KHÚC HÒA TẤU RỪNG XANH

Một phần của tài liệu Sáng kiến kinh nghiệm P DỤNG HÌNH THỨC DẠY HỌC NGOÀI LỚP ĐỂ NÂNG CAO NĂNG LỰC HỌC NGỮ VĂN CHO HỌC SINH (Trang 26)

Tôi cứ ngỡ rừng là im lặng, sự im lặng đến rùng rợn của thế giới những loài vô tri vô giác. Rừng không tiếng, không lời, không một chút âm thanh rộn ràng của cuộc sống. Rừng hoang sơ thanh vắng không một vết chân người, rừng là vùng đất đơn điệu mà không ai muốn đặt chân tới. Rừng chỉ toàn những điều nguy hiểm khiến con người ta rùng mình khiếp sợ. Nhưng tất cả chỉ là tôi lầm tưởng…

Rừng khóc!

Rừng cũng biết rơi nước mắt, biết buồn, biết đau đớn. Tôi ngước nhìn bóng cây Kơ-nia cao lớn, đượm vẻ già dặn, thâm trầm. Tay tôi chạm nhẹ lên thân cây, cái êm ái của da thịt hòa vào cái cứng cáp mạnh mẽ của người chiến binh ấy. Tôi bắt đầu nghe thấy tiếng của rừng, hòa cùng làn gió thoảng lướt nhẹ qua mái tóc, thì thầm vào tai tôi câu chuyện của rừng vào thời máu lửa.

Giặc đến!

Khi tiếng súng nổ xé tan bầu không gian huyền diệu, khi tiếng máy bay gầm vang hạ màn khói lửa xuống khoảng rừng xanh mướt, khi tiếng bom rơi giày xéo dữ dội mảnh đất quê hương:

Quê hương ta từ ngày khủng khiếp Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn Ruộng ta khô

Nhà ta cháy

Và tôi nghe… Rừng khóc… Tiếng khóc không nức nở, chỉ âm thầm lắng sâu vào ruột đất. Giọt nước mắt rỏ trên từng vết nứt, từng phiến lá, từng nhành hoa. Cả một cánh rừng bạt ngàn không cây nào không mang trên mình thương tích của lửa đạn quân thù. Rừng chứng kiến sự hi sinh của đồng loại. Muôn loài muôn thú hoảng hốt nháo nhác tìm chốn nương thân trước sự tấn công dã man của bọn Thực dân, Đế quốc hung tàn. Niềm vui chẳng còn, những âm thanh hòa vang của rừng thẳm cũng tiêu tan. Những loài vật cứ từng đàn rời đi, để mình rừng ở lại, rừng cô đơn, rừng buồn bã. Bom

rơi, đạn nổ, khói sương giăng mờ khắp chốn, rừng đứng đó và rừng cam chịu. Nỗi đau cứ ghim sâu vào tim. Hỏi làm sao rừng chịu được?

Biết bao lần giặc quét, giặc càn, giặc rải sắc cam tử thần với dã tâm tận diệt từng ngọn cỏ bụi cây, từng người con đất Việt. Nhưng chúng nào đạt được mục đích khi rừng vẫn còn tồn tại. Bom đạn không thể giết được những hàng cây Kơ-nia hùng vĩ, cũng như không bao giờ có thể hạ gục được ý chí và sức mạnh của bộ đội Việt Nam. Bóng cây Kơ-nia đã trở thành huyền thoại, màu xanh vẫn tươi, tán lá vẫn dang rộng chở che trong cái khốc liệt chết chóc của chất độc màu da cam. Rừng còn cây Kơ-nia, cũng như Việt Nam còn những con người quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, nhất tề kiên tâm đứng vững trong sự đàn áp của quân thù.

Tôi nhìn lên khoảng trời đã bị thu hẹp bởi màu xanh rộng lớn của rừng, ánh nắng bao lấy thân cây có những vết thương đang dần lành lặn, lấp lánh như những tấm huân chương cao quý. Tôi mỉm cười, quân ta đã chiến thắng, giặc đã rút lui trong thất bại ê chề, có lẽ từ nay rừng sẽ không còn khóc nữa. Thế nhưng, nụ cười chợt tắt ngấm khi chú kiểm lâm chỉ cho tôi những gốc cây bị chặt không thương tiếc, nhựa cây vẫn ứa ra, khô quánh lại khi gặp nắng, đó là vết chặt thô vụng tàn ác của bọn buôn lậu gỗ. Tôi sững sờ, ừ thì rừng không còn khóc nữa, mà rừng đau đớn, nuốt nước mắt vào trong khi người hại mình lại là một số những đứa con mà mình đã từng yêu thương, che chở. Ngày càng nhiều con người vô ơn, ích kỉ, vì lợi riêng mà nỡ tàn phá rừng, săn bắt trái phép những loài thú quý hiếm. Nhưng bên cạnh đó, cũng không ít người vì thiếu hiểu biết mà vô tình xâm phạm tài nguyên rừng… Thì ra, trong hòa bình, không bom đạn, rừng vẫn rỉ máu.

Rừng được chở che…

Hứng chịu thiên tai hậu họa của chiến tranh, đau đớn trước lưỡi cưa tàn nhẫn của bọn lâm tặc, thời gian qua, rừng trải qua biết bao nhiêu khổ đau, là tổn thương về thân xác và tinh thần. Tôi lo lắng, tôi sợ hãi một ngày nào đó rừng sẽ biến mất, và thế hệ mai sau sẽ không còn biết rừng là gì. Nhìn những lớp gỗ đùn nhựa che lấp miệng vết thương, tôi thấy yêu rừng vô hạn, tôi lặng nghĩ, chú kiểm lâm cũng nghĩ ngợi, Nhà nước cũng nghĩ suy, sẽ có những đạo luật mới được đặt ra, sẽ có những biện pháp bảo vệ rừng được tuyên truyền rộng rãi, sẽ có những bài học nhận thức lan truyền đến mọi người, sẽ có thêm nhiều những chú kiểm lâm ngày đêm canh giữ cho sự an toàn của rừng… Rừng ơi, đừng sợ nhé! Vì rừng không cô đơn.

Tôi quỳ xuống lớp đất tơi mềm, và tôi bỗng thấy một mầm non vươn lên từ trong đám lá mục. Chợt mỉm cười vì tôi biết rằng sự sống vẫn tiếp diễn, rừng vẫn còn đấy, vẫn sinh sôi. Và tôi biết, rừng vẫn đồng hành với chúng ta luôn mãi.

Tôi thưởng ngoạn cảnh rừng với tâm hồn nhẹ nhõm, khoan thai. Như để chào đón vị khách lạ đến từ phương xa, rừng tấu lên bản giao hưởng mang đậm phong vị của thiên nhiên, hòa quyện với hơi thở của đất trời. Tôi lắng tai nghe, nghe một cách trọn vẹn cuộc hòa nhạc tuyệt thế, tôi thả mình theo những nốt nhạc, những giai điệu, những lời ca, những cảm xúc chan chứa.

Tiếng sáo réo rắt của gió chảy qua từng kẽ lá, rót xuống thảm lá mục xốp mềm thơm mùi sức sống mới, hòa vào một thứ âm thanh khác chỉ có thể cảm nhận được trong sự yên ắng của rừng – tiếng suối chảy. Suối trong rừng cây ẩn hiện, có dòng suối lớn, hay đôi khi chỉ là một khe trong vắt, cần mẫn chảy qua từng hốc cây kẽ đá mà phân phát tinh khiết cho sự sống thường xanh. Tiếng suối reo nghe vui tai lắm, suối chảy vào tim, chảy vào cả thi ca nhạc họa:

Côn Sơn suối chảy rì rầm Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai.

Âm nhạc là phù sa bồi đắp thêm cho bến bờ lòng người thêm phong phú và yêu đời. Những bản hòa tấu do nhạc sĩ sáng tác, hoàn hảo và điêu luyện dưới bàn tay con người, được trình bày trong thính phòng rực rỡ và sang trọng. Thật kì diệu thay Mẹ Thiên Nhiên, đã tấu lên một hòa khúc trong một không gian tưởng như yên lặng đến lạnh lẽo. Cũng buông rèm xanh màu lá, cũng ánh sáng từ vạt nắng vàng, cũng điểm xuyết bằng những bụi hoa rừng đa sắc… Và đâu đó trên những cánh hoa mỏng manh, ong bướm cũng bắt đầu điệu vũ của mình. Chúng nhảy múa say mê trên sân khấu giữa đất trời, đắm chìm trong bản hòa tấu của rừng cây, lúc khoan, lúc mau, lúc mạnh mẽ, lúc duyên dáng trong một bầu âm thanh tròn đầy.

Buổi hòa nhạc nào rồi cũng sẽ đến hồi kết thúc, sân khấu đến một thời điểm nào đó cũng phải hạ màn nhưng tôi hy vọng khúc nhạc của rừng xanh sẽ không bao giờ chấm dứt: chim vẫn sẽ ca, suối vẫn chảy, ong bướm vẫn lượn, gió mãi thổi vi vu, ve sầu vẫn say mê gảy điệu khúc, muôn loài vẫn cùng nhau hòa chung nhịp điệu… Tôi ao ước cứ mỗi một lần quay lại để lại trở thành một khán thính giả lắng nghe rừng hát, thưởng thức bằng trọn con tim âm nhạc núi rừng để thấy lòng mình luôn tươi đẹp và trong lành đến thanh khiết: Có anh chiến sĩ, đi qua khu rừng vắng, lắng nghe nhạc rừng, tâm hồn vui phơi phới. Anh cười một mình rồi cất tiếng hát vang, cây rừng dội tiếng theo lời ca mênh mang (Nhạc rừng - Hoàng Việt).

2. Bài làm tiêu biểu của nhóm thực nghiệm trong bài kiểm tra sau tác dộng củahoạt động 1 hoạt động 1

Lớp: 10A2

Đề: Thuyết minh Văn miếu Trấn Biên (Đồng Nai).

Bài làm

Hôm nay là một ngày chủ nhật trong lành và cũng là ngày Xanh Mơ – một chiếc lá bàng mơn mởn chào đời. Cậu tỏ ra thích thú với mọi thứ xung quanh. Cậu tíu ta tíu tít hỏi Bác Bàng đang vươn nhựng tán lá xum xê ra đón tia nắng hồng ban mai của ông mặt trời về tất cả. Xanh Mơ tinh nghịch đòi Bác Bàng sắp xếp cho cậu được ở ngọn cây cao nhất, thoáng đãng nhất khi cậu còn là một búp non để ban ngày cậu có thể thấy được vạn vật khắp mặt đất, và cả khi đêm đến Xanh Mơ có thể trò chuyện với những chị sao sáng lấp lánh đính trên bộ váy đen tuyền của bầu trời tham thẳm kia.

Bác Bàng rất thích trò chuyện với Xanh Mơ và cậu cũng rất hứng thú mỗi khi nghe Bác Bàng kể về thế giới xung quanh cho cậu nghe – những điều giản dị mà lí thú. Sau khi kể cho cậu nghe về cầu vồng, về đất mẹ đầy sức sống,… Bác Bàng quyết định tối nay sẽ kể cho cậu nghe về chính nơi cậu đang sống, là niềm tự hào của Đồng Nai với khách du lịch bốn phương khi họ đến thăm mảnh đất phía Nam giản dị, mộc mạc mà chân thành này – đó chính là Văn miếu Trấn Biên, nơi thể hiện hào khí hiếu học đất phương Nam.

Xanh Mơ nhanh nhảu hỏi Bác Bàng:

Một phần của tài liệu Sáng kiến kinh nghiệm P DỤNG HÌNH THỨC DẠY HỌC NGOÀI LỚP ĐỂ NÂNG CAO NĂNG LỰC HỌC NGỮ VĂN CHO HỌC SINH (Trang 26)