Những khó khăn chính trong việc tổ chức hoạt động KTNB

Một phần của tài liệu Kiểm toán nội bộ và sự phối hợp giữa kiểm toán viên nội bộ với kiểm toán viên bên ngoài.DOC (Trang 27 - 33)

Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

2.3. Những khó khăn chính trong việc tổ chức hoạt động KTNB

Về mặt pháp lý

Tại Việt Nam, khái niệm KTNB mới chính thức xuất hiện kể từ khi Chính phủ ban hành nghị định số 59/1996/ND-CP ngày 03 tháng 10 năm 1996 về “Quy chế quản lí tài chính và hạch toán kinh doanh đối với các DNNN”. Theo đó các báo cáo tài chính của các DNNN buộc phải được kiểm toán bởi kiểm toán viên độc lập hoặc kiểm toán viên nội bộ. Trên cơ sở nghị định 59/ CP này, Bộ tài chính đã ban hành quyết định số 832/TC/QĐ/CĐKT ngày 28 tháng 10 năm 1997 và thông tư số 52/1998/TT-BTC ngày 16 tháng 04 năm 1998 nhằm đưa ra những quy chế về KTNB và tổ chức thực hiện công việc thiết lập bộ máy KTNB trong các DNNN.Với các quyết định và thông tư này, việc tổ chức bộ máy KTNB là một yêu cầu bắt buộc. Xét về khía cạnh pháp lý thì mọi DNNN phải lập bộ phận KTNB và nó có thể thay thế cho kiểm toán độc lập, tuy nhiên KTNB phụ thuộc rất lớn vào người lãnh đạo cao nhất trong doanh nghiệp nên tính độc lập của KTNB chưa cao và kém hiệu quả. Mặt khác bộ phận KTNB tuy độc lập vơí các bộ phận khác trong doanh nghiệp nhưng vẫn là một bộ phận trong doanh nghiệp nên không thể hoàn toàn độc lập với doanh nghiệp. Vì vậy báo cáo KTNB được doanh nghiệp rất tin tưởng nhưng ít có giá trị pháp lý. Chính điều này đã làm cho các doanh nghiệp không tích cực trong việc bộ phận KTNB trong doanh nghiệp mình vì phải bỏ ra chi phí thành lập mà hiệu quả lại chưa cao, chưa tạo được niềm tin cho những người sử dụng thông tin về báo cáo tài chính do KTNB thực hiện kiểm toán.

Đồng thời trong quá trình thực hiện NĐ 59/CP và QĐ số 832/TC/QĐ/CĐKT (28/10/1997) và thông tư số 52/1998/TT-BTC (16/4/1998) đã nảy sinh vướng mắc

rằng có những DN với quy mô hoạt động nhỏ, lĩnh vực hoạt đông đặc thù và đội ngũ kế toán viên đủ mạnh mà không nhất thiết phải thiết lập bộ máy KTNB. Đối với các doanh nghiệp có qui mô nhỏ, lãnh đạo doanh nghiệp có thể kiểm tra chặt chẽ mọi hoạt động thì viêc thành lập một bộ phận KTNB này là quá thừa, hoàn toàn không cần thiết và hạn chế khi thành lập là không có cán bộ làm công tác này. Như đã nói, việc thành lập bộ phận KTNB là nhu cầu tự thân của doanh nghiệp, nhiều trường hợp lợi ích từ việc thiết lập bộ máy KTNB nhỏ hơn so với chi phí bỏ ra nên sự bắt buộc đối với toàn bộ các DNNN phải có bộ phân KTNB là điều không hợp lí. Chính vì thế, Bộ tài chính tiếp tục ra thông tư số 171/1998/TT-BTC (22/12/1998) nhằm thay thế thông tư số 52/1998/TT-BTC. Theo đó, việc tổ chức bộ máy KTNB là không bắt buộc đối với các DNNN mà phải tuỳ theo qui mô sản xuất kinh doanh, địa bàn hoạt động, trình độ của đội ngũ cán bộ kế toán... mà tổ chức cho phù hợp hoặc không cần tổ chức bộ máy KTNB. Các DNNN đã tổ chức bộ máy KTNB theo qui định tại thông tư số 52/1998/TT-BTC thì tuỳ theo tình hình cụ thể của doanh nghiệp có thể tiếp tục duy trì và hoạt động hoặc tổ chức lại theo quy định ở thông tư này.

Như vậy, một hệ thống chính sách chưa hoàn thiện, triệt để lại hay thay đổi khiến cho các DNNN lúng túng trong việc thành lập bộ phận KTNB, các doanh nghiệp đang thực hiện theo chính sách này thì lại chuyển đổi theo chính sách khác gây lãng phí tiền của, công sức và thời gian. Đồng thời do tính chất chưa ổn định của hệ thống pháp lí làm cho các DNNN chần chừ trong việc thành lập bộ phận KTNB mà vẫn còn đợi tính hoàn thiện của hệ thống này, thấy rõ hơn tính thiệt hơn khi thành lập bộ phận KTNB so với việc thuê kiểm toán nhà nước hay kiểm toán độc lập. Đây cũng là những lí do làm cho tiến trình thành lập KTNB trong các DNNN ở nước ta còn chậm và chưa hiệu quả.

Mặt khác, tại điều 6, mục 2, quyết định 832/TC/QĐ/CĐKT đã nêu rõ: “Bộ phận KTNB được tổ chức độc lập với các bộ phận quản lý và điều hành kinh

doanh trong doanh nghiệp (cả phòng kế toán - tài chính), chịu sự chỉ đạo và lãnh đạo trực tiếp của (Tổng) giám đốc DN”. Đây là một quy định hoàn toàn đúng với nguyên tắc và thông lệ chung về tổ chức bộ máy KTNB. Tuy vậy đến thông tư 171/1998/TT-BTC ở điểm 3 lại có sự “nới lỏng” như sau: “tuỳ thuộc vào qui mô sản xuất kinh doanh, địa bàn hoạt động tập trung hay phân tán, điều kiện cụ thể của trình độ năng lực đội ngũ kế toán, doanh nghiệp có thể chọn lựa hình thức tổ chức bộ máy KTNB cho phù hợp và có hiệu quả thiết thực. Việc tổ chức bộ máy KTNB không bắt buộc đối với các doanh nghiệp. Vậy đối với các doanh nghiệp tổ chức bộ máy KTNB thì tổng giám đốc doanh nghiệp lựa chọn và ra quyết định hình thức tổ chức bộ máy cho phù hợp”. Theo sự nới lỏng này, nhiều đơn vị đã sát nhập trở lại bộ phận KTNB vào bộ máy kế toán, từ đó làm mất đi nguyên tắc tối quan trọng của tổ chức bộ máy KTNB là “độc lập với các bộ phận còn lại và chỉ phụ thuộc vào người lãnh đạo cao nhất của đơn vị”. Chính điều này đã làm mất đi tính hiệu quả trong công việc của KTNB do phụ thuộc vào bộ phận kế toán, tao ra cái nhìn thiếu tin tưởng vào hiệu quả hoạt động của KTNB ở các doanh nghiệp chưa thành lập bộ phận KTNB, làm cho các doanh nghiệp này chưa thực sự muốn hình thành bộ phận KTNB trong doanh nghiệp mình.

Đó là những nguyên nhân chủ yếu của hệ thống chính sách pháp lý ảnh hưởng đến sự hình thành bộ phận KTNB trong các DNNN ở Việt Nam hiện nay.

• Về mặt cán bộ và quy mô của bộ phận KTNB trong DNNN ở nước ta hiện nay

Trước hết, xét về mặt tiêu chuẩn KTV nội bộ: Do KTV nội bộ là người kiểm toán các hoạt động của doanh nghiệp cả về tài chính và kiểm toán hoạt động cho nên đòi hỏi về mạt đạo đức, KTV nội bộ phải là người thẳng thắn, trung thực, công minh, nhiệt tình với công việc, có tác phong làm việc thận trọng, có uy tín trong doanh nghiệp, được lãnh đạo và quần chúng tin tưởng. Về trình độ chuyên môn, KTV nội bộ phải là những chuyên gia có trình độ nghề nghiệp vững vàng. Trước

hết, đó là những người có trình độ kế toán thành thạo, có thể là những cán bộ đã tốt nghiệp đại học kế toán hoặc đại học ngành kế toán, ngân hàng, tài chính nhưng đã làm nghiệp vụ kế toán ít nhất 5 năm hoặc đã qua chức vụ kế toán trưởng đơn vị. Nói chung về mặt nghiệp vụ, KTV nội bộ ít nhất phải tương đương kế toán trưởng một đơn vị. Tuy nhiên trên thực tế, cán bộ về kiểm toán ở nước ta chưa có nhiều nên nhu cầu về KTV là rất lớn và vẫn đang khan hiếm. Việc lập bộ phận KTNB lại phải hội đủ các tiêu chuẩn ở trên. Do vậy, hiện nay một số DNNN có quy mô nhỏ rất khó khăn khi thành lập KTNB vì không có nhân sự theo tiêu chuẩn, nhất là chọn trưởng phòng (trưởng ban) KTNB. Điều này dẫn đến hiện tượng điều động, luân chuyển cán bộ không hợp lý. Rất nhiều kế toán viên vừa là người của bộ phận KTNB, vừa kiêm nhiệm cả công tác kế toán. Đây là vấn đề trái với nguyên tắc “bất kiêm nhiệm” trong quy chế KTNB. Hơn thế nữa, khi thành lập bộ phận KTNB thường làm phát sinh tăng biên chế, chi phí, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt đông sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Vì thế, việc hình thành KTNB ở các doanh nghiệp nhỏ là rất khó và không mấy hiệu quả.

Trong điểm 4, thông tư 171/1998/TT-BTC lại bổ sung thêm tiêu chuẩn của KTV: “trường hợp KTV nội bộ chưa có bằng đại học chuyên ngành kế toán, tài chính hoặc quản trị kinh doanh thì tối thiểu phải có trình độ từ trung cấp chuyên ngành kinh tế tài chính hoặc quản trị kinh doanh, đã công tác thực tế trong lĩnh vực quản lý tài chính kế toán ít nhất 5 năm, đã làm việc tại doanh nghiệp 3 năm trở lên nhưng không thấp hơn trình độ nghiệp vụ chuyên môn của kế toán trưởng doanh nghiệp đó”. Trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, quy định tiêu chuẩn KTV nội bộ như vậy là chưa thật hợp lý. Bộ máy đào tạo của các doanh nghiệp chưa phát triển nên hệ thống đào tạo ở các trường đại học phải mang tính chuyên sâu mới có thể đồng nhất trình độ nghiệp vụ của các cử nhân quản trị kinh doanh với cử nhân kế toán, kiểm toán. Quy định này đối với KTV nội bộ có phần quá cao, có thể chỉ phù hợp đối với kiểm toán trưởng đơn vị. Hơn nữa, trình độ chuyên

môn nghiệp vụ của kế toán và kiểm toán có phần gần gũi nhưng không hoàn toàn “đồng chất” và thuộc các chức danh công tác khác nhau nên rất khó so sánh. Bộ máy KTNB do đơn vị tự quyết định (được nêu ở điểm 3 của thông tư này) và tiêu chuẩn KTV nội bộ là “đã qua huấn luyện về nghiệp vụ kế toán, kiểm tra nội bộ theo nội dung chương trình thống nhất của Bộ tài chính và được cấp chứng chỉ” (điều 12 mục 4 quyết định 832/TC/QĐ/CĐKT) nên qui định này thiếu sự nhất quán và cũng không hoàn toàn cần thiết.

Như vậy ngay trong bản thân các chế định pháp lý đã có những điểm không phù hợp như vậy nên việc thành lập KTNB gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề nhân sự.

Một nguyên nhân chính nữa dẫn đến sự khó khăn và chậm chạp trong việc hình thành KTNB ở các DNNN nước ta hiện nay là đại đa số các DNNN có quy mô nhỏ và trung bình. Như đã nói ở trên, việc thành lập bộ phận KTNB trong các doanh nghiệp có quy mô nhỏ là hết sức khó khăn, chỉ có các doanh nghiệp quy mô lớn, các Tổng công ty mới có nhiều điều kiện để thành lập bộ phận KTNB mà số này lại rất ít.

Với những khó khăn như vậy, hiện nay bộ phận KTNB trong các DNNN ở Việt Nam còn rất ít, tập trung chủ yếu vào các doanh nghiệp có quy mô lớn, các Tổng công ty. Quá trình hình thành nói chung còn gặp phải rất nhiều trở ngại.

• Khó khăn về phương tiện vật chất, kĩ thuật

Hiện nay do giới hạn về mặt phương tiện kĩ thuật ở nước ta, do chưa có điều kiện cơ sở, vật chất để áp dụng các thành tựu của khoa học kĩ thuật vào công việc nên với một khối lượng công việc kiểm toán rất lớn. Như vậy, trong một doanh nghiệp đòi hỏi phải có KTV nội bộ, để duy trì bộ phận KTNB phẩi tốn nhiều thời gian, công sức, tiền của mà hiệu quả kiểm toán lại không cao. Hoặc nếu các DNNN nào có đủ các điều kiện để áp dụng các phương tiện thiết bị khoa học kĩ

thuật vào công việc thì lại bị giới hạn về trình độ sử dụng, không phát huy được tối đa các tính năng của công cụ hiện đại, gây lãng phí giá trị sử dụng của máy móc. Đây là hai mặt của một vấn đề cần phải giải quyết để phát huy tính hiệu quả, hữu ích của KTNB. Song không phải muốn giải quyết là làm được ngay một sớm một chiều mà cần phải có thời gian, vật chất và một chiến lược phát triển ở tầm vĩ mô.

Trên đây là một số khó khăn và nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng chậm chạp, kém hiệu quả của quá trình hình thành KTNB trong các DNNN ở Việt Nam hiện nay. Nhận thức đươc khó khăn là để tìm ra giải pháp khắc phục, đó mới chính là mục tiêu, gốc rễ của mọi vấn đề.

CHƯƠNG III

Một phần của tài liệu Kiểm toán nội bộ và sự phối hợp giữa kiểm toán viên nội bộ với kiểm toán viên bên ngoài.DOC (Trang 27 - 33)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(43 trang)
w