Lịch sử thành lập và tình trạng hiện tại của nhà máy giấy

Một phần của tài liệu Nghiên cứu xử lý nước thải nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ bằng thực vật thủy sinh. (Trang 27)

Công ty giấy Hoàng Văn Thụ có tổng diện tích là 92.787m2 với công suất thiết kế là 31.000 tấn giấy/năm.Công ty là thành viên của Tổng Công ty Giấy Việt Nam (thuộc Bộ Công nghiệp). Sản phẩm là các loại bao gói có định lượng từ 30 g/m2

-250 g/m2,trong đó các sản phẩm chính là bìa Kraft làm vách hộp cacton, giấy làm bao xi măng… Tiền thân của Công ty giấy Hoàng Văn Thụ là nhà máy giấy Đáp Cầu thuộc tỉnh Bắc Ninh. Nhà máy do thực dân Pháp xây dựng từ năm 1913 nhằm sản xuất giấy cho toàn Đông Dương lúc đó sản phẩm chính là giấy viết, giấy bao gói, giấy Pơluya…

Năm 1972 nhà máy giấy được trang bị bằng công nghệ và thiết bị của Trung Quốc với công suất là 4.000 tấn sản phẩm/năm. Do được sử dụng nhiều năm không được đầu tư, đổi mới thiết bị, công nghệ lạc hậu, năng suất thấp.

Từ khi giành được nhà máy từ tay Thực dân Pháp đến năm 1986-1987 nhà máy luôn hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kế hoạch nhà nước giao cho. Do đó có nhiều công lao trong sản xuất và chiến đấu, nhà máy được nhà nước tặng thưởng nhiều Huân chương kháng chiến, Huân chương lao động từ hạng ba đến hạng một, nhiều bằng khen, giấy khen của các Bộ, Ngành, Chủ tịch nước…

Ngày 10/4/2001 Chủ tịch nước đã ký quyết định phong tặng danh hiệu “Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

Năm 1989 thực hiện Quyết đinh số 217/HĐBT ra ngày 14/01/1987 về “Chính sách đổi mới hạch toán kinh doanh XHCN và quyền tự chủ của Giám đốc xí nghiệp”, nhà máy đã bố trí cải tiến, hoàn thiện lại cơ cấu tổ chức sản xuất của bộ máy quản lý. Từ hơn 900 cán bộ công nhân viên, nhà máy đã tinh giản còn 563 người, đến nay tổng số cán bộ công nhân viên nhà máy còn 267 lao động, với cấp bậc bình quân là 4/7.

Năm 2000 nhà máy đã được đầu tư thiết bị đã qua sử dụng của Đức với công suất 15.000 tấn/năm. Với sản phẩm là giấy bao gói công nghiệp, giấy bao gói xi măng và đã được cấp Quyết định số 405/QĐ-KCM ngày 25/9/2011

của Sở Khoa học công nghệ và môi trường Thái Nguyên về việc phê chuẩn báo cáo đánh giá tác động môi trường Nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ.

Do quy mô sản xuất của nhà máy được mở rộng, ngày 1/1/2003 Tổng công ty Giấy Việt Nam quyết định nâng cấp từ “Nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ” thành “Công ty giấy Hoàng Văn Thụ”.

Trước đây, Công ty CP giấy Hoàng Văn Thụ sử dụng hai nguồn nguyên liệu chính là bột Kraft không tẩy hoặc giấy loại, và bột tre nứa tự nấu tại Công ty để sản xuất do vậy nước thải sản xuất của công ty còn rất ô nhiễm. Công ty nằm trong danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 63/2003/QĐ-TTG ngày 22/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng”. Để giảm các tác động xấu tới môi trường, Công ty đã áp dụng các công nghệ mới vào sản xuất và đầu tư xây dựng một hệ thống xử lý nước thải sản xuất trong năm 2003.

Năm 2005 nhà máy đã đóng cửa hoàn toàn dây chuyền nấu bột, bộ phận gây ô nhiễm nhất. Dây chuyền cũ công nghệ lạc hậu gồm 3 máy xeo giấy cũng đã được Công ty thanh lý hết máy móc và thiết bị trên dây chuyền.

Từ năm 2005-2009 Công ty đã đầu tư hệ thống tuyển nổi và cải tạo hệ thống xử lý nước thải đã đầu tư xây dựng năm 2003. Tổng kinh phí thực hiện là 6 tỷ đồng. Nước thải được xử lý theo phương pháp hiếu khí, công suất của hệ thống xử lý nước thải sản xuất là 1.300m3

/ngày đêm do các chuyên gia thuộc trường Đại Học Bách Khoa Hà Nội tư vấn thiết kế. Sau quá trình xử lý, nước thải sản xuất của công ty đã đạt quy chuẩn để thải ra môi trường.

Thực hiện nghị định của Chính phủ về việc sắp xếp đổi mới doanh nghiệp, theo Quyết định số 1228/QĐ-TCCB ngày 01/4/2005 của Bộ công nghiệp về việc chuyển đổi Công ty thành công ty cổ phần, ngày 06/7/2006 Công ty đã tổ chức Đại hội cổ đông lần 1 và chính thức hoạt động theo hình thức công ty Cổ phần.

Từ năm 2007, nhà máy đổi tên thành Công ty Cổ phần giấy Hoàng Văn Thụ và lập dự án đầu tư mở rộng dây chuyền sản xuất giấy xi măng công suất 30.000 tấn /năm. Dự án đã có báo cáo ĐTM được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt tại Quyết định số 161/QĐ-UBND ngày 23/1/2008. Tuy nhiên, do

khủng hoảng kinh tế nên năm 2008 Công ty không có điều kiện để thực hiện dự án này.

Năm 2010 dự án mở rộng dây chuyền sản xuất nói trên mới được triển khai bao gồm 2 máy xeo nhỏ với tổng công suất thiết kế 16.000 tấn/năm, công nghệ không thay đổi so với dự án 3000 tấn/năm. Cụ thể như sau:

Tháng 3/2010 Công ty bắt đầu triển khai đưa dây chuyền xeo giấy lưới tròn để tận thu bột thải (dây chuyền xeo V), sản xuất hòm hộp công suất 6.000 tấn/năm, đã bắt đầu chạy thử nghiệm tháng 2/2011 và hiện nay đang hoạt động ổn định.

Tiếp đó tháng 4/2012 công ty tiếp tục triển khai dự án dây chuyền sản xuất giấy Duplex của Nhật Bản với công suất 10.000 tấn/năm, dự án này chạy thử nghiệm từ tháng 12 và hiện nay vẫn đang trong quá trình chạy thử nghiệm, hiệu chỉnh.

Tháng 6/2012 công ty đã đầu tư một lò hơi đốt sinh khối để thay thế hoàn toàn hệ thống lò hơi đốt than cũ của Công ty phục vụ cấp hơi cho quá trình sản xuất và một dây chuyền chặt dăm mảnh từ gỗ keo để lấy vỏ cây cung cấp cho lò hơi này.

Hiện nay Công ty Cổ phần Giấy Hoàng Văn Thụ chỉ sản xuất giấy từ nguyên liệu là giấy tái chế (giấy vụn,bìa cacton…) nên nước thải gây ô nhiễm chủ yếu từ quá trình nghiền và xeo giấy. Công ty hiện nay đã có hệ thống xử lý nước thải sản xuất bằng công nghệ xử lý sinh học hiếu khí aroten, nước thải sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn được bơm sử dụng tuần hoàn một phần, phần còn lại thải ra sông Cầu qua cửa xả nước thải của Công ty.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu xử lý nước thải nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ bằng thực vật thủy sinh. (Trang 27)