Hiệu quả cho vay khá tốt, thể hiện qua :
- Số lượng khách hàng DNVVN đến với Chi nhánh có xu hướng ngày càng tăng trong 3 năm vừa qua, mặc dù số lượng DNVVN đáp ứng được các yêu cầu cho vay của Chi nhánh chưa được đông đảo. Đã có thêm những khách hàng mới, tiềm năng với những dự án lớn, có tính khả thi cao, nhiều dự án đã dược giải ngân, một số dự án lớn đang được thẩm định trình Ngân hàng Công thương Việt Nam phê duyệt giải ngân trong thời gian tới.
- Doanh số cho vay và Doanh số thu nợ đều đạt kết quả khả quan, không ngừng tăng lên trong giai đoạn này, và dự báo trong những năm tới sẽ ngày càng cao hơn, tốc độ tăng trưởng ổn định hơn, khi mà DNVVN đang trở thành khách hàng quen thuộc của Chi nhánh.
Công tác thẩm định dự án và khách hàng được thực hiện ngày càng tốt, áp dụng nhiều phương pháp mang tính khoa học, kỹ thuật thẩm định hoàn chỉnh hơn. Việc kiểm tra, giám sát quy trình cho vay, công tác thu hồi nợ ngoại bảng cũng được tiến hành một cách sát sao, nhịp nhàng giữa các phòng ban có liên quan. Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt, nhanh chóng từ Ban Giám đốc, các phòng ban nên các khoản nợ khó đòi và có biểu hiện chây ỳ đều đã thu hồi được, dẫn đến doanh số thu nợ tăng cao.
- Dư nợ cho vay DNVVN trong 2 năm 2008, 2009 mặc dù đều giảm sút so với năm 2007, nhưng tín hiệu lạc quan là đã có sự tăng lên của Dư nợ năm 2009 so với năm 2008. Đặc biệt có sự tăng nhanh ở các ngành như giao thông vận tải, thương nghiệp, xây dựng, và sang cả những lĩnh vực không phải thế mạnh của Chi nhánh như nông nghiệp. Dư nợ trung dài hạn đã được cải thiện, dư nợ bằng ngoại tệ cũng tăng lên đáng kể.
- Tỷ trọng Nợ quá hạn cho vay DNVVN so với Nợ quá hạn của cả Chi nhánh đã có chiều hướng giảm đáng kể, năm 2008 là 3,18%, nhưng đến năm 2009 giảm xuống mức 0, cho thấy công tác giám sát, thu hồi nợ của Chi nhánh đạt hiệu quả cao. Nợ xấu cũng giảm mạnh, năm 2008 và 2009 đều không có. Điều đó cho thấy chất lượng tín dụng của Chi nhánh rất tốt.
- Tổ chức được nhiều cuộc hội thảo với các Ngân hàng và Tổ chức nước ngoài để học hỏi kinh nghiệm quản lý và quảng bá hình ảnh của Chi nhánh, tạo điều kiện mở rộng cho vay đối với các DNVVN và các đối tượng khác.
2.3.2. Những hạn chế trong hoạt động cho vay DNVVN
- Có thể thấy số lượng các DNVVN tiếp cận được với nguồn vốn vay của Chi nhánh có tăng hơn so với 2008 (108 so với 92), nhưng tăng vẫn còn ít, và số lượng có hạn.
- Mặc dù Ngân hàng đã quan tâm hơn tới đối tượng cho vay là các DNVVN, nhưng với nhu cầu về tín dụng của các doanh nghiệp ngày càng tăng như hiện nay, đặc biệt là DNVVN thì hoạt động cho vay đối với loại hình doanh
nghiệp này vẫn chưa thực sự tương xứng với khả năng của Ngân hàng. Tỷ trọng Dư nợ cho vay đối với DNVVN còn thấp trong tổng Dư nợ cho vay của cả Ngân hàng.
- Hiệu quả sử dụng vốn chưa cao, Dư nợ cho vay đối với DNVVN thấp so với tổng Nguồn vốn huy động được, tỷ lệ lợi nhuận từ hoạt động cho vay DNVVN vẫn còn khá khiêm tốn, mặc dù tiềm lực cho vay là rất lớn nhưng chưa sử dụng được hết nên hiệu quả cho vay chưa đạt được mức tối ưu.
- Nguy cơ phát sinh nợ quá hạn trong hoạt động cho vay đối với DNVVN là vẫn còn do ảnh hưởng từ Nợ nhóm 2. Mặc dù tỷ lệ Nợ quá hạn giảm đáng kể, và không có Nợ xấu vào năm 2009, nhưng việc Nợ nhóm 2 vẫn còn sẽ dễ dẫn đến những hệ lụy xấu nếu không kịp thời theo dõi nguyên nhân và giải quyết triệt để.
2.3.3. Nguyên nhân hạn chế
2.3.3.1. Nguyên nhân chủ quan (từ phía Ngân hàng)
• Chính sách tín dụng của Ngân hàng: mặc dù đã được bổ sung, sửa chữa, nhưng so với yêu cầu của nền kinh tế thị trường trong nước cũng như khu vực, trên thế giới thì đòi hỏi cần phải có sự hoàn thiện hơn nữa về cơ chế, thủ tục pháp lý và cải cách thủ tục hành chính theo hướng tinh giảm hơn nữa. Qui trình cho vay, thủ tục cấp tín dụng còn đôi chút rườm rà, làm chậm quá trình xét duyệt vay vốn, ảnh hưởng đến khả năng cho vay của Ngân hàng.
• Chính sách về TSĐB chưa thực sự linh hoạt, thông thường khách hàng chỉ nhận được một khoản vay từ 50% đến 70% giá trị TSĐB, nhiều trường hợp không đáp ứng được hết nhu cầu vay vốn của khách hàng. Mặc dù Ngân hàng đã chấp nhận TSĐB là động sản khi mà phần lớn tài sản của các DNVVN tồn tại dưới dạng động sản (hàng tồn kho, các khoản phải thu..), chúng đều có thể đảm bảo cho một lượng tín dụng để phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng vẫn chưa thể đáp ứng được hết các nhu cầu của khách hàng.
• Hệ thống xếp hạng tín dụng của Ngân hàng chưa thể hiện được hết nội lực của khách hàng. Do việc xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng còn trong quá trình cải thiện nhiều, nên việc hoạt động trong thời gian qua vẫn còn những khó khăn, vướng mắc, chưa đánh giá đúng, thực chất được chất lượng tín dụng. • Chiến lược Marketing chưa được quan tâm đúng mức, chưa xây dựng được một bộ phận chuyên đảm nhiệm công tác Marketing. Việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm của Ngân hàng, nhằm tăng uy tín cũng như thị phần của Ngân hàng thực hiện chưa được tốt, triệt để. Mặc dù vẫn giữ được quan hệ tốt với các khách hàng truyền thống, nhưng Ngân hàng chưa tận dụng được hết uy tín, khả năng của mình để thu hút nhiều hơn nữa những khách hàng mới, tiềm năng đến với Ngân hàng.
• Hình thức cho vay DNVVN chưa đáp ứng được hết các nhu cầu của DNVVN, các chính sách lãi suất, TSĐB, chưa phù hợp với đặc điểm của các DNVVN nên doanh số cho vay vẫn chưa thể hiện hết được nguồn lực của Ngân hàng. Thu nhập từ cho vay DNVVN chưa cao, trong khi tiềm năng cho vay các DNVVN là rất lớn.
2.3.3.2. Nguyên nhân khách quan (DNVVN)
• Phương án, chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp thường mang tính ngắn hạn, hoạt động kinh doanh chủ yếu theo mùa vụ, chạy theo số đông mà không có chiến lược phát triển lâu dài nên dễ thua lỗ, không mang lại hiệu quả cao, chưa đủ tính thuyết phục để có thể tiếp cận được với các nguồn vốn của Ngân hàng.
• Trình độ kỹ thuật, khả năng làm việc của đội ngũ lao động tại các DNVVN còn chưa cao, năng lực lãnh đạo, điều hành, quản lý còn đôi chút bất cập. Bên cạnh đó tình hình sản xuất kinh doanh của DNVVN thường không ổn định, khả năng cạnh tranh chưa cao, chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc tiếp cận với nguồn vốn vay từ bên ngoài, để có thể tối đa hóa cơ cấu tài chính trong doanh nghiệp mình. Một số hiện tượng giả mạo giấy tờ làm thủ tục vay vốn vẫn
còn, bị Ngân hàng phát hiện làm ảnh hưởng đến uy tín của các DNVVN khi giao dịch với Ngân hàng.
• DNVVN do có quy mô Vốn chủ sở hữu thấp, giá trị tài sản cố định thấp, lại có nhiều tranh cãi về quyền sở hữu nên không đáp ứng được các yêu cầu về tài sản bảo đảm từ phía Ngân hàng. Khả năng tài chính cũng không được đảm bảo nên khó nhận được sự bảo lãnh từ Ngân hàng hay các tổ chức tín dụng khác.
• Thiếu các báo cáo tài chính, báo cáo kinh doanh có tính minh bạch, độ an toàn cao. Khi các doanh nghiệp lập kế hoạch vay vốn thường làm đẹp các số liệu, báo cáo tài chính, để có thể được Ngân hàng cho vay nhanh chóng, thuận tiện, đôi khi gây khó khăn cho chính doanh nghiệp khi mà quy trình cho vay, quá trình thẩm định của Ngân hàng luôn chặt chẽ đối với bất kì doanh nghiệp nào.
• Sự hiểu biết, nắm bắt thông tin của các DNVVN về các chính sách, quy trình cho vay, thủ tục và các điều kiện cần thiết khi vay vốn Ngân hàng còn đôi chút vướng mắc, có khi tỏ ra chậm chạp.
2.3.3.3. Nguyên nhân từ phía nền kinh tế
• Nền kinh tế trong những năm vừa qua có nhiều biến động như: tốc độ lạm phát cao (ở mức 2 con số), chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng, cùng với sự biến động liên tục của tỷ giá trên thị trường ngoại hối và lãi suất trên thị trường tiền gửi … đã gây ra những khó khăn cho cả Ngân hàng và khách hàng muốn tiếp cận nguồn vốn của Ngân hàng. Ngoài ra, còn do một số nguyên nhân khác như: thiên tai, bão lụt, hệ thống pháp luật còn thiếu những chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nên số doanh nghiệp có thể vay vốn của Ngân hàng vẫn còn thấp.
• Môi trường pháp lý chưa đầy đủ và đồng bộ, vẫn còn những vướng mắc trong việc cưỡng chế thi hành theo pháp luật gây trở ngại cho các hoạt động giao dịch tín dụng. Bên cạnh đó, Luật sở hữu vẫn còn những tranh cãi, nên các
doanh nghiệp muốn sử dụng đất đai làm tài sản thế chấp gặp nhiều khó khăn. Vì chưa có các chế tài, chính sách hướng dẫn đầy đủ, chi tiết nên việc thực hiện phát mại TSĐB để thu hồi nợ còn nhiều khúc mắc, do giá TSĐB thay đổi theo biến động liên tục của thị trường.
• Sự kiểm tra, giám sát của Nhà nước đối với hoạt động của các DNVVN chưa thường xuyên và bộc lộ nhiều thiếu xót.Trường hợp các doanh nghiệp sau khi đăng kí thành lập đã ngừng hoạt động hoặc hoạt động như 1 doanh nghiệp ma, nhưng các cơ quan chức năng chưa nắm bắt được hết. Quá trình xử lý sai phạm của các doanh nghiệp còn chưa triệt để, mới chỉ mang tính răn đe nên các tranh chấp vẫn thường xuyên xảy ra.
• Hệ thống bảo lãnh Quỹ tín dụng cho các DN VVN của Việt Nam hiện nay phát triển chậm chạp, bộc lộ nhiều thiếu xót do khung pháp lý chưa hoàn thiện, tỏ ra thiếu thích ứng với thực tế; ngân sách hoạt động và việc huy động vốn cho các Quỹ tín dụng này còn nhiều hạn chế, bất cập.