Về nguyên liệu tạo lõi khí:
Theo nhiều nghiên cứu trên thế giới [22], PFC là nguyên liệu bào chế vi bọt phổ biến nhất và tốt nhất nhờ vào tính tan trong nước thấp và áp suất hơi cao. Các khí này giúp vi bọt đạt được sự ổn định cần thiết khi làm tác nhân siêu âm tương phản.
Trong khoá luận này, do hạn chế về điều kiện nghiên cứu, chúng tôi đã sử dụng khí nitơ do khí này cũng có độ tan trong nước thấp giúp giảm sự thoát khí ra ngoài qua đó ổn định vi bọt. Ngoài ra nitơ còn là nguyên liệu rẻ tiền, dễ kiếm, an toàn và không gây ô nhiễm môi trường.
Về nguyên liệu tạo vỏ:
Các dịch tạo bọt kết hợp nhiều thành phần tạo vi bọt tốt hơn nhiều so với dịch tạo bọt một thành phần do chúng tạo vỏ bằng các cơ chế khác nhau. Các polyme khi tạo vỏ chúng sẽ liên kết với nhau bằng liên kết ngang hoặc liên kết chéo vì thế vỏ polyme tương đối dày và có khả năng đàn hồi tốt hơn vỏ khác. Các chất diện hoạt có khả năng hấp phụ trên bề mặt phân cách pha làm thay đổi bản chất phân cực của lớp bề mặt và giảm năng lượng bề mặt giữa hai pha. Kết hợp các chất diện hoạt với nhau có tác dụng hiệp đồng giảm sức căng bề mặt qua đó giảm ảnh hưởng của áp suất Laplace (một nguyên nhân gây vỡ vi bọt). Như vậy, việc kết hợp nhiều thành phần sẽ tạo một lớp vỏ được liên kết chặt chẽ hơn do kết hợp các cơ chế tạo vỏ khác nhau, các thành phần được xếp xen kẽ lẫn nhau để tạo ra lớp vỏ sít hơn làm giảm sự trao đổi khí qua vỏ.
Qua khảo sát các công thức, chúng tôi nhận thấy công thức gồm các thành phần cremophor A25, poloxamer 188 và GMS tạo vi bọt tốt nhất.