Khái niệm mở rộng hoạt động bảo lãnh ngân hàng

Một phần của tài liệu NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ HOẠT ĐỘNG BẢO LÃNH NGÂN HÀNG (Trang 30 - 31)

Mở rộng hoạt động bảo lãnh ngân hàng là việc tăng số lượng, đối tượng khách hàng được bảo lãnh và sự đa dạng hoá các hình thức bảo lãnh. Mục tiêu của việc mở rộng hoạt động bảo lãnh là tăng số lượng khách hàng, tăng số dư bảo lãnh, tăng thu nhập từ hoạt động bảo lãnh mà vẫn đảm bảo được chất lượng của các hợp đồng bảo lãnh.

Sự mở rộng khách hàng thể hiện qua việc tăng số lượng khách hàng và sự đa dạng trong đối tượng khách hàng. Trong điều kiện giữ hoặc tăng số dư bảo lãnh của từng khách hàng và đảm bảo chất lượng bảo lãnh, thì việc tăng số lượng khách hàng sẽ làm tăng tổng doanh thu và thu nhập từ bảo lãnh.

Mở rộng khách hàng còn thể hiện qua việc đa dạng hoá các nhóm khách hàng: khách hàng là các doanh nghiệp Nhà nước, các doanh nghiệp liên doanh, các doanh nghiệp vừa và nhỏ…

Mở rộng khách hàng bảo lãnh có liên hệ mật thiết đến sự phát triển của các dịch vụ ngân hàng khác như: cho vay, huy động vốn… vì khách hàng không chỉ có nhu cầu đối với một dịch vụ duy nhất của ngân hàng.

Sự đa dạng hoá các loại hình bảo lãnh thể hiện ở việc tăng số loại hình bảo lãnh được ngân hàng thực hiện để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.

Cùng với sự phát triển hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, trong xu thế hội nhập quốc tế, nhu cầu được bảo lãnh của khách hàng sẽ ngày càng trở nên đa dạng. Đa dạng hoá các loại hình bảo lãnh là một cách để ngân hàng ngày càng thoả mãn tốt hơn nhu cầu của khách hàng, thu hút thêm nhiều đối tượng và tăng số lượng khách hàng. Tuy nhiên, song song với việc đa dạng hoá các loại hình bảo lãnh là luôn luôn phải đảm bảo chất lượng các loại bảo lãnh, để mỗi sản phẩm vụ bảo lãnh của ngân hàng đều đến được với khách hàng và được khách hàng sử dụng.

Một phần của tài liệu NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ HOẠT ĐỘNG BẢO LÃNH NGÂN HÀNG (Trang 30 - 31)