ĐÁNH GIÁ NGHIỆP VỤ KẾ TOÁN CHO VAY TẠI CHI NHÁNH NGÂN HÀNG CÔNG THƯƠNG ĐỐNG ĐA HÀ NỘI.

Một phần của tài liệu THỰC TRẠNG NGHIỆP VỤ KẾ TOÁN CHO VAY TẠI CHI NHÁNH NGÂN HÀNG CÔNG THƯƠNG ĐỐNG ĐA HÀ NỘI (Trang 29 - 32)

NGÂN HÀNG CÔNG THƯƠNG ĐỐNG ĐA- HÀ NỘI.

1/Kết quả đạt được.

Thực hiện đường lối của Đảng và Nhà nước đối với phát triển kinh tế, trong những năm gần đây Ngân hàng Công thương Đống Đa- Hà Nội cũng như các ngân hàng khác trong hệ thống được hoạt động trong môi trường kinh tế thị trường ngày càng mở rộng và có hiệu quả.

Cùng với sự nỗ lực đi lên của ngành ngân hàng nói chung, Ngân hàng Công thương Đống Đa- Hà Nội ngày càng phát triển và tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Những kết quả mà ngân hàng đã đạt được trên các lĩnh vực hoạt động khác nhau là rất đáng kể, đặc biệt là về việc tổ chức và thực hiện công tác kế toán cho vay.

-Hiện nay hệ thống Ngân hàng Công thương nói chung và Ngân hàng Công thương Đống Đa- Hà Nội nói riêng đã thực hiện ứng dụng tin học rộng rãi vào công tác kế toán và kế toán cho vay, có thể nói hiện đại hoá công nghệ ngân hàng đang là vấn đề cấp bách không chỉ với ngân hàng công thương Đống Đa- Hà Nội mà còn đối với tất cả các NHTM khác. Cụ thể ta thấy trong năm qua thì Ngân hàng công thương Đống Đa- Hà Nội đã có được những thành tựu sau:

+Chi nhánh đã hoàn thành tốt công tác cập nhật chứng từ, lên cân đối tổng hợp phục vụ kịp thời công tác chỉ đạo điều hành của ban lãnh đạo.

+Tiếp tục hoàn thiện dự án hiện đại hoá ngân hàng giao dịch một cửa (OSFA) ngoài ra các ứng dụng phần mềm của các chương trình: Misac, Samis, thanh toán điện tử, thanh toán liên hàng, thanh toán bù trừ, thanh toán quốc tế vẫn được duy trì và hoạt động tốt.

+Kết hợp với trung tâm công nghệ thông tin lắp đặt 4 đường truyền thông cho trụ sở chính, 2 phòng giao dịch Kim Liên, Cát Linh và làng sinh viên HACINCO.

Từ việc ứng dụng đó thì tạo cho giao dịch giữa khách hàng và ngân hàng ngày càng thuận lợi hơn, mặt khác việc thanh toán nội bộ cũng như việc thanh toán giữa các ngân hàng trở nên nhanh hơn, hiệu quả và chính xác hơn, từ đó tiết kiệm được chi phí tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh.

-Việc tổ chức lưu trữ, quản lý hồ sơ, chứng từ cho vay, thu nợ được thực hiện một cách khoa học, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý theo dõi quá trình cho vay, thu nợ.

-Sự phối hợp giữa bộ phận kế toán cho vay và bộ phận tín dụng rất chặt chẽ, cùng nhau thực hiện theo dõi quản lý khách hàng vay. Đồng thời hai bên thường xuyên trao đổi thông tin cho nhau để nhằm mục đích là tăng hiệu quả hoạt động tín dụng.

-Đội ngũ cán bộ kế toán cho vay có trình độ nghiệp vụ tốt, thái độ và tinh thần phục vụ khách hàng chu đáo do vậy đã thu hút ngày càng nhiều khách hàng đến với ngân hàng. Đặc biệt từ khi chi nhánh ứng dụng thực hiện giao dịch một cửa làm cho bộ phận kế toán cho vay và kế toán nói chung hoạt động ngày càng có hiệu quả.

Với những cố gắng và sự nỗ lực của ban lãnh đạo cùng toàn thể cán bộ công nhân viên mà ngân hàng đã đạt: Danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, Đảng bộ trong sạch vững mạnh 15 năm liên tục...

Nhưng bên cạnh những thành tựu to lớn thì ngân hàng vẫn còn một số hạn chế và cần phải được nhìn nhận một cách đúng đắn để có những biện pháp giải quyết kịp thời.

2/Những hạn chế và tồn tại.

- Chênh lệch khoảng cách giữa lãi suất đầu vào và đầu ra của chi nhánh còn thấp, mặc dù trong năm 2003 chi nhánh đã cố gắng trong việc thay đổi cơ cấu nguồn vốn huy động song tỷ trọng tiền gửi doanh nghiệp với lãi suất thấp cũng mới chiếm tỷ trọng 38% tổng nguồn vốn huy động, trong khi đó tỷ trọng tiền gửi

dân cư với lãi suất cao chiếm tỷ trọng 62%. Vì vậy cần có biện pháp hữu hiệu hơn để thay đổi hợp lý cơ cấu nguồn vốn huy động để kinh doanh có hiệu quả.

- Các NHTM nói chung và Ngân hàng Công thương Đống Đa- Hà Nội nói riêng chấp hành quy trình gia hạn nợ còn thiếu kịp thời, từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng và hiệu quả của hoạt động kinh doanh nói chung và nghiệp vụ tín dụng nói riêng. Nợ tồn đọng và các khoản nợ quá hạn có tài sản thế chấp chờ xử lý liên quan đến vụ án có giảm song số nợ quá hạn còn lại là khoản nợ quá hạn với thời gian quá lâu nên rất khó đòi, cần có biện pháp kịp thời để thu hồi nợ.

Nguyên nhân của tình trạng này là do yếu tố con người:

Thứ nhất: sự phối hợp giữa cán bộ tín dụng và cán bộ kế toán chưa thật thường xuyên đồng bộ, việc xử lý quy trình tín dụng còn máy móc chưa thật mềm dẻo linh hoạt.

Thứ hai: cán bộ tín dụng chưa đôn đốc, nhắc nhở khách hàng thường xuyên, chưa đi sâu đi sát vào hoạt động sử dụng vốn của khách hàng, do vậy dễ gây ra tình trạng khách hàng chiếm dụng vốn của ngân hàng hoặc sử dụng vốn sai mục đích, không chấp hành đúng các quy định của quy trình tín dụng dẫn đến kế toán viên hạch toán việc gia hạn nợ, chuyển nợ quá hạn có sự chậm trễ.

-Tỷ lệ dư nợ cho vay không có đảm bảo bằng tài sản thế chấp còn thấp nhất là với khối doanh nghiệp nhà nước, xử lý nợ tồn đọng, nợ quá hạn đã trở thành một vấn đề trung tâm cho các nhà quản trị ngân hàng và để tăng tỷ lệ cho vay có tài sản đảm bảo cần phải có một giải pháp đủ tầm để có thể giải quyết, xử lý nợ tồn đọng, nợ quá hạn có hiệu quả. Vì ta thấy quan hệ tín dụng giữa ngân hàng và khách hàng là quan hệ hợp đồng, khi khách hàng không có khả năng trả nợ tức là hợp đồng tín dụng bị vi phạm, việc giải quyết thu hồi nợ quá hạn lúc này mang tính chất xử lý vi phạm giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng. Bên cạnh nguyên nhân pháp luật không phù hợp còn nguyên nhân nữa là việc thực hiện pháp luật không nghiêm chỉnh, triệt để, nhiều khách hàng có tài sản có khả năng trả nợ nhưng vẫn cố tình không trả nợ.

- Hiện tượng lãi chưa thu được tồn tại khá phổ biến tại các ngân hàng thương mại và tại Ngân hàng Công thương Đống Đa- Hà Nội cũng không tránh khỏi tình trạng này. Như ta biết thu nhập của ngân hàng phần lớn là thu từ lãi cho vay nếu lãi cho vay không thu được sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tổng thu nhập của ngân hàng, vì vậy ngân hàng cần thực hiện các biện pháp hữu hiệu để giảm lãi chưa thu được trên cơ sở đó nâng cao hiệu quả của hoạt động tín dụng.

- Việc ứng dụng tin học vào phục vụ cho hiện đại hoá công nghệ ngân hàng là yêu tố khách quan và không thể phủ nhận được tầm quan trọng của nó. Song việc ứng dụng tin học còn chưa hoàn thiện nên đôi khi vẫn gây ra những ảnh hưởng đến hiệu quả công việc. Nguyên nhân là do tình hình chung của nước ta về phần mềm ứng dụng còn hạn chế, chưa phát triển đúng mức, những người có kiến thức về tin học ngân hàng lại không nắm rõ quy trình nghiệp vụ nên làm cho hiệu quả công việc chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Tóm lại trong những năm gần đây hoạt động cho vay của Ngân hàng Công thương Đống Đa- Hà Nội không ngừng được cải tiến, mở rộng tốc độ tăng trưởng khá cao, song vẫn còn những tồn tại và hạn chế cần được giải quyết. Đó là bài toán lớn cần có lời giải đặt ra cho ngân hàng trong thời gian tới nếu muốn tiếp tục tồn tại và phát triển ngày càng vững mạnh trong điều kiện môi trường kinh doanh cạnh tranh ngày càng khốc liệt như hiện nay.

Một phần của tài liệu THỰC TRẠNG NGHIỆP VỤ KẾ TOÁN CHO VAY TẠI CHI NHÁNH NGÂN HÀNG CÔNG THƯƠNG ĐỐNG ĐA HÀ NỘI (Trang 29 - 32)