Môi trường chính trị xã hội và pháp luật

Một phần của tài liệu MẠNG LƯỚI ĐẠI LÝ CỦA CÔNG TY CHỨNG KHOÁN (Trang 28 - 32)

- Xét một ví dụ cụ thể về chiến lược hoạt động của một CTCK:

1.3.2.2. Môi trường chính trị xã hội và pháp luật

Đối với mỗi quốc gia, môi trường chính trị- xã hội luôn có tác động trực tiếp đến hoạt động của nền kinh tế nước đó. Những sự kiện như chiến tranh, biến động chính trị hay hệ thống pháp luật trong, ngoài nước có thể tạo ra những thay đổi về môi trường kinh doanh, làm tăng thêm sự bất ổn định về kinh tế, dẫn đến sự thay đổi đầu tư và lòng tin của công chúng… sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến TTCK, và như vậy sẽ tác động đến kết quả hoạt động của các CTCK cũng như mạng lưới chi nhánh, đại lý của công ty.

Môi trường pháp lý là yếu tố quan trọng tác động tới hiệu quả hoạt động TTCK, nó có thể tạo ra những tác động tích cực tới thị trường nhưng ngược lại nó cũng có thể đem lại những tác động tiêu cực. Một môi trường đầu tư với khung pháp lý hoàn chỉnh, chặt chẽ sẽ thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo điều kiện cho thị trường phát triển. Khi xem xét tới yếu tố pháp lý, các nhà phân tích thường đánh giá theo các góc độ sau:

- Hệ thống hành lang pháp lý của TTCK được xây dựng như thế nào? Có đủ để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người đầu tư hay không?

- Các luật khác liên quan có trùng chéo, mâu thuẫn nhau hay không? - Khả năng thực thi pháp luật thế nào?

- Những mặt khuyến khích, ưu đãi và hạn chế được quy định trong hệ thống pháp luật?

- Sự ổn định của hệ thống luật pháp, khả năng sửa đổi và ảnh hưởng của chúng đến TTCK?

1.3.2.3. Sự phát triển của thị trường

- Số lượng và chất lượng hàng hoá trên thị trường

Một TTCK phát triển với lượng hàng hoá dồi dào sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội cho các CTCK. Các CTCK có thể mở rộng quy mô và phạm vi hoạt động của mình để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư cũng như tăng tính cạnh tranh giữa các CTCK.

Tại Việt Nam, tính đến tháng 5- 2006, cả nước đã thực hiện cổ phần hóa được 2935 doanh nghiệp nhà nước, trong đó có 80% số doanh nghiệp mới thực hiện cổ phần hóa từ năm 2001. Quá trình cổ phần hóa cùng với sự phát triển nhanh của nền kinh tế đã cho ra đời rất nhiều công ty hoạt động hiệu quả, tạo nguồn cung hàng hóa dồi dào cho TTCK. Vì vậy, trong thời gian vừa qua, có rất nhiều các CTCK được thành lập và đi vào hoạt động, đồng thời mở rộng mạng lưới hoạt động nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của nhà đầu tư. Lượng hàng hóa nhiều, tuy nhiên tại Việt Nam, hàng hóa tài chính này còn quá đơn giản, trong khi các hàng hóa tài chính tại các nước đã trở nên rất phức tạp. Vì vậy, CTCK cũng cần nghiên cứu giới thiệu các hàng hóa mới, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có thêm sự lựa chọn đầu tư cũng như có thêm các công cụ quản lý rủi ro hữu hiệu cho mình.

- Tâm lý của các nhà đầu tư

Tâm lý của các nhà đầu tư trên thị trường phụ thuộc rất nhiều vào trình độ dân trí của người dân. Tại một số thị trường mới phát triển như Việt nam, nhìn chung sự hiểu biết của dân chúng về TTCK còn rất hạn chế. Khi các nhà đầu tư nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ lớn, cùng với sự hiểu biết chưa đầy đủ như vậy thì tâm lý đầu tư theo số đông sẽ rất phổ biến. Việc mở rộng mạng lưới hoạt động phải căn cứ vào đặc điểm của nhà đầu tư trên địa bàn cũng như căn cứ vào chi phí bỏ ra ban đầu và lợi ích thu được sau này để đưa ra quyết định.

1.3.2.4. Sự phát triển của công nghệ

Sự tiến bộ kỹ thuật có thể có tác động sâu sắc lên những sản phẩm, dịch vụ, thị trường, khách hàng, thực tiễn tiếp thị và vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp. Tiến bộ kỹ thuật có thể tạo ra những thị trường mới, kết quả là sự sinh sôi của những sản phẩm mới. Tiến bộ kỹ thuật có thể tạo ra những ưu thế cạnh tranh mới, mạnh mẽ hơn các ưu thế hiện có. Hiện nay, không doanh nghiệp nào mà tự cách ly với những phát triển công nghệ đang xuất hiện. Đối với các CTCK, áp dụng tiến bộ kỹ thuật là đòi hỏi không thể thiếu đối với hoạt động của công ty. Nó làm tăng hiệu quả hoạt động của công ty cũng như tăng chất lượng phục vụ khách hàng.

1.3.2.5. Cạnh tranh

Trong nền kinh tế thị trường, cạnh tranh là tất yếu. Quy luật cạnh tranh buộc các doanh nghiệp phải tự đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng, như vậy mới có thể tồn tại và phát triển. Những doanh nghiệp không đầu tư đổi mới, không có sản phẩm mới, chất lượng dịch vụ không tốt sẽ không có chỗ đứng trên thị trường. Điều này đặc biệt đúng đối với thị trường tài chính.

- Vấn đề thị phần

- Hiểu và nhớ thật chính xác bạn đang kinh doanh gì

- Đổi mới hoặc là mất đi; đặc biệt là trong các ngành kinh doanh được công nghệ điều khiển.

- Con người tạo ra sự khác biệt

- Không có gì thay thế được chất lượng.

Sự phát triển của các trung gian tài chính khác như ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán, công ty tài chính, quỹ đầu tư... đã đóng góp tích cực cho sự phát triển của thị trường tài chính góp phần thu hút, luân chuyển các nguồn lực tài chính dành cho đầu tư phát triển. Đồng thời, sự phát triển này cũng làm tăng tính cạnh tranh giữa các trung gian tài chính. Như vậy, CTCK không những phải cạnh tranh với các công ty trong cùng lĩnh vực hoạt động mà còn phải cạnh tranh với các trung gian tài chính trên thị trường tài chính.

Cạnh tranh trên TTCK Việt Nam đang trở nên gay gắt. Số lượng các CTCK không ngừng được thành lập trong thời gian vừa qua. Hệ thống ngân hàng thương mại, cũng rất phát triển cả về số lượng các ngân hàng cũng như loại hình dịch vụ cung cấp. Do đó, trong thời gian tới sẽ có sự cạnh tranh mạnh giữa các CTCK và các trung gian tài chính khác. Chỉ có những CTCK nào thực sự có sức mạnh mới có thể tồn tại và phát triển. Mở rộng mạng lưới hoạt động là 1 trong những cách mà hiện nay các CTCK đang sử dụng để chiếm lĩnh thị trường, tăng sức cạnh tranh.

Như vậy, Chương 1 đã giới thiệu các vấn đề cơ bản về công ty chứng khoán, cơ sở hình thành mạng lưới đại lý của công ty chứng khoán quy trình thiết lập đại lý, đồng thời cũng phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động của CTCK nói chung và hoạt động phát triển mạng lưới đại lý nói riêng.

Một phần của tài liệu MẠNG LƯỚI ĐẠI LÝ CỦA CÔNG TY CHỨNG KHOÁN (Trang 28 - 32)