Giá cả đắt đỏ, leo thang từng ngày trong khi đồng lương lại không tăng thêm. Người tiêu dùng chỉ còn các lựa chọn là cắt giảm chi tiêu. Từ người thu nhập trung bình, khá, cao đều có cách tiêu tiền phù hợp với thời lạm phát…
Người VN nổi tiếng thế giới về mức độ lạc quan ở bất cứ hoàn cảnh nào. Song, gần đây đã có 95% người tiêu dùng (NTD) thừa nhận lạm phát ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của họ, nhất là chỉ có 1/3 người lao động được tăng lương, trong khi giá cả của các loại hàng hóa đều tăng vọt, buộc 75% NTD phải thay đổi thói quen mua sắm theo túi tiền”. Đây là kết quả nghiên cứu mới nhất vừa được ông Ralf Matthaes, Giám đốc Điều hành Công ty Nghiên cứu thị trường Taylor Nelson Sofres VN, công bố tại buổi gặp gỡ các doanh nghiệp VN do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức ngày 25-8, tại TPHCM.
Theo nghiên cứu vừa nêu, nếu NTD ở Hà Nội vẫn trung thành với các thương hiệu quen thuộc khi chỉ có 8% chuyển sang sử dụng các nhãn hiệu rẻ tiền hơn thì ngược lại, 33% NTD ở Đà Nẵng và 32% NTD ở TPHCM đã chuyển sang dùng các nhãn hiệu rẻ tiền. Những người thu nhập thấp (dưới 3,5 triệu đồng/tháng) cũng mua sắm ít hơn 17,2% so với trước. Thực phẩm vẫn là ngành hàng được ưu tiên mua sắm với 75,5%, cao hơn cùng kỳ năm 2007 là 73,1%. Có 71% NTD cho rằng giá cả là yếu tố quan trọng nhất để quyết định mua sắm; 63% trả lời “Tôi chỉ mua những loại thực phẩm mà tôi đã biết giá”; 70% cho biết luôn so sánh giá cả giữa những nhãn hiệu của các sản phẩm cùng loại và 59% nói “Không chỉ quan tâm đến giá trọn gói mà phải biết giá trên từng ký”.
Câu chuyện:
“Cô ơi, bán cho cháu hai ngàn cơm. Hai ngàn, giờ cô không bán đâu. Thế thì bao nhiêu ạ?
Gạo thường bây giờ đã mười hai ngàn một ký rồi. Phải ba ngàn trở lên cô mới bán...
Vâng, cô cho cháu ba ngàn cơm, ba ngàn thịt rim.
Cháu mua năm ngàn đi. Ba ngàn, cô không biết bán thế nào. Thịt ba chỉ bây giờ đã năm chục ngàn một ký rồi...
Vâng, ba ngàn cơm, năm ngàn thịt, với hai ngàn đậu, năm trăm rau nữa cô nhá...”
Đó là những câu "phổ thông" nhất mà các bạn sẽ được nghe từ những quán cơm bụi có đông sinh viên. Trong cơn lạm phát phi mã này, có thể nói những sinh viên, học sinh nông thôn lên thành phố theo học là những người chịu khổ nhiều nhất. Đồng tiền bố mẹ cho có hạn, trong khi giá cả cứ vùn vụt chạy từng ngày. Đĩa cơm của họ ở quán cơm bụi cứ mỗi ngày một vơi đi trong khi tiền thì phải trả tăng lên.
Người tiêu dùng , nhất là người lao động làm công ăn lương, người nghèo, thu nhập thấp... đang đứng trước nhiều khó khăn trong "cơn bão giá"; bữa cơm gia đình, bữa ăn của người lao động trong các doanh nghiệp vì vậy cũng bị giảm sút chất lượng. Giải quyết bài toán khó này ngoài sự điều hành vĩ mô của Chính phủ còn cần sự cộng đồng trách nhiệm của các cấp, ngành, các chủ doanh nghiệp...