Nhà thơ Phạm Hổ may mắn được sinh ra trong một gia đình có truyền thống văn học. Anh trai là một nhà thơ, ngay từ nhỏ Phạm Hổ đã có điều kiện đọc sách cổ tích, đồng dao,… Lớn lên được nhà thơ Trần Mai Ninh dìu dắt và dạy bảo bước vào làng văn. Hăng say học hỏi và sáng tác văn học nhà thơ còn chú ý học thêm hoạ, thêm nhạc.
Trong cuộc đời sáng tác viết văn, làm thơ, làm báo của mình Phạm Hổ có nhiều cơ hội gần gũi với trẻ nhỏ. Trong “Tiểu sử tự thuật” của mình nhà thơ kể lại: “Năm 1957, trước khi về làm báo tôi được cử đi trại Kim Đồng và sống với các em mồ côi, lưu lạc toàn miền bắc sau chiến tranh trong hai năm để sáng tác…Đối với tôi, hai năm học ấy hết sức quý giá”.
Phạm Hổ hết sức trân trọng những giây phút được ở bên các em, tìm hiểu và yêu quý các em. Những năm sau giải phóng nhà thơ tham gia nhiều chuyến đi từ Bình Định đến Cà Mau thăm khoảng 10 trường tiểu học và trại nuôi các cháu con em liệt sỹ và bụi đời. Khi trở thành chủ tịch hội đồng văn học thiếu nhi ông là nhà thơ thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu trò chuyện với trẻ.
Sự giao lưu tiếp xúc như thế là cơ hội quý giá cho nhà thơ viết về các em. Nhưng để viết hay làm xúc động trái tim của tất cả trẻ thơ phải cần một trái tim nhiệt huyết với tuổi thơ.
Phạm Hổ đã có được điều ấy. Trần Đăng Khoa gọi ông là “Người ở xứ sở thần tiên”, “là món quà mà tạo hoá đã thửa riêng, làm riêng để trao tặng cho các đấng con trẻ”. Và theo những người được biết, được sống cùng nhà thơ đều nhận thấy “ông Hổ giấy” này rất hiền. Con người không có khả năng làm điều ác ngay cả việc nghĩ xấu cho người khác. Ông rất dễ xúc động. Những điều tưởng như đơn giản dễ bỏ qua, chỉ hiu hiu buồn với ta cũng đủ để Phạm Hổ giàn giụa nước mắt. Ông lại hay tin người. Ai nói gì cũng tin.
Những phẩm chất ấy ngỡ rằng không liên quan gì tới thơ viết cho thiếu nhi Phạm Hổ. Nhưng không “người thơ phong vận như thơ ấy”. Ông già với mái tóc ngả bạc lại có tâm hồn trong vắt của trẻ thơ kia luôn trọn vẹn một niềm say mê “nếu tôi được sống thêm một lần nữa ở kiếp sau, tôi vẫn chọn nghề làm thơ, viết văn cho các em đọc, vẽ tranh cho các em xem”.
Bốn mươi năm cầm bút không chỉ dừng lại ở thơ, Phạm Hổ tham gia viết văn, sáng tác kịch, vẽ tranh, làm kịch bản phim truyền hình. Mà ở thể loại nào tác giả cũng để lại dấu ấn trong lòng bạn đọc, được các em yêu, được các em quý. Bởi trong từng tác phẩm, trong từng câu thơ, người đọc đều nhận ra một trái tim tràn đầy yêu thương, “một con người đã hiến dâng trọn vẹn cái phần tinh tuý nhất của đời mình, của tâm hồn mình cho trẻ” (Trần Đăng Khoa).
Không ai có thể phủ nhận rằng chính sự hiến dâng trọn vẹn, niềm đam mê cháy bỏng, hạnh phúc đơn sơ được làm thơ tặng trẻ là ngọn lửa tạo nên sức ấm của những trang thơ Phạm Hổ.
KẾT LUẬN
Phạm Hổ từng ước mơ có trong tay một chiếc đũa thần. Khi đó, ông sẽ nhờ đũa thần làm sống lại để tận mắt nhìn thấy những người và cảnh từ nghìn xửa nghìn xưa. Cảnh một em bé đang ngủ trưa trên chiếc võng tre trong tiếng ru ầu ơ của mẹ. Cảnh nhiều em bé khác đang nghe ông bà kể chuyện Trầu Cau, Tấm Cám…Có chiếc đũa thần để cùng mọi người làm cho Văn học thiếu nhi của chúng ta ngày càng trở nên tươi sáng và đẹp đẽ hơn. Nhưng rồi ông khẳng định “Chiếc đũa thần còn tìm ở đâu khác ngoài trái tim khối óc và hai bàn tay của tất cả chúng ta cộng lại. Miễn là chúng ta cùng đồng tâm nhất trí, sống và làm việc cho các em! Tất cả vì các em!”
Vâng! Phạm Hổ nói “tất cả vì các em” và trọn đời mình nhà thơ đã dành để thực hiện điều đó. Trong đời cũng như trong thơ ông đều sống hết mình cho tuổi thơ. Đối với ông được làm xanh lên những khát vọng, cảm xúc cho trẻ thơ là sự say mê đến tột cùng. Viết truyện hay sáng tác kịch cuối cùng cũng là một kiểu làm thơ bằng thể loại khác mà thôi. Mà làm thơ để làm gì? Nhà thơ tâm sự “Thế giới trẻ thơ là thế giới vô vàn chất thơ. Tôi muốn làm thơ để nói cho được cái thế giới ấy”. Và cuối cùng, chính lòng yêu trẻ, yêu con người và cuộc sống thật đôn hậu trong sáng, cùng với sự làm việc bền bỉ đã giúp ông hoàn thành được tâm nguyện này.
Phạm Hổ đi xa nhưng những trang thơ trang văn của ông còn ở lại mãi với cuộc đời, trong trái tim bao thế hệ trẻ thơ.