Tấn công từ chối dịch vụ

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN TỐT NGHIỆP CỬ NHÂN CNTT-CÁC KIỂU TẤN CÔNG TRÊN MẠNG (Trang 28)

Về cơ bản, tấn công từ chối dịch vụ chỉ là tên gọi chung của cách tấn công làm cho một hệ thống nào đó bị quá tải không thể cung cấp dịch vụ, hoặc phải ngưng hoạt động. Tấn công kiểu này chỉ làm gián đoạn hoạt động của hệ thống chứ rất ít có khả năng thâm nhập hay chiếm được thông tin dữ liệu của nó.Tùy theo phương thức thực hiện mà nó được biết dưới nhiều tên gọi khác nhau. Ban đầu là lợi dụng sự yếu kém của giao thức TCP (Transmision Control Protocol) để thực hiện tấn công từ chối dịch vụ cổ điển DoS (Denial of Service), sau đó là tấn công từ chối dịch vụ phân tán DDoS (Distributed Denial of Service) và mới nhất là tấn công từ chối dịch vụ theo phương pháp phản xạ DRDoS (Distributed Reflection Denial of Service). Theo thời gian, xuất hiện nhiều biến thể tấn công DoS như: Broadcast Storms, SYN, Finger, Ping, Flooding,… với mục tiêu nhằm chiếm dụng các tài nguyên của hệ thống (máy chủ) như: Bandwidth, Kernel Table, Swap Space, Cache, Hardisk, RAM, CPU,… làm hoạt động của hệ thống bị quá tải dẫn đến không thể đáp ứng được các yêu cầu (request) hợp lệ nữa.

Như đã nói, tấn công DoS nói chung không nguy hiểm như các kiểu tấn công khác ở chỗ nó không cho phép kẻ tấn công chiếm quyền truy cập hệ thống hay có quyền thay đổi hệ thống. Tuy nhiên, nếu một máy chủ tồn tại mà không thể cung cấp thông tin, dịch vụ cho người sử dụng, sự tồn tại là không có ý nghĩa nên thiệt hại do các cuộc tấn công DoS do máy chủ bị đình trệ hoạt động là vô cùng lớn, đặc biệt là các hệ thống phụ vụ các giao dịch điện tử. Đối với các hệ thống máy chủ được bảo mật tốt, rất khó để thâm nhập vào thì tấn công từ chối dịch vụ được các hacker sử dụng như là “cú chót” để triệt hạ hệ thống đó.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN TỐT NGHIỆP CỬ NHÂN CNTT-CÁC KIỂU TẤN CÔNG TRÊN MẠNG (Trang 28)