Phát triển ngành tài chính phi ngân hàng

Một phần của tài liệu Vai trò của lĩnh vực dịch vụ tài chính đối với quá trình hội nhập khu vực của Vương Quốc Campuchia (Trang 26)

i). Phát triển ngành bảo hiểm

Tài chính vi mô tại Campuchia cho đến nay mới được phát triển trong phạm vi tín dụng nhỏ và tiết kiệm, do vậy cần phải đa dạng hóa hoạt động bằng cách tiếp cận các lĩnh vực khác như bảo hiểm và các dịch vụ tài chính khác trong tương lai.

ii). Vai trò của cơ quan quản lý nhà nước

Thực tế cho thấy, ngành bảo hiểm của Campuchia kém phát triển không phải do Chính phủ không coi trọng và đánh giá thấp vai trò của ngành này, mà xuất phát từ các quyết định của từng cá nhân, của các doanh nghiệp đối với công ty bảo hiểm trong nước. Hoặc công chúng và cả các doanh nghiệp không nhận thức được những lợi ích mà bảo hiểm mang lại cho họ trong việc quản lý, bồi thường thiệt hại. Nhận thức không đúng này sẽ dẫn đến một thực tế là hoạt động của một công ty bảo hiểm sẽ không thành công nếu cá nhân,

doanh nghiệp - người mua bảo hiểm chính - không nhận thức được về các dịch vụ mà công ty bảo hiểm cung cấp cho họ. Họ không tin tưởng vào việc kinh doanh và quản lý tài chính của các công ty đó.

iii). Xây dựng lòng tin của khách hàng đối với ngành bảo hiểm

Một trong những nguyên nhân cơ bản hạn chế của lĩnh vực bảo hiểm tại Campuchia chính là sự hiểu biết của công chúng, các doanh nghiệp còn quá thấp. Hơn nữa, bản thân công ty bảo hiểm chưa tạo được lòng tin đối với xã hội. Tăng cường sự hiểu biết về bảo hiểm đối với đối tượng khách hàng, cũng là một biện pháp thu hút sự quan tâm của khách hàng đối với ngành bảo hiểm, nhằm thúc đẩy phát triển lĩnh vực tài chính nói chung và ngành bảo hiểm nói riêng

iv). Bảo vệ lợi ích của khách hàng mua bảo hiểm

Đây là một chiến lược thu hút khách hàng khác tham gia vào dịch vụ bảo hiểm, nhằm mở rộng phạm vi và quy mô hoạt động. Khách hàng là một trong những yếu tố quan trọng trong việc đánh giá sự phát triển thị trường. Nếu không có khách hàng ủng hộ việc sử dụng dịch vụ bảo hiểm, thì dịch vụ này đương nhiên sẽ không thể hoạt động, vì chỉ có cung nhưng không có cầu. Như vậy, cần có chính sách bảo vệ lợi ích của khách hàng.

v). Phát triển dịch vụ Bảo hiểm vi mô (Micro-insurance)

Đối với một nước đa số là người nghèo như Campuchia, cần phát triển dịch vụ bảo hiểm vi mô, để làm cho ngành bảo hiểm có điều kiện mở rộng phạm vi hoạt động và đối tượng phục vụ. Hơn nữa, dịch vụ bảo hiểm vi mô có thể đóng góp cho sự phát triển ngành tài chính vi mô của Campuchia.

vi). Đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực bảo hiểm

Hiện nay, ở Campuchia chưa có cơ sở đào tạo chuyên ngành về lĩnh vực bảo hiểm. Xây dựng năng lực là một yếu tố cần thiết cho nhân viên của các công ty bảo hiểm tư nhân, cũng như các nhân viên giám sát của cơ quan nhà nước. Ngành bảo hiểm của Campuchia đang cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ sau thời gian hội nhập với khu vực và thế giới, đặc biệt là sau khi gia nhập WTO. Trong bối cảnh đó, nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực, thông qua việc thành lập một Viện đào tạo chuyên môn về bảo hiểm là hết sức cần thiết.

vii). Hợp tác khu vực trong lĩnh vực bảo hiểm

Hợp tác với các quốc gia cũng như các tổ chức có tiềm năng về bảo hiểm, để làm cho ngành này của Campuchia đạt tiêu chuẩn quốc tế là một yêu cầu cấp bách. Dịch vụ bảo hiểm của Campuchia vẫn còn hạn chế so với các quốc gia trong khu vực như Sigapore, Malaysia,... Với tư cách là một quốc gia thành viên ASEAN và WTO, Campuchia có thể yêu cầu các quốc gia đã thành công chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ kỹ thuật cho mình. Đồng thời, Campuchia phải đưa cán bộ đi đào tạo ngắn hạn và dài hạn ở nước có kinh nghiệm thành công trong lĩnh vực này.

viii). Phát triển thị trường chứng khóan

Để đảm bảo tính ổn định và kết quả tốt đối với thị trường chứng khoản, Campuchia cần thực hiện một số biện pháp như sau:

Thứ nhất, xây dựng một hệ thống quy phạm pháp luật đẩy đủ và chặt chẽ liên quan đến ngành chứng khoán.

Thứ hai, nguồn nhân lực luôn luôn là một yếu tố quan trọng đối với mọi lĩnh vực bao gồm cả lĩnh vực chứng khoán.

Thứ ba, cần quy định rõ ràng về giới hạn quyền sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài. Nếu không có những quy định chặt chẽ, các nhà đầu tư trong nước sẽ thiệt thòi trong cạnh tranh với các nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ tư, nâng cao khả năng quản lý rủi ro và bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư.

KẾT LUẬN

Dịch vụ nói chung đang làm khu vực kinh tế phát triển với tốc độ cao chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu của nền kinh tế thế giới. Xu thế này cũng đúng với nền kinh tế Campuchia. Mặc dù là một nền kinh tế chậm phát triển nhưng năm 2010 dịch vụ chiếm tới 45,2% GDP, trong khi đó tỷ trọng của nông nghiệp là 33,4% và công nghiệp là 21,4%. Số liệu thống kê cho thấy vai trò quan trọng của khu vực dịch vụ đối với kinh tế quốc dân Campuchia. Không chỉ có vậy, sự phát triển của nền kinh tế hiện nay Campuchia phụ thuộc rất lớn vào nguồn tài chính thông qua các khoản vay mượn từ nhiều đối tác, các tổ chức quốc tế và các nhà đầu tư nuớc ngoài.

Với tính chất tác động của dịch vụ đặc biệt dịch vụ tài chính, tác giả đi đến một số kết luận sau đây:

1. Cơ sở pháp lý của lĩnh vực dịch tài chính đã bước đầu được hình thành, củng cố và phát triển làm cơ sở cho việc thu hút thêm nguồn vốn từ bên ngoài đối với sự phát triển kinh tế.

2. Lĩnh vực dịch vụ tài chính của Campuchia đã có những thay đổi căn bản cả về luợng và chất: số lựợng các tổ chức trung gian tài chính Campuchia cũng như của nước ngoài ngày càng tăng, quy mô hoạt động của các tổ chức này ngày càng được mở rộng, đa dạng về hình thức kinh doanh.

3. Dịch vụ tài chính giúp Campuchia thu hút được nguồn vốn lớn cả nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và đầu tư gián tiếp thông qua nguồn viện trợ ODA. Nguồn dịch vụ tài chính này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế: góp phần đáng kể làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, cải thiện điều kiện sống của người dân.

4. Các tổ chức trung gian tài chính đang hoạt động tại thị trường Campuchia thông qua nhiều hình thức khác nhau đã gắn kết nền kinh tế Campuchia với kinh tế khu vực tạo sự đan xen về lợi ích, sự phụ thuộc lẫn nhau giữa Campuchia với các đối tác nước ngoài.

5. Sự phát triển của lĩnh vực dịch vụ tài chính tác động trực tiếp và gián tiếp đối với quá trình hội nhập. Tác động trực tiếp đó là mối quan hệ giữa các hoạt động kinh tế trong nước với kinh tế khu vực thông qua quan hệ vay mượn, thanh toán xuất nhập khẩu, đầu tư và chuyển lợi nhuận của các doanh nghiệp. Các quan hệ kinh tế giữa trong và ngoài nước không thể thực hiện được nếu không có sự cải thiện về quan hệ chính trị giữa Campuchia với phần còn lại của thế giới. Tác động gián tiếp đó là chính Campuchia cần phải thay đổi các quy định không chỉ trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, mà trong các lĩnh vực phi tài chính nhằm hài hòa hóa, tương thích nội luật với thông lệ và các quy dịnh quốc tế.

6. Tác động qua lại của các vấn đề kinh tế và chính trị không thể tách rời nhau, bởi vì thiếu sự hội nhập về chính trị, không thể nói đến hội

nhập kinh tế, ngược lại hội nhập kinh tế tạo ra sự ràng buộc về lợi ích làm cho mỗi quốc gia phải linh hoạt, mềm dẻo trong các mối quan hệ chính trị.

7. Dịch vụ tài chính thúc đẩy Campuchia hội nhập khu vực cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Chiều rộng được thể hiện trong mối quan hệ với nhiều đối tác khác nhau, không chỉ có các tổ chức tài chính của một nước tham gia kinh doanh tại Campuchia mà của nhiều nước, nhiều khu vực khác nhau. Chiều sâu của quá trình hội nhập dưới tác động của dịch vụ tài chính đó là sự tham gia của các tổ chức trung gian tài chính vào các hoạt động kinh doanh, điều hành trực tiếp cơ sở đầu tư (ví dụ đầu tư trực tiếp FDI), cấp tín dụng cho các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, tham gia vào thị trường chứng khoán, thị trường ngân hàng, tiền tệ và tài chính. Nói một cách khác không có sự phân biệt giữa các trung gian tài chính trong nước và nước ngoài trong hoạt động kinh doanh tại Campuchia.

8. Thị trường tài chính hết sức nhạy cảm, do tính động, mức độ liên kết cao với tình hình tài chính khu vực và thế giới, vì vậy rất dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài, cả tích cực và tiêu cực. Thông qua các giao dịch phức tạp như thanh toán xuất nhập khẩu, chuyển và rút vốn, chuyển lợi nhuận về nước, mua bán các loại cổ phiếu trên thị trường vốn, mua bán, hoán đổi tiền tệ trên thị trường ngoại hối, sự đan xen về lợi ích giữa các doanh nghiệp, thực chất là mối quan hệ kinh tế giữa các quốc gia.

9. Việc xây dựng lòng tin của nhà đầu tư đối với thị trường tài chính cũng là một yêu cầu quan trọng để xây dựng một thị trường hoàn hảo, chất lượng tốt hoạt động ổn định và đạt hiệu quả cao như mong muốn. Campuchia đang cố gắng, để xây dựng lòng tin của các nhà đầu tư.

10. Do tính động, sự di chuyển hết sức nhanh chóng của nguồn vốn dưới tác động của công nghệ thông tin, thị trường tài chính thế giới hoạt động liên 24/24 giờ, vì vậy không thể tách rời thị trường tài chính trong nước với thị trường tài chính của các nước khu vực và thế giới. Campuchia cần nghiên cứu và xem xét học tập các kinh nghiệm quản lý hoạt động tài chính của các nước ASEAN, điều này rất bổ ích đối với các nhà đầu tư cũng như

chính phủ Campuchia.

11. Hợp tác trong lĩnh vực tài chính để phát triển kinh tế - xã hội cũng là một hình thức hợp tác quan trọng trong quan hệ quốc tế. Hợp tác sâu sắc, sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các bên. Nói cách khác, đó là sự đan xen về lợi ích, sẽ làm cho mối quan hệ với các nước trong khu vực ngày càng trở nên gắn bó chặt chẽ, tùy thuộc lẫn nhau. Campuchia cần tăng cường hợp tác, để khai thác sức mạnh bên ngoài, phát huy tối đa sức mạnh bên trong.

12. Dịch vụ tài chính có vai trò quan trọng trong việc đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội và làm cho Campuchia có tiếng nói nhiều hơn trên trường quốc tế, đồng thời là nhân tố thúc đẩy sự cam kết hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực, cũng như thúc đẩy quá trình hội nhập khu vực của Vương quốc Campuchia./.

Một phần của tài liệu Vai trò của lĩnh vực dịch vụ tài chính đối với quá trình hội nhập khu vực của Vương Quốc Campuchia (Trang 26)