Hạn chế và nguyên nhân

Một phần của tài liệu Thực trạng mở rộng cho vay đối với làng nghề Ninh Hiệp tại chi nhánh Ngân hàng Công Thương Yên Viên (Trang 26 - 29)

Dư nợ cho vay đối với khu vực Ninh Hiệp tăng trưởng khá mạnh nhưng vẫn chưa phù hợp với nhu cầu vốn, tốc độ tăng trưởng hoạt động sản xuất kinh doanh tại địa phương. Mới chỉ có khoảng 5% tổng số hộ, cơ sở, doanh nghiệp, thương nhân đang hoạt động tại Ninh Hiệp đến vay vốn ngân hàng, trong đó 100% là hộ cá thể. Tỷ trọng dư nợ của Ngân hàng Công Thương Yên Viên trên tổng nhu cầu vốn ngắn hạn của làng nghề Ninh Hiệp chỉ đạt dưới 5%.

Dư nợ mất cân đối, 100% là vay ngắn hạn, chưa có vay trung và dài hạn. Thị phần cho vay thấp hơn so với Ngân hàng NNo&PTNT Yên Viên. Dư nợ vay ngân hàng của Ninh Hiệp khoảng 80 tỷ đồng, trong đó dư nợ vay tại chi nhánh Ngân hàng Công Thương Yên Viên là 25,6 tỷ đồng (năm 2005), tức là 32% dư nợ vay ngân hàng của Ninh Hiệp là vay tại Ngân hàng Công Thương Yên Viên. Phần còn lại là vay của Ngân hàng NNo&PTNT Yên Viên.

2.2.3.2.2. Nguyên nhân

*Từ bản thân Ngân hàng Công Thương Yên Viên

Nhằm thực hiện đúng qui trình, thủ tục cho vay của ngân hàng nên thời gian xét duyệt cho vay kéo dài nhanh nhất cũng khoảng 3, 4 ngày, điều này không phù hợp với nhu cầu vốn phải được cung cấp nhanh chóng của khách hàng làng nghề Ninh Hiệp.

Tất cả các khách hàng vay vốn đều phải thực hiện các biện pháp đảm bảo tiền vay bằng tài sản chủ yếu là quyền sử dụng đất và nhà ở gắn liền với đất. Ngân hàng chưa cho khách hàng vay tín chấp hay thông qua bảo lãnh của các Hội, các tổ chức Đoàn thể.

Ngân hàng chưa có biện pháp tiếp cận làng nghề Ninh Hiệp một cách cụ thể. Hoạt động marketing đã được triển khai đến các doanh nghiệp có trụ sở tại thị trấn Yên Viên nhưng tại Ninh Hiệp thì lại chưa được chú trọng. Ngân hàng chưa phân công cán bộ tín dụng phụ trách khu vực làng nghề để hướng dẫn và phổ biến cho người dân ở đây về hoạt động ngân hàng.

Đã có Phòng giao dịch Ninh Hiệp nhưng chưa thực hiện cho vay ngay tại đây, khách hàng muốn vay ngân hàng vẫn phải đến trụ sở của Chi nhánh tại thị trấn Yên Viên, tuy không khoảng cách không xa nhưng cũng gây tâm lý ngại đi lại cho người dân.

Lãi suất cho vay không cạnh tranh, thiếu linh hoạt, ngân hàng áp dụng một mức lãi suất chung cho mọi đối tượng khách hàng. Lãi suất cho vay của Ngân hàng Công Thương hiện nay đối với những món vay ngắn hạn là 1%/tháng, trung dài hạn là 1,2%/tháng. Đây cũng là mức lãi suất khá cao so với các ngân hàng khác nên chưa có cạnh tranh về lãi suất.

*Từ bản thân làng nghề Ninh Hiệp

Nhu cầu vốn của các hộ ở Ninh Hiệp chủ yếu là vay ngắn hạn, thời gian vay rất ngắn, có thể chỉ mấy ngày hay 1 đến 3 tháng, nhưng cần vốn ngay ngay lập tức nên họ thường tìm đến những người cho vay nặng lãi hơn là tìm đến ngân hàng. Do thời gian xét duyệt vay vốn của ngân hàng kéo dài, có thể mất thời cơ kinh doanh của họ nên họ chấp nhận chịu vay với lãi suất cao hơn rất nhiều so với lãi suất ngân hàng.

Ở Ninh Hiệp tuy mức sống cao, người dân tuy rất giàu, nhiều hộ có trong tay vài trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng nhưng họ lại mải mê kiếm tiền buôn bán, hầu như ít chú ý đến trình độ giáo dục đào tạo. Hầu hết thanh niên trong làng học hết cấp III, thậm chí chỉ học xong cấp II là đã theo mẹ đi bán hàng. Có gia đình cho con đi học đại học về cũng lại chỉ ra chợ bán vải. Có người ở Ninh Hiệp đã nói “không gì giàu nhanh bằng buôn bán vải”. Vì thế trình độ dân trí ở Ninh Hiệp rất thấp. Có những cơ sở sản xuất gia công may mặc tuy đã được cơ khí hóa hầu hết các khâu sản xuất chính nhưng chủ cơ sở lại chưa hề qua một lớp đào tạo nào về kỹ thuật. Các hộ kinh doanh thậm chí các chủ doanh nghiệp thì làm ăn theo kinh nghiệm chứ cũng chưa hề được qua lớp học về quản lý kinh doanh nào. Chính vì vậy họ gặp khó khăn khi ngân hàng yêu cầu lập các báo cáo tài chính, hay phương án sử dụng vốn có hiệu quả. Đây cũng là một nguyên nhân mà các khách hàng Ninh Hiệp không đáp ứng được

điều kiện để vay vốn trung, dài hạn. Yêu cầu về tài sản đảm bảo của ngân hàng: nếu là đất thì phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mà số hộ được cấp chưa nhiều nên cũng hạn chế các hộ có nhu cầu đến vay vốn ngân hàng.

Mặt khác do ngân hàng tiếp cận khu vực này chưa lâu nên người dân chưa quen với các hoạt động của ngân hàng. Có những người đến vay vốn phải đi lại nhiều lần để hoàn chính hồ sơ nên gây tâm lý e ngại quan hệ với ngân hàng cho họ. Chính vì ngại thủ tục giấy tờ phiền hà rắc rối mà có những khi cần vốn gấp người dân sẵn sàng chấp nhận vay ở thị trường phi chính thức, ở những người cho vay nặng lãi.

*Các nguyên nhân khác

Nhà nước hiện nay chỉ mới khẳng định chủ trương phát triển làng nghề nhưng thực tế lại chưa có qui định cụ thể nào hướng dẫn các ngân hàng, tổ chức tín dụng cho vay ưu đãi với những khách hàng thuộc khu vực này. Các chương trình tín dụng ưu đãi của Nhà nước hay các tổ chức tài chính khác không nhiều.

Nhà nước và địa phương chưa giao làng nghề cho một cơ quan nào quản lý và chịu trách nhiệm chung. Tình trạng nhập lậu hàng hóa, sản xuất hàng kém chất lượng vẫn còn tồn tại. Những cơ sở, đại lý không co uy tín như vậy khó có thể được xem xét cho vay.

Qui hoạch làng nghề, triển khai xây dựng khu công nghiệp, khu trung tâm thương mại còn chậm chạp, đất đã giải tỏa nhưng chưa thi công được.

Cạnh tranh với các ngân hàng khác trên cùng địa bàn, đặc biệt là ngân hàng NN&PTNT Yên Viên. Cạnh tranh với các hình thức tín dụng không chính thức đặc biệt là với tư nhân cho vay nặng lãi.

Một phần của tài liệu Thực trạng mở rộng cho vay đối với làng nghề Ninh Hiệp tại chi nhánh Ngân hàng Công Thương Yên Viên (Trang 26 - 29)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(29 trang)
w