Ảnh hưởng của điều kiện thi công

Một phần của tài liệu LUẬN ÁN TIẾN SĨ VẬT LIỆU XÂY DỰNG NGHIÊN CỨU CHẾ TẠO VÀ SỬ DỤNG VỮA MẠCH MỎNG CHO KHỐI XÂY BÊ TÔNG KHÍ CHƯNG ÁP (Trang 89)

Hình thành và phát triển các tính chất của vữa mạch mỏng như cường độ bửa liên kết và cường độ bám dính tổ hợp chịu ảnh hưởng không những của vữa mà còn của điều kiện thi công, trong đó độ ẩm và chất lượng bề mặt viên xây đóng vai trò quan trọng [29, 31]. Ảnh hưởng của độ ẩm của bê tông khí chưng áp được nghiên cứu với bốn mức 10%, 20% 30% và bão hòa nước và với hai phương án bao gồm vữa xây thường và vữa xây mạch mỏng. Để đạt được độ ẩm này, trước tiên các viên xây được sấy đến khối lượng không đổi. Sau đó, viên xây được làm ẩm với lượng nước tính toán để đạt được độ ẩm cần thiết. Các viên xây được bọc kín trong túi nilông không thấm ẩm và đặt trong phòng thí nghiệm trong vòng 5 ngày để hơi ẩm được phân bố đều trong viên xây. Kết quả thí nghiệm trình bày tại Bảng 4.2.

Bảng 4.2 Ảnh hưởng của độ ẩm viên xây

TT Loại vữa Độ ẩm viên xây Cường độ bửa liên kết, MPa Cường độ bám dính tổ hợp, Mpa 1 Vữa thường 10% 0,11 - 2 20% 0,15 0,18 3 30% 0,16 0,24 4 bão hòa 0,12 0,15 5 Vữa mạch mỏng 10% 0,37 0,48 6 20% 0,39 0,50 7 30% 0,38 0,47 8 bão hòa 0,31 0,39

Các kết quả thí nghiệm cho thấy ảnh hưởng khá lớn của độ ẩm viên xây đến cường độ bửa liên kết và cường độ bám dính của vữa xây thông thường. Thay đổi độ ẩm viên xây có thể làm suy giảm đến 25% cường độ bửa liên kết và tới trên 40% cường độ bám dính tổ hợp. Bê tông khí chưng áp có độ ẩm trong khoảng 30% cho giá trị bám dính cao nhất. Bê tông khí bão hòa nước, hay có độ ẩm nhỏ hơn đều làm suy giảm khả năng bám dính. Nguyên nhân là do khi độ ẩm giảm, lượng nước của hỗn hợp bê tông bị nền hút vào sẽ tăng lên. Khu vực tiếp giáp giữa nền và viên xây là khu vực bị mất nước nhiều nhất, sẽ làm tổn hại đến cường độ bám dính. Trái lại khi đạt trạng thái bão hòa nước, nền hầu như không

hút thêm nước từ vữa, do đó lượng dùng nước ban đầu gần như được giữ nguyên và lớn hơn lượng dùng nước trong trường hợp bị nền hút một phần. Do đó với nền bão hòa nước, độ bám dính cũng không đạt giá trị tối đa.

Kết quả thí nghiệm với vữa mạch mỏng cho thấy cường độ bám dính tổ hợp và cường độ bửa liên kết chịu ảnh hưởng của độ ẩm viên xây ít hơn so với vữa xây thường. Cường độ bám dính tổ hợp và cường độ bửa liên kết của vữa mạch mỏng hầu như không thay đổi khi độ ẩm của bê tông khí chưng áp dao động trong khoảng từ 10% đến 30% và đều vượt mức yêu cầu kỹ thuật đề ra.

Với viên xây bão hòa nước, cường độ bửa liên kết và cường độ bám dính có giảm đôi chút. Điều này có thể do lượng nước dư trên bề mặt bão hòa làm tăng tỷ lệ nước trên xi măng của vùng tiếp xúc khiến cường độ giảm. Qua đây có thể thấy rằng, khi sử dụng vữa mạch mỏng xây tường bê tông khí chưng áp chất lượng khối xây được đảm bảo với khoảng dao động khá rộng của độ ẩm viên xây. Tuy nhiên cần tránh để nước đọng trên bề mặt viên xây.

Trong các nghiên cứu ở trên (Bảng 3.2) đã làm rõ ảnh hưởng của bề mặt đến khả năng giữ nước của vữa. Theo đó, bề mặt bê tông khí cắt bằng cưa tại công trường với các lỗ rỗng hở có xu hướng hút nước nhiều hơn bề mặt sản xuất trong nhà máy do đó ảnh hưởng xấu đến khả năng giữ nước của vữa. Điều này có ảnh hưởng nhất định đến tính chất của vữa xây.

Thí nghiệm tiến hành với hai bề mặt nói trên (Bảng 4.3) cho thấy khi sử dụng vữa mạch mỏng, mặc dù chất lượng và độ bằng phẳng cũng như độ hút nước của bề mặt có thay đổi đáng kể nhưng cường độ bửa liên kết và cường độ bám dính tổ hợp hầu như không thay đổi. Tuy nhiên, điểm cần chú ý là đối với mặt cắt tại công trường là một lượng lớn các lỗ rỗng trên bề mặt bị bịt kín bởi bột bê tông. Nếu không được làm sạch thì lượng bột này có thể làm suy giảm đôi chút khả năng bám dính của viên xây.

Bảng 4.3 Ảnh hưởng của viên xây TT Đối tượng Điều kiện

Cường độ bửa liên kết, MPa Cường độ bám dính tổ hợp, Mpa 1 Bề mặt nhà máy 0,37 0,48 2 cắt 0,35 0,47 3 Độ kín vữa mạch xây 100% 0,37 0,48 4 70% 0,31 0,39 5 50% 0,29 0,33

Thi công xây tường bê tông khí chưng áp bằng phương pháp vữa mạch mỏng được thực hiện theo quy trình riêng. Theo đó hỗn hợp vữa được trải đều

trên bề mặt viên xây bên dưới, sau đó dùng bay răng cưa tạo các rãnh chạy dài theo mạch với chiều cao và chiều rộng khoảng từ 3 mm đến 5 mm. Khi ép viên xây bên trên xuống lớp vữa đã tạo rãnh, các rãnh này sẽ bị ép xuống và san đều hình thành bề mặt tiếp xúc giữa vữa mạch mỏng và viên xây bên trên.

Thi công theo phương pháp trên, diện tích tiếp xúc giữa viên xây bên dưới và vữa mạch mỏng luôn đạt 100%. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của quá trình thi công, viên xây bên trên không phải lúc nào cũng tiếp xúc được với vữa trên toàn bộ diện tích bề mặt. Điều này dẫn đến việc suy giảm cường độ bám dính của vữa với viên xây.

Ảnh hưởng của mức độ tiếp xúc đến cường độ bửa liên kết và cường độ bám dính tổ hợp được nghiên cứu với diện tích tiếp xúc khác nhau. Các mẫu thí nghiệm được chế tạo theo quy trình tiêu chuẩn (2.2.1 mục d và e) trừ việc đặt viên mẫu sau lên trên lớp vữa. Tiến hành đặt mẫu và ép nhẹ viên mẫu lên trên lớp vữa đã trải và tạo rãnh. Ấn nhẹ để rãnh không bị ép xuống hết. Sau khi thí nghiệm, xác định diện tích tiếp xúc bằng tổng diện tích các mặt trên của rãnh.

Các kết quả thí nghiệm trình bày tại Bảng 4.3 cho thấy không đảm bảo diện tích tiếp xúc bề mặt có thể làm suy giảm đến khoảng 20% cường độ bửa liên kết và đến khoảng 30% cường độ bám dính tổ hợp của vữa. Do đó, việc tuân thủ quy trình thi công để đảm bảo diện tích tiếp xúc giữa vữa và viên xây là rất cần thiết.

Một phần của tài liệu LUẬN ÁN TIẾN SĨ VẬT LIỆU XÂY DỰNG NGHIÊN CỨU CHẾ TẠO VÀ SỬ DỤNG VỮA MẠCH MỎNG CHO KHỐI XÂY BÊ TÔNG KHÍ CHƯNG ÁP (Trang 89)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(135 trang)