V. TÁC ĐỘNG ĐẾN QUAN HỆ VIỆT NAM EU.
2. Tác động của sự biến động đồng EURO đến với quan hệ Việt Nam-EU.
2.2. Tác động đến quan hệ đầu tư Việt Nam-EU.
Nếu Việt Nam sớm chính thức ủng hộ sự ra đời của đồng EURO, thuận lợi sẽ đến từ cả hai phía nhà đầu tư Việt Nam và EU. Từ khi có đồng EURO ra đời thì sự biến chuyển trong quan hệ đầu tư giữa Việt Nam và EU chưa nhiều nhưng cũng đã có những dấu hiệu khả quan.
Việc tính toán, xem xét mỗi dự án đầu tư cụ thể sẽ đơn giản hơn, dễ so sánh hơn vì tất cả các dự án đến từ các nước thuộc EU - 11 đều dùng chung một đồng tiền. Hơn nữa, đơn vị tiền tệ này ổn định tuy có những dấu hiệu giảm sút ban đầu nhưng nó sẽ tạo được lòng tin cho các nhà đầu tư qua nền kinh tế của các nước EU này.
Các nhà đầu tư EU đã có mặt trong nhóm các nước đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam. Hiện nay, có 11 nước EU tham gia đầu tư vào Việt Nam (trừ Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ailen và Hy Lạp). Tính đến ngày 11/05/2000 các nước EU đã có 322 dự án được cấp giấy phép với tổng số vốn đầu tư gần 5,4 tỷ USD chiếm 12,6% tổng FDI của nước ta. So với năm 1998 thì tổng vốn đầu tư của EU chỉ gần khoảng 4,5 tỷ USD với 197 dự án, năm 1997 tổng số vốn đầu tư của EU là gần 3 tỷ USD trong số 186 dự án.
Xem bảng 6 về các dự án của EU được cấp giấy phép tính đến tháng 12 năm 1998 và tính đến ngày 11/5/2000 sẽ rõ hơn.
Qua bảng 6 ta thấy: Trong thời gian qua đầu tư của EU vào Việt Nam tăng mạnh. Trong khi đồng EURO giảm giá thì theo lý thuyết đầu tư của EU vào Việt Nam phải giảm và đầu tư của Việt Nam sang EU sẽ tăng. Nhưng thực tế lại ngược lại đầu tư của EU vào Việt Nam lại tăng, có thể giải thích điều này là do:
- Môi trường đầu tư của Việt Nam thời gian gần đây trở nên hấp dẫn hơn, các thủ tục đã được cải thiện, Chính phủ Việt Nam có nhiều chính sách ưu đãi đối với các nhà đầu tư nước ngoài nhằm tăng cường thu hút FDI.
- Quan hệ kinh tế Việt Nam -EU ngày càng được củng cố hơn.
- Đặc trưng FDI của EU tại Việt Nam mang tính đặc thù: Họ đầu tư vào các ngành dầu khí, giao thông vận tải, ngân hàng, nông nghiệp là các ngành mà EU chiếm tỷ trọng đầu tư lớn trong tổng FDI của Việt Nam.
Do vậy, đồng EURO giảm giá trong thời gian qua ít tác đông tới quan hệ đầu tư Việt Nam -EU
Trong số các nước EU đầu tư vào Việt Nam thì Pháp, Anh, Hà Lan, Đức là những quốc gia lớn nhất. Cụ thể là Pháp có 104 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư gần 1,8 tỷ USD, tương ứng như vậy Anh có 29 dự án đầu tư với hơn 1 tỷ USD, Hà Lan có 36 dự án với 587 triệu USD và Đức có 29 dự án với 370 triệu USD.
Tổng số vốn đầu tư của các nước EU vào Việt Nam còn hiệu lực đăng ký là 4.831 triệu USD song chỉ mới thực hiện khoảng 1.906 triệu USD. Phần lớn các nước EU tham gia đầu tư vào các lĩnh vực dầu khí, giao thông vận tải, bưu điện, công nghiệp, khách sạn, nông nghiệp, tài chính, ngân hàng, tập trung chủ yếu ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai.
Hiện nay, hầu hết các dự án đều được tính toán dựa trên đồng USD, chỉ một số ít những dự án của các nước như Anh, Pháp, Đức sử dụng đồng nội tệ của
mình để thanh toán, vì vậy đồng EURO biến động sẽ có ảnh hưởng nhất định đối với cả những dự án đang thực hiện và dự án mới.
- Đối với những dự án đang thực hiện, đồng EURO giảm giá làm cho phía các nhà đầu tư dao động, gây ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện dự án đầu tư. Lúc này vốn ứ đọng, các hoạt động liên quan như nhân lực, việc làm, môi trường,... sẽ bị ảnh hưởng gây tác động tới sự phát triển của nền kinh tế. Mặt khác, đồng USD đang được sử dụng để tính toán các dự án EU cũng là một điểm bất lợi cho quan hệ Việt Nam - EU, khi USD lên giá so với EURO thì các nhà đầu tư Eu phải chịu chi phí đầu vào cao hơn so với các nhà đầu tư nước ngoài khác tại Việt Nam. Vì vậy nguy cơ các nhà đầu tư rút vốn của mình thì ngoại tệ vào Việt Nam giảm đáng kể, gây ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển kinh tế xã hội. Một quốc gia không thể phát triển khi thiếu các dự án đầu tư trực tiếp vào quốc gia mình.
Vì vậy nếu như các dự án đang thực hiện kéo dài tới năm 2002 thì Việt Nam cần có phương án để đối phó với những vấn đề liên quan tới việc chuyển đổi sang đồng EURO, giảm tối đa những rủi ro về vấn đề tỷ giá liên quan tới tiến độ thực hiện dự án và giá trị của dự án. Cần có sự tiếp xúc, làm quen với đồng EURO cũng như có những dự báo về sự biến động của đồng tiền này.
- Đối với những dự án mới, kể cả những dự án sắp bắt đầu và những dự án tới sau năm 2002 mới bắt đầu thực hiện được tính toán bằng đồng EURO, vì vậy đồng EURO sẽ phải được quan tâm trong các lĩnh vực như ngân hàng, tài chính.
- Chính phủ Việt Nam cần có những thoả thuận trước với chính phủ các quốc gia thực hiện đầu tư về tiến độ của dự án, việc dùng đồng tiền tính toán chung như thế nào? nhằm tránh những rủi ro khi đồng EURO chưa ổn định đảm bảo cho các dự án được thực hiện đúng tiến độ, tránh những ảnh hưởng xấu khi thực hiện hay không thực hiện dự án đầu tư.
Tóm lại Việt Nam cần có những dự báo cũng như có những thoả thuận trước khi thực hiện dự án đầu tư với các nhà đầu tư EU khi mà đồng EURO thực sự ra đời. Vấn đề một đồng tiền mạnh đại diện cho cả một châu lục, lại là một đồng tiền có tính quốc tế cao chắc chắn sẽ có những biến động tích cực và tiêu cực. Việt
Nam cần phải biết những điểm mạnh để khai thác và tránh những tác động tiêu cực trong quá trình sử dụng đồng EURO.