Biểu đồ 5: Số doanh nghiệp hoạt động và số thuế nộp ngân sách
2.3.5. Nhóm các vấn đề liên quan đến dịch vụ.
2.3.5.1. Các dịch vụ Khu Công nghiệp còn thiếu (nhà ở, trường học, ngân hàng...).
Một trong những yếu tố quan trọng làm hấp dẫn môi trường đầu tư vào các KCN là điều kiện cung cấp dịch vụ ở KCN còn thiếu. Vị trí các KCN ở vùng ngoại ô thành phố, hầu hết lao động, đặc biệt là các lao động có tay nghề cao đều ở trong nội độ, Trong điều kiện chưâ có những cơ sở hạ tầng xã hội như nhà ở, trường học, ngân hàng... ở gần khu vực KCN thì việc thu hút các nhà đầu tư cũng như thu hút lực lượng lao động có tay nghề cao còn là một vấn đề hết sức khó khăn.
2.3.5.2. Giá một số dịch vụ còn cao.
Bên cạnh phí quản lý cao ở KCN, các doanh nghiệp trong KCN nói riêng và tại Việt nam nói chung đang còn phải chịu cước dịch vụ rất cao so với các quốc gia khác (điện, nước, viễn thông, phí vận chuyển...). Điều này làm giảm ưu thế cạnh tranh trong việc thu hút các nhà đầu tư vào Việt nam nói chung và vào các KCN nói riêng.
2.3.5.3. Vấn đề tuyển dụng lao động còn nhiều bất cập.
Thị trường lao động đã có một số biến đổi cơ bản từ khi tiến hành cải cách kinh tế. Bộ Luật lao động đã được ban hành năm 1994 đã tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động trên thị trường này. Tuy vậy, nội dung Bộ luật lao động và các văn bản pháp lý liên quan khác còn quá thiên về việc bảo vệ quyền của người lao động, chưa tạo ra được tính linh hoạt trong thị trường, có phần làm cản trở quá trình chuyển đổi nền kinh tế. Những quy định quá chặt chẽ về tuyển dụng và thải hồi lao động đã làm cho chủ doanh nghiệp phải rất thận trọng trong việc tuyển người, gây khó khăn đối với việc di chuyển lao động và cơ cấu lại lao động. Những quy định
về hợp đồng lao động và tổ chức công đoàn, trên thực tế, chưa phù hợp với các doanh nghiệp quy mô nhỏ trong giai đoạn khởi nghiệp, khi mà chủ doanh nghiệp còn chưa khẳng định được vị trí của mình trên thị trường.
Chính sách thu nhập hiện nay cũng chưa đáp ứng được đòi hỏi của cả phía người lao động lẫn người sử dụng lao động. Quy định về mức lương tối thiểu chỉ mang lại lợi ích cho một bộ phận xã hội (những người đã có việc làm) và hạn chế cơ hội cho những người đang tìm việc. Tương tự như vậy, trong điều kiện hiện nay, vấn đề áp đặt tham gia bảo hiểm xã hội đối với cả những doanh nghiệp quy mô nhỏ với mức đóng góp tương đối lớn (15% quỹ lương) thực sự không khuyến khích được các nhà đầu tư thu hút thêm nhiều lao động mà họ sẽ tìm cách "trốn bảo hiểm" hoặc tăng giờ làm thêm chứ không nhận thêm lao động.
Trong giai đoạn đầu thực hiện chính sách mở cửa, nhiều người hy vọng rằng lực lượng lao động Việt nam sẽ là một yếu tố quan trọng trong việc thu hút đầu tư nước ngoài , điều này không hoàn toàn đúng. Lao động Việt nam chỉ nhiều về số lượng chứ không mạnh về chất lượng. Yếu tố này chỉ thu hút được đầu tư một số lĩnh vực cần nhiều lao động như dệt may, da giầy... Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính khu vực đã làm mất giá đồng tiền ở nhiều quốc gia và làm cho tiền lương tương đối ở những nước này giảm hẳn và lợi thế tiền lương thấp đã dịch chuyển về các quốc gia đó. Như vậy, cần sử dụng lợi thế về chất của lao động Việt nam, đó là sự nhanh nhẹn và khéo léo cùng trí tuệ của lao động. Những lợi thế này phải trải qua một qúa trình đào tạo, song chất lượng của hệ thống đào tạo ở Việt nam lại không đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài.
Một trong những trở ngại lớn nữa đối với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài là họ không được phép trực tiếp tuyển chọn lao động mà phải thông qua một tổ chức trung gian Việt nam (Theo Luật lao động và Nghị định 85/CP). Trở ngại này đã
được khắc phục một phần thông qua việc giới hạn thời gian trả lời của cơ quan chức năng (trong vòng 15 ngày).
Tiền lương tối thiểu được xác định nhằm mục tiêu không cho phép những người sử dụng lao động bóc lột quá mức người lao động. Nhưng, từ giác độ khác, cũng có thể đưa ra một số bất cập bởi quy định này , trong tình hình sức ép việc làm đang căng thẳng như hiện nay , nhu cầu việc làm còn rất lớn (kể cả việc thời vụ hoặc không đủ ngày) thì điều kiện này sẽ hạn chế các nhà đầu tư tuyển dụng thêm lao động.
Chính sách lao động hiện nay đang thiên về hướng bảo vệ người lao động đang có việc làm. Điều này hoàn toàn đúng với giác độ dài hạn , song trong tình hình tỷ lệ người lao động không có việc làm hoặc chưa sử dụng đủ thời gian lao động (như nông dân) thì chính sách này dã hạn chế khả năng tìm việc làm của một số người này. Nói cách khác, chính sách này đã làm giảm tính năng động và linh hoạt của thị trường lao động, có tác động xấu đến chất lượng lao động nói riêng và chất lượng của nền kinh tế nói chung.
Thuế thu nhập cá nhân hiện nay ở Việt Nam hầu như chỉ được áp dụng trong khu vực đầu tư nước ngoài. Điều đó tạo ra một môi trường cạnh tranh bất bình đẳng, có hại cho khu vực này. Hơn nữa, thuế suất lại cao nhất trong khu vực nên không thể thu hút được lao động có tay nghề cao. Điều đó không những hạn chế các ngành công nghệ tiên tiến mà còn hạn chế cả việc tuyển dụng lao động bình thường ở Việt Nam.
Bên cạnh những khó khăn về khung khổ pháp lý trong việc tuyển dụng lao động ( được trình bày ở phần trên ), việc tuyển dụng lao động ở Hà Nội cho các KCN cũng còn nhiều bất cập. Việt nam nói chung và Hà nội nói riêng có lục lượng lao động dồi dào , nhưng chỉ là lao động tay nghề thấp. Khả năng đáp ứng nhu cầu về lao động có tay nghề cao cho một số lĩnh vực, đặc biệt là các ngành công nghệ
cao đang còn yếu, các doanh nghiệp phải tự đào tạo lấy lao động của mình. Tuy vậy, do môi trường pháp lý ở Việt nam còn chưa hoàn chỉnh, ý thức pháp luật của người dân chưa cao nên vẫn còn tồn tại nguy cơ đối với các doanh nghiệp là việc lao động tự bỏ việc, ký hợp đồng với công ty khác sau khi được công ty cũ đào tạo .
2.3.5.4. Chưa có dịch vụ cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp.
Thông tin ngày càng trở nên một yếu tố quan trọng trong việc củng cố và nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Trong thời gian qua, dịch vụ cung cấp thông tin (pháp lý và thị trường) cho các doanh nghiệp còn rất yếu kém. Nguyên nhân có nhiều nhưng có lẽ quan trọng nhất là vấn đề nhận thức của cán bộ nhân viên, việc tuyên truyền pháp lý của các cơ quan chức năng và nguy hiểm hơn, một số công chức cố tình giữ (hoặc kìm) thông tin để hưởng lợi một cách bất hợp pháp.