2.3.2.1 Những tồn tại
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được của mình, BHXH quận Hà Đông vẫn
tồn tại nhiều mặt hạn chế trong công tác thu cần được sửa đổi và khắc phục như sau: • BHXH quận Hà Đông chưa thể nắm được hết số đơn vị và số lao động trên toàn
địa bàn. Điều này dẫn đến một số vấn đề nan giải như:
Một số đơn vị kê khai đăng ký không chính xác số người tham gia lẫn mức lương trích nộp dưới nhiều hình thức: chỉ ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng hoặc không ký hợp đồng lao động. Một số doanh nghiệp khác còn cố tình không tham gia BHXH cho NLĐ mặc dù có trên 10 lao động
Trong việc đóng BHXH bắt buộc: Các đơn vị sử dụng lao động và người lao động không đóng, hoặc đóng nhưng không đúng thời gian, sai mức qui định, đóng không đủ số người thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc còn tồn tại khá nhiều
Theo Luật BHXH, đã quy định rõ rằng “ Trong vòng 3 ngày, kể từ ngày giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tuyển dụng, người sử dụng lao động phải nộp hồ sơ tham gia BHXH cho tổ chức BHXH”. Nhưng trên thực tế có rất nhiều doanh nghiệp không hiểu, hoặc hiểu nhưng cố tình làm ngơ để trốn đóng, thậm chí là không tham gia BHXH.
Bên cạnh đó, tình trạng đóng BHXH không đúng thời gian quy định dẫn đến tình trạng nợ đọng vẫn còn kéo dài. Có những đơn vị để số nợ đọng tồn tại liên tục
qua các năm với số nợ rất lớn, lên đến hàng trăm triệu đồng; có thể kể tên một số đơn vị như : Cty CP Cơ khí xây dựng, Cty CP ĐT&TM Falcon, Cty CP Liên hợp thực phẩm, Cty CP ĐTTV&XD Việt Nam, Cty TNHH Tiến Động…
• Nhận thức về chính sách BHXH của người sử dụng là động và cả người lao động còn những bất cập, hạn chế. Bản thân người lao động không hiểu được hết tính cần thiết và quan trọng của BHXH khi tham gia kí kết hợp đồng lao động; còn về phía chủ sử dụng lao động, vì chưa nhận thức đúng đắn, đầy đủ về nghĩa vụ của mình nên đã tìm cách trốn tránh, không đăng ký tham gia BHXH cho đủ số lao động mà mình sử dụng.
• Số nợ đọng BHXH của các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn rất lớn. Tính
trong năm 2009, tổng số nợ đọng của toàn bộ các khối, ngành là 9,162 tỷ đồng. Trong đó 2 khối DNNN và DN NQD chiểm tỷ lệ cao nhất.( khối DNNN nợ 5,482 tỷ đồng; khối DN NQD nợ 3,073 tỷ đồng). Đây chính là vấn đề nhức nhối cần có những biện pháp thật sự hiệu quả để cải thiện. Nếu tình trạng này không được khắc phục và kéo dài, thì sẽ dẫn đến những vấn đề rất phức tạp và khó giải quyết; thiếu nguồn chi trả cho người được hưởng BHXH. Một số đơn vị đã bị thanh kiểm tra, thậm chí đã bị khởi kiện, xử phạt hành chính nhưng không giải quyết được dứt điểm gây ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lời của người lao động.
• Tồn tại lớn nhất trong việc thực hiện những quy định về BHXH hiện nay tại địa bàn quận Hà Đông là công tác quản lý chưa đồng bộ. Cơ quan BHXH quận đã cố gắng kết hợp với các phòng ban, các ngành chức năng nhưng không thể nắm rõ được tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tình hình sử dụng lao động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; đặc biệt là các DN ngoài quốc doanh. Nhiều DN ngoài quốc doanh có đăng ký thành lập trên địa bàn quận, nhưng lại không có địa chỉ giao dịch, không hoạt động theo nội dung đã đăng ký, hoặc chỉ hoạt động trong một thời gian ngắn vì nhiều lí do khác nhau…, điều này gây ra quá nhiều khó khăn cho việc quản lý, cơ quan BHXH không thể theo dõi và nắm bắt thông tin về các doanh nghiệp, không biết liệu DN còn hoạt động hay không, phạm vi hoạt động ra sao. Ở khối ngoài công lập, một số trường mầm non tư thục, các điểm kinh doanh dịch vụ giải trí hoạt động nhưng không ký kết hợp đồng với người lao động. Có thể nói, việc quản lý, theo dõi cũng như yêu cầu người sử dụng lao động thực hiện chính sách BHXH cho người lao động tại những đơn vị như trên sẽ còn tồn tại rất nhiều khó khăn, rất khó để có thể giải quyết một cách triệt để, hiệu quả.
• Cán bộ trực tiếp làm công tác BHXH ở một số đơn vị sử dụng lao động luôn có sự thay đổi, hoặc theo dõi công tác BHXH kiêm nhiệm thêm nhiều công
việc nên chưa nắm chắc các chế độ, chính sách BHXH và tiếp thu không liên tục làm ảnh hưởng đến chất lượng công việc.
• Trụ sở BHXH quận Hà Đông hiện tại chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ do nhiều lần điều chỉnh địa giới hành chính, phân cấp quản lý và sát nhập. 2.3.2.2. Nguyên nhân của những tồn tại
• Về phía đơn vị sử dụng lao động
Do thay đổi về cơ chế quản lý, chuyển đổi hình thức sở hữu, môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt nên một số đơn vị gặp khó khăn, phải tạm dừng sản xuất kinh doanh, hoạt động cầm chừng hoặc chờ xử lý xong công nợ mới tiếp tục phương án sản xuất kinh doanh mới.
Các doanh nghiệp của quận đa số có quy mô vừa và nhỏ, lao động làm việc theo mùa vụ, ý thức của người sử dụng lao động và người lao động chưa cao; nhiều doanh nghiệp chưa nắm bắt được Bộ Luật Lao động, khi hoạt động không đăng ký thang bảng lương cụ thể với cơ quan quản lý lao động, ký hợp đồng lao động không đúng quy định hoặc không ký hợp đồng lao động, gây khó khăn cho cơ quan BHXH trong việc xác lập tiền lương làm căn cước đóng BHXH.
Đội ngũ cán bộ làm công tác BHXH ở một số cơ quan Doanh nghiệp không ổn định phải kiêm nhiệm nhiều việc, việc bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về chính sách BHXH còn nhiều hạn chế.
• Về phía người lao động
Nhiều người lao động do chịu áp lực về việc làm nên không thực sự quan tâm hoặc không dám đấu tranh đòi hỏi những quyền lợi chính đáng của mình. Các chủ sử dụng lao động, vì lợi nhuận, hoặc vì sự thiếu trách nhiệm đối với người lao động, sẵn sàng bất chấp các quy định của pháp luật, làm ngơ trốn đóng, không khai báo để chiếm dụng tiền BHXH của NLĐ để sử dụng vào mục đích khác, điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước. Ở đây cũng cần phải nói đến tính hiệu quả của các cơ quan chức năng, rõ ràng sự phối hợp, thanh kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm chưa nghiêm và triệt để.
• Về cán bộ thu BHXH
Cán bộ chuyên thu khi làm công tác thu nộp BHXH vẫn chưa kiên quyết xử lý đối với các trường hợp đóng sai thời gian nộp theo quy định. Nguyên nhân là do một số cán bộ còn ngại va chạm, ngại thúc giục đôn đốc nộp. Bên cạnh đó, công tác phổ biến, tuyên truyền những quy định, văn bản theo luật về BHXH tới tay người lao động và chủ sử dụng lao động vẫn còn hạn hẹp và chưa thực sự hiệu quả.
Trong quá trình hoạt động, cơ quan luôn nhận được các công văn, văn bản quy định từ cấp trên gửi xuống nhằm điều chỉnh bổ sung các chế độ BHXH cho phù hợp với thực trạng phát sinh của tình hình kinh tế xã hội, các chính sách về ưu đãi hoặc chính sách tiền lương. Tuy nhiên, số lượng văn bản này quá nhiều, các điều khoản chỉnh sửa và bổ sung cũng rất nhiều và chi tiết, điều này gây khó khăn lớn cho cả cơ quan quản lý thực hiện và cả người lao động cũng như chủ sử dụng lao động trong việc nắm bắt các điều kiện, chế độ.
• Về phía công đoàn
Công đoàn là tổ chức đại diện hợp pháp đứng ra bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Tuy nhiên, ở các doanh nghiệp trốn đóng BHXH thì tiếng nói của phía công đoàn thường không có trọng lượng, không đủ sức để lên tiếng buộc doanh nghiệp phải thực hiện đúng theo luật. Ngoài ra, một số công đoàn cở sở khác còn trong tình trạng lơ là không làm đúng với chức trách của mình, để doanh nghiệp làm trái luật.
Việc thành lập công đoàn cơ sở tại khu vực ngoài quốc doanh còn rất hạn chế do không có cán bộ chuyên trách, đa số sử dụng lực lượng công nhân của doanh nghiệp thành lập BCH công đoàn nên khi chủ doanh nghiệp vi phạm chính sách lao động, tổ chức công đoàn không mạnh dạn đứng ra bảo vệ quyền lợi cho người lao động.
• Mức độ xử phạt quá thấp :
Chế tài xử lý đối với các đơn vị nợ BHXH chưa đủ mạnh, mức xử phạt hành chính tối đa 20 triệu đồng/lần, lãi suất chậm nộp quá thấp (trước tháng 6/2008 chỉ 8,76%/năm và hiện nay 14%/năm). Mức lãi suất thấp khiến các đơn vị chậm đóng BHXH để lạm dụng tiền BHXH để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Có doanh nghiệp chỉ có ý định chiếm dụng tiền BHXH trong thời gian ngắn để khắc phục khó khăn hiện tại, song số nợ vẫn tăng lên dẫn đến mức mất khả năng thanh toán. Còn có một số các doanh nghiệp khác có quy mô sản xuất nhỏ, không ổn định, kinh doanh kém hiệu quả, giá thành sản phẩm cao, thu nhập của NLĐ thấp nên không có khả năng đóng BHXH.
Nguyên nhân của tình hình này là do lực lượng thanh tra của các cơ quan chức năng còn mỏng, vì vậy số vụ vi phạm do cơ quan BHXH báo cáo thì nhiều nhưng được xử lý thì rất ít. Mặt khác, sự phối hợp cũng như cơ chế xử lý các vi phạm còn nhiều bất cập về thủ tục cũng như mức độ xử phạt.