Quá trình phát triển của công tác thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam

Một phần của tài liệu NHỮNG LÝ LUẬN CƠ BẢN VỀ THANH TOÁN KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT (Trang 30 - 35)

4. QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA THANH TOÁN KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT

4.2. Quá trình phát triển của công tác thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam

Nam

4.2.1. Trước năm 1990

Ngày 06/05/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Xuất phát từ nhận thức về sự cần thiết khách quan cũng như vai trò của thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế, nên ở nước ta ngay từ khi ngân hàng Nhà nước ra đời, thanh toán không dùng tiền mặt đã được tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, trong thời kỳ nền kinh tế vận hành theo cơ chế kế hoạch hoá tập trung thì hệ thống ngân hàng hoạt động hoàn toàn mang tính chất hành chính,

không quan tâm đến hiệu quả kinh tế. Chính vì thế, thanh toán không dùng tiền mặt cũng có nhiều bất cập :

- Bắt buộc các đơn vị tổ chức kinh tế phải mở tài khoản tại một ngân hàng nhất định, phải tập trung thanh toán qua ngân hàng.

- Hầu hết mọi thủ tục đều phải làm thủ công, do vậy dễ xảy ra sai sót; thêm vào đó các giấy báo liên hàng, chứng từ …đều phải gửi qua đường bưu điện nên tốc độ thanh toán chậm.

- Trách nhiệm của cán bộ ngân hàng và các bên tham gia thanh toán không cao, chính vì thế thanh toán không dùng tiền mặt trong thời kỳ này chưa phát huy được hết tác dụng, dẫn đến tốc độ vốn luân chuyển chậm, tâm lý của người dân mới chỉ dừng lại ở việc chuộng tiền mặt.

4.2.2. Sau năm 1990

Sau năm 1990, Chính phủ và Nhà nước ta đã có nhiều biện pháp nhằm cải tiến cơ bản thanh toán không dùng tiền mặt. Nghị quyết Đại hội Đảng 7 đã chỉ rõ: “Cải tổ hệ thống Ngân hàng để hoạt động có hiệu quả, thực sự trở thành trung tâm tiền tệ, tín dụng, thanh toán, và đóng vai trò nòng cốt trên thị trường vốn và thị trường tiền tệ”. Đặc biệt là sự ra đời của hai Pháp lệnh: “Pháp lệnh Ngân hàng Nhà nước” và “Pháp lệnh Ngân hàng, Hợp tác xã Tín dụng và Công ty tài chính” đã chuyển từ hệ thống ngân hàng một cấp sang hệ thống ngân hàng hai cấp, kho bạc Nhà nước tách khỏi hệ thống ngân hàng, trực thuộc Bộ Tài chính và bộ máy rộng khắp từ trung ương đến cả cấp quận huyện trong toàn quốc. Sau mười năm thực hiện công cuộc đổi mới, hoạt động ngân hàng nói chung và công tác thanh toán nói riêng đã có những thay đổi đáng kể đặc biệt là trong công tác thanh toán không dùng tiền mặt, phù hợp với cơ chế thị trường. Đó là từng bước hiện đại hoá, quốc tế hoá hoạt động thanh toán theo chương trình đổi mới công nghệ ngân hàng, bao gồm chương trình trước mắt và lâu dài :

- Hiện đại hoá hoạt động thanh toán thông qua việc cải tiến đồng loạt các nghiệp vụ thanh toán của hệ thống ngân hàng, áp dụng rộng rãi công nghệ tin học vào trong thanh toán ở tất cả các cấp ngân hàng.

- Phát triển nhiều công cụ thanh toán mới phù hợp với điều kiện Việt Nam hiện tại và giảm nhu cầu thanh toán bằng tiền mặt.

- Tự do hoá việc lựa chọn ngân hàng mở tài khoản giao dịch, xoá bỏ gò ép thanh toán theo địa chỉ áp đặt, do đó bước đầu tạo ra sự cạnh tranh giữa các hệ thống ngân hàng, tạo ra sự cân bằng giữa ngân hàng và khách hàng.

- Hiện nay đã thực hiện nối mạng thông tin thanh toán trong hệ thống ngân hàng thương mại quốc doanh và một số ngân hàng thương mại cổ phần, nối mạng thông tin giữa các ngân hàng thương mại với ngân hàng Nhà nước. Xây dựng dự án phát triển các hệ thống thanh toán bao gồm thanh toán bù trừ, thanh toán chuyển tiền liên ngân hàng, thanh toán điện tử.

- Từng bước nâng cao trình độ phát triển của cán bộ công nhân viên ngân hàng, đáp ứng được yêu cầu tiêp cận với các phương tiện thanh toán hiện đại trên thế giới.

- Từng bước xoá bỏ tập quán thích tiêu tiền mặt trong dân chúng, tạo thói quen không dùng tiền mặt.

Tất cả các cải tiến trên đã tạo điều kiện cho thanh toán không dùng tiền mặt ở nước ta dễ dàng và thông suốt hơn. Nhưng nếu so sánh với tốc độ trên thế giới thì tốc độ thanh toán ở nước ta vẫn còn quá chậm (Thời gian chuyển chứng từ giữa các ngân hàng ở các nước phát triển như Nhật, Mỹ được tính bằng phút do mạng thanh toán điện tử của họ phát triển. Còn ở Việt nam, khoảng thời gian này được tính bằng ngày hoặc thậm chí đến hàng tuần.)…Bên cạnh đó, thanh toán không dùng tiền mặt chỉ phổ biến ở các bộ phận cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp, còn đối với bộ phận cư dân còn ít. Điều này ảnh hưởng đến việc kiểm soát nền kinh tế của Nhà nước và đặc biệt ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư nước ngoài

vào Việt Nam. Mặt khác, những năm qua, chúng ta đã hình thành một số thể thức thanh toán mới nhưng còn rất nhiều hạn chế nếu chưa muốn nói là hình thức. Việc đổi mới công nghệ thanh toán có sự chuyển biến mạnh mẽ cả về nội dung lẫn cơ sở vật chất nhưng tác dụng chưa tương xứng với chi phí bỏ ra, số liệu thông tin còn chậm trễ, sai sót còn nhiều, chưa đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Nhìn chung các thể thức thanh toán ở nước ta vẫn còn mang dáng dấp, nội dung của nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung, một số hình thức vẫn còn nhiều phiền hà, thủ tục, sự an toàn chưa cao…

Từ những thực tế trên đòi hỏi ngành ngân hàng phải có những nỗ lực lớn, đặc biệt trong lĩnh vực thanh toán để có thể hoà chung vào mạng lưới thanh toán trên thế giới, rút ngắn được khoảng cách về trình độ nghiệp vụ thanh toán so với ngân hàng nước ngoài. Do đó việc đầu tư trang thiết bị hiện đại, đào tạo chuyên gia kỹ thuật giỏi về thanh toán và tin học là điều tất yếu phải làm song song với việc khai thác các ưu thế của các phương thức thanh toán đang được áp dụng và đưa ra các hình thức thanh toán mới nhằm mở rộng phạm vi và tăng khối lượng thanh toán qua ngân hàng. Bên cạnh đó ngân hàng cần phải tiến hành phổ cập về thanh toán qua ngân hàng trong dân cư để họ thấy được ưu thế của việc sử dụng dịch vụ qua ngân hàng.

Một phần của tài liệu NHỮNG LÝ LUẬN CƠ BẢN VỀ THANH TOÁN KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT (Trang 30 - 35)