Phân tích tình hình đảm bảo nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh

Một phần của tài liệu Những vấn đề cơ bản về phân tích tài chính doanh nghiệp (Trang 41 - 47)

Để tiến hành sản xuất kinh doanh các doanh nghiệp cần phải có tài sản bao gồm tài sản lưu động và tài sản cố định. Để hình thành hai nguồn tài sản này phải có các nguồn tài trợ tương ứng bao gồm nguồn vốn ngắn hạn và nguồn vốn dài hạn.

Nguồn vốn ngắn hạn là nguồn vốn mà doanh nghiệp sử dụng trong khoảng thời gian dưới một năm cho hoạt động sản xuất kinh doanh bao gồm nợ ngắn hạn, nợ quá hạn, nợ nhà cung cấp và nợ ngắn hạn phải trả khác.

Nguồn vốn dài hạn là nguồn vốn doanh nghiệp sử dụng lâu dài cho hoạt động kinh doanh, nó có thời hạn trên một năm và bao gồm nguồn vốn chủ sở hữu, nguồn vốn vay nợ trung hạn và dài hạn.

Nguồn vốn dài hạn trước hết được đầu tư để hình thành tài sản cố định (TSCĐ), phần dư của nguồn vốn dài hạn được đầu tư để hình thành tài sản lưu động (TSLĐ). Chênh lệch giữa nguồn vốn dài hạn và tài sản cố định hay giữa tài sản lưu động và nợ ngắn hạn được gọi là vốn lưu động thường xuyên. Mức độ an toàn của tài sản ngắn hạn phụ thuộc vào độ lớn của vốn lưu động thường xuyên. VLĐ thường xuyên = Nguồn vốn dài hạn - TSCĐ = TSLĐ - Nợ ngắn hạn Có 3 trường hợp có khả năng xảy ra như sau:

- Vốn lưu động thường xuyên > 0, nghĩa là nguồn vốn dài hạn lớn hơn tài sản cố định, phần dư thừa đó đầu tư vào tài sản lưu động. Đồng thời, tài sản lưu động lớn hơn nợ ngắn hạn nên khả năng thanh toán của doanh nghiệp tốt.

- Vốn lưu động thường xuyên = 0, có nghĩa nguồn vốn dài hạn vừa đủ tài trợ cho tài sản cố định và tài sản lưu động đủ để doanh nghiệp trả các khoản nợ ngắn hạn, tình hình tài chính như vậy là lành mạnh.

- Vốn lưu động thường xuyên < 0, nguồn vốn dài hạn không đủ để tài trợ cho tài sản cố định. Doanh nghiệp phải đầu tư một phần nguồn vốn ngắn hạn vào tài sản cố định, tài sản lưu động không đủ đáp ứng nhu cầu thanh toán nợ ngắn

hạn, cán cân thanh toán của doanh nghiệp mất thăng bằng, doanh nghiệp phải dùng một phần tài sản cố định để thanh toán nợ ngắn hạn đến hạn phải trả.

Như vậy, vốn lưu động thường xuyên là một chỉ tiêu tổng hợp rất quan trọng để đánh giá tình hình tài chính của doanh nghiệp, nó cho biết :

- Một là, doanh nghiệp có khả năng thanh toán các khoản nợ ngắn hạn hay không?

- Hai là, tài sản cố định của doanh nghiệp có được tài trợ một cách vững chắc bằng nguồn vốn dài hạn không?

Từ công thức tính vốn lưu động thường xuyên ta có thể thấy các yếu tố làm thay đổi vốn lưu động thường xuyên là những nghiệp vụ làm thay đổi nguồn vốn dài hạn và tài sản cố định của bảng cân đối kế toán.

Các nghiệp vụ làm giảm vốn lưu động thường xuyên :

- Tăng tài sản cố định : tài sản cố định hữu hình, tài sản cố định vô hình và tài sản cố định tài chính.

- Giảm nguồn vốn dài hạn :

• Giảm vốn chủ sở hữu : do chia lợi tức cổ phần, lỗ trong kinh doanh...

• Hoàn trả tiền vay : bao gồm trả tiền vay trung và dài hạn, hoàn trả trái phiếu đáo hạn...

Các nghiệp vụ làm tăng vốn lưu động thường xuyên :

- Tăng nguồn vốn dài hạn :

• Tăng vốn chủ sở hữu : phát hành thêm cổ phiếu thường, giữ lại lợi nhuận không chia...

• Tăng vay nợ trung, dài hạn; phát hành trái phiếu dài hạn... - Giảm tài sản cố định thông qua nhượng bán.

Những thay đổi tài sản lưu động hoặc nợ phải trả ngắn hạn không làm thay đổi vốn lưu động thường xuyên, bởi vì việc tăng của một loại tài sản lưu động sẽ dẫn đến hoặc giảm một loại tài sản lưu động khác, hoặc tăng một dòng nợ ngắn hạn. Chẳng hạn, khi bán sản phẩm tồn kho sẽ làm giảm tồn kho và tăng tương ứng ở mục nợ phải thu (nếu bán chịu), hoặc tăng tiền mặt (nếu bán thu tiền ngay). Ta cũng cần chú ý là chính sách khấu hao có tác động lớn vào vốn lưu động thường xuyên, nếu doanh nghiệp áp dụng chế độ khấu hao nhanh thì vốn luân chuyển sẽ cao hơn so với áp dụng phương pháp khấu hao theo đường thẳng.

Vốn lưu động thường xuyên thể hiện mức độ an toàn, đảm bảo cho doanh nghiệp chống lại rủi ro làm mất giá trị tài sản hoặc rủi ro làm giảm tốc độ luân chuyển vốn dự trữ. Vì vậy, mọi biến động của vốn lưu động thường xuyên phải được chú ý theo dõi. Tại các thời điểm khác nhau có ba tình huống xảy ra :

- Tăng vốn lưu động thường xuyên.

Trong trường hợp này, an toàn của doanh nghiệp tăng vì phần lớn tài sản cố định được nguồn vốn dài hạn tài trợ. Tuy nhiên, cần phải thấy rằng để đạt được sự an toàn đó, doanh nghiệp phải tăng nợ dài hạn. Nếu khối lượng nợ dài hạn càng lớn sẽ dẫn đến chi phí tài chính càng cao, từ đó làm giảm kết quả kinh doanh. Nếu tăng vốn lưu động thường xuyên bằng việc tăng vốn chủ sở hữu thì tình hình tài chính doanh nghiệp được cải thiện, nhưng doanh nghiệp phải chịu chi phí sử dụng vốn cao hơn nợ vay và có thể phải chia sẻ quyền kiểm soát doanh nghiệp. Do vậy, quyết định tăng vốn lưu động và tăng bằng cách nào đòi hỏi một quyết định đúng.

Mặt khác, khi vốn lưu động thường xuyên đã tài trợ đủ cho tài sản cố định còn dư thừa, nếu sử dụng vốn lưu động thường xuyên tài trợ toàn bộ cho tồn kho không phải là quyết định quản trị tốt, vì có thể doanh nghiệp đã sử dụng nguồn vốn dài hạn tốn kém cho đầu tư tài sản ngắn hạn mà lẽ ra việc sử dụng này phải do tín dụng ngắn hạn tài trợ.

- Giảm vốn lưu động thường xuyên

Khi một doanh nghiệp giảm vốn lưu động thường xuyên sẽ làm cho mức độ an toàn tài chính của doanh nghiệp giảm xuống. Tuy vậy, nếu việc giảm vốn này nhằm tài trợ cho các khoản đầu tư sinh lời mới góp phần nâng cao vị thế của doanh nghiệp thì cũng cần quan tâm xem xét kỹ.

- Giữ ổn định vốn lưu động thường xuyên

Tình huống này thể hiện tình trạng giữ ổn định các hoạt động của doanh nghiệp; để điều chỉnh cơ cấu đầu tư do lợi nhuận không tăng hoặc mức tăng trưởng giảm lâu dài, khi cần đánh giá thực trạng của tình huống này cần tiến hành nghiên cứu nguồn có khả năng tạo ra lợi nhuận để xem xét.

Nhu cầu vốn lưu động thường xuyên

Tại một thời điểm nào đó, vốn lưu động thường xuyên chỉ rõ mức độ an toàn mà doanh nghiệp có được nhằm tài trợ cho chu kỳ kinh doanh của nó. Vì thế ta phải nghiên cứu một cách đầy đủ bằng cách so sánh giữa vốn lưu động thường xuyên và nhu cầu vốn lưu động thường xuyên. Vậy nhu cầu vốn lưu động thường xuyên là gì?

Nhu cầu vốn lưu động thường xuyên là lượng vốn ngắn hạn doanh nghiệp cần để tài trợ cho một phần tài sản lưu động, đó là hàng dự trữ và các khoản phải thu (tài sản lưu động không phải là tiền).

Như vậy, nhu cầu vốn lưu động thường xuyên phụ thuộc vào ba tham số : dự trữ, tồn kho và sản phẩm dở dang; nợ phải thu; nợ ngắn hạn. Nhưng tầm quan trọng của ba tham số này thay đổi theo tính chất của ngành và mức độ hoạt động, điều kiện quản lý và những biến động giá cả. Vì vậy, ta cần phải xem xét sự biến động của nhu cầu vốn lưu động thường xuyên theo tính chất của ngành và mức độ hoạt động, điều kiện quản lý và những biến động giá cả.

- Nhu cầu vốn lưu động thường xuyên và tính chất của ngành mà doanh nghiệp hoạt động : nhìn chung có mối liên hệ chặt chẽ giữa nhu cầu vốn lưu động thường xuyên và giá trị gia tăng do doanh nghiệp tạo ra. Các doanh nghiệp có giá trị gia tăng thấp và chu kỳ sản xuất kinh doanh ngắn (ngành thương mại) thì nhu cầu vốn lưu động thường xuyên nhỏ thậm chí âm do dự trữ ít và tận dụng được nguồn kinh phí từ bán chịu của nhà cung cấp. Các doanh nghiệp có giá trị gia tăng cao và chu kỳ sản xuất dài thường có nhu cầu vốn lưu động thường xuyên lớn. Đó là các doanh nghiệp chấp nhận bán hàng chịu trong thời gian dài và khối lượng tồn kho lớn (doanh nghiệp công nghiệp chế tạo máy). Tuy nhiên một số doanh nghiệp có thể giảm vốn lưu động thường xuyên bằng cách yêu cầu khách hàng ứng trước cho những hợp đồng mà họ đang thực hiện.

- Nhu cầu vốn lưu động thường xuyên và mức độ hoạt động diễn ra theo chu kỳ : nợ phải thu từ khách hàng và nợ phải trả đối với nhà cung cấp gần như tỷ lệ thuận với doanh thu. Tuy nhiên, dù tình hình tiêu thụ bị chậm lại thì nhu cầu vốn lưu động thường xuyên cũng không giảm ngay vì những đơn đặt hàng đã ký kết không thể huỷ bỏ, dự trữ và tồn kho vẫn tăng do tốc độ bán hàng chậm lại.

- Nhu cầu vốn lưu động thường xuyên và sự biến động giá cả : trong thời kỳ lạm phát, nhu cầu vốn lưu động thường xuyên tăng vì việc tăng nợ phải trả không đủ bù đắp mức tăng các khoản tồn kho và nợ phải thu, nhất là trong ngành công nghiệp. Tình trạng đó làm cho các doanh nghiệp phải vay mượn nhiều hơn để tài trợ cho các nhu cầu vốn lưu động thường xuyên.

- Nhu cầu vốn lưu động thường xuyên và quản lý : quản lý tồn kho cũng như quản lý bán chịu cho khách hàng là tiền đề làm tăng hay giảm nhu cầu vốn lưu động thường xuyên. Khi tốc độ vòng quay dự trữ tăng để giảm dự trữ cũng như tăng cường nhận ứng trước của khách hàng sẽ góp phần làm giảm nhu cầu vốn lưu động thường xuyên và ngược lại.

Nhu cầu vốn lưu động thường xuyên có thể nhận các giá trị sau :

- Nhu cầu vốn lưu động thường xuyên > 0, tức là tồn kho và các khoản phải thu lớn hơn nợ ngắn hạn. Tại đây các sử dụng nợ ngắn hạn của doanh nghiệp lớn hơn các nguồn vốn ngắn hạn mà doanh nghiệp có được từ bên ngoài, doanh nghiệp phải dùng nguồn vốn dài hạn để tài trợ vào phần chênh lệch. Trong trường hợp này doanh nghiệp cần có biện pháp để giải phóng tồn kho và giảm các khoản phải thu từ khách hàng.

- Nhu cầu vốn lưu động thường xuyên = 0, tức là các nguồn vốn từ bên ngoài vừa đủ để tài trợ cho các sử dụng ngắn hạn của doanh nghiệp.

- Nhu cầu vốn lưu động thường xuyên < 0 có nghĩa là các nguồn vốn từ bên ngoài đã dư thừa để tài trợ cho các sử dụng ngắn hạn của doanh nghiệp. Doanh nghiệp không cần nhận thêm nguồn vốn ngắn hạn để tài trợ cho chu kỳ kinh doanh. Tiền

Tiền = Vốn lưu động thường xuyên - Nhu cầu vốn lưu động thường xuyên

Nếu tiền < 0 sẽ xảy ra tình trạng mất cân đối trong nguồn vốn ngắn hạn và dài hạn ( vốn ngắn hạn nhiều, vốn dài hạn ít ) hoặc mất cân đối trong đầu tư dài hạn ( đầu tư dài hạn quá nhiều).

Một phần của tài liệu Những vấn đề cơ bản về phân tích tài chính doanh nghiệp (Trang 41 - 47)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(50 trang)
w