Tăng cường công tác thanh kiểm tra hoạt động tín dụng toàn hệ thống để có giải pháp chấn chỉnh kịp thời, đặc biệt là cho vay BĐS, các vi phạm về các tỉ lệ an toàn trong hoạt động. Mặc dù chưa có qui định về giới hạn cho vay BĐS, song đối với từng ngân hàng cụ thể, thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra cần có những khuyến cáo đối với những ngân hàng có tỉ lệ cho vay BĐS quá cao có thể dẫn đến những rủi ro làm ảnh hưởng đến an toàn hệ thống.
Cho vay BĐS là hoạt động chứa đựng nhiều rủi ro, tuy nhiên, hoạt động này có vai trò quan trọng trong việc phát triển thị trường nhà đất và đóng góp lớn vào sự phát triển của kinh tế đất nước. NHNN không thể cấm, song cần có biện pháp kiểm soát hoạt động này. Từ Quyết định số 03 (2) đối với cho vay chứng khoán, NHNN cũng cần có qui định đối với cho vay BĐS, tuy nhiên, NHNN có thể kiểm soát cơ cấu dư nợ cho vay BĐS thông qua việc qui định tỉ lệ trích lập dự phòng rủi ro hoặc qui định tỉ lệ dư nợ BĐS tối đa trên tổng dư nợ.
4.3 Đối với cơ quan lập pháp
Các cơ quan lập pháp cần nghiên cứu một cách thấu đáo vấn đề trên cơ sở tham khảo ý kiến từ các đơn vị liên quan, trong đó có các ngân hàng trong việc xây dựng các qui định, hướng dẫn về hoạt động công chứng, chứng thực và đăng ký giao dịch bảo đảm.
Việc cho ra đời Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm là vấn đề hết sức cần thiết, các nghị định về giao dịch bảo đảm hiện nay trên thực tế đã không giải quyết được nhiều vấn đề của thực tế nêu ra. Cần xác định đây là vấn đề quan trọng, ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động của ngành Ngân hàng và của nền kinh tế. Về lâu dài, Bộ Tư pháp cần xây dựng một cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm thống nhất trên toàn quốc và một trung tâm có đầy đủ dữ liệu về các tài sản đã đăng ký nhằm giúp việc đăng ký dễ dàng, chính xác; tạo điều kiện cho các ngân hàng, cá nhân và tổ chức được tiếp cận để có thêm thông tin về tài sản khi thực hiện các giao dịch mua bán, chuyển nhượng, thế chấp.
Những bất cập nảy sinh từ sự chồng chéo giữa các văn bản qui phạm pháp luật đặt ra yêu cầu về sự thống nhất các qui định trong Luật Đất đai, Luật Nhà ở, các Nghị định và các Thông tư hướng dẫn liên quan đến công chứng, chứng thực và đăng ký giao dịch bảo đảm… mà trách nhiệm thuộc về Quốc hội và các Bộ liên quan. Bên cạnh đó, cần điều chỉnh theo hướng tạo điều kiện cho các ngân hàng quyền trong việc xử lý tài sản bảo đảm nhanh chóng, thuận lợi, giảm bớt chi phí về nhân lực, thời gian nhưng đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan. Việc xử lý tài sản bảo đảm dễ dàng cũng sẽ hạn chế tình trạng đảo nợ, giảm bớt chi phí trích lập dự phòng rủi ro và tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh ở các ngân hàng.
Chương 5: Kết luận
Cho vay bất động sản chứa đựng nhiều rủi ro mà mỗi ngân hàng luôn phải dè dặt và chú trọng hơn khi quyết định cho vay. Do vậy, mặc dù việc đẩy mạnh cho vay bất động sản là cần thiết góp phần phát triển thị trường bất động sản, song việc đẩy mạnh cần thận trọng và phù hợp với mỗi giai đoạn phát triển kinh tế kèm theo sự quản lý tốt chất lượng cho vay trước những rủi ro khó lường của hoạt động cho vay này là điều cần thiết.
Vì vậy, không chỉ riêng các ngân hàng thương mại, mà ngân hàng nhà nước và các cơ quan lập pháp cần có những biện pháp để giảm thiểu các rủi ro trong cho vay bất động sản gây thiệt hại cho nền kinh tế. Đối với Ngân hàng thương mại cần đánh giá lại khoản vay và cơ cấu lại nợ, hoàn thiện quy trình quản lý rủi ro và cho vay, nâng cao năng lực chuyên môn của cán bộ nhân viên, sử dụng các đòn bấy tài chính phù hợp,… Thêm vào đó, phải thường xuyên thực hiện nghiêm túc các quy định của Ngân hàng nhà nước và tuân thủ theo đúng pháp luật.