Tạo nguồn ngoại tệ quan trọng phục vụ CNH-HĐH đất nước. Cùng với nhiều ngành công nghiệp khác, ngành dệt may đã có những đóng góp quan trọng vào xuất khẩu, tăng nguồn thu ngoại tệ cho đất nước. Từ năm 1994, ngành dệt may đã vươn lên hàng thứ 2 trong mười mặt hàng xuất khẩu có giá trị lớn của đất nước, trong đó, phần đóng góp chủ yếu là từ gia công xuất khẩu hàng may mặc ( Chiếm khoảng 80% kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may) và từ đó đến nay vẫn luôn giữ vững ở vị trí này.
Thu hút lao động xã hội, góp phần giải quyết tình trạng thất nghiệp và tạo sự ổn định chính trị xã hội. Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn ngành dệt may Việt Nam hiện thu hút một lực lượng lao động khoảng 1,6 triệu người, trong đó trên 80% là hoạt động trong lĩnh vực may mặc, mà chủ yếu là gia công xuất khẩu. Lao động của ngành may không còn chỉ có ở những thành phố lớn, có truyền thống về nghề may mà đang phát triển ở hầu khắp các
tỉnh đồng bằng và trung du trong toàn quốc, với nhiều loại hình tổ chức khác nhau như doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, hợp tác xã…
Góp phần tăng cường mỗi liên hệ sản xuất giữa các ngành. Nhờ phát triển gia công xuất khẩu hàng may mặc mà một loạt các ngành nghề liên quan đã có điều kiện để phát triển, tiêu biểu là hai ngành cơ khí và sản xuất các loại phụ liệu. Đối với ngành cơ khí, nhiều thiết bị lẻ trong dây chuyền may đã được các doanh nghiệp cơ khí trong nước chế tạo như máy cắt vòng, máy cắt đẩy tay, thiết bị là hơi, các bộ gá lắp, chân bàn, mô tơ điện… Ở khâu sản xuất phụ liệu, nhiều cơ sở sản xuất đã được hình thành để sản xuất các loại phụ liệu được sử dụng nhiều cho gia công xuất khẩu hàng may mặc như chỉ may, mex, tấm bông lót áo, các loại khoá kéo, khuy cúc, nhãn mác… từng bước tạo tiền đề cho việc xuất khẩu theo hình thức FOB.
Thu hút đầu tư nước ngoài. Ngoài các hình thức đầu tư thông thường vào ngành dệt may, gia công xuất khẩu hàng may mặc còn tạo điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài dưới nhiều hình thức.
2.3.2.2: Những hạn chế cơ bản ảnh hưởng tới hiệu quả thực hiện gia côngxuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam:
Thứ nhất, khả năng tiếp cận thị trường nước ngoài còn hạn chế.
Theo phương thức gia công xuất khẩu, việc nắm nhu cầu của khách hàng và tổ chức tiêu thụ hàng hoá do tổ chức nước ngoài thực hiện, các doanh nghiệp Việt Nam hầu như không nắm được nhu cầu thực tế của thị trường. Đây là một bất lợi lớn của kinh doanh trong cơ chế thị trường.
Trong số các thị trường có hạn ngạch, EU được đánh giá là thị trường mà Việt Nam có nhiều lợi thế nhất. Mặc dầu Việt Nam đã có nhiều thành công khi xâm nhập thị trường này do số lượng hạn ngạch được hưởng ngày
càng tăng, mức chuyển đổi giữa các loại hàng lớn, gần đây lại được phép sử dụng hạn ngạch dư thừa của các nước ASEAN… nhưng vẫn còn một số hạn chế so với nhiều nước khác trong khu vực: Số lượng hạn ngạch được hưởng còn thấp so với nhiều nước ( chỉ bằng 5% của Trung Quốc và 10-12 % của các nước ASEAN); số mặt hàng bị hạn chế bằng hạn ngạch lớn hơn so với các nước khác. Từ 1/1/2005, khi chế độ hạn ngạch được bãi bỏ hoàn toàn giữa các nước là thành viên của WTO, thì Việt Nam vẫn phải chịu những hạn chế này. Thị trường Mỹ là một thị trường lớn, có sức hấp dẫn cao. Tuy nhiên, từ tháng 7/2003, chính phủ Mỹ đã đặt quota cho hàng dệt may Việt Nam, gây khó khăn lớn cho các doanh nghiệp.
Ở thị trường Nhật Bản, hàng dệt may của Việt Nam gần đây phải chịu sức ép cạnh tranh lớn từ Trung Quốc ( quốc gia chiếm đến 87% thị phần dệt may ở thị trường này trong năm 2002). Xuất khẩu của Việt Nam vào Nhật năm 2002 chỉ đạt 540 triệu USD, giảm 20% so với năm 2001.
Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam có quá ít thông tin về thị trường và các đối tác nước ngoài có quan hệ gia công. Mạng lưới thương vụ của Việt Nam chưa đáp ứng nhu cầu thông tin về thị trường cho các doanh nghiệp. Trong khi đó, do nguồn lực tài chính và khả năng cán bộ còn hạn chế, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam chưa đủ khả năng tham gia thường xuyên các cuộc hội chợ triển lãm quốc tế, hay thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, thiết lập văn phòng đại diện ở nước ngoài. Ngoài ra các doanh nghiệp cũng chưa biết cách khai thác thông tin về thị trường trên mạng Internet một cách có hiệu quả.
Thứ hai, nội lực và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn thấp kém.
Việt Nam vẫn được coi là nước có nguồn lao động thành thạo và giá rẻ hơn so với nhiều nước trong khu vực. Song lợi thế này, nếu tính toán chi tiết
thì không phải là lớn do giá gia công theo giờ thấp song năng suất lao động của công nhân Việt Nam chỉ bằng 2/3 của các nước khác trong khu vực. Do vậy, để bảo đảm tiến độ giao hàng đã cam kết, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam phải tăng ca, phải làm thêm giờ. Điều này đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc tổ chức sản xuất để đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Bộ luật lao động của Việt Nam quy định số giờ làm thêm của mỗi người lao động trong doanh nghiệp không được vượt quá 200 giờ/ năm. Nếu doanh nghiệp muốn làm thêm ngoài số giờ quy định này, phải có được sự thoả thuận của người lao động. Điều đó đã làm cho nhiều doanh nghiệp rất lúng túng khi phải thực hiện các đơn hàng gấp về thời gian.
Một thực tế đang diễn ra hiện nay trong ngành may là sự dịch chuyển lực lượng lao động giữa các doanh nghiệp cùng ngành và với các ngành khác do sự chênh lệch về điều kiện lao động và thu nhập của các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã phải tuyển lao động mới, chất lượng lao động không đồng đều ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, năng suất lao động và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Thậm chí nhiều doanh nghiệp còn không ký đuợc hợp đồng dài hạn với công nhân do công nhân không yên tâm sản xuất. Chính vì vậy, kỹ năng của lao động ngành may của Việt Nam thường không cao.
Trong ngành dệt may, ngành may được coi là ngành có tốc độ đổi mới máy móc, thiết bị và công nghệ nhanh, theo kịp với trình độ chung của các nước trong khu vực. Tuy nhiên, nhận định này chỉ đúng với các doanh nghiệp nhà nước thuộc Tổng công ty dệt may Việt Nam và một số ít doanh nghiệp nhà nước do địa phương quản lý. Các doanh nghiệp thuộc khu vực ngoài quốc doanh trong nước có quy mô nhỏ, tiềm lực kinh tế để đổi mới công nghệ rất hạn hẹp nên trình độ công nghệ thấp kém, hệ thống quản lý
chất lượng lạc hậu làm cho năng suất lao động và chất lượng sản phẩm không cao. Điều đó đã ảnh hưởng tới khả năng nhận gia công.
Trong việc thực hiện gia công xuất khẩu, hình thức liên kết sản xuất theo kiểu vệ tinh giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ đã xuất hiện, song còn chưa phổ biến, các doanh nghiệp thực hiện hợp đồng gia công một cách biệt lập. Không những chưa thiết lập quan hệ hợp tác hỗ trợ nhau, các doanh nghiệp trong nước còn cạnh tranh với nhau qua việc phá giá gia công để giành hợp đồng gia công của các đối tác nước ngoài.
Thứ ba, môi trường thể chế cho tổ chức hoạt động gia công còn bất cập.
Sự cứng nhắc trong việc cho phép các doanh nghiệp Việt Nam tiếp nhận mẫu hàng gửi theo đường hàng không mà đối tác nước ngoài đã điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu thị trường.
Độ ổn định trong các chính sách và các quy định cụ thể không cao, làm cho các doanh nghiệp khó ứng phó kịp thời với những thay đổi.
Việc thực thi các chính sách và quy định chung của nhà nước có sự không đồng nhất giữa các địa phương. Có trường hợp chính sách của nhà nước trung ương thông thoáng nhưng chính quyền địa phương lại điều chỉnh gây khó khăn cho doanh nghiệp. Điều này tạo nên sự không bình đẳng trong môi trường hoạt động của các doanh nghiệp và địa phương so với các doanh nghiệp ở các thành phố lớn và các trung tâm công nghiệp.
CHƯƠNG III:GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN PHƯƠNG THỨC XUẤT KHẨU CHO NGÀNH
MAY VIỆT NAM
3.1 Giải pháp cho các doanh nghiệp may nhận gia công xuất khẩu
Bên cạnh những thuận lợi vốn có, trong điều kiện phát triển mới, ngành may Việt Nam có thêm những cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn. Đó là việc chính phủ Việt Nam đã phê duyệt chiến lược phát triển hàng dệt may Việt Nam đến năm 2010 khẳng định vị trí trọng yếu của ngành dệt may Việt Nam trong quá trình CNH-HĐH đất nước và xác định rõ phương hướng phát triển và chú trọng đầu tư cho ngành bằng các nguồn lực; hiệp định thương mại Việt Mỹ có hiệu lực; thị trường mở rộng với nhiều điều kiện thuận lợi hơn trước … tuy nhiên ngành may Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức mới.
Sức cạnh tranh của hàng dệt may chưa cao cả về chất lượng và giá cả, trong khi đó loại hàng hoá này lại càng có sự thay đổi về mẫu mã. Nguồn lực nội bộ của doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế.
Nguyên phụ liệu của ngành dệt may hiện đang ở tình trạng phụ thuộc vào nước ngoài: Mỗi năm phải nhập 130.000 tấn bông và 100% tơ sợi tổng hợp.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới đang suy giảm, từ đó nhu cầu nhập khẩu hàng hoá trong đó có hàng dệt may của các nước công nghiệp phát triển giảm.
Trung Quốc chính thức trở thành thành viên của tổ chức thương mại thế giới. Đây là “ người khổng lồ” trong lĩnh vực dệt may và đã có mặt trên khắp các thị trường lớn.
Đặt trong điều kiện những cơ hội và thách thức trên, có thể khẳng định rằng trong những năm trước mắt, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam chưa thể từ bỏ xuất khẩu hàng may mặc bằng phương thức gia công để chuyển sang phương thức mua nguyên vật liệu xuất khẩu sản phẩm. Gia công xuất khẩu vẫn chiếm vị trí trọng yếu trong cơ cấu xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam. Vì vậy, để đảm bảo tính chủ động và tính hiệu quả của xuất khẩu bằng phương thức gia công, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần thiết phải có những đổi mới trong tổ chức quản lý.
Cụ thể, các doanh nghiệp này cần chú trọng đến các vấn đề sau:
Nâng cao chất lượng sản phẩm:
Các thị trường chính của Việt Nam đều là những thị trường đòi hỏi khắt khe về chất lượng, bởi vậy việc quan tâm bảo đảm chất lượng phải được đặt lên hàng đầu với các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu. Để đảm bảo chất lượng theo đúng yếu cầu khách hàng, cần chú ý tới những vấn đề chủ yếu sau:
- Tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu của đối tác nước ngoài, đặt gia công về chủng loại và chất lượng nguyên phụ liệu, quy trình công nghệ sản xuất, quy cách kỹ thuật, nhãn mác, bao bì đóng gói.
- Thực hiện tốt công tác kiểm tra chất lượng từng công đoạn trong quá trình sản xuất đến khâu thành phẩm cuối cùng.
- Nâng cao trình độ chuyên môn và ý thức trách nhiệm của người lao động trong quá trình sản xuất sản phẩm.
- Xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (ISO 9000, ISO 14000 và SA 8000) ở các doanh nghiệp dệt may xuất khấu.
Xác định hợp lý mức độ đa dạng hoá đối tác gia công trên thị trường
Trong quan hệ giữa các đối tác gia công, cả hai bên đặt hàng gia công và bên nhận gia công đều có mối quan hệ tương tác phụ thuộc lẫn nhau, nhưng trong đó bên nhận gia công thường phụ thuộc nhiều hơn. Sự phụ thuộc thể hiện ở chỗ bên nước ngoài quy định toàn bộ nhiệm vụ sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam từ chủng loại, sản lượng, chất lượng, thời gian giao hàng đến hệ thống định mức kinh tế- kỹ thuật sản phẩm. Việc làm, thu nhập và đời sống của người lao động cũng phụ thuộc vào nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đó là một thực tế mà các doanh nghiệp Việt Nam phải chấp nhận khi trình độ sản xuất và quản lý còn thấp kém.
Trong điều kiện đó, việc đa dạng hoá đối tác gia công và thị trường gia công mang lại những lợi ích nhất định cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam như: tăng tính chủ động cho doanh nghiệp may Việt Nam, giảm thiểu rủi ro khi đối tác nước ngoài cắt giảm hợp đồng, trong nhiều trường hợp, các doanh nghiệp không sử dụng hết công suất, việc đa dạng hóa các đối tượng
gia công nước ngoài cho phép công ty sử dụng đầy đủ hơn thiết bị máy móc hiện có và tăng thêm việc làm cho người lao động.
Tuy nhiên, việc mở rộng các đối tác gia công cũng gây nên những bất lợi cho doanh nghiệp. Đó là sự phức tạp trong quản lý, tổ chức sản xuất để đồng thời thực hiện tốt nhiều đơn hàng, sự phân tán manh mún của các đơn hàng làm giảm hiệu quả của sản xuất. Bởi vậy, vấn đề là giải quyết mối quan hệ giữa đa dạng hoá và tập trung hóa đối tác nước ngoài đặt gia công cho công việc. Nói chung, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam nên hướng tới ổn định hóa đối tác nước ngoài đặt gia công. Sự ổn định này tạo nên những thuận lợi trong đàm phán và thực hiện hợp đồng gia công, đồng thời giúp các doanh nghiệp Việt Nam tranh thủ sự trợ giúp về kỹ thuật và tài chính của đối tác nước ngoài để đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ kỹ thuật sản xuất và huấn luyện lao động.
Đầu tư đổi mới công nghệ
Bên cạnh sự phát triển theo chiều rộng ( xây dựng các doanh nghiệp mới thuộc các thành phần kinh tế hoặc các trung tâm công nghiệp dệt may). Việc phát triển theo chiều sâu phải được coi là hướng chủ đạo trong dệt may Việt Nam trong tương lai. Bởi lẽ, khi ưu thế về giá nhân công rẻ đang mất dần thì trình độ công nghệ cao là yếu tố cơ bản tạo nên sức hút với đối tác nước ngoài đặt gia công và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Định hướng chung cho đổi mới công nghệ của ngành may là: Trong khâu chuẩn bị sản xuất: Thiết kế trên máy vi tính, trang bị máy chải vải tự động và máy cắt theo chu trình, cắt bằng tia laser; trong khâu may ráp sản phẩm; trong khâu hoàn thiện sản phẩm; đầu tư các máy thùa khuyết, đính cúc tự động …
Để thực hiện có hiệu quả việc đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ trong ngành may, cần giải quyết các vấn đề trọng yếu như nâng cao chất lượng, lập và khẳng định dự án đầu tư, đa dạng hoá các nguồn vốn, nâng cao chất lượng công tác đào tạo lao động, đổi mới tổ chức quản lý sản xuất. Trong đổi mới tổ chức sản xuất, đặc biệt quan tâm đến công tác quản lý lao động. Các doanh nghiệp cần chú trọng đến đời sống của người lao động, tạo sự gắn bó của người lao động với doanh nghiệp, hạn chế tình trạng luôn chuyển lao động. Sử dụng các hình thức thích hợp để nâng cao trình độ chuyên môn cho người lao động, coi đó là cơ sở quan trọng hàng đầu để tăng năng suất