III. CƠ CHẾ PHÁT TRIỂN SẠCH (CDM)
c. Triển vọng thực hiện CDM trong ngành lâm nghiệp
Rừng đóng vai trò quan trọng trong chống lại biến đổi khí hậu do ảnh hưởng của nó đến chu trình cácbon toàn cầu. Tổng lượng hấp thụ dự trữ cácbon của rừng trên toàn thế giới, trong đất và thảm thực vật là khoảng 830 PgC, trong đó cácbon trong đất lớn hơn 1.5 lần cácbon dự trữ trong thảm thực vật (Brown, 1997). Đối với rừng nhiệt đới, có tới 50% lượng cácbon dự trữ trong thảm thực vật và 50% dự trữ trong đất (Dixon et al., 1994; Brown, 1997; IPCC, 2000; Pregitzer and Euskirchen, 2004).
Rừng trao đổi cácbon với môi trường không khí thông qua quá trình quang hợp và hô hấp. Rừng ảnh hưởng đến lượng khí nhà kính theo 4 con đường (IPCC, 2000):
• Cacbon dự trữ trong sinh khối
• Cacbon dự trữ trong đất
• Cacbon trong các sản phẩm gỗ
• Cacbon dự trữ trong chất đốt sử dụng thay thế nguyên liệu hóa thạch Theo ước tính, hoạt động trồng rừng và tái trồng rừng trên thế giới có tỷ lệ hấp thụ CO2 ở sinh khối trên mặt đất và dưới mặt đất là 0.4-1.2 tấn ha/năm ở
nhiệt đới (Dixon et al., 1994; IPCC, 2000). Brown et al. (1996) đã ước lượng, tổng lượng cacbon mà hoạt động trồng rừng trên thế giới có thể hấp thụ tối đa trong vòng 55 năm (1995 – 2050) là vào khoảng 60-87 GtC, với 70% ở rừng nhiệt đới, 25% ở rừng ôn đới và 5% ở rừng cực bắc (Cairns et al., 1997). Tính tổng lại, rừng, trồng rừng có thể hấp thụ được 11-15% tổng lượng CO2 phát thải từ nguyên liệu hóa thạch trong thời gian tương đương (Brown, 1997).
Hơn thế nữa, các công nghệ năng lượng mới sử dụng nguyên liệu sinh khối thay thế nhiên liệu hóa thạch để cung cấp điện, gas, nhiên liệu vận tải, và việc sử dụng hiệu quả hơn các nguồn chất đốt truyền thống (củi) sẽ mang đến những lợi ích cả về môi trường và kinh tế - xã hội (IPCC, 2000). Zech et al. (1989) ước lượng rằng diện tích trồng rừng cần thiết để hấp thụ CO2 mà còn thừa ra và thải vào không khí hàng năm là 800 triệu hecta, và để thay thế nhiên liệu hóa thạch cần diện tích rừng tương ứng là 1300-2000 triệu hecta (Pancel, 1993).
Việt Nam có hơn 19 triệu ha đất – gần 2/3 diện tích là đất đồi núi chủ yếu phù hợp với sản xuất lâm nghiệp. Trước đây diện tích rừng bao phủ chiếm tới 43% tổng diện tích tự nhiên của cả nước, do ảnh hưởng của chiến tranh cùng với sức ép phát triển kinh tế, dân số tăng khiến cho nạn khai thác, chặt phá rừng diễn ra nghiêm trọng trong trong những thập kỷ ở nửa cuối thế kỷ 20. Diện tích rừng bị giảm xuống chỉ còn dưới 30% diện tích bao phủ vào cuối những năm 80 đầu những năm 90 thế kỷ trước (Đẳng, 2001). Điều này đồng nghĩa với rất nhiều đất trống, đồi núi trọc cần được phục hồi rừng nhằm đáp ứng được không những nhu cầu về kinh tế của xã hội mà còn các yêu cầu thiết yếu về bảo vệ môi sinh, môi trường, phòng chống thiên tai…
Chính phủ Việt Nam cùng với sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế đã tiến hành nhiều chương trình, dự án trồng, phục hồi, bảo tồn rừng quy mô. Kết quả những chương trình này rất đáng khích lệ như đã tăng độ che phủ rừng lên khoảng 36% năm 2004. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, nhiều diện tích đất trống đồi núi trọc, đặc biệt đất đã bị suy thái tính chất trầm trọng chưa được trồng lại rừng thậm chí trong tương lai gần. Trong số này, khoảng 2 triệu ha đất trống, đồi núi trọc do bị ảnh hưởng bởi chất diệt cỏ sử dụng trong chiến tranh, khiến đất này bị thoái hóa tính chất, khả năng phục hồi chậm,
rất phù hợp cho các dự án trồng mới rừng và tái trồng rừng để tham gia cơ chế phát triển sạch (CDM).