II. KINH NGHIỆ MỞ MỘT SỐ NƯỚC:
2. Kinh nghiệm của NHTW Đức
So với NHTW các nước trên thế giới, sau Fed, có lẽ, NHTW Đức có thể được coi là Ngân hàng điển hình nhất. Thành công của Fed là việc sử dụng các công cụ của chính sách tiền tệ một cách có hiệu quả.
Trước hết là công cụ cho vay tái chiết khấu: Không những Đức sử dụng cửa sổ chiết khấu như là phương tiện điều tiết lãi suất và khối lượng tín dụng của các NHTM mà còn là một cửa ngõ, từ đó NHTW Đức trực tiếp rót vốn vào thị trường đầu tư trung hạn và dài hạn. Cụ thể chúng ta biết rằng, những năm cuối thập kỷ 80 ở Đức, lạm phát lên gần như tột đỉnh, xấp xỉ 2 con số và tất cả các công cụ điều tiết được tung ra để chống lạm phát. Lãi suất chiết khấu đã được huy động để tăng lãi suất thị trường nhằm thắt chặt cung ứng tiền tệ và tín dụng. Nhưng khi nhận ra một số dấu hiệu chứng tỏ lạm phát đã được khống chế, để nền kinh tế không bị trì trệ lâu vì chính sách thắt chặt tiền tệ, NHTW đã hạ lãi suất chiết khấu. Đặc biệt là chỉ trong năm 93, lãi suất chiết khấu được hạ 7 lần để hãm tính suy thoái tiềm năng quốc gia. Một quá trình chưa từng có trong lịch sử của hệ thống NHTW. Chính vì
vậy, lượng tiền mặt ngoài lưu thông tăng lên đột ngột đã đẩy tổng cầu lên như một cơn sốt. Hệ quả thật ấn tượng. Nền kinh tế đã tăng trưởng trở lại. Qua đó, ta thấy lãi suất chiết khấu là đèn hướng dẫn lượng tín dụng cấp phát từ NHTW đến các NHTM và các lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế Đức. Với việc sử dụng lãi suất một cách khôn ngoan và linh động, Ngân hàng Đức đã gặt hái những thành công rực rỡ trong việc liên tục mở rộng sản lượng, nâng giá DM và kiểm soát lạm phát ở mức ổn định.
Nét đặc trưng thứ hai là việc sử dụng công cụ điều tiết tín dụng Lombard Loans: Ngay từ những ngày đầu hoạt động, những doanh nghiệp của Đức phải chủ yếu dựa vào vốn vay của NHTM và NHTM đến lượt nó lại phụ thuộc chặt chẽ vào vốn cấp từ cửa sổ chiết khấu và cửa ngõ Lombard. Như vậy, cửa ngõ Lombard tăng cường khả năng cho vay của NHTM , nhờ đó sự cải tổ thiết bị công nghệ trở nên dễ dàng hơn, nới rộng đường giới hạn sản lượng tiềm năng của nền kinh tế Đức.
Đối với nghiệp vụ thị trường mở: NHTW Đức vận dụng chính sách khác biệt với NHTW khác và Fed. Nếu các NHTW khác nhằm vào hai mục tiêu chính: 1/ Thắt chặt hoặc nới lỏng tiền mặt ngoài lưu thông; 2/ nới lỏng hoặc thắt chặt dự trữ bắt buộc trong các kho của ngân hàng trung gian. Cả hai đều tác động vào cơ số tiền tệ và nhằm vào hai mục tiêu: giảm hoặc tăng cung ứng tiền mặt; giảm hoặc tăng tín dụng được cấp phát từ hệ thống ngân hàng trung gian. Với NHTW Đức, ngoài mục tiêu phổ biến trên, nghiệp vụ thị trường mở còn tác động tới lượng chiết khấu mà ngân hàng trung gian đầu tư vào cuối mỗi kỳ. Gần như tất cả ngân hàng trung gian đều sử dụng tiền mặt thừa vào cuối mỗi thời điểm để đầu tư vào một loại chứng khoán tiện lợi nhất. Mà chứng khoán là một loại ký quỹ cho NHTW khi ngân hàng trung gian muốn vay tại cửa ngõ Lombard. Kết quả là khi NHTW Đức muốn điều tiết bằng nghiệp vụ thị trường mở, nó đồng thời hỗ trợ cho việc thắt chặt hay nới rộng vốn cấp từ cửa ngõ này. Do đó, nghiệp vụ thị trường mở của NHTW Đức ảnh hưởng đến tín dụng của toàn bộ nền kinh tế.
Cuối cùng là cách quản lý chặt chẽ đối với công cụ dự trữ bắt buộc: thật vậy, nếu ngân hàng trung gian này bị phát hiện là thiếu công cụ dự trữ bắt buộc, nó phải
lập tức vay NHTW ở cửa sổ chiết khấu để bù vào khoản thiếu hụt theo quy định với mức lãi suất phạt cao hơn vốn vay từ Lombard đến 3%. Ngoài ra, dự trữ bắt buộc còn được coi như là còi hiệu cho sự tăng hay giảm lượng tín dụng được cấp phát vào nền kinh tế Đức từ hệ thống ngân hàng trung gian. Mỗi khi dự trữ bắt buộc được Đức đưa lên, trong vòng nửa năm sau đó, nguồn cho vay đối với các đơn vị kinh doanh đều giảm. Điều ngược lại, khi dự trữ bắt buộc bắt đầu hạ, tín dụng cấp phát lập tức tăng lên. Sự thay đổi trong dự trữ bắt buộc kéo theo một cách rõ ràng và chắc chắn sự thay đổi của lượng tín dụng được phép cho vay của ngân hàng trung gian qua thừa số tiền tệ. Công cụ điều tiết tỷ lệ dự trữ bắt buộc giống như một chiếc hàn thử biểu đo lường giữa áp suất dự trữ bắt buộc và nhiệt độ tín dụng, phản ánh sự thay đổi của tín dụng một cách rõ nét khi dự trữ bắt buộc thay đổi.
Ngoài ra, với tham vọng giành được quyền lực ở Châu Âu thay cho Hoa Kỳ, người Đức coi xuất khẩu là con đường bành trướng kinh tế nhanh nhất. Chính sách tiền tệ của Đức, vì vậy, phục vụ một cách đắc lực cho công thức xuất khẩu - hướng ngoại - tăng trưởng. Chính vì lý do đó, bằng việc điều tiết cơ số cung ứng DM trên thị trường, NHTW Đức đã điều tiết tỷ giá theo từng mục tiêu bộ phận, theo từng thời điểm trong năm, trong khuôn khổ chiến lược nói trên, tiến tới điều tiết xuất nhập khẩu và sản lượng nền kinh tế Đức.
Có thể nói, kinh nghiệm của Đức để lại một bài học vô cùng quý giá. Đó là sự quan hệ mật thiết giữa việc ổn định mức tăng giá cả, sản lượng thông qua cơ chế tiền tệ và tín dụng. NHTW Đức thật sự là nền tảng của nền kinh tế Đức bằng việc kiểm soát mức cung tiền tệ qua các công cụ hữu hiệu của mình. Tín dụng qua công cụ lãi suất chiết khấu và Lombard diễn xuất những vai rất thành công trong việc thúc đẩy xuất khẩu và đầu tư. Chính sách tỷ giá và điều tiết cơ số tiền tệ là các công cụ gắn bó với nhau để ổn định cán cân thanh toán và phòng ngừa rủi ro. Đặc biệt, riêng đối với Đức, không bao giờ việc cấp tín dụng ưu đãi bị coi là lạc hậu. Bởi lẽ có những khu vực cần được cấp phát tín dụng một cách ưu tiên để phát triển phù hợp với chiến lược chung.