Trang thiết bị y tế bao gồm các công cụ như máy móc, dụng cụ, vật tư, phương tiện vận chuyển... phục vụ cho các hoạt động khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Trang thiết bị y tế là một trong những yếu tố quyết định chất lượng, hiệu quả của công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của nhân dân ngày càng cao, trang thiết bị y tế trở thành một yếu tố quan trọng hỗ trợ người thầy thuốc trong công tác phòng bệnh, chẩn đoán và điều trị nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đó. Nhận biết được tầm quan trọng của trang thiết bị trong công tác y tế, đầu tư của Nhà nước trong lĩnh vực này cũng đã tăng nhanh cả về số lượng và hiệu quả sử dụng.
Với vai trò là nòng cốt trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá ngành y tế, lĩnh vực trang thiết bị và xây dựng cơ bản đã và đang tích cực tham gia và có nhiều đóng góp trong sự nghiệp phát triển của ngành. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cũng như Bộ Y tế, trong những năm qua, ngành y tế đã đầu tư nâng cấp trang thiết bị y tế tại các cơ sở phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh, khoa học công nghệ, đào tạo. Đặc biệt hai trung tâm y tế chuyên sâu là Hà nội và Thành phố
Hồ Chí Minh đã ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật, sử dụng nhiều phương tiện hiện đại trong khám chữa bệnh, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân như: thiết bị chẩn đoán bằng phương pháp cộng hưởng từ, máy chụp mạch máu một và hai bình điện, máy cắt lớp điện toán, máy siêu âm, thiết bị y học hạt nhân, máy phá sỏi ngoài cơ thể.. .
Tại các bệnh viện tỉnh, các khoa chủ yếu chẩn đoán bằng hình ảnh, xét nghiệm sinh hoá, huyết học. Phòng mổ, hồi sức cấp cứu đã được trang bị một số thiết bị cơ bản: máy X quang có công suất lớn, máy siêu âm, máy nội soi, máy xét nghiệm sinh hoá nhiều chỉ số, máy gây mê, máy thở, máy sốc tim, máy theo dõi bệnh nhân.. .
Các trung tâm y tế huyện bước đầu đã được trang bị máy X quang có công suất phù hợp. Ngoài ra các huyện còn đầu tư mua sắm máy siêu âm chẩn đoán. Các trạm y tế xã đã được cung cấp các thiết bị cần thiết để phục vụ công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu và thực hiện các dịch vụ về dân số và KHHGĐ. Đặc biệt tất cả các tỉnh thành trên cả nước đều được trang bị thiết bị có khả năng phát hiện bệnh HIV/AIDS, đảm bảo an toàn cho công tác truyền máu.
Để đảm bảo từng bước hiện đại hoá y tế, hàng năm Bộ Y tế đã đầu tư khoảng 100 triệu đồng mua sắm trang thiết bị. Bảng 26- Số liệu đầu tư vào trang thiết bị- cho thấy nguồn vốn đầu tư vào trang thiết bị y tế hàng năm đều tăng so với năm 1994. Năm 1995 và năm 1998, Bộ Y tế đầu tư 100 tỷ đồng tăng 42,8%, năm 1997 là 56% và năm 1999 là 24%.
Bảng 26 - Đầu tư vào trang thiết bị của Bộ Y tế (1994- 1999)
Năm 1994 1995 1996 1997 1998 1999 Tổng VĐT (Tỷ đồng) 70 100 103 110 100 87 Tăng so với năm 1994(%) - 42,8 47 56 42,8 24
Tuy nhiên bên cạnh những mặt đạt được nêu trên, trang thiết bị y tế vẫn còn tồn tại một số hạn chế sau:
- Các trang thiết bị y tế phân bố chưa thực sự phù hợp, nơi thì hiện đại, nơi thì quá cũ kỹ, nơi thì quá tải, nơi lại chưa sử dụng hết công suất gây sự mất cân đối trong cung cấp các dịch vụ y tế.
- Nhìn chung trình độ kỹ thuật còn thấp hơn các nước trung bình trong khu vực. Đặc biệt tại một số cơ sở y tế, trang thiết bị quá nghèo nàn, lạc hậu không đảm bảo chất lượng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ.
- Một số cơ sở không có vốn đầu tư để mua sắm, đổi mới trang thiết bị.
- Một số cơ sở mua sắm thiết bị không phù hợp, sử dụng không hết công suất, gây lãng phí vốn đầu tư.