Tổng kết chương

Một phần của tài liệu NHỮNG VẤN ĐỀ THỰC TIỄN VỀ TRANH CHẤP LÃI SUẤT TRONG HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG VÀ GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC (Trang 25 - 28)

Dựa trên cơ sở lí luận ở chương 1, chương 2 khóa luận đã tập trung trình bày những thực trạng về tranh chấp lãi suất trong HĐTD, từ đó đề ra những kiến nghị nhằm giải quyết các vấn đề này. Thực trạng tranh chấp về lãi suất trong HĐTD được trình bày ở ba khía cạnh sau:

Thứ nhất, trong HĐTD thỏa thuận lãi suất cố định và thời hạn vay chưa kết thúc mà bên vay yêu cầu giảm lãi suất hoặc TCTD yêu cầu điều chỉnh tăng lãi suất cho vay khiến tranh chấp nảy sinh.

Thứ hai, có sự bất đồng quan điểm trong việc xác định mức lãi suất trong hạn và cách tính lãi suất trong hạn giữa các bên giao kết HĐTD và cả cơ quan chức năng khi xét xử.

Thứ ba, những tranh chấp trong việc xác định lãi suất nợ quá hạn và cách tính lãi đối với khoản nợ quá hạn.

Để minh họa cho các tranh chấp, tác giả đã trình bày và phân tích một số vụ việc cụ thể, đồng thời đưa ra một số bản án tiêu biểu trong đó tranh chấp và vướng mắc ở nhiều khía cạnh. Phục vụ cho việc phân tích theo tiêu chí khía cạnh tranh chấp, tác giả đã tách từng vụ việc thành nhiều phần tương ứng để phân tích. Trên cơ sở đó, phần tiếp theo tác giả đề xuất một số kiến nghị nhằm khắc phục và hạn chế các tranh chấp về lãi suất ở năm nội dung:

Một là, thống nhất quy định về lãi suất đối với khoản nợ quá hạn.

Hai là, hướng dẫn cụ thể về cách thức xác định tính hợp pháp của thỏa thuận lãi suất cho vay (không áp dụng hồi tố và chia bình quân lãi suất khi giải quyết tranh chấp về lãi suất cho vay).

Ba là, quy định thống nhất về chế tài phạt chậm trả.

Bốn là, quy định về hậu quả pháp lí đối với việc vi phạm pháp luật về thỏa thuận lãi suất.

Năm là, áp dụng luật cạnh tranh về nội dung lãi suất trong hoạt động ngân hàng.

Những thực trạng và kiến nghị được trình bày tại chương 2 tuy không hoàn toàn đầy đủ nhưng tác giả đã cố gắng thể hiện tương đối các khía cạnh trong tranh chấp về lãi suất trong HĐTD.

KẾT LUẬN

Thông qua quá trình nghiên cứu về mặt lí luận và tìm hiểu thực tiễn tranh chấp về lãi suất trong HĐTD, khóa luận đã đạt được những kết quả chủ yếu như sau:

Thứ nhất, khóa luận đã trình bày một cách khái quát về HĐTD, chi tiết hơn về nội dung lãi suất và cơ chế điều hành lãi suất cho vay của NHNN qua các thời kì cùng với tác động của lãi suất cho vay đối với các bên trong quan hệ tín dụng. Qua đó, những lí luận này là nền tảng cho việc nghiên cứu về tranh chấp lãi suất trong HĐTD.

Thứ hai, trên cơ sở lí luận đã trình bày ở chương 1, chương 2 khóa luận tập trung phân tích và bình luận một số bản án thực tế, từ đó chỉ ra những vấn đề còn vướng mắc trong các quy định của pháp luật và cách thức áp dụng pháp luật trong thực tiễn tại một số cơ quan giải quyết tranh chấp.

Thứ ba, từ những thực trạng được trình bày tại phần đầu chương 2, phần cuối của khóa luận nêu những kiến nghị và giải pháp của tác giả nhằm giải quyết các vấn đề còn vướng mắc trên thực tế, cụ thể là: thống nhất quy định về lãi suất đối với khoản nợ quá hạn, quy định không áp dụng hồi tố và chia bình quân lãi suất cho vay khi giải quyết tranh chấp, quy định về chế tài phạt chậm trả và hậu quả pháp lí đối với việc vi phạm pháp luật về thỏa thuận lãi suất, cuối cùng là áp dụng luật cạnh tranh về nội dung lãi suất trong hoạt động ngân hàng.

Vì thời gian nghiên cứu có hạn, khả năng nắm bắt thực tế và kinh nghiệm của bản thân tác giả còn hạn chế, nên việc tìm hiểu phân tích và các biện pháp đưa ra còn nhiều vướng mắc và thiếu sót. Vì thế, rất mong nhận được ý kiến đóng góp của quý thầy cô để đề tài được hoàn thiện hơn.

Một phần của tài liệu NHỮNG VẤN ĐỀ THỰC TIỄN VỀ TRANH CHẤP LÃI SUẤT TRONG HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG VÀ GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC (Trang 25 - 28)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(31 trang)
w