Vật chứng là nguồn chứng cứ có tính truyền thống. Từ khi có hoạt động TTHS thì vật chứng luôn luôn giữ vai trò quan trọng cho việc làm sáng tỏ sự thật của vụ án. “Vật chứng là nguồn chứng cứ quan trọng đầu tiên mà thông qua nó các CQTHTT có thể chứng minh được sự việc hoặc xác định hướng điều tra của vụ án” [37, tr.33]. Để xây dựng khái niệm vật chứng, trước hết ta cần phải hiểu các đặc trưng cơ bản của nó:
Thứ nhất, vật chứng là những gì thuộc về thế giới hữu hình, tồn tại dưới dạng vật thể, con người có thể cảm nhận được bằng các giác quan là: Xúc giác, vị giác, thị giác, thính giác, khứu giác. Do tồn tại dưới dạng vật thể, vật chứng có thể bị các yếu tố tự nhiên tác động làm thay đổi, biến dạng hoặc hủy hoại nên các CQTHTT cần chú ý trong quá trình phát hiện, thu giữ, bảo quản và xử lý vật chứng.
Thứ hai, vật chứng chứa đựng và phản ánh những thông tin, sự kiện thực tế liên quan đến vụ án hình sự và nằm trong mối liên hệ tổng thể giữa các nội dung, vấn đề của vụ án hình sự.
Thứ ba, vật chứng được các chủ thể có thẩm quyền thu thập theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định. Các chủ thể có thẩm quyền thu thập vật chứng bao gồm: CQĐT, VKS, Tòa án. Ngoài ra, Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, các cơ quan khác trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân có quyền thu thập vật chứng trong một số
trường hợp. Nhiều trường hợp trong quá trình giải quyết vụ án hình sự việc thu thập chứng cứ có thể do bị can, bị cáo, người làm chứng, người bị hại hoặc bất kỳ cá nhân, cơ quan, tổ chức nào cung cấp cho CQTHTT.
Như vậy, vật chứng được hiểu là những gì tồn tại dưới dạng vật thể chứa đựng và phản ánh những thông tin liên quan đến vụ án, được chủ thể có thẩm quyền thu thập theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.