Con cáo già đang múa đuôi, đắc chí! Nó đã khôn đến thế, mà vẫn quáng mờ vì kiêu ngạo…Bốn cõi chung vua, xe đi chung đường, sách chép chung chữ! Ta đã trông thấy là thế nào, cái cảnh đời thịnh trị ấy…Tất cả thiên hạ chỉ còn là của riêng của đấng con Trời. Tất cả các dân tộc phải trở thành người Hán! Ở trong cõi thiên triều ấy, bao nhiêu con người, hai tay phải chắp lại, mắt phải khép xuống, đầu óc phải nghĩ theo cùng một khuôn! Sống từ bé đến lớn già, phải làm theo những điều do các bề trên sắp đặt! Trí tuệ con người chỉ còn là một cái túi, để bỏ vào đấy các kinh truyện thánh hiền! Bao nhiêu sách vở đều phải chép như nhau, cùng những câu, những chữ
ấy! Học chỉ còn là phải làm sao nhớ cho thuộc lòng. Không được mở mắt nhận xét, so sánh, không được hỏi, không được tìm xem sự vật trong đời ra làm sao…Cứ như thế cha truyền con nối, con không được làm khác với cha, đời sau không được làm thay đổi nề nếp đã định từ đời trước. Cứ như thế, tất cả khô héo dần hóa thành đá, không một cái mầm xanh nào được mọc lên trong tâm hồn con người!... Trời đất! Nhưng mà phá cây thì dễ, phá mầm cây chẳng dễ đâu. Chà!”
Bêlinxki nói: “Tính kịch không phải do nói qua nói lại mà tạo nên được, nó phải do hành động giao lưu sinh động giữa hai người mà tạo thành. Nếu cả hai bên tranh luận mà đè bẹp đối phương, đều muốn cải biến một phương diện nào đó trong hành động của đối phương, hoặc tấn công vào nhược điểm nào đó trong tâm tư của đối phương, nếu thông qua cuộc tranh luận đó đưa hai người tới một mối quan hệ mới, lúc đó mới là kịch”.
Khi tác phẩm kịch của Nguyễn Đình Thi được đưa lên sân khấu thì dường như người đọc mất cảm giác mình đang xem kịch, mà chỉ thấy các nhân vật như đang sống cuộc sống của họ, thật đến từng chi tiết nhỏ. Các nhân vật kịch bằng những lời thoại thấm thía đến ruột gan, họ lôi kéo khán giả cùng đau đớn, yêu thương, hay thù ghét cùng họ…Trong kịch Nguyễn Đình Thi, mỗi bước đi đều như chập chờn giữa hiện thực và huyền thoại, khi mà cả biểu tượng thiêng liêng gắn bó bền chặt với văn hóa tinh thần của dân tộc và
của nhân loại, khi mà cuộc sống được miêu tả “vừa như ta thấy vừa như ta tưởng, như ta chứng kiến và như ta ao ước, như ta trải nghiệm và như ta khao khát” [14, tr. 364]. Ngôn ngữ kịch của ông nhiều lúc cứ như là tiếng vọng từ
tâm linh con người để hướng tới cõi sâu của nhân thế. Tuy là vậy nhưng đôi khi lời thoại sa đà thể hiện những vấn đề tư tưởng, triết lí, có lúc do quá chuốt lọc mà mất đi vẻ tự nhiên, tính khẩu ngữ của một ngôn ngữ để nói trên sân khấu. Vì thế kịch Nguyễn Đình Thi rất kén chọn đạo diễn, kén chọn diễn viên,
kén chọn độc giả khán giả. Nó đòi hỏi người xem phải tập trung suy nghĩ cùng một năng lực cảm thụ riêng.
3.2.3. Ngôn ngữ độc thoại
Ngôn ngữ độc thoại là tiếng nói của nhân vật chỉ nói với chính mình. Độc thoại, hay độc thoại nội tâm đã góp phần phá vỡ ranh giới giữa trữ tình và tự sự. Để nhân vật nói lên những uẩn khúc bên trong, tác giả kịch bản nhằm khai thác chiều sâu tâm lí, chiều sâu tính cách. Kịch Nguyễn Đình Thi ở những vở lớn, chủ yếu là kịch tâm trạng. Thế giới nội tâm đầy phức tạp, đầy mâu thuẫn là đối tượng chủ yếu của kịch tác gia này. Chính Nguyễn Đình Thi
đã từng nói: “Trong kịch toàn bộ lời văn là lời nói của các nhân vật trong một tâm trạng đang có nhiều diễn biến sóng gió và cả bão táp với nhiều cảm nghĩ, tình cảm đến độ cao mạnh khác thường, đáng sợ, phải thương tâm, hoặc đáng buồn cười. Thực ra đây là lời nói của những tâm trạng con người”
[tr.137]. Những màn độc thoại dài khiến cho các nhân vật của ông hiện lên sống động với những suy nghĩ, hành động chân thực, những giằng xé, dằn vặt khó bề giải tỏa. Tác giả đã dành cho nhân vật những lời lẽ nền nã, sang trọng và gói ghém nhiều tâm tư chân thật. Đây là màn độc thoại của Chiêu Thánh (kịch
Rừng trúc).
“Trong buổi hôm nay, ta sắp phải gặp tất cả đây…nào chồng, nào mẹ, nào chị…còn ai gần gũi hơn (cười)…nào ta còn ai khác là máu mủ, ruột thịt trên đời này nữa!...
Chẳng còn ai khác, ta chẳng còn ai…
Cả mấy người ở một bên…bỏ ta một mình ở bên này…chưa đến nỗi là thù…chưa đến nỗi…nhưng không phải là những người còn ở với ta cùng một đời nữa rồi…sao lại như vậy?
Chỉ còn một người ở với ta nữa thôi. Một người không bao giờ bỏ ta. Chỉ có một người thật thương ta, thương ta mọi nỗi. Cha ơi cha! (khóc).
Nào chồng, nào me, nào chị… ừ thôi, hôm nay ta không lánh đi đâu nữa. Ta sẽ gặp tất cả. Muốn nói gì với ta, ta sẽ nghe tất cả. Thế nào cũng được. Ta đâu còn ở đây nữa, dù có chuyện gì xảy ra, đâu còn động được gì đến ta. Làm gì còn ta ở đây. Ta ở chỗ khác rồi. Tất cả bọn các người chẳng làm gì khác được. Ta chẳng phải một mình. Ta vẫn còn người thương ta chứ, thương ta mà chẳng nói lên một lời, người ấy đi xa lắm rồi, đi chẳng bao giờ về nữa, thế mà tình thương ấy vẫn bao bọc, che chở cho ta, nuôi cho ta sống được đấy…
Mẹ đôi chút vẫn còn tình mẹ con chứ nhỉ…là mẹ ta nhưng lại là vợ của kẻ đã bắt cha ta phải chết! Thế thì ta là con gái đáng thương của bà, hay ta là kẻ thù đáng sợ của vợ chồng bà? Bà nhìn thấy ta là con bà hay nhìn thấy ta chỉ như là cái oán hiện hình, không thể nào tan được!
Tội nghiệp cho chị, chị Thuận Thiên ạ, đáng lẽ chỉ còn chị với em mà thôi. Thế nhưng bây giờ họ đang lôi chị vào đấy, biết đâu, lúc này chị nhìn em chẳng thấy em hóa ra một cái gai rồi, một cái gai phải nhổ đi, không thì phải làm thế nào gói kín cất sang một bên.
Đáng lẽ người gần ta nhất, thương ta nhất là chàng đấy, chàng Hai của em ơi…Chàng chẳng có tội gì với cha em. Có lẽ chàng cũng yêu thương em từ năm ấy em lên bẩy, chàng lên tám nhỉ, cho đến bây giờ, hơn mười năm, chàng chẳng phải chỉ là chàng Hai của ta. Xưa kia thì mỗi lần ta gọi, chàng vội quỳ lạy và sợ hãi nói với ta: muôn tâu Bệ hạ. Còn bây giờ trước mặt chàng, ta lại phải quỳ lạy và cúi đầu nói với chàng: muôn tâu Bệ hạ (cười rũ rượi, chảy nước mắt, cười mãi). Vì đâu mà như vậy chàng Hai! Tại cái mũ ngọc này! (ném mũ miện xuống đất). Vứt nó đi! Nó làm cho ta mỗi lần muốn gần chàng, bỗng nhiên lòng ta cứ băng giá đi dần, mắt ta nhìn chàng mà cứ
xa đi mãi, xa mãi, chàng cũng đi sang bên kia với tất cả bọn họ rồi. Vứt cho xa đi, vứt nó đi! (chiếc mũ ngọc ném trúng vào người Thiên Cực lúc ấy đang bước vào).
Trong vở kịch Nguyễn Trãi ở Đông Quan, người anh hùng hầu như
không được miêu tả gì về diện mạo, hành động mà chủ yếu được khắc họa qua những cảm xúc, suy tư, qua những băn khoăn, trăn trở trước nỗi đau mất nước, trước tình cảnh khốn cùng của nhân dân, trước nhân tình thế thái trong buổi loạn li và cả khát vọng tìm đường giải phóng non sông. Ngay từ hình ảnh đầu tiên Nguyễn Trãi đã xuất hiện cùng với một màn độc thoại mà trong đó sự quan sát, nhận xét đã gắn liền với những nỗi xúc động nghẹn ngào:
“Đông Quan bên kia rồi… Cát bay mờ mịt cả…Gió quá… Đông Quan… Chiếc lá rụng trong cơn binh lửa đã giạt về tới đây…Tội nghiệp cái bến đò nhỏ mà quân Ngô nó cũng đốt phá! Chiếc bia nơi miếu cũ chúng nó cũng đập nát!... Bây giờ nhìn đâu cũng chỉ thấy lởm chởm giáo mác quân cường bạo! Kinh điển, chữ nghĩa của cả nước đã thành đá vụn, tro tàn!... Vậy mà bên túp lều kia, cây đỗ quên đang nở muôn nghìn đốm son phấp phới…Mùa xuân về đấy ư!...”
Chỉ bằng một đoạn độc thoại ngắn nhưng hình ảnh người con ưu tú của đất nước đã hiện lên không chỉ với tình yêu quê hương, với nỗi lòng thương nước mà còn với những rung động nhạy cảm của một tâm hồn nghệ sĩ. Chất nghệ sĩ luôn hiện hữu trong tâm hồn ông dù trong hoàn cảnh thử thách ngặt nghèo nhất. Ngay khi bị quân địch cô lập, chèn ép, tâm hồn ấy vẫn có chỗ cho những suy tư trữ tình:
“Bịt hết mọi đường sinh sống!...còn vẩy bùn bôi nhọ, rồi có đánh chết mới đánh!... Chỉ tội nghiệp mấy đứa trẻ…Chiều rồi, lại hết một ngày…Ôi chao! Mây chiều núi Tản Viên vẫn đẹp quá!...ừ…non cao non thấp mây thuộc…cây cứng cây mềm, gió hay…”
Kịch Nguyễn Đình Thi ở những vở lớn chủ yếu là kịch trữ tình. Tuy vậy sự xuất hiện vừa dày, vừa nhiều, vừa dài, vừa đậm chất văn học, chất triết lí của những độc thoại này có thể nói đã làm khó cho cả đạo diễn và diễn viên trong dàn dựng sân khấu. Nghệ sĩ nhân dân Lê Khanh, diễn viên đầu tiên vào vai Chiêu Thánh tâm sự: “Cái khó là phải nắm bắt phần hồn để nói và phải nói sao cho bộc lộ được hết tư tưởng tác giả gửi gắm. Phải làm sao lời nói mình là Chiêu Thánh, không còn là câu chữ của tác giả nữa. Nói sao cho khán giả thấy thấm thía từng câu chữ mà vẫn không cảm thấy mệt. Đây là lối diễn đặc biệt: lời nói đưa lên trước hành động. Với vai Chiêu Thánh, Lê Khanh chọn “nói” đầu tiên. Nếu nói được thì “diễn sẽ ngọt”. Quả là viết được đã khó, mà diễn càng khó hơn. Phải là những diễn viên tài năng, dưới sự chỉ đạo của những đạo diễn thực sự tài ba mới có thể lột tả hết sắc thái kịch Nguyễn Đình Thi qua những độc thoại nội tâm như thế.
Ngôn ngữ kịch của Nguyễn Đình Thi nhiều lúc như là tiếng vọng từ tâm linh con người để hướng tới cõi sâu thẳm của nhân thế. Độc thoại của
“Người đàn bà hóa đá” là một ví dụ:
“Xương thịt tôi hóa đá, tim tôi hóa đá không nữa, tôi vẫn đợi. Hình như tôi đang đứng đây để đợi một cái gì ở xa lắm. Hình như tôi đứng đây để đợi một cái gì ở phía chân trời kia xa hơn chân trời kia. Tôi vẫn đứng đây. Tôi vẫn đợi”[52, tr. 564].
Đi sâu vào khám phá và sự thể hiện tập trung thế giới nội tâm con người, độc thoại trong kịch Nguyễn Đình Thi chiếm ưu thế về số lượng và thể hiện hiệu ứng vượt trội về chất lượng. Sự xuất hiện khá dầy và khá dài những màn độc thoại đã diễn đạt sâu sắc và có sức nặng về những giằng xé quyết liệt trong trái tim và khối óc, trong tình cảm và lí trí của nhân vật trước những bước ngoặt lớn trong cuộc đời, số phận không chỉ của cá nhân con người ấy mà còn của cả quốc gia, dân tộc, hay một giá trị nhân sinh có tính phổ quát,
vĩnh hằng. Đây cũng là một dấu hiệu để chúng ta nhận ra nét phong cách trong bút pháp kịch tác giả.
KẾT LUẬN
1. Là một trí thức có vốn văn hóa uyên bác, lịch lãm, lại đa tài, Nguyễn Đình Thi đã đem đến cho nền văn nghệ Việt Nam một diện mạo mới, một
khuynh hướng sáng tạo nghệ thuật mới mẻ. Qua việc nghiên cứu về Thế giới nhân vật trong kịch Nguyễn Đình Thi đã khẳng định một phong cách riêng,
độc đáo, một bản sắc không thể trộn lẫn, làm nổi bật những đóng góp nghệ thuật đặc sắc trong kịch Nguyễn Đình Thi.
2. Tuy chặng đường sáng tạo kịch gặp nhiều sóng gió nhưng Nguyễn Đình Thi đã để lại cho đời những kịch phẩm có giá trị lớn làm rạng danh nền
đại sân khấu kịch nước Nam như: Rừng trúc, Con nai đen, Nguyễn Trãi ở Đông Quan…
3. Số lượng tác phẩm kịch không nhiều nhưng Nguyễn Đình Thi đã xây dựng được một thế giới nhân vật phong phú và đa dạng về kiểu loại(nhân vật từ hiện thực cuộc sống và những nhân vật biểu tượng). Thông qua những nhân vật ấy, nhà văn hướng đến khẳng định những giá trị tốt đẹp của con người. Từ những nhân vật đứng đầu xã tắc, đến nhân vật trí thức, nghệ sĩ, những người lính, những người ở hậu phương – những con người sống có lí tưởng và đấu tranh cho lí tưởng, luôn bảo vệ phẩm giá và ý chí sắt đá của mình. Nguyễn Đình Thi gửi gắm kín đáo những tư tưởng triết lý nhân sinh sâu sắc. Đồng thời việc sáng tạo những nhân vật biểu tượng và nhân vật kì ảo giúp cho nội dung tác phẩm thêm đặc sắc và hấp dẫn đối với bạn đọc cũng như công chúng yêu thích sân khấu kịch.
4. Để xây dựng được những nhân vật kịch như thế, Nguyễn Đình Thi đã đi sâu vào các tình huống xung đột gay cấn, giàu kịch tính như: xung đột thật – giả; xung đột giữa vận nước và số phận con người; xung đột giữa quyền lực và quyền sống tự do của con người hay xung đột nội tâm gay gắt.
5. Đặc biệt, nhân vật trong kịch của ông còn được thể hiện qua những đặc điểm khó lẫn về ngôn ngữ với những lời thoại chuốt lọc, giàu chất thơ, như thơ; lời thoại dài và nhiều độc thoại; lời thoại đậm chất trí tuệ, giàu ẩn ý, triết lí sâu sắc.
6. “Kịch chính là một khám phá khác về chính mình” của người nghệ sĩ đa tài này. Do đó khám phá về “Thế giới nhân vật trong kịch Nguyễn Đình Thi” là một yêu cầu tất yếu để chúng ta có được cái nhìn toàn diện, đầy đủ và
đánh giá đúng mức về những đóng góp nghệ thuật của ông cho sự phát triển của thể loại kịch nói riêng và nền văn học Việt Nam hiện đại nói chung. Những đóng góp ấy một mặt thể hiện ở sự bổ sung, phát triển thêm những gì đã có, nhưng quan trọng hơn là những tìm tòi, cách tân của tác giả nhằm đổi mới nghệ thuật biên kịch và nâng cao dung lượng, sức chứa của tác phẩm, khiến cho mỗi tác phẩm không chỉ phản ánh được những nội dung cụ thể của hiện thực mà còn thể hiện tốt những vấn đề có tính chất triết lí, khái quát sâu rộng.