C. Thu gọn dữ liệu
1.4.4. Phương pháp phân tích wavelet dạng dao động
Phân tích wavelet dựa trên ý tưởng rằng một tín hiệu bất kỳ có thể phân tách thành các hàm cơ sở có tính cục bộ được gọi là "wavelet". Tính cục bộ địa phương của tín hiệu được phân tích thông qua các tham số "tỷ lệ" (scale) và "dịch mức"
(translation) [1], [85]. Tín hiệu sau khi phân tích wavelet được phân thành hai thành
phần: thành phần xấp xỉ và thành phần chi tiết, trong đó thành phần chi tiết chứa các điểm tần số cao tạo thành các đỉnh (peak) tương ứng với những điểm gián đoạn, gập, gẫy của tín hiệu gốc, đây chính là yếu tố để nhận dạng vết nứt.
Trong bài toán xác định vết nứt của kết cấu, các nhà nghiên cứu [30],[62],[112],[114],[115], đã sử dụng các loại biến đổi wavelet khác nhau như: biến đổi wavelet liên tục (CWT), biến đổi wavelet rời rạc (DWT), biến đổi wavelet packet (WPT) hoặc biến đổi wavelet dừng (SWT). Chang và Chen [35], Hou và các cộng sự [56], Liew và Wang [76], Lu và Hsu [78],[79], Ovanesova [91], Pakrashi [93], Surace và Ruotolo [108] đã sử dụng phân wavelet đối với kết quả đo đạc dao động tự do để xác định vị trí vết nứt của dầm công son và dầm đơn giản có một vết nứt. Zhu và Law [123] đã sử dụng kết quả đo đạc trong miền thời gian tại một điểm trên dầm chịu tải trọng di động làm đầu vào cho phân tích wavelet. Kết quả là vị trí vết nứt được nhận dạng một cách dễ dàng bằng hệ số của CWT tương ứng với vị trí của tải trọng di động. Zhong, Oyadiji [122] đã phân tích SWT với dạng dao động của kết cấu dạng dầm có vết nứt để chẩn đoán vị trí vết nứt. Các nghiên cứu nói trên mới chỉ tập trung phân tích và đi đến kết luận là các điểm peak trong hệ số chi tiết tương ứng với số lượng và vị trí vết nứt, chưa đi vào bài toán chẩn đoán độ sâu vết nứt.
Ở Việt Nam, hầu hết các tác giả đều ứng dụng DWT để xác định vết nứt trong kết cấu hệ thanh. Nguyễn Việt Khoa, Olatunbonsun, Nguyễn Tiến Khiêm [71] đã chẩn đoán vị trí vết nứt của dầm công son có vết nứt va đập (hiện tượng thở của các vết nứt) dựa vào phân tích DWT dạng dao động. Nguyễn Thị Hiền Lương và Lý Vĩnh Phan [13] đã phân tích độ nhạy cảm của dầm có vết nứt bằng DWT. Trần Văn Liên, Trần Tuấn Khôi [11] đã xác định các vết nứt trong kết cấu hệ thanh bằng
DWT của các chuyển vị tĩnh. Trần Thanh Hải [2] đã ứng dụng DWT để xác định vết nứt dựa vào chuyển vị của xe chuyển động trên dầm. Nguyễn Việt Khoa và các cộng sự [6] đã ứng dụng DWT để giám sát hiện tượng vết nứt thở của dầm.