Các nhân tố chủ quan

Một phần của tài liệu NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ CHẤT LƯỢNG THẨM ĐỊNH TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP TRONG HOẠT ĐỘNG CHO VAY CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI (Trang 29 - 31)

- Ý thức, trình độ của cán bộ tín dụng: có ảnh hưởng trực tiếp đến công tác thẩm định tài chính doanh nghiệp. Nếu như các cán bộ thẩm định có mối quan hệ thân thiết với khách hàng và cho qua các bước thẩm định quan trọng thì hậu quả của nó có thể dẫn đến những thiệt hại to lớn tới ngân hàng. Vì vậy, cán bộ tín dụng cần có ý thức tốt về nghề nghiệp của mình thì hiệu quả đem lại sẽ toàn diện hơn. Tuy nhiên chỉ có ý thức thôi thì chưa đủ, mà còn phải kể đến trình độ của các cán bộ tín dụng, nó có ảnh hưởng mạnh mẽ tới kết quả thẩm định. Cán bộ tín dụng có trình độ phân tích tốt, nhanh nhạy và sắc bén trong công việc sẽ đánh giá được đúng đắn thực trạng tài chính doanh nghiệp.

- Quy trình thẩm định của ngân hàng: là tổng hợp các nguyên tắc, quy định của ngân hàng trong thẩm định. Cán bộ tín dụng khi thẩm định phải tuân thủ chặt chẽ các quy định, quy trình thẩm định. Quy trình thẩm định của ngân hàng phải chi tiết, rõ ràng, có hướng dẫn cụ thể để cán bộ tín dụng có thể định hướng tập trung vào vấn để cần phân tích nào và cuối cùng là đưa ra được quyết định có cấp tín dụng hay không, nếu có thì hạn mức là bao nhiêu?

- Cơ chế giám sát hoạt động tín dụng của ngân hàng: cũng là một nhân tố tác động đến chất lượng thẩm định tài chính doanh nghiệp của ngân hàng. Ngân hàng thực hiện kiểm tra, giám sát tốt thì sẽ hạn chế và khắc phục kịp thời những sai sót trong quá trình thực hiện công tác thẩm định. Nhờ vậy mà chất lượng của công tác thẩm định sẽ được nâng cao hơn.

- Sự phối hợp giữa các bộ phân tín dụng trong ngân hàng cũng đem lại chất lượng tốt hơn cho công tác thẩm định khách hàng nói chung và trong công tác thẩm định tài chính nói riêng. Nó vừa có tác dụng kiểm tra, giám sát lẫn nhau vừa có tác dụng cung cấp bổ sung những thông tin cần thiết cho quá trình thẩm định.

- Cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ cho công tác thẩm định: điều kiện làm việc và cơ sở vật chất có ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả thẩm định. Mỗi ngân hàng sẽ có phần mềm máy tính, trang thiết bị khác nhau. Ngân hàng nào biết cách đầu tư cho máy móc, trang thiết bị, xây dựng được các phần mềm máy tính chuẩn và thiết lập được quy trình thẩm định chặt chẽ thì công tác thẩm định sẽ đạt hiệu quả cao hơn.

- Số lần cán bộ tín dụng xuống cơ sở sản xuất: Như đã trình bày ở trên, nếu như cán bộ tín dụng chỉ thẩm định các báo cáo tài chính mà các doanh nghiệp xin vay vốn thì sẽ không phản ánh hết được tình hình tài chính của doanh nghiệp. Chính vì thế mà cán bộ tín dụng phải thường xuyên kiểm tra tình hình sản xuất của doanh nghiệp bằng cách tiếp xúc trực tiếp với chủ doanh nghiệp và xuống cơ sở sản xuất của doanh nghiệp để có những đánh giá chính xác về doanh nghiệp. Cán bộ thường xuyên xuống cơ sở sản xuất thì việc thu thập thông tin được cập nhật và chính xác hơn và dẫn tới chất lượng thẩm định được nâng cao.

- Tiến trình giải ngân vốn: Trong hợp đồng tín dụng thường xác định các điều kiện và kì hạn giải ngân. Thường với các khoản vay nhỏ và trong thời gian ngắn, ngân hàng cấp tiền vay một lần vào đầu kì. Còn đối với các khoản vay lớn và dài hạn thì ngân hàng cấp tiền theo kì hạn và với điều kiện cụ thể của mỗi lần cấp

vốn. Tiến trình giải ngân vốn phải phù hợp với món vay và thời hạn vay. Tiến trình giải ngân vốn phù hợp sẽ nâng cao được chất lượng thẩm định tài chính doanh nghiệp và ngược lại.

Một phần của tài liệu NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ CHẤT LƯỢNG THẨM ĐỊNH TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP TRONG HOẠT ĐỘNG CHO VAY CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI (Trang 29 - 31)