2.3.3.1. Nguyên nhân khách quan
∗ Môi trường pháp lý chưa hoàn thiện
Cho đến nay, các văn bản qui phạm pháp luật điều chỉnh về chứng khoán và thị trường chứng khoán có thể kể tới vài chục văn bản, nằm rải rác ở nhiều lĩnh vực, do nhiều cấp có thẩm quyền ban hành, dưới nhiều hình thức khác nhau như luật, pháp lệnh, nghị định, quyết định, thông tư. Tuy nhiên các văn bản quy phạm pháp luật chủ yếu, trực tiếp điều chỉnh các quan hệ phát sinh trong quá trình hình thành kinh doanh và quản lý Nhà nước về chứng khoán đều là những văn bản có giá trị dưới luật.
Nhìn một cách tổng thể, tuy chưa có một đạo luật chung về phát hành và kinh doanh chứng khoán như ở một số nước trên thế giới, nhưng trên thực tế khung pháp lý về chứng khoán với ba bộ phận cấu thành tối thiểu cần có, gồm: (1) những quy định về tiêu chuẩn hàng hoá và điều kiện phát hành, (2) điều kiện và thể thức kinh doanh, (3) quản lý Nhà nước và giám sát về chứng khoán và thị trường chứng khoán đã hình thành.
Tuy nhiên về mặt nội dung, các quy định hiện có còn bộc lộ một số hạn chế nhất định, đó là sự thiếu đồng bộ và nhất quán trong việc điều chỉnh các vấn đề liên quan đến hoạt động chứng khoán nói chung và hoạt động kinh doanh chứng khoán nói riêng. Đối với việc thành lập và hoạt động của CTCK, việc áp dụng luật doanh nghiệp tạo ra một khung pháp lý thông thoáng hơn cho hoạt động của các doanh nghiệp nói chung và các CTCK nói riêng, trong đó việc được phép thành lập CTCK dưới dạng công ty TNHH một thành viên đã tạo điều kiện thuận lợi cho các Ngân hàng thương mại thành lập CTCK trực thuộc. Nhưng đi kèm với nó cũng phải có những điều kiện thay đổi liên quan đến tổ chức và hoạt động của CTCK hiện hành, cụ thể là các quy định về thủ tục cấp giấy phép hoạt động kinh doanh chứng khoán, giấy phép phát hành nghề kinh doanh chứng khoán, việc lập chi nhánh, văn phòng đại diện, chia, tách, hợp nhất, sáp nhập CTCK. Ngoài ra, còn có một số bất cập trong các luật điều chỉnh hoạt động kinh doanh, thâu tóm, mua bán công ty, phá sản, giải thể, thanh lý công ty như: Luật dân sự không cho phép bán tài sản khi chưa thuộc sở hữu của người bán, như vậy trong tương lai khi có đủ điều kiện chúng ta cũng không thể cho phép CTCK, nhà đầu tư thực hiện việc bán khống; luật doanh nghiệp không quy định rõ việc thâu tóm, mua bán công ty và bảo vệ lợi ích của cổ đông thiểu số ở các công ty cổ phần, trong khi khung pháp lý về chứng khoán hiện đang ở mức nghị định 144/2003/NĐ-CP lại chưa quy định cụ thể và chi tiết vấn đề này; hay như luật phá sản coi tất cả các chủ nợ như nhau, trong khi luật này ở các nước phân thành các loại chủ nợ khác nhau, trong đó các
chủ nợ phụ trợ là loại hình phổ biến và ảnh hưởng rất lớn đến việc phá sản của các công ty nói chung và CTCK nói riêng.
Nguyên nhân cơ bản của tình trạng trên là do chúng ta chưa có bộ luật riêng về chứng khoán và kinh doanh chứng khoán, các hoạt động liên quan đến chứng khoán và kinh doanh chứng khoán do nhiều luật khác nhau cùng điều chỉnh, do đó, những mâu thuẫn, chồng chéo là điều không tránh khỏi.
∗ Thị trường chứng khoán còn non trẻ, hoạt động còn nhiều hạn chế.
Thị trường chứng khoán đi vào hoạt động đã gần 4 năm nhưng thời gian này không phải là dài để xây dựng thị trường chứng khoán của một quốc gia. Cho đến nay thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn mang tính sơ khai và còn những hạn chế và bất cập ở nhiều mặt. Song ở đây sẽ chỉ đề cập đến những hạn chế làm ảnh hưởng đến hoạt động của CTCK. Có thể nêu thành 3 vấn đề: (1) thị trường chứng khoán Việt Nam không có sự phát triển của thị trường OTC làm tiền đề; (2) hàng hoá trên thị trường còn nghèo nàn; (3) ảnh hưởng của các quyết định hành chính của Uỷ ban chứng khoán Nhà nước tới hoạt động của thị trường.
Trong lịch sử phát triển thị trường chứng khoán thế giới, ngoại trừ Trung Quốc, thị trường chứng khoán tập trung được hình thành sau một thời gian hình thành và phát triển thị trường chứng khoán bán tập trung hay còn gọi là thị trường OTC. Đó là nơi trao đổi chứng khoán của tất cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ. OTC cũng là nơi để các doanh nghiệp thăm dò, tìm hiểu và làm quen dần với hoạt động của thị trường chứng khoán. Đây là nơi để mọi tầng lớp dân cư tiếp cận với các loại chứng khoán, cũng là nơi tạo uy tín, danh tiếng cho các doanh nghiệp thêm vững chắc, tự tin bước vào thị trường chứng khoán tập trung như một sự rèn luyện. Việt Nam ngay từ đầu đã thành lập ngay thị trường tập trung nên cả công chúng và các doanh nghiệp còn nhiều bỡ ngỡ, e dè, do đó hạn chế tham gia của họ vào thị trường.
Vấn đề về hàng hoá, như chúng ta đều biết đối với bất kỳ thị trường nào thì hàng hoá luôn là yếu tố quan trọng, quyết định đến hoạt động và tồn tại của thị trường. Đối với thị trường chứng khoán cũng vậy, có thể nói thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn đầu lâm vào tình trạng khan hiếm hàng hoá nghiêm trọng, gây nên sự mất cân đối lớn giữa cung và cầu, làm cho những yếu tố của thị trường trở nên sai lệch. Cho đến nay, lượng hàng hoá trên thị trường tập trung đã được cải thiện, tuy nhiên, xét một cách toàn diện thì quy mô giao dịch của thị trường vẫn còn nhỏ bé, thị trường phát triển chậm chưa tương xứng với vai trò một kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế. Ngoài ra tiến trình cổ phần hoá các doanh nghiệp Nhà nước- nguồn cung cấp hàng hoá tiềm năng cho thị trường chứng khoán, diễn ra quá chậm. Các công ty có đủ điều kiện niêm yết còn ít vì nhiều công ty vì một lý do nào đó chưa hoặc không muốn tham gia niêm yết.
Về phía những nhà quản lý thị trường, mà ở đây là Uỷ ban chứng khoán Nhà nước, cũng còn những hạn chế nhất định trong quá trình quản lý, giám sát hoạt động thị trường. Cụ thể việc Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước thực hiện quản lý, điều hành thị trường thông qua các quyết định hành chính của mình. Dĩ nhiên, không thể phủ nhận đây là việc làm cần thiết để bảo vệ các nhà đầu tư và hướng cho thị trường trong giai đoạn đầu đi theo đúng con đường đã định, song mặt trái của nó là gây ra những tác động tiêu cực đến thị trường. Sở dĩ như vậy là do các quyết định hành chính mà Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đưa ra đôi khi mang tính chất tình thế, tạm thời và hơi đột ngột, làm cho các nhà đầu tư "không kịp trở tay" và trở nên lưỡng lự khi tham gia giao dịch trên thị trường. Đơn cử một ví dụ điển hình là Uỷ ban chứng khoán Nhà nước liên tục đưa ra các quyết định về sự thay đổi biên độ giao động giá cả trong giao dịch, làm cho các nhà đầu tư cảm thấy quyết định đầu tư của mình bị can thiệp sâu và bất ngờ, làm ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư của họ, gây cho họ tâm lý bất ổn, chán nản. Thời gian gần đây, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước đã chú ý hơn đến vấn đề này bằng cách đưa ra một lộ trình
thực hiện các quyết định hành chính của mình và thông báo trước cho các nhà đầu tư khi quyết định đó sắp được đưa vào thực tế. Tuy nhiên, dù sao thì việc quản lý thị trường thông qua các biện pháp hành chính cũng không phải là một phương pháp tốt bởi nó ít nhiều cũng gây tổn thương cho thị trường và tác động tiêu cực đến tâm lý và hành vi của các nhà đầu tư.
Tóm lại, hàng hoá ít thì cũng không thể có nhiều người mua, và khi nhà đầu tư không được chủ động trong các quyết định của mình thì tất yếu họ cũng không mặn mà lắm với việc mua bán giao dịch. Do đó, hai vấn đề nêu trên từ phía thị trường chứng khoán chính là nguyên nhân hạn chế hoạt động kinh doanh của CTCK.
∗ Nhận thức của các doanh nghiệp và người đầu tư về dịch vụ của các CTCK còn hạn chế.
Đây cũng là một nguyên nhân gây khó khăn cho CTCK trong việc triển khai các hoạt động của mình. Ví dụ như đối với hoạt động bảo lãnh phát hành, các doanh nghiệp là chủ thể tạo nên "cầu" về bảo lãnh phát hành, là đối tượng để các CTCK thực hiện hoạt động này. Song nhìn chung, hiện nay nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nhận thức hết được ý nghĩa cũng như lợi ích của việc để cho các CTCK thực hiện bảo lãnh phát hành khi họ có ý định huy động vốn thông qua phát hành chứng khoán ra thị trường. Điều này cản trở việc triển khai mở rộng hoạt động bảo lãnh phát hành của Công ty.
Tương tự, hoạt động quản lý danh mục đầu tư cũng gặp khó khăn do người đầu tư không mấy quan tâm đến loại hình dịch vụ mới mẻ này. Danh mục hàng hoá trên thị trường chưa nhiều cộng với thói quen tự mình thực hiện các quyết định đầu tư khiến cho nhiều nhà đầu tư nghĩ rằng việc để người khác quản lý vốn và đầu tư đầu tư hộ mình là không cần thiết. Người đầu tư chưa thấy được lợi ích khi có một danh mục đầu tư hợp lý: Giảm thiểu được rủi ro, tránh được nguy cơ mất trắng
và vốn liếng của họ được các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm quản lý một cách tốt nhất. Do đó, họ không mấy mặn mà với dịch vụ quản lý danh mục đầu tư của Công ty và bỏ qua cơ hội được sử dụng một dịch vụ tốt và có hiệu quả trong đầu tư.
Đối với hoạt động môi giới, có những nhà đầu tư vẫn bị ảnh hưởng bởi định kiến xã hội, coi môi giới là nghề không tốt, đồng nghĩa với nghề "chỉ trỏ", là nghề của những người làm trung gian mua bán theo kiểu" cò mồi" để kiếm lợi bất chính. Vì vậy, đôi khi họ thiếu tin tưởng vào nhân viên môi giới của CTCK. Cho dù đây không phải là ý kiến của số đông các nhà đầu tư song nó cũng là một mặt tồn tại làm ảnh hưởng phần nào đến quá trình tác nghiệp của CTCK.
2.3.3.2. Nguyên nhân chủ quan
∗ Công ty chưa chủ động đến với khách hàng
Thực tế cho thấy, hiện tại chủ yếu vẫn là các khách hàng tìm đến với Công ty vì họ cần dịch vụ chứ Công ty chưa tự tìm đến với khách hàng nhằm mở rộng thị trường hoạt động trong khi khách hàng là nguồn sống của Công ty. Trong điều kiện nền kinh tế thị trường như hiện nay thì đây quả là điều khó chấp nhận. Điều này có thể được giải thích do số lượng nhà đầu tư ngày một đông mà giữa các CTCK chưa có sự cạnh tranh lớn lắm. Do vậy mà công ty có thể thụ động trong việc tìm kiếm khách hàng để tạo các cơ hội thực hiện các hợp đồng dịch vụ cho họ. Ngoài ra các biện pháp nhằm thu hút hấp dẫn khách hàng cũng chưa được Công ty chú trọng, mới chỉ là hình thức hết sức đơn giản như gửi thiếp chúc mừng tới khách hàng vào các dịp lễ tết. Trong khi đó, ở các nước phát triển những việc như thế này lại rất được quan trọng và họ thường bỏ ra kinh phí khá lớn để thực hiện.
Trong giai đoạn hiện nay những vấn đề này chưa có ảnh hưởng gì lớn lắm đến hoạt động của Công ty nhưng chắc chắn rằng trong tương lai không xa khi thị trường phát triển, sự cạnh tranh giữa các công ty trở nên gay gắt hơn thì đây có thể
trở thành nguyên nhân gây hạn chế không nhỏ đến hiệu quả kinh doanh của Công ty.
∗ Hoạt động của Công ty còn nhiều hạn chế
Có thể nói đây là thực tế khá bức xúc. Tuy đủ điều kiện để thực hiện tất cả các hoạt động kinh doanh nhưng Công ty cũng mới chỉ triển khai một số hoạt động phổ biến như: Môi giới, tự doanh. Các hoạt động khác rất ít được thực hiện, thậm chí bỏ ngỏ. Điển hình là hoạt động bảo lãnh phát hành và quản lý danh mục đầu tư. Các dịch vụ phụ trợ ở Công ty tuy có nhiều, do có thế mạnh là CTCK trực thuộc NHNo&PTNT VN nhưng chưa có biện pháp để đưa dịch vụ này đến với khách hàng nên về cơ bản chúng chưa được sử dụng. Có thể nói, khách hàng chưa thoả mãn đối với những dịch vụ mà Công ty đang triển khai. Ngay như hoạt động môi giới được đánh giá là được thực hiện tốt nhưng cũng chưa làm khách hàng vừa lòng vì theo họ phí môi giới còn quá cao. Bên cạnh đó còn có rất nhiều các nhu cầu khác của khách hàng chưa được Công ty tìm hiểu để từ đó đưa ra các dịch vụ, tiện ích mới phục vụ khách hàng.
Tóm lại, sự phát triển không đồng đều các hoạt động của Công ty là một nguyên nhân cơ bản dẫn đến những hạn chế trong qúa trình hoạt động của Công ty trong thời gian qua.
∗ Nguồn nhân lực của Công ty chưa đáp ứng được yêu cầu
Nhân tố con người là một trong những nhân tố đặc biệt quan trọng quyết định sự thành công hay thất bại của thị trường chứng khoán nói chung hay CTCK nói riêng. Đối với CTCK NHNo&PTNT VN đây cũng là một vấn đề bất cập. Đội ngũ cán bộ hiện nay không thể nói là không có trình độ. Đa số đều được đào tạo khá bài bản qua các trường đại học hoặc qua các khóa học của Uỷ ban chứng khoán Nhà nước. Tuy nhiên, để đáp ứng cho yêu cầu phát triển của thị trường thì lực lượng nhân sự hiện nay nhìn chung chưa đáp ứng được. Chúng ta cần phải có
một đội ngũ chuyên gia được đào tạo chuyên nghiệp và đồng đều, vừa có tri thức, vừa có kinh nghiệm trong các lĩnh vực phân tích thị trường, quản lý rủi ro, tư vấn đầu tư... Một đội ngũ như thế phải là sản phẩm của một nền đào tạo chính quy, có bề dày năm tháng, đồng thời là sản phẩm của một môi trường tài chính phát triển đến một độ chín mùi nhất định. Trong điều kiện thị trường chứng khoán nước ta chưa thể đòi hỏi phải có ngay một đội ngũ nhân viên như vậy. Điều này đòi hỏi Công ty phải nỗ lực hơn nữa trong việc bồi dưỡng, đào tạo cho đội ngũ cán bộ của mình để từng bước hình thành một lớp chuyên gia lành nghề. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là hiện nay Công ty không dám có những bước thử nghịêm đối với nhân viên của mình. Bên cạnh đó, việc kiêm nhiệm của đội ngũ lãnh đạo của Công ty cũng là một hạn chế và gây ảnh hưởng đến việc phát triển các hoạt động kinh doanh của Công ty.
∗ Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ giao dịch còn hạn chế
Công nghệ hiện đại là một trong số những điều kiện tiên quyết giúp đảm bảo được các nguyên tắc hoạt động của thị trường chứng khoán. Để tạo ra một thị trường công bằng, công khai, hiệu quả, cần phải có hệ thống thu thập, phân tích, xử lý và công bố thông tin đủ hiện đại. Chẳng hạn đối với hoạt động môi giới để có thể triển khai được một cách hiệu quả cần được sự trợ giúp của công nghệ hiện đại trong việc xử lý lệnh nhanh chóng, chính xác, giúp truyền thông trên diện rộng, kết nối được nhiều văn phòng chi nhánh thành mạng thống nhất giúp công tác kiểm soát, kiểm tra phát triển các vấn đề liên quan đến lợi ích của khách hàng. Phần mềm máy tính của Công ty do Công ty tin học cung cấp có ưu điểm là chi phí rẻ