Khu bảo tồn biển Rạn Trào

Một phần của tài liệu Tìm hiểu về việc bảo vệ và khai thác tài nguyên môi trường tại thôn Xuân Tự, Vạn Hưng, Vạn Ninh, Khánh Hòa (Trang 25)

KBTB Rạn Trào bao gồm khu bảo tồn vĩnh viễn rạn Trào và khu bảo tồn mùa vụ rạn Tướng.

Khu bảo tồn mùa vụ rạn Tướng: là khu rạn san hô Tướng có diện tích vào khoảng 40 ha (Dài: trên 1000m; Rộng: 300 – 400; Sâu: phía trong: 4 – 5 m, phía ngoài 6 – 7 m). Sau một thời gian bảo vệ, nguồn lợi tái tạo, Khu bảo tồn sẽ cho người dân vào khai thác theo mùa. Phương thức đánh bắt, kích cỡ, chủng loại thủy sản khai thác, theo dõi và tiêu thụ sản phẩm khai thác phải tuân theo “Quy chế Khu bảo tồn biển Rạn Trào” do cộng đồng xây dựng.

Khu bảo tồn vĩnh viễn rạn Trào: cách bờ thôn khoảng 2 km. Khu bảo tồn có tổng diện tích 40 ha với phần lõi là rạn san hô Trào có diện tích 27 ha (Rộng: 400m; Dài: 700 m; Sâu: 10 m) là nơi bảo vệ nghiêm ngặt để bảo vệ và phục hồi nguồn lợi san hô và các sinh vật sống trong rạn.

Mục tiêu của dự án Khu bảo tồn biển Rạn Trào

Thành lập và đưa vào hoạt động một KBTB theo nguyên tắc đồng quản lý lấy người dân làm trung tâm cho mọi hoạt động với sự trợ giúp của chính quyền địa phương và các thành phần tham gia khác có liên quan.

Tăng cường nhận thức người dân về bảo vệ môi trường biển, ý thức bảo vệ nguồn lợi biển.

Lựa chọn và áp dụng các công nghệ khai thác và phương pháp nuôi trồng thủy sản phù hợp, không mang tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là hệ sinh thái rạn san hô nhằm phát triền kinh tế xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng địa phương.

Tạo điều kiện giúp đỡ cộng đồng xây dựng và thực hiện kế hoạch quản lý và sử dụng hợp lý nguồn lợi ven bờ với sự trợ giúp của chính quyền địa phương. Xây dựng một mô hình quản lý vùng biển ven bờ phù hợp và có hiệu quả nhằm phổ biến áp dụng các vùng biển khác của Việt Nam.

Phương pháp tiếp cận chính của dự án bảo vệ nguồn lợi ven bờ là có sự tham gia của cộng đồng

Khu bảo tồn được bảo vệ bởi chính người dân địa phương với sự ủng hộ của các cấp chính quyền, các cơ quan khoa học.

Người dân quản lý Khu bảo tồn theo đúng pháp luật, đồng thời đề xuất các biện pháp riêng phù hợp với trình độ và tập quán của địa phương thông qua các bản quy chế.

Trực tiếp bảo vệ Khu bảo tồn là các thành viên cộng đồng, do chính cộng đồng bầu chọn.

Thảo luận công khai giữa chính quyền địa phương và cộng đồng địa phương về trách nhiệm bảo vệ và quản lý Khu bảo tồn và việc chia sẻ nguồn lợi.

Các hoạt động của dự án

Tổ chức cộng đồng tham gia quản lý nguồn lợi ven bờ: thực hiện các công tác điều tra (PRA), tổ chức họp dân ở các thôn để lấy ý kiến, tuyên truyền vận động nhân dân tham gia các hoạt động, tổ chức bình bầu nhóm hạt nhân.

Nâng cao năng lực quản lý: tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo về kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nhận thức về giới cho cán bộ và người dân trong vùng dự án.

Công tác tuyên truyền và giáo dục nâng cao nhận thức: tổ chức xây dựng mạng lưới tuyên truyền thông qua các phương pháp và cách tiếp cận: qua hệ thống loa truyền thanh của xã; xây dựng tổ tuyên truyền; xây dựng mạng lưới cộng tác viên viết tin bài; thành lập đội văn nghệ tuyên truyền.

Các hoạt động nghiên cứu ứng dụng: nghiên cứu khôi phục nguồn lợi thủy sản: tổ chức nuôi cấy san hô nhân tạo; thả rạn nhân tạo nhằm tạo chỗ trú và thu hút cá; tổ chức nuôi trồng thủy sản thử nghiệm các đối tượng không làm hại môi trường.

Hỗ trợ phát triển sinh kế cho người dân: hỗ trợ nhóm hạt nhân và người dân tiếp cận nguồn vốn, cho vay với lãi suất thấp để đầu tư phát triển sinh kế. Chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp hợp lý tại địa phương

Các hoạt động khác: tổ chức tham quan các KBTB khác như Hòn Mun cũng như tiếp nhận các đoàn tham quan trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu và học tập cách quản lý Khu bảo tồn dựa trên cơ sở cộng đồng.

Một phần của tài liệu Tìm hiểu về việc bảo vệ và khai thác tài nguyên môi trường tại thôn Xuân Tự, Vạn Hưng, Vạn Ninh, Khánh Hòa (Trang 25)