần lớn các cơ sở này đều nằm ngoài khu Bắc trung tâm thành phố[4].

Một phần của tài liệu Luận văn Thiết kế hệ thống xử lý nước thải đô thị - Khu Bắc trung tâm thành phố Quy Nhơn (Trang 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)